Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 12 năm 2021 | 16:8

Xuất khẩu cá tra dần phục hồi và nỗ lực không để thiếu nguyên liệu trong năm 2022

Để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu, năm 2022, ngành cá tra đang đặt kế hoạch đạt trên 5.200ha diện tích thả nuôi phát sinh; sản lượng cá tra thương phẩm đạt trên 1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỉ USD.

09_fqld.jpg
Thu hoạch cá tra thương phẩm.

 

Các tỉnh nuôi cá tra lớn nhất tại đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy mạnh sản xuất, không để thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu trong năm 2022.

Không để thiếu nguyên liệu

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN-PTNT), cho biết: Cả nước hiện có khoảng 96 cơ sở sản xuất giống cá tra, trong đó có 80 cơ sở đang hoạt động (số cơ sở sản xuất giống đang hoạt động là 80) và 2.289 cơ sở ương dưỡng giống cá tra. Sản lượng ước đạt khoảng 25 tỉ con cá tra bột và 3,1 tỉ con cá tra giống, bằng 62% so với cùng kỳ năm 2020.

Như vậy, số lượng cá giống thả nuôi năm 2021 đã giảm sút so với năm 2020. Nếu không đẩy mạnh tốc độ nuôi, thả, dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu trong quý I/2022 có thể thiếu hụt.

Để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu, năm 2022, ngành cá tra đang đặt kế hoạch đạt trên 5.200ha diện tích thả nuôi phát sinh; sản lượng cá tra thương phẩm đạt trên 1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỉ USD.

"Tổng cục Thủy sản đang đẩy mạnh chỉ đạo tổ chức sản xuất giống, vật tư đầu vào phục vụ nhu cầu thả nuôi trong tháng 12/2021 và các tháng đầu năm 2022; đẩy mạnh thả nuôi để đảm bảo nguyên liệu chế biến năm 2022. Với diện tích thả nuôi cá tra trong tháng 12 năm 2021 ước đạt 330ha, cần khoảng 200 triệu con giống” – Tổng cục trưởng Trần Đình Luân thông tin.

Hiện nay, các tỉnh Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp là những vùng nuôi cá tra lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm hơn 75% tổng sản lượng cá tra cả nước. Ngành cá tra tự kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu theo hướng sản xuất bền vững theo chuỗi.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, trên địa bàn tỉnh có 9 cơ sở sản xuất giống cá tra bột với tổng 41.823 con cá bố mẹ, năng lực cung cấp 12 tỉ bột/năm.

Dự báo dịch COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp, tỉnh An Giang đã xây dựng kế hoạch để chủ động sản xuất, kinh doanh để không thiếu hụt nguồn cung chế biến trong tháng cuối năm và năm 2022. Năm 2020, An Giang phấn đấu đạt sản lượng 440.000n tấn cá tra thương phẩm tấn, sản lượng bột đạt 12 tỉ, cá tra giống đạt 1.956 triệu con.

Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cũng đặt mục tiêu năm 2022, diện tích thả nuôi cá tra đạt 2.150ha (tăng 8,1% so với năm 2021), sản lượng dự kiến khoảng 480.000 tấn (tăng 4% so với năm 2021), sản lượng cá tra bột 24.000 triệu con (tăng 26,3%), sản lượng giống dự kiến khoảng 1.300 triệu con (tăng 18,1%)…

Xuất khẩu cá tra “vượt sóng” COVID-19

Theo Tổng cục Thủy sản, từ tháng 7-9/2021, hoạt động sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu đã bị ngừng trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngay sau khi bỏ giãn cách xã hội, chuyển từ “Zero COVID” sang thích ứng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, hoạt động sản xuất cá tra hồi phục nhanh chóng.

 

dt2-1a.jpg
Chế biến cá tra phục vụ nhu cầu xuất khẩu. (Ảnh tư liệu).

 

“Sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm ước đạt 4,75 triệu tấn, tăng khoảng 4,17% so với năm 2020. Trong đó sản lượng cá tra đạt khoảng 1,5 triệu tấn, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt trên 1,5 tỉ USD dù trong các tháng 7,8,9 mọi công đoạn sản xuất, chế biến bị ngưng trệ vì COVID-19” - ông Trần Đình Luân chia sẻ.

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân cho rằng, chủ động nguồn nguyên liệu và nhân lực lao động, kế hoạch sản xuất bài bản, đảm bảo lưu thông hàng hóa là những yếu tố quan trọng để ngành cá tra đạt được mức tăng trưởng sau khi bỏ giãn cách.

“Sau khi triển khai nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, hoạt động sản xuất tại các nhà máy chế biến cơ bản đã được khôi phục. Nhờ đó, hoạt động thả nuôi đã được đẩy mạnh góp phần thực hiện kế hoạch của ngành. Kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến 15/11/2021 đã đạt 1,3 tỉ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020” – Tổng cục trưởng Trần Đình Luân thông tin.

Nỗ lực phục hồi thị trường xuất khẩu

Những nỗ lực chuyển đổi từ zero Covid-19 sang sống chung, các nước trong khu vực ASEAN đang thận trọng mở cửa lại kinh tế. Điều này giúp cho việc xuất khẩu hàng hoá sang các nước này đang dần phục hồi, đặc biệt là các mặt hàng thuỷ sản như là cá tra.

Tính đến hết tháng 10/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường ASEAN đạt 94,2 triệu USD, giảm khoảng 17% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 cho tới nay, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường tiềm năng trong khu vực vẫn chưa thể phục hồi.

