Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 2 năm 2024 | 11:23

Điện Biên không để lãng phí tiềm năng phát triển nông nghiệp

Những năm gần đây, tình trạng người nông dân bỏ hoang ruộng ngày càng nhiều, tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu, hạn chế về nước, thủy lợi nội đồng…

Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Điên Biên đã tăng cường tuyên truyền và hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất của từng vùng, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh.

Nông dân sáng tạo, khai thác thế mạnh để vươn lên

Linh hoạt bắt nhịp xu thế hội nhập, khai thác triệt để thuận lợi về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng… đó là cách làm sáng tạo của nhiều nông dân vùng sâu, vùng xa trong những năm gần đây để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

Nhiều năm trước, Nậm Nèn được biết đến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Chà với tỷ lệ hộ nghèo trên 90%. Thế nhưng, bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung sức, chung lòng từ phía nhân dân, cuộc sống bà con Nậm Nèn những năm gần đây đang khởi sắc đáng kể.

Là người gắn bó với mảnh đất Nậm Nèn từ khi “cha sinh, mẹ đẻ”, anh Lò Văn Cương, Trưởng bản Phiêng Đất B trải qua nhiều thăng trầm cũng như sự bứt phá trên mảnh đất này. Anh Cương cho biết, đó là khoảng thời gian Phiêng Đất B nói riêng, xã Nậm Nèn nói chung ra “ở riêng” vào ngày 1/4/2013, trên cơ sở chia tách từ xã Pa Ham. Thời điểm ấy, đời sống người dân còn rất khó khăn. Nguyên nhân thì nhiều; khi thì do thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh; xã chưa có điện lưới quốc gia, nước sạch; giao thông còn nhiều trắc trở. Song nghèo đói một phần không nhỏ là do các hộ dân chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, không có ý chí tự vươn lên...

“Mấy năm qua, được cán bộ huyện, cán bộ xã tuyên tuyền nhiều, rồi hướng dẫn cách tận dụng lợi thế về địa hình để trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp thì người dân đã thay đổi nếp nghĩ rất nhiều. Chẳng hạn như hiện nay, ngoài trồng lúa, ngô thì chúng tôi đang duy trì và phát triển cây dong riềng. Tuy giá còn bấp bênh nhưng vẫn là cây trồng chủ lực của bản với tổng diện tích gần 70ha. Với giá bán dao động từ 1,2 - 2 nghìn đồng/kg thì bà con vẫn có lãi. Nhờ đó, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của bản đã đạt gần 20 triệu đồng/năm” - Trưởng bản Lò Văn Cương chia sẻ.

Nhờ thay đổi cách làm, tháng 7/2021, Phiêng Đất B là 1 trong 2 bản đầu tiên của huyện Mường Chà đạt chuẩn nông thôn mới. 

Không chỉ ở Nậm Nèn, thời điểm năm 2019, nhận thấy một số xã vùng cao của huyện Mường Chà có nhiều thuận lợi để phát triển cây dược liệu, UBND huyện Mường Chà đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với người dân triển khai mô hình trồng sả java trên diện tích 10ha tại bản Huổi Chua. Sau gần 4 năm triển khai, điều mà người dân phấn khởi đó là cây sả phù hợp thổ nhưỡng nơi đây. Theo tính toán, một năm, loại sả này có thể cho thu hoạch khoảng 3 lần, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với những cây trồng như lúa nương, sắn, chít. Từ hiệu quả của mô hình, đến nay, xã Ma Thì Hồ đã và đang tiếp tục vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời xem đây là hướng đi mới trong xóa đói giảm nghèo của xã.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hay tạo hướng đi mới trong phát triển du lịch cũng được xem là một trong những bước đi thể hiện tính đột phá và tư duy sáng tạo ở mỗi địa phương với chủ thể là những người nông dân cần cù, chịu khó. Tại tỉnh Điện Biên, với tiềm năng đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử và văn hóa bản địa của 19 dân tộc anh em, du lịch cộng đồng hiện nay là một trong những loại hình du lịch mang lại lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Đơn cử bản du lịch cộng đồng Nà Sự, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ); bản du lịch cộng đồng Quan Chiêng, phường Na Lay (TX. Mường Lay); bản du lịch cộng đồng Phiêng Lơi (TP. Điện Biên Phủ)...

Có thể thấy, việc phát triển du lịch theo loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua đã và đang được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Đặc biệt, để khơi nguồn cho các hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng người dân vùng khó trong thực hiện mô hình này, từ năm 2004, tỉnh bắt đầu xây dựng mô hình bản văn hóa phục vụ khách du lịch tại 8 bản thuộc huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” (các bản: Pe Luông, Phiêng Lơi, Him Lam 2, Mển, Noong Bua, Co Mỵ, Ten, U Va, sau đó tiếp tục phát triển thêm một số bản văn hóa, như: Hoong Lếch Cang, Che Căn, Noong Chứn...). Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ các bản xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, nhà vệ sinh đạt chuẩn, sân bãi, điện nước, đường đi, mua sắm các trang thiết bị phục vụ hoạt động cộng đồng, phục vụ khách du lịch... Từ những mô hình bản du lịch cộng đồng triển khai mang lại hiệu quả, đã giúp người dân có thêm thu nhập, ổn định kinh tế và từng bước vươn lên.

