Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 6 năm 2023 | 10:5

Biến vườn tạp thành trang trại nuôi gà khép kín

Từ khu đất cấy lúa kém hiệu quả, chuyển sang trồng rau màu, nuôi gà rồi xây dựng trang trại gà khép kín, anh Bùi Văn Phương đã áp dụng nuôi gà công nghệ cao trong chuồng lạnh thành công, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Tích lũy kinh nghiệm từ chăn nuôi thủ công

Chúng tôi đến thăm trang trại gà của gia đình anh Bùi Văn Phương và chị Phùng Thị Dương (thôn Giang Khẩu, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) vào một ngày đầu tháng 6. Trải qua nhiều khó khăn, vất vả ngày đầu lập nghiệp, gia đình anh Phương đã tập trung nguồn lực phát triển chăn nuôi, trở thành tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương.

Liên kết chăn nuôi với  doanh nghiệp giúp việc sản xuất của gia đình anh Phương ổn định hơn về đầu ra.

Chia sẻ về khoảng thời gian hai vợ chồng lập nghiệp từ vùng đất bãi bồi ven sông Thái Bình cấy lúa kém hiệu quả, anh Phương cho biết: nhờ cần cù, chịu khó, gia đình đã “hồi sinh” cho vùng đất. Anh kể: “Sau khi nhận chuyện nhượng lại phần diện tích 1.800m2 (5 sào Bắc Bộ), năm 2003, gia đình tôi bắt đầu cấy lúa. Tuy nhiên, vì đây là phần đất trũng nên năng suất lúa đạt thấp, khi thì mất mùa, chi phí sản xuất khá cao. Năm 2008, tôi bơm cát, đổ đất vào cải tạo trồng cây ăn quả và rau màu, nhưng cũng thất bại, hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp”.

Năm 2013, từ số vốn nhỏ ban đầu, anh chị quyết định cải tạo vườn, chuyển hẳn sang nuôi 1.000 con gà thả vườn. Đàn gà được nuôi quay vòng, bán với giá trung bình 70.000-85.000 đồng/kg, nuôi đến đâu xuất bán ra thị trường đến đó. Gà thả vườn được thương lái các địa phương lân cận tìm về thu mua với giá ổn định, nhiều lúc còn không đủ cung cấp ra thị trường.

Nhận thấy việc chăn nuôi gà mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, mặc dù trong suốt quá trình chăn nuôi, vợ chồng anh không gặp rủi ro gì, nhưng hình thức chăn nuôi cũng chỉ là thủ công, chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Sau nhiều năm gắn bó với việc chăn nuôi gà, cùng với sự cần cù chịu khó, ham học hỏi, anh chị quyết định đầu tư lớn, thay đổi mô hình chăn nuôi và chọn hình thức liên kết chăn nuôi gà thịt là hướng đi tiếp theo. Theo tính toán của anh, mô hình liên kết chăn nuôi gà thịt dần trở thành  xu hướng phát triển kinh tế của bà con nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định.

Nuôi gà trại lạnh giúp hạn chế được dịch bệnh.

Liên kết nuôi gà trong trại lạnh

Năm 2021, anh Phương vay mượn vốn từ người thân và số tiền vợ chồng tích cóp được đầu tư xây dựng trang trại ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Số tiền đầu tư xây dựng trang trại lạnh khép kín lên đến 850 triệu đồng, tường xung quanh được thiết kế hệ thống máy lạnh cùng với những chiếc quạt thông gió, giúp nhiệt độ chuồng nuôi luôn ổn định.

Bên trong trại gà, hệ thống máng nước tự động, khay để thức ăn, hệ thống điện chiếu sáng, máy phát điện dự phòng… được sắp xếp hợp lý, phù hợp với từng ô ngăn cách, tạo không gian thoải mái cho đàn gà. Cùng với đó là hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường, chuồng trại thông thoáng.

Anh Phương cho biết, khi hệ thống chuồng nuôi gà chuồng lạnh khép kín hoàn thành, anh  ký hợp đồng liên kết với Công ty CP Sản xuất và Thương mại Đại An Tín đầu tư mô hình liên kết chăn nuôi gà gia công. Công ty chịu trách nhiệm cung cấp con giống, thức ăn, thuốc phòng trừ dịch bệnh cho đàn gà và hướng dẫn kỹ thuật. Hộ gia đình chỉ đầu tư chuồng trại ban đầu, hàng ngày chăm sóc, cho gà ăn và phòng dịch theo hướng dẫn. Có cán bộ kỹ thuật xuống trang trại hướng dẫn, kiểm tra quy trình chăn nuôi thường xuyên.

Sau khi ký hợp đồng liên kết chăn nuôi, đầu năm 2022, anh Phương bắt đầu đưa 7.000 con gà vào nuôi. Gà nuôi sau 3,5 tháng thì xuất bán, mỗi con gà có trọng lượng khoảng 2,2 - 2,5 kg. Khi xuất chuồng đạt khoảng 13 tấn/lứa, đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm của công ty. Với 3 lứa gà trong năm, anh xuất bán ra thị trường khoảng 40 tấn gà thương phẩm, lợi nhuận đạt 150 triệu đồng/năm.

Theo anh Phương, nuôi theo kiểu chuồng lạnh sẽ giảm thiểu rủi ro, cách ly với nguồn dịch bệnh. Đặc biệt, mô hình nuôi gà theo kiểu chuồng lạnh sẽ hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan và thiệt hại không đáng có cho người nông dân khi có dịch cúm bùng phát. Tuy nhiên, việc nuôi gà trong trại lạnh cũng phải đặc biệt chăm sóc cẩn thận về nhiệt độ, việc giữ đúng nhiệt độ còn giúp cho việc chăm sóc gà theo từng giai đoạn được thuận lợi, thức ăn, nước uống được cung cấp đầy đủ, đúng giờ. Khi có sự cố mất điện, phải dùng máy phát điện kịp thời, tránh để nhiệt độ tăng cao, gà sẽ bị chết.

Ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch Hội nông dân kiêm Chủ tịch Hội Làm vườn xã Đại Thắng,  cho biết: “Mô hình chăn nuôi gà trại lạnh của gia đình anh Phương được nuôi theo quy trình khép kín với số lượng lớn, hiện trên địa bàn xã có 4 trang trại lạnh giống mô hình của anh Phương. Trước đây, các hộ dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung, sau dần chuyển sang chăn nuôi trang trại – gia trại đảm bảo an toàn dịch bệnh. Việc gia đình anh Phương cùng một số hộ dân khác trên địa bàn xã chủ động liên kết với doanh nghiệp để chăn nuôi gà giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo vệ sinh, an toàn về dịch bệnh. Hơn nữa, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng đảm bảo cho người chăn nuôi hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh, giá cả không ổn định. Đồng thời, định hướng chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng các vật nuôi chủ lực là lợn và gia cầm, giúp người dân tăng thu nhập, vươn lên làm giàu.

Đến nay, mô hình chăn nuôi gà trong trại lạnh, liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra sản phẩm đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh Phương. Đây cũng được xem là phương thức hợp tác liên kết đôi bên cùng có lợi, hướng đi phát triển bền vững trong chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top