 

1131_dsc_1783.jpg
Chế biến cá tra XK tại Công ty Hùng Hậu.

 

10 tháng của năm 2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường lớn nhất trong khu vực ASEAN là Thái Lan vẫn giảm 6,42% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 43,6 triệu USD (chiếm 46,2% giá trị của toàn khối), tiếp đó là thị trường Singapore, Malaysia và Philipines.

Trước đại dịch, Singapore, Malaysia là hai thị trường mới nổi và hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam khi nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ ổn định và tăng trưởng mạnh.

Tính đến hết tháng 10/2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang Singapore đạt 20,6 triệu USD, giảm 29,4%; xuất khẩu sang Malaysia đạt 15,2 triệu USD, giảm 41,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh trong giai đoạn đầu, năm 2020, hai đất nước này bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19 khiến hoạt động giao thương gặp nhiều khó khăn. Mới đây, những nỗ lực chuyển đổi từ zero Covid-19 sang sống chung, các nước này cũng đang thận trọng mở cửa lại kinh tế trong bối cảnh cả thế giới đang lo lắng về biến thể Omicron.

Các chuyên gia kinh tế lạc quan dự báo rằng, kể từ đầu năm 2022, Singapore là quốc gia có tốc độ phục hồi và ổn định nhanh nhất khu vực và là cơ hội tốt để các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.

Trong khi một số nước nhập khẩu lớn cá tra trong khu vực giảm nhập khẩu cá tra thì Philippines và Indonesia là hai thị trường đáng chú ý trong năm nay. 10 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang Philippines tăng 33,3%, đạt 14 triệu USD; xuất khẩu cá tra sang Indonesia cũng đang trăng trưởng nhanh chóng.

Cho tới nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại ĐBSCL vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19. Điều này khiến cho toàn bộ tâm sức của các nhà máy tập trung cho phòng chống dịch bệnh, ổn định sản xuất.

Các chi phí sản xuất tăng cao, cước phí vận chuyển tăng kéo theo giá xuất khẩu cũng buộc phải điều chỉnh. Do đó, để gia tăng xuất khẩu, các doanh nghiệp cần chủ động kiểm soát được dịch bệnh để tiếp tục quay trở lại tăng cường xuất khẩu sang các thị trường lân cận nhu cầu đang phục hồi.

Giải pháp gỡ khó

Tại Hội nghị “Giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và năm 2022”, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho rằng, ngành cá tra có lợi thế, quy mô và tỷ suất hàng hóa cao được xây dựng theo chuỗi và có rất nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, vì vậy, cần tăng cường liên kết giữa các địa phương theo vùng, có sự điều hòa phối hợp từ công nhân đến nhà máy, người nuôi của các địa phương ra đến thị trường nước ngoài.

“Mỗi một địa phương có lợi thế khác nhau có thể sản xuất hoặc tham gia một khâu trong chuỗi các địa phương chúng ta ưu tiên sản xuất con giống vật nuôi hoặc chế biến. Các địa phương quan tâm tích cực hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ đã ban hành và có cơ chế chính sách để tăng cường hợp tác liên kết theo chuỗi thì chúng ta thấy rõ ràng qua khó khăn vừa rồi thì liên kết chuỗi là một trong những nội dung rất quan trọng đối với doanh nghiệp, Hiệp hội, người sản xuất. Đề nghị, thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện sử dụng thuốc, hóa chất để đảm bảo kiểm soát chất lượng của sản phẩm và tăng cường hợp tác liên kết liên kết, chúng ta nắm được thông tin từ thị trường điều tiết hoạt động sản xuất và như vậy sẽ thích ứng với những khó khăn dịch bệnh xảy ra”, ông Như Văn Cẩn nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam nêu ý kiến: “Tăng cường tháo gỡ khó khăn cho người nuôi cũng như doanh nghiệp chế biến xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi cú huých để sớm trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới; cải thiện chất lượng ngành hàng, cá tra, đầu tư và mở rộng kinh phí để triển khai chương trình giống 3 cấp dịch bệnh. Khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, cần xây dựng thị trường trong nước. Thời gian qua, một số doanh nghiệp tham gia xây dựng thị trường trong nước nhưng so với tiềm năng còn hạn chế. Bên cạnh đó, xây dựng hình ảnh Việt Nam ở thị trường truyền thống mà chúng ta đã bị suy giảm trong thời gian qua”.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản lưu ý, cần theo dõi sát diễn biến thị trường để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu, sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ. Đa dạng hóa sản phẩm theo hướng sản xuất sản phẩm tiện lợi cho tiêu dùng, trọng lượng phù hợp với bữa ăn gia đình và theo từng phân khúc thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động giao dịch thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

“Đối với quá trình nuôi thì cần phải có thời gian, chính vì thế, việc giải quyết trước mắt là các địa phương rà soát, cân đối lại số lượng trong các tháng tiếp theo có khả năng cung cấp nguyên liệu bao nhiêu để từ đó có giải pháp về mặt kỹ thuật để cung ứng được kịp thời nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu cũng phải giải quyết hiện nay. Đó là làm thế nào để ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho người nuôi tiếp tục liên kết như vừa qua. Cần hoàn thiện hơn nữa để chia lại các lợi nhuận giữa các mắt xích từ người nuôi đến các nhà máy chế biến để đảm bảo các bên đều có lợi trong quá trình sản xuất”, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh./.

 

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top