Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 9 năm 2023 | 10:35

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Ngày 02/08/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 - 2025.

Chuyển đổi số trong XDNTM để từng bước hình thành NTM thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần đưa Chương trình XDNTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Trên cơ sở kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện kết quả các chương trình, dự án về công nghệ thông tin, chuyển đổi số do Bộ Nông nghiệp - PTNT và các cơ quan liên quan đã và đang triển khai, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.

Bài 1: Hình thành NTM thông minh

Đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và XDNTM nói riêng là giải pháp của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT trong thực hiện Định hướng xây dựng nông thôn hiện đại nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong XDNTM là giải pháp tối ưu, xu hướng tất yếu để phát huy hiệu quả tiềm năng của nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh hiện nay.

Đây có thể xem là “bước đi đột phá”, mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng sử dụng như người sản xuất, người tiêu dùng, cơ quan kiểm dịch, cơ quan quản lý... Ngành Nông nghiệp, các địa phương thu hút, lan tỏa  ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất, XDNTM.

“Làng thông minh” đang được xem là một giải pháp hữu hiệu góp phần hiện đại hóa khu vực nông thôn châu Âu. Nguồn: smart-rural-intergroup.eu

Mục tiêu

Theo Văn phòng điều phối NTM Trung ương, thôn/làng thông minh là một cộng đồng xóm, thôn ở các xã vùng nông thôn sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội để địa phương phát triển bền vững. Muốn xây dựng xã NTM thông minh thì trước hết phải xây dựng các thôn/làng NTM thông minh.

Chuyển đổi số trong XDNTM góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Đối với người dân: Chuyển đổi số giúp bình đẳng hơn về cơ hội tiếp cận các dịch vụ, đào tạo, tri thức. Người dân được chính quyền thấu hiểu và phục vụ tốt hơn nhờ vào dữ liệu và công nghệ số, tham gia các hoạt động học tập, kinh doanh, giải trí, tư vấn, chăm sóc sức khỏe... mà không phụ thuộc vào vị trí, khoảng cách địa lý.

Đối với doanh nghiệp: Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số là giảm chi phí vận hành, tiếp cận và mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, phản ứng nhạy bén với sự thay đổi của thị trường, tăng năng suất lao động và tăng lợi nhuận. Chuyển đổi số dẫn đến sự xuất hiện những mô hình kinh doanh mới, những thị trường mới mà trong đó sự linh hoạt và sáng tạo mới là yếu tố quyết định thành công.

Đối với chính quyền: Chuyển đổi số giúp hoạt động hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn. Chính quyền hoạt động trên môi trường số để cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn.

Đối với xã hội: Chuyển đổi số tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân thông qua hệ thống giáo dục thông minh, y tế thông minh.

Từ mô hình làng thông minh ở châu Âu

Từ năm 2016, Ủy ban châu Âu (EC) đã khởi động chính sách thí điểm xây dựng “làng thông minh (Smart Village)” giai đoạn 2016 - 2020 tại một số quốc gia với tên gọi: “Châu Âu hành động vì làng thông minh”, dựa trên công nghệ kết nối với các giá trị bản địa nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị châu Âu, giúp người dân nông thôn có công ăn việc làm và cuộc sống ấm no.

Theo Nghị viện châu Âu, làng thông minh là cộng đồng xóm, thôn, xã ở các vùng nông thôn sử dụng các giải pháp sáng tạo dựa trên các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển và thực hiện chiến lược nhằm cải thiện kinh tế, xã hội và môi trường thông qua việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số.

Lắp đặt mạng lưới cáp quang cho "Làng thông minh" ở Áo. Nguồn: smart-villages.eu

Nhằm tiếp tục thúc đẩy triển khai chương trình, tháng 4/2018, EC đưa ra Tuyên bố Bled (Slovenia) khẳng định tầm quan trọng của việc triển khai các sáng kiến “làng thông minh”. Theo đó, việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số theo hướng tích hợp, đổi mới và sáng tạo sẽ là công cụ đưa “làng thông minh” trở thành nơi đáng sống. Việc phát triển các mô hình kinh doanh và các nền tảng công nghệ kỹ thuật số trong nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ được EU khuyến khích đối với các giải pháp phát triển “làng thông minh”. Trong tuyên bố này, EU một lần nữa nhấn mạnh khu vực nông thôn sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp bởi việc áp dụng các thành tựu công nghệ (nền tảng kỹ thuật số, y tế điện tử, quản trị điện tử…, các ứng dụng trong nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế dựa trên sinh học, du lịch nông thôn, đổi mới xã hội).

