Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 3 năm 2024 | 15:47

Đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế bền vững

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 (MC13) tại UAE, các nước G-33 - liên minh gồm các quốc gia đang phát triển, được gọi là “Những người bạn của các sản phẩm đặc biệt” trong nông nghiệp, đã kêu gọi một giải pháp lâu dài cho việc dự trữ công để đảm bảo an ninh lương thực.

Việt Nam kêu gọi tất cả các thành viên cùng cam kết đạt tới một sân chơi mở, theo định hướng thị trường và bình đẳng hơn trong thương mại hàng nông sản.

Dự trữ công trong đảm bảo an ninh lương thực

Các nước G-33 nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự trữ công trong việc đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế, phát triển nông thôn và hỗ trợ các nhà sản xuất có thu nhập thấp hoặc nghèo tài nguyên ở các nước đang phát triển, bao gồm các nước kém phát triển nhất (LDC) và các nước đang phát triển nhập khẩu lương thực ròng (NFIDC). Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia cùng với các nước khác tạo thành nhóm 47 quốc gia tìm kiếm sự linh hoạt trong việc mở cửa thị trường cho nông nghiệp.

Đối với Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 (MC13) bắt đầu vào ngày 26/2, các bộ trưởng thương mại của 164 nền kinh tế họp tại Abu Dhabi để giải quyết nhiều chủ đề, bao gồm cả nông nghiệp, thủy sản và mối quan hệ giữa thương mại và phát triển bền vững.

Liên minh gồm các quốc gia đang phát triển trong nông nghiệp đã kêu gọi một giải pháp lâu dài cho việc dự trữ công cho an ninh lương thực.

Tuyên bố của G-33 cũng bày tỏ sự thất vọng trước việc thiếu tiến triển trong đàm phán thương mại nông nghiệp và không hoàn thành nhiệm vụ từ các hội nghị trước. Tuyên bố đã nhắc lại quyền của các nước đang phát triển đối với cơ chế tự vệ đặc biệt (SSM) để bảo vệ trước sự gia tăng nhập khẩu hoặc giảm giá, ủng hộ quyết định về SSM của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 14.

Tuyên bố cho biết, sẵn sàng xem xét đệ trình của Nhóm châu Phi về vấn đề SSM, trong đó đề cập đến hầu hết lợi ích của các thành viên là nước đang phát triển một cách công bằng và cân bằng.

Tuyên bố của G33 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các nước đang phát triển trong WTO, nhấn mạnh rằng các mối quan tâm phi thương mại phải được xem xét trong các cuộc đàm phán thương mại nông nghiệp.

Nhóm các nước đang phát triển G33 đã kêu gọi đạt được kết quả về dự trữ công vì mục đích an ninh lương thực dựa trên đề xuất chung của khoảng 80 thành viên, bao gồm cả các nước từ Nhóm châu Phi đã nộp trước đó. Nhóm cũng nhấn mạnh quyền của các thành viên đang phát triển đối với SSM như một công cụ quan trọng chống lại sự gia tăng nhập khẩu lớn hoặc giảm giá đột ngột.

Đại đa số thành viên nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của việc dự trữ công vì mục đích an ninh lương thực đối với các thành viên là các nước đang phát triển, bao gồm các nước LDC và NFIDC, trong việc đáp ứng an ninh lương thực và sinh kế, cũng như yêu cầu phát triển nông thôn, bao gồm cả việc hỗ trợ các nhà sản xuất có thu nhập thấp hoặc nghèo tài nguyên.

Một giải pháp lâu dài rất quan trọng đối với nhiều nước đang phát triển khác vì nó sẽ hợp pháp hóa các khoản trợ cấp cao hơn cho các chương trình dự trữ hàng hóa. Một điều khoản hòa bình được thống nhất tại Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Bali năm 2013 mang lại cho nhiều nước đang phát triển quyền miễn trừ hành động pháp lý từ các thành viên khác trong trường hợp trợ cấp vượt quá giới hạn. Nhưng nó chỉ giới hạn ở các chương trình hiện có vào năm 2013 và có nhiều điều kiện khó khăn. Các quốc gia đang phát triển mong muốn tính hợp pháp được đưa vào Hiệp định Nông nghiệp của WTO thông qua một giải pháp lâu dài.

