Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 4 năm 2018 | 10:42

Xử lý mạnh với “nạn” phân bón giả và kém chất lượng

Việc sử dụng phân bón kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế hàng tỷ USD, mà về lâu dài còn ảnh hưởng tới an ninh lương thực quốc gia.

2.JPG
Mô hình bưởi ở Tú Sơn (Hòa Bình) sử dụng phân bón cao cấp Sông Gianh-CN Urê hóa lỏng mang lại hiệu quả cao.

Sau gần 1 năm thực hiện Nghị định 108 về quản lý phân bón, đã có 1.200 sản phẩm phân bón kém chất lượng bị loại ra khỏi thị trường. Tuy vậy, đây vẫn là quá nhỏ so với thực tế.

Cuộc chiến mang tên phân bón

Việt Nam là nước nông nghiệp nên nhu cầu sử dụng phân bón rất lớn.

Tuy nhiên, những năm qua, thị trường này lại chưa được quan tâm đúng mức nên đã có những hộ nông dân mất trắng hàng tỷ đồng vì dùng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Cuối năm 2017, ông Trần Văn Thảo ở xã Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận) mua gần 10 bao phân để bón cho thanh long với giá gần 900.000 đồng/bao. Chỉ sau 10 ngày bón, hơn 1.600 trụ thanh long của  ông bị cháy toàn bộ. Gần 2 tỷ đồng đầu tư trong suốt 3 năm với hy vọng một vụ thu hoạch đầu tiên bội thu đã không còn. Đau xót, ông Thảo ra tận đại lý để hỏi nguyên nhân nhưng vô vọng.

Còn theo ông Đào Duy Linh, xã Mỹ Trà (TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp), người dân khó có thể phân biệt được đâu là phân bón thật hay giả, chỉ khi bón xuống không thấy cây trồng phát triển thì mới biết là đã sử dụng phân bón giả hoặc kém chất lượng.

Ông Trần Kim Khoán, Phó giám đốc kỹ thuật Tổng công ty Sông Gianh khu vực miền Bắc, cho biết, tình trạng sản xuất phân bón kém chất lượng những năm gần đây có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và quy mô, gây nhức nhối dư luận. Đây cũng chính là mối quan tâm lớn của bà con nông dân. Tác động của phân bón kém chất lượng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, đặc biệt là chất lượng nông sản, tác động xấu đến hệ sinh thái trong đất, nước và không khí. Chất lượng nông sản thấp, khó cạnh tranh trên thị trường và làm giảm thu nhập của nông dân. Từ đó, ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý người tiêu dùng và chính người sản xuất.

“Theo tôi, các đơn vị chức năng cần quyết liệt hơn nữa, không nể nang, né tránh, không nương tay với những cơ sở sản xuất khi chưa được cấp phép, các trường hợp bị xử phạt hành chính nặng, cần có biện pháp thu hồi giấy phép sản xuất, không nên chỉ phạt hành chính. Kiểm tra các điều kiện sản xuất nếu không đáp ứng đúng quy định thì không cho sản xuất, kể cả đơn vị đã được cấp giấy phép”, ông Trần Kim Khoán nêu ý kiến.

Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mỗi năm ngành nông nghiệp thiệt hại hàng tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói, có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón do không được trang bị kiến thức, lại có tâm lý thích chiết khấu hoa hồng cao nên vô tình tiếp tay cho việc tiêu thụ phân bón giả.

Xử lý nghiêm vụ phân bón Thuận Phong

Tại buổi đối thoại với nông dân tại TP. Hải Dương (Hải Dương) diễn ra mới đây, người dân đã đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trước thực trạng nạn phân bón giả, kém chất lượng.

1.JPG
Một góc nhà máy Phân bón Hà Gianh- Công nghệ Urê hóa lỏng.

 

Ông Nguyễn Văn Thế (Hưng Yên) nêu: Nạn phân bón giả, kém chất lượng đã gây  thiệt hại rất lớn về kinh tế cho nông dân. Mỗi năm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng đã gây thiệt hại hơn 2 tỷ USD với ngành nông nghiệp. Một trong những lý do là cơ quan chức năng buông lỏng quản lý và việc điều tra, xử lý còn chậm.