Theo đánh giá của Nông thôn châu Âu số 26, các làng thông minh sẽ tạo ra 5 động lực chính: thứ nhất, ứng phó với tình trạng giảm dân số và thay đổi nhân khẩu học; thứ hai, tìm kiếm các giải pháp để cắt giảm kinh phí công và tập trung hóa các dịch vụ công; thứ ba, khai thác mối liên kết với các thị trấn, thành phố nhỏ; thứ tư, phát huy tối đa vai trò của khu vực nông thôn trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế vòng tròn, cácbon thấp; thứ năm, thúc đẩy chuyển đổi số khu vực nông thôn.

N.Viswanadham và S.Vedula cho rằng, hệ sinh thái làng thông minh được xây dựng trên khuôn khổ STERM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Quy định và Quản lý). Hệ sinh thái làng thông minh được hình thành từ sự đồng phát triển của 4 lĩnh vực: Chuỗi dịch vụ, công nghệ và cơ chế cung cấp dịch vụ, các thể chế ảnh hưởng đến quản trị và các quy định, nguồn lực và quản lý chúng. Cách tiếp cận hệ sinh thái này tích hợp tất cả các tổ chức có trách nhiệm, các nguồn lực cần thiết, các dịch vụ được cung cấp, các cơ chế và công nghệ cung cấp dịch vụ.

Thí điểm mô hình “làng/xã thông minh” tại xã Quảng Thọ (Quảng Điền-Thừa Thiên Huế) trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Triều Quyền

Đến xây dựng nông thôn thông minh...

Ở Việt Nam, “làng thông minh” có thể được hiểu thống nhất là một cộng đồng xóm, thôn, xã ở nông thôn sử dụng giải pháp sáng tạo dựa trên thế mạnh và cơ hội của địa phương, với cách tiếp cận có sự tham gia, chia sẻ để phát triển và thực hiện chiến lược kinh tế, xã hội nhằm cải thiện điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường.

Trong “làng thông minh”, các giá trị truyền thống và dịch vụ mới được tăng cường bằng các phương tiện kỹ thuật số, công nghệ viễn thông, đổi mới sáng tạo và việc sử dụng tri thức tốt hơn, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Mô hình “làng thông minh” ở Việt Nam đang có những tín hiệu khởi động cho giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2030 - 2045. Các làng thông minh tuy ở vùng nông thôn nhưng sẽ không thua kém đô thị về sức sản xuất,  năng suất lao động, tính cạnh tranh, an sinh và hưởng các dịch vụ xã hội, góp phần tạo ra không gian đáng sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị nếu được đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ kết nối. Đặc biệt, mô hình này còn tạo động lực cho các lĩnh vực du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe, du lịch y tế, du lịch trải nghiệm, du lịch nghiên cứu... cùng phát triển.

Điển hình là mô hình “làng thông minh” ở xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) và xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc) của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngày 18/08/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành Kế hoạch số 265/KH-UBND về xây dựng mô hình “Xã thông minh”, triển khai thí điểm tại 2 xã Quảng Thọ, Vinh Hưng, dựa trên 3 trụ cột chính: Thiết chế thông minh, Con người thông minh và Công nghệ thông minh. Nội dung kế hoạch bao gồm: hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số; xây dựng các hệ thống thông tin tích hợp phục vụ cho xã hội số; xây dựng mô hình hợp tác xã số, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ số và từng bước triển khai một số dịch vụ cho kinh tế số nông thôn.

