Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 7 năm 2021 | 14:32

Xuất khẩu lâm sản vượt “bão dịch” - một hiện tượng hiếm có

Bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh từ các quốc gia nói chung, trong nước nói riêng, hoạt động của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam vẫn vượt ngoài mong đợi... một hiện tượng hiếm có.

nganh-go2.jpg
Vận chuyển gỗ phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

 

Hiện tượng hiếm có

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, gỗ và các loại đạt 1,76 tỷ USD, tăng 23,6%; sản phẩm gỗ 6,35 tỷ USD, tăng 75,4%; lâm sản ngoài gỗ 0,6 tỷ USD, tăng 72,9%.

Đáng chú ý, nửa đầu năm nay, xuất siêu của ngành này ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 67,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng cục Lâm nghiệp dự báo năm 2021, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 15,5 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với năm 2020.

Trước kết quả trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, xuất khẩu lâm sản trong 6 tháng đầu năm 2021 là một hiện tượng hiếm có, đóng góp gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản. Đặc biệt, qua con số xuất siêu 7,2 tỷ USD cho thấy, giá trị gia tăng trong khâu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm gỗ đã thể hiện rất rõ

Thứ trưởng cũng khẳng định, những số liệu thể hiện rõ chuỗi giá trị lâm nghiệp bền vững, từ tạo vùng nguyên liệu đến khai thác và chế biến.

Song, 6 tháng cuối năm, ông đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp và toàn ngành tuyệt đối không chủ quan. Cần xây dựng cụ thể các kịch bản để ứng phó kịp thời với tất cả các hiện tượng thời tiết, thiên tai, dịch bệnh và các diễn biến phức tạp của thị trường, không để bị động, lúng túng.

Công tác phát triển rừng cần phấn đấu hoàn thành và vượt mức để phát triển ngành từ gốc, tạo nguồn nguyên liệu chế biến. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hiệp hội để có giải pháp tránh đứt gãy chuỗi lưu thông sản phẩm, quan tâm thị trường trong nước, Thứ trưởng Doanh nhấn mạnh.

Tận dụng lợi thế

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021 ngành gỗ nhận 23 dự án mới từ 9 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng số vốn 136,056 triệu USD; 10 lượt tăng vốn với tổng vốn tăng đạt 45,28 triệu USD; 26 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn 41,14 triệu USD. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc với 12 dự án, tổng vốn đầu tư 29,26 triệu USD; Hàn Quốc với 2 dự án, tổng vốn 8,14 triệu USD; Nhật Bản với 2 dự án, tổng vốn 1,265 triệu USD…

 

1592859390000_fa302b5f9d9124439be553b2e20e05a5.jpg
Các sản phẩm gỗ có nhiều lợi thế trên thị trường.

 

Về mặt hàng, sản xuất giường, tủ, bàn ghế thu hút 16 dự án, với tổng vốn đầu tư 46,53 triệu USD. Trong đó Trung Quốc đầu tư 12 dự án với tổng vốn 29,26 triệu USD. Các nước còn lại như: Belize, BritishVirginIslands, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đều đầu tư 1 dự án; cưa bào, xẻ có 1 dự án do Nhật Bản đầu tư với vốn 865,8 nghìn USD; pallet gỗ với 1 dự án do Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư, vốn 500 nghìn USD.

Theo thống kê hải quan, tính đến hết tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt hơn 6,42 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 4,96 tỷ USD, tăng gần 57% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là con số xuất khẩu cao kỷ lục, vượt lên những tác động do dịch Covid-19 mang lại, trong khi nhiều ngành hàng khác vẫn đang ngập trong khó khăn.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA): " Lợi thế của Việt Nam là có môi trường sản xuất an toàn nhờ kiểm soát dịch Covid-19 một cách chặt chẽ trong khi hàng loạt quốc gia phải tạm dừng sản xuất, đóng cửa nhà máy. Mặt khác, các doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất Việt Nam có khả năng nhận diện thị trường tốt và tận dụng các cơ hội khá hiệu quả".

Những tín hiệu tích cực

Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products) chia sẻ, trong năm nay công ty còn có thêm một số khách hàng mới ở thị trường Mỹ dẫn đến đơn hàng năm 2021 đã tăng khoảng 30% so với thời điểm này của năm 2019. Những khách hàng này là khách hàng dịch chuyển từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam. Do đó, công ty Việt Products cũng đã chuẩn bị lực lượng lao động đủ để thực hiện các đơn hàng này cho đến cuối năm 2021.

Cũng như vậy, nhiều doanh nghiệp và chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, mỹ nghệ thuộc Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Hồ Chí Minh (HAWA) cũng đã nhận đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài cho đến cuối năm 2021. Đây là bước tăng trưởng khá tốt của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ so với trước thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Chánh Phương cho biết.

"Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 17 triệu USD, tăng khoảng 15% so với năm 2020 nhưng mới hết tháng 2 đã hoàn thành được gần 50% kế hoạch", Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Gỗ Đức Thành thông báo và cho biết sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Gỗ Đức Thành là gỗ gia dụng, nhà bếp, đồ chơi trẻ em…

"Về khách quan, dịch Covid-19 khiến người dân các nước ở nhà thường xuyên hơn và có nhu cầu mua sắm, sử dụng sản phẩm gia đình nhiều hơn. Về chủ quan, những nhà mua hàng bị đứt gãy chuỗi cung ứng với thị trường Trung Quốc nên chuyển qua Việt Nam. Ngoài ra, một số nhà mua hàng lớn tăng mua hàng của doanh nghiệp Việt vì an tâm về chất lượng sản phẩm", bà Diệp lý giải. Theo bà, cũng nhờ xu hướng chuyển dịch này, cộng với việc tham gia gian hàng trên "showroom trực tuyến" HOPE, Gỗ Đức Thành đã phát triển được nhiều khách hàng mới.

Bà Phạm Thị Hồng Quang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Nguồn Việt cho biết, những tháng đầu năm 2021 đơn hàng công ty nhận được vẫn tiếp tục tăng vì các nhà nhập khẩu nước ngoài đã bắt đầu mùa mua hàng mới phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm. Theo bà Quang, khi nhận định dịch Covid-19 có thể là cơ hội cho sản phẩm đồ gỗ và nội thất, công ty đã tiến hành cải tiến nhà máy sản xuất, đầu tư chuyên sâu về công nghệ để nâng cao năng suất. Đồng thời, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, đa chức năng,  phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong thời dịch.

Ông Trần Lam Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành HAWA, nêu tín hiệu tốt cho ngành gỗ là nếu như 3 năm trước, các nhà mua hàng thế giới khi xếp lịch đến tìm hiểu nơi sản xuất thường sẽ chọn tới Trung Quốc trước, sau đó mới đến Việt Nam thì hiện nay đã ngược lại. Nguyên nhân là nhờ doanh nghiệp Việt gần đây có sự thay đổi rất lớn về mẫu mã và phong cách bán hàng, đồng thời bắt kịp những tiêu chuẩn xuất khẩu và chủ động marketing sản phẩm.

DN chủ động và sáng tạo

Hiện, doanh nghiệp ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Do đó, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, khách hàng nước ngoài tin tưởng tìm nguồn cung tại Việt Nam ngày một tăng.

 

a-2329.jpg
Các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải nỗ lực, sáng tạo nâng cao công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm.

 

Chính vì vậy, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải nỗ lực, sáng tạo nâng cao công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm. Đặc biệt chú ý trọng tới xu hướng và nhu cầu của khách hàng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động ngăn ngừa giả mạo xuất xứ, bởi các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam như: Mỹ, EU, Canada… rất khắt khe về gian lận thương mại và trốn thuế. Đáng chú ý, chi phí logistics tăng cao giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngành gỗ trong thời gian tới. Do đó, cần có biện pháp tạo kênh liên kết, để kết nối các hãng tàu lớn trong và ngoài nước với nhau nhằm ổn định giá cước vận chuyển trong xuất nhập khẩu.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa, về lĩnh vực khai thác lâm sản, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung 6 tháng đầu năm đạt khoảng 6,8 triệu mét khối, đạt 114% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, đã công nhận 13 giống cây trồng lâm nghiệp mới có năng suất, chất lượng cao. Diện tích rừng trồng mới tập trung là 108.258ha, ước cả năm trồng được 260.000ha, đạt 100% kế hoạch năm.

Hiện tại, Việt Nam là nước xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ở vị trí thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á. Dịch vụ môi trường rừng thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững – trở thành một trong 10 thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Khu Đông Thủ đô dần trở thành tâm điểm của các sự kiện đẳng cấp quốc tế

    Khu Đông Thủ đô dần trở thành tâm điểm của các sự kiện đẳng cấp quốc tế

    Trung tâm thương mại kết hợp Trung tâm hội nghị - tiệc cưới lớn nhất Việt Nam và Nhà hát quy mô “khủng” 10.000 chỗ sẽ sớm hiện diện tại “thành phố điểm đến” phía Đông Hà Nội, hứa hẹn trở thành tâm điểm của các sự kiện đẳng cấp, mang lại những trải nghiệm độc đáo, mới mẻ thu hút du khách đổ về Ocean City.

  • Agribank dành hơn 180.000 tỷ đồng vốn ưu đãi lãi suất thấp hỗ trợ khách hàng sản xuất, kinh doanh

    Agribank dành hơn 180.000 tỷ đồng vốn ưu đãi lãi suất thấp hỗ trợ khách hàng sản xuất, kinh doanh

    Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, với vai trò tiên phong trong việc thực thi nghiêm túc, có hiệu quả chính sách tiền tệ và chính sách tín dụng thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Agribank đã chủ động, linh hoạt cung ứng hơn 180.000 tỷ đồng vốn ưu đãi triển khai 10 chương trình tín dụng lãi suất thấp dành cho khách hàng, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

  • Khi ngân hàng cá nhân hóa trải nghiệm thanh toán cho người dùng

    Khi ngân hàng cá nhân hóa trải nghiệm thanh toán cho người dùng

    Từ việc cung cấp sản phẩm được tùy chỉnh theo nhu cầu của khách hàng, đến việc áp dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra trải nghiệm thanh toán mượt mà và linh hoạt hơn, VPBank đã mang lại một cách tiếp cận mới mẻ trong quản lý tài chính cá nhân với tấm thẻ đa năng VPBank Flex.

Top