Ông Thế cho biết thêm, đơn cử như Công ty Thuận Phong (Đồng Nai) bị cho là có hành vi sản xuất phân bón giả gây thiệt hại rất lớn cho nông dân nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận xử lý… Xin Thủ tướng cho biết, Chính phủ có biện pháp gì để dẹp nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng hiện nay.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước đây, Bộ Công Thương quản lý về phân bón vô cơ. Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý về phân bón hữu cơ và phân bón khác. Tuy nhiên, hiện vấn đề phân bón đã được giao cho một đầu mối quản lý là Bộ Nông nghiệp và PTNT. Chính phủ cũng ban hành Nghị định 108 về quản lý phân bón.

Nghị định 108 quy định cụ thể, chặt chẽ các công đoạn từ khảo nghiệm, công nhận phân bón lưu hành, kiểm nghiệm, sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, sử dụng phân bón; đồng thời phân cấp cho địa phương thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón và chịu trách nhiệm về tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng xảy ra trên địa bàn.

Mặt khác, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón. Trong thời gian qua, để tăng cường quản lý chặt chẽ nhằm phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch chỉ đạo công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tổng kiểm tra, rà soát tất cả các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân sản xuất, xuất - nhập khẩu, kinh doanh phân bón. Từ đó, xác định doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, xác minh làm rõ các vụ việc phức tạp, nổi cộm để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, xuất - nhập khẩu, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Liên quan đến vụ phân bón Thuận Phong (Đồng Nai), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Thủ tướng đã giao Ban chỉ đạo 389, trực tiếp là Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm minh theo pháp luật và báo cáo Thủ tướng trong tháng 5/2018”.

1.200 sản phẩm bị loại bỏ khỏi thị trường

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, tính đến thời điểm này, số lượng sản phẩm phân bón được phép lưu hành ở Việt Nam là 14.174 sản phẩm, cả phân bón vô cơ và hữu cơ với 706 nhà máy sản xuất. Sản lượng phân bón vô cơ là 26,5 triệu tấn và phân hữu cơ khoảng 2,5 triệu tấn, cộng với nhập khẩu 4 triệu tấn/năm. Như vậy, tổng sản lượng phân bón là khoảng 33 triệu tấn, trong khi nhu cầu sử dụng phân bón chỉ khoảng 10-11 triệu tấn. Như vậy, số lượng sản xuất ra gấp hơn 3 lần so với nhu cầu sử dụng.

Lượng phân bón dư thừa lớn dẫn tới  hệ lụy là phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan, người dân khó nhận biết, chọn lựa. Chính vì vậy, Nghị định 108 ra đời nhằm siết chặt quản lý ngay từ đầu vào và tất cả các khâu trong sản xuất.

Về cơ sở sản xuất phân bón, đến thời điểm này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tiếp nhận 545 cơ sở và 268 nhà máy được phép gia công đóng gói lại sản phẩm. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã tiếp nhận toàn bộ 41 phòng thử nghiệm từ Bộ Công Thương. Sau khi tiếp quản, Cục đã rà soát tổng thể và chỉ định lại các phòng thử nghiệm, đến nay đã công nhận 12 phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn.

“Cục cũng đã xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, với 76 tiêu chuẩn để phục vụ cho thử nghiệm; hoàn tất các tiêu chuẩn lấy mẫu và sửa đổi các tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng phân bón vô cơ, hữu cơ, nếu không có gì thay đổi, tháng 5 này sẽ ban hành. Ngoài ra, đến nay chúng tôi đã công nhận và lưu hành được 4.000 sản phẩm và loại bỏ 1.200 sản phẩm không đạt yêu cầu. Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật cũng đang rà soát các cơ sở sản xuất phân bón để loại bỏ cơ sở không đủ điều kiện, các cơ sở sản xuất chui, lưu động”, Cục trưởng Hoàng Trung cho hay.

Ông Trung cho biết thêm, quản lý phân bón là lĩnh vực rất phức tạp, rất nhạy cảm, số loại sản phẩm phân bón đồ sộ, nhà máy nhiều vô kể và hiện nay tình trạng phân bón giả, kém chất lượng đang hiện hữu.

Về lâu  dài, để có những thay đổi căn bản, bên cạnh những hoạt động chuyên ngành, chúng ta cần tuyên truyền để nông dân thay đổi nhận thức sử dụng phân bón, chuyển dần từ sử dụng phân bón vô cơ sang phân bón hữu cơ để tạo ra những sản phẩm nông sản hữu cơ, an toàn.

Để quản lý tốt hơn đối với sản xuất và kinh doanh phân bón, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón. Theo đó, mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng. Kèm theo đó là các hình phạt bổ sung khác và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top