Đến nay, mô hình “làng thông minh” ở Thừa Thiên - Huế đã đạt một số kết quả nhất định. Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh (HueCIT), Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (HueIOC) cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức ra mắt và bàn giao các sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin - một phần của mô hình xã thông minh - cho UBND xã Quảng Thọ cuối tháng 3/2021. Ngoài ra, HueCIT đã bàn giao Trang thông tin tổng hợp xã thông minh (http://quangtho.huecit.com/) và chuyên trang Hợp tác xã số (http://htxquangtho1.huecit.com) tích hợp thêm chức năng thương mại điện tử. Đây là bước tạo đà cho việc triển khai giải pháp quản trị hợp tác xã thông minh, quản lý sản xuất và hỗ trợ ra quyết định; ứng dụng hệ thống quan trắc môi trường thời gian thực và hỗ trợ điều hành, quản lý sản xuất nông nghiệp.

Huyện Quảng Điền đầu tư cho xã Quảng Thọ xây dựng phòng quản lý điều hành thông minh, 7 điểm phát wifi miễn phí ở 8 thôn; lắp đặt gần 20 camera an ninh (trong đó có 3 camera thông minh) để giám sát trên các trục chính tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn và các cơ quan, trường học với nhiệm vụ kết nối thông tin, dữ liệu, dịch vụ, hạ tầng toàn diện.

Mô hình “làng thông minh” tại Thừa Thiên - Huế bước đầu phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân, như: giúp người dân chủ động ứng phó với thiên tai, mưa bão; giám sát môi trường để phục vụ nuôi trồng thủy hải sản; quảng bá hệ thống du lịch bằng công nghệ thực tế ảo nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương; giúp công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả;... Đặc biệt, sau khi đưa vào hoạt động mô hình xã thông minh, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm.

Công nghệ AI ngày càng được sáng tạo và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó có cả sản xuất nông nghiệp.

...Nông nghiệp thông minh

Nhiều năm trở lại đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh không còn xa lạ với nông dân. Từ những trang trại “chăn nuôi không người”, “trang trại tự động”, “sàn thương mại điện tử”… có thể xem là thành công bước đầu của nông dân thời kỳ 4.0 khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất hàng hóa.

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh là một trong những đơn vị đi đầu trong việc nắm bắt xu thế chuyển đổi số. Trung tâm đã xây dựng nhiều nhóm mạng xã hội Zalo theo lĩnh vực, nhiệm vụ như Khuyến nông Quảng Ninh, Khuyến ngư, Câu lạc bộ nuôi tôm an toàn... nhằm kết nối, trao đổi một cách nhanh nhất giữa các thành viên trong các nhóm qua việc gửi hình ảnh, video, clip làm cơ sở phân tích và xử lý công việc kịp thời.

Trung tâm thử nghiệm lập kênh Youtube: “Thú vị nghề nông” để chia sẻ các video, clip ngắn hướng dẫn kỹ thuật trong nông nghiệp. Đây chính là nền tảng ban đầu trong việc lưu trữ dữ liệu trên internet để người dân khai thác, tìm hiểu, học tập và tương tác trên không gian mạng. Từ đó, từng bước hoàn thiện để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đến với người dân một cách tối ưu.

Ba năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã xây dựng, triển khai Đề án thí điểm tổng đài tư vấn khuyến nông trên địa bàn tỉnh, nhằm giải đáp các vướng mắc của người dân liên quan đến chính sách, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Đơn vị đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh xây dựng kế hoạch thông tin, truyền thông ngành Nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền và là những dữ liệu căn bản trong công cuộc số hóa ngành nông nghiệp của Quảng Ninh.

Gia đình ông Hoàng Văn Cường, xã Đông Ngũ (Tiên Yên) là một trong những đơn vị chủ động ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh QR-Code để tăng tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc. Ông Cường cho biết, việc sử dụng QR-Code đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, người tiêu dùng có thể tra cứu các thông tin về sản phẩm, từ đó, hạn chế việc mua phải những nông sản, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cùng với  các đề án chuyển đổi số do Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh thực hiện, ngành nông nghiệp Quảng Ninh còn  ứng dụng chuyển đổi số trong việc truy xuất nguồn gốc, thông qua phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/.

