Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 1 tháng 3 năm 2017 | 8:21

100.000 tỷ đồng cho NNCNC là từ vốn của NHNN

Chiều nay (01/3), Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Bộ trưởng cho biết, sản xuất nông nghiệp ổn định. Tính đến ngày 15/02/2017, cả nước đã gieo cấy hơn 2,6 triệu ha lúa đông xuân, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng chăn nuôi lợn, hiện giá thịt lợn dù vẫn thấp hơn giá thành nhưng đang tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết Nguyên đán (giá lợn hơi dao động ở mức 33.000-36.000 đồng/kg).

Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục được kiểm soát, trong tháng 02 năm 2017 chỉ tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 0,69% so với tháng 12/2016.

Xuất nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm ước đạt 27,34 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ tăng 2,9%). Kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm ước đạt 27,4 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) và gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Dũng cho biết, tại hội nghị đầu xuân ngày mùng 6 tháng giêng năm Đinh Dậu, Thủ tướng dự khai trương dự án khu nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam, Thủ tướng có nói sẽ dành gói tín dụng 100.000 tỷ hỗ trợ DN thực hiện nhiệm vụ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, phải hiểu gói 100.000 tỷ này không phải là gói tái cấp từ vốn ngân sách Nhà nước mà là Ngân hàng Nhà nước phải chủ trì, chủ động giao nhiệm vụ cho các ngân hàng thương mại dành một gói tín dụng với lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5-1,5% để tạo điều kiện cho các DN vay đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Chủ trương là xã hội hóa đầu tư hạ tầng, xã hội hóa đầu tư vốn, đầu tư tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi nhất. Trong đó có việc tập trung sửa Nghị định 210, Nghị định 59, chủ trương mở rộng hạn điền để báo cáo Quốc hội sửa Luật Đất đai hay nói cách khác là tích tụ ruộng đất. Thay vì sản xuất manh mún, đất giao lâu dài cho người dân thì giao nhiệm vụ cho các chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ thuê lại đất của dân để giao cho DN đầu tư trên phương thức sử dụng hiệu quả nhất, đồng thời tái cơ cấu lao động ở trong khu vực nông thôn. Nói cách khác, DN chỉ làm lõi, làm nòng cốt.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu triển khai các HTX, các mô hình tổ hợp thực hiện các vệ tinh. DN cung cấp giống, cung cấp kỹ thuật, cung cấp công nghệ và hướng dẫn quy trình để tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm có giá trị, từ đó có thể thu mua sản phẩm của HTX, người dân. Như thế sẽ tạo vùng sản xuất với sản lượng, chất lượng cung cấp cho thị trường như mong đợi của người dân, của thị trường.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nhấn mạnh: Cách hiểu là như vậy chứ không phải chúng ta hiểu 100.000 tỷ như tái cấp vốn tín dụng như gói 30.000 tỷ để đầu tư nhà ở. Rất mừng là báo chí rất quan tâm vấn đề này và mong các cơ quan báo chí thông báo và truyền tải nhiều DN, nhiều điển hình, nhiều tổ hợp, nhiều gia đình, nhiều địa phương làm tốt vấn đề này để cùng nhau học tập, cùng nhau thay đổi cách thức truyền thống làm ăn xưa để có những tiếp cận kinh tế thị trường theo hiệu quả kinh doanh trên thửa đất của mình. Đặc biệt là mang lại lợi ích cho người dân tốt nhất.

D.Thanh

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    Trước tình trạng hạn, mặn ngày càng diễn ra nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất đã thích ứng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu được dự báo sớm và biết cách thích ứng tốt, nông dân vẫn có thể sống khỏe giữa hạn, mặn.

  • Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất đai bằng phẳng, những năm qua người dân xã Phúc Trạch, xã Hương Khê (Hà Tĩnh) không ngừng mở rộng diện tích trồng cây gió trầm. Với nhiều chính sách khuyến khích trong đầu tư phát triển kinh tế, nhất là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, cây gió trầm đã góp phần quan trọng giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

  • Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình là địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Nếu kết hợp hiệu quả giữa nuôi cá lồng và du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình sẽ là hướng phát triển kinh tế bền vững.

Top