Các nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về dự báo của FAO rằng gần 600 triệu người sẽ bị suy dinh dưỡng mạn tính vào năm 2030 và nạn đói sẽ gia tăng đáng kể ở người châu Phi. G33 bày tỏ cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại nông nghiệp một cách thiện chí, bao gồm cả sau WTO MC13, nhằm khắc phục sự mất cân bằng trong Hiệp định về Nông nghiệp và giải quyết những thách thức vô song về an ninh lương thực của các thành viên đang phát triển, bao gồm cả LDC và NFIDC.

G33 kiên quyết khẳng định, đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các thành viên là các nước đang phát triển, bao gồm LDC và NFIDC, phải được bảo tồn trong WTO và các hiệp định của tổ chức này, đồng thời các mối quan ngại phi thương mại của các thành viên phải luôn được tính đến trong các cuộc đàm phán thương mại nông nghiệp.

Cam kết hướng tới sân chơi mở

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 (MC13), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham dự phiên họp Bộ trưởng của Nhóm các nước xuất khẩu nông sản (Nhóm Cairns).

Tại phiên họp, các nước ghi nhận các cuộc đàm phán nông nghiệp đang ở giai đoạn quan trọng. Trong số các vấn đề mà WTO đang thúc đẩy đàm phán, nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng nhất, và việc cải cách thương mại nông nghiệp được xem là “sức khoẻ” của hệ thống thương mại đa phương cũng như của quá trình xây dựng các quy tắc thương mại của toàn cầu trong tương lai.

Phiên họp cũng chứng kiến sự đồng thuận của các nước thành viên về việc thúc đẩy đạt được tiến bộ trong cả ba trụ cột của Hiệp định Nông nghiệp là hỗ trợ trong nước, tiếp cận thị trường và cạnh tranh xuất khẩu, để bảo đảm sự cân bằng trong quá trình cải cách và thúc đẩy thương mại nông sản công bằng.

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp trong việc bảo đảm an sinh, an ninh lương thực và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Theo Bộ trưởng, một nền nông nghiệp tăng trưởng tốt và thương mại nông sản phát triển lành mạnh sẽ bảo đảm sự vững chắc của nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, kết quả mà các thành viên WTO đạt được trong việc cải cách  các quy định về nông nghiệp thời gian qua vẫn còn rất khiêm tốn và còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn như những hỗ trợ trong nước đã bóp méo thương mại, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế và cạnh tranh xuất khẩu không công bằng.

“Với tư cách là thành viên tích cực của WTO và Nhóm Cairns, Việt Nam kêu gọi tất cả các thành viên cùng cam kết đạt tới một sân chơi mở, theo định hướng thị trường và bình đẳng hơn trong thương mại hàng nông sản”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần tổng kết các công tác hiện đã và đang được triển khai tại WTO để làm cơ sở xây dựng các nội dung và các bước đi tiếp theo.

Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến mới cũng như những nỗ lực nhằm thúc đẩy đàm phán vì lợi ích chung, trên cơ sở phù hợp với trình độ phát triển và khả năng thực thi của các nền kinh tế. Những nội dung này phải phù hợp với trình độ phát triển và khả năng thực thi của các nền kinh tế, phải khả thi và không tạo ra những gánh nặng vì các nghĩa vụ mới.

Đồng thời, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các thành viên khác của Nhóm Cairns nỗ lực để đạt được những kết quả cụ thể trong các lĩnh vực ưu tiên nhằm ủng hộ sự phát triển của hệ thống thương mại đa phương.

“Việt Nam tin tưởng Hội nghị Bộ trưởng Nhóm Cairns lần này sẽ đạt được nhiều kết quả thực chất hơn, góp phần thúc đẩy thương mại nông sản công bằng”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kỳ vọng.

Nhóm các nước xuất khẩu nông sản được thành lập vào năm 1986 tại Cairns, Australia, với mục tiêu vận động hành lang và triển khai các hoạt động thúc đẩy tự do hoá thương mại nông nghiệp. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Nhóm Cairns  năm 2013.

Đăng Quang
Ý kiến bạn đọc
  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top