 Nhà nông Bùi Ngọc Cung (Đơn Dương – Lâm Đồng) kiểm tra bộ phát tín hiệu thu được từ vườn đến điện thoại di động.

Hệ thống góp phần giúp các cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng phát huy quyền giám sát, kiểm tra; dễ dàng xác minh nguồn gốc sản phẩm, phát hiện kịp thời hàng giả, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sức khỏe người tiêu dùng. Đến nay, hệ thống đã cấp tài khoản tham gia quản lý cho gần 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm, thủy sản, với 300 sản phẩm gắn mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm và cấp phát hàng trăm nghìn tem truy xuất và tem xác thực chống giả.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp ngành Nông nghiệp đẩy mạnh việc hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của địa phương, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số... Trước mắt, ưu tiên xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; kết nối nông nghiệp thông minh có quy mô vùng, chuyên canh, sản xuất quy mô công nghiệp...

Những khó khăn nhìn từ dự án thí điểm

 Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng thí điểm một số mô hình làng, xã thông minh ứng dụng chuyển đổi số ở một số địa phương như: xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương); xã Vi Hương (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn); xã Yên Hòa (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình); xã An Nhơn (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp)... Mô hình này bước đầu đã mang lại một số kết quả khả quan, người dân được sử dụng nhiều tiện ích, dịch vụ thông minh, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công...

Tuy nhiên, thực tế triển khai thí điểm mô hình “làng thông minh” còn tồn tại một số bất cập, trong đó vướng mắc lớn nhất là chưa hoàn thiện được các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ tiêu chí cụ thể, quy trình xây dựng làng thông minh. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp tại nhiều vùng nông thôn có quy mô nhỏ lẻ và manh mún, không tập trung, dẫn đến việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ kỹ thuật số gặp nhiều khó khăn.

Việc áp dụng cùng lúc nhiều nền tảng số chưa phù hợp điều kiện hạ tầng, văn hóa, canh tác, sản xuất theo kiểu truyền thống của nông dân. Mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực nhiều khu vực nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ tiên tiến. Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của người dân ở nhiều vùng còn hạn chế, trình độ học vấn còn thấp cho nên việc tiếp thu kiến thức khoa học-kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất chưa đạt yêu cầu...

Mặc dù còn nhiều khó khăn, bất cập nhưng việc nhân rộng mô hình “làng thông minh” là cần thiết, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân, giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, đáp ứng xu thế phát triển của xã hội. Nhìn sang các nước phát triển, nhất là khu vực châu Âu, việc xây dựng “làng thông minh” từ lâu được xem là giải pháp hữu hiệu, góp phần hiện đại hóa khu vực nông thôn. Đây cũng là giải pháp nhằm giải quyết các thách thức đang đặt ra ở khu vực nông thôn như sự già hóa dân số, mức độ cô lập với các khu vực thành thị, khả năng tiếp cận dịch vụ công...

Từ kinh nghiệm thực tế khi thực hiện thí điểm mô hình “làng thông minh” trong nước cùng với việc học hỏi từ các nước trên thế giới, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp tìm các giải pháp phù hợp để xây dựng và nhân rộng mô hình này ở Việt Nam.

Bài 2: Những mô hình hiệu quả

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất đai bằng phẳng, những năm qua người dân xã Phúc Trạch, xã Hương Khê (Hà Tĩnh) không ngừng mở rộng diện tích trồng cây gió trầm. Với nhiều chính sách khuyến khích trong đầu tư phát triển kinh tế, nhất là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, cây gió trầm đã góp phần quan trọng giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

  • Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình là địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Nếu kết hợp hiệu quả giữa nuôi cá lồng và du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình sẽ là hướng phát triển kinh tế bền vững.

  • Hỗ trợ bò lai sinh sản cho người nghèo

    Hỗ trợ bò lai sinh sản cho người nghèo

    Thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển đàn bò lai sinh sản” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2025”, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) vừa tổ chức bàn giao bò sinh sản cho các hộ nghèo trên địa bàn.

Top