“Vựa” rau xanh trên vùng đất sỏi đá

Từ trăn trở về nguồn rau “sạch” cung ứng cho người dân và các trường học trên địa bàn, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn, xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) đã triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ cao để biến những vùng đất khô cằn, sỏi đá thành “vựa” rau xanh tốt; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và đem đến bữa ăn dinh dưỡng, chất lượng cho học sinh vùng khó.

Có dịp đến với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn, xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ). Đây là mô hình đầu tiên và duy nhất trên địa bàn huyện biên giới này ứng dụng công nghệ khoa học, kỹ thuật hiện đại trong trồng và chăm sóc các loại rau, củ, quả “sạch” với quy mô gần 30ha.

Anh Phạm Ngọc Khải, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn liền chở tôi trên chiếc xe Wave, vượt qua con dốc dựng đứng, khúc khuỷu, nhiều đoạn đã được trải bê tông, rộng và nhẵn mịn “sáng” lên trong nắng sớm. Từ đỉnh đồi, giữa biển mây bồng bềnh, màu xanh mướt mắt, tươi non từ những luống su hào, bắp cải, rau ngót, cà chua, dàn bí xanh, bí đỏ… hiện ra theo từng khu vực, ngay hàng, thẳng lối và khoa học. Các công nhân - những người thợ lành nghề thoăn thoắt người hái quả, cắt rau, tưới nước, làm đất... không khí làm việc diễn ra tất bật, công nhân ai nấy đều khẩn trương, thuần thục với công việc của mình.

Từ mảnh đất sỏi đá, khô cằn, những tưởng ngoài cỏ dại, cây tạp ra không có cây nào sống nổi, vậy mà giờ đây đã căng tràn sức sống giữa miền sơn cước đầy nắng và gió. Anh Phạm Ngọc Khải cất lời: Đất ở đây đa phần bị người dân bỏ hoang nhiều năm, do không có nguồn nước để canh tác. Muốn làm rau thì trước tiên đất phải sạch. Để tạo ra những lớp đất màu mỡ, chúng tôi đã phải cải tạo rất vất vả, đồng thời bơm nước từ dưới khe suối lên đỉnh đồi, qua rất nhiều chặng mới đủ nước tưới tiêu. Đặc biệt, do chủ yếu là đất đồi, độ dốc cao nên việc san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng khá tốn kém chi phí. Tuy nhiên, với quyết tâm, biến “sỏi đá thành cơm”, nhất là điều kiện khí hậu lý tưởng, phù hợp nên các loại rau, củ, quả sinh trưởng và phát triển tốt.

Hiện, HTX đang sản xuất hơn 10 loại rau, củ, quả phổ thông trên diện tích đất nhà màng rộng 5.000m2; nhà lưới 2ha (đang xây dựng) và ngoài trời. Thực hiện canh tác theo hình thức luân canh để lúc nào cũng có sản phẩm cung cấp ra thị trường. Với mục tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và tạo ra thương hiệu rau “sạch” đầu tiên ở Nậm Pồ, quy trình chăm bón được HTX thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định từ việc tưới nước, bón phân đến theo dõi phòng ngừa sâu bệnh. HTX xác định chỉ trồng các giống rau, củ, quả có chất lượng cao, sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng, cây xanh băm ủ hoai mục thay thế cho phân hóa học. HTX cũng đã đầu tư hệ thống tưới tự động được bố trí theo 2 phần diện tích để áp dụng 2 biện pháp là tưới phun mưa cho các loại cây ăn lá và tưới nhỏ giọt cho các loại cây ăn củ, quả, đảm bảo vận hành hiệu quả tối đa. “Hiện HTX đang tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức xây dựng quy trình chăm sóc, bảo quản, tiêu thụ theo quy định; làm thủ tục sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, từ đó góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất” -  anh Khải cho biết thêm.

Không để lãng phí đất nông nghiệp

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng liên kết trên địa bàn xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa.

Năm 2023, huyện Tủa Chùa đã chuyển đổi gần 357ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại: sắn, khoai sọ, cây gai xanh… Điển hình như gia đình anh Sùng A Trù, bản Cáng Phình, xã Lao Xả Phình trước đây trồng lúa nương, nhưng năng suất thấp, rồi chuyển sang trồng cây ngô nhưng giá cả cũng bấp bênh. Sau khi được cán bộ xã tuyên truyền, rồi tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây gai xanh, gia đình anh đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa nương sang trồng 1ha cây gai xanh.

Anh Trù cho biết: Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây gai xanh phát triển rất tốt, đã thu hoạch được mấy lứa. Trung bình mỗi năm gia đình thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng. Đặc biệt, tham gia mô hình liên kết, đầu ra sản phẩm được đảm bảo tiêu thụ, không xảy ra tình trạng được mùa mất giá.

Tại huyện Tuần Giáo, năm 2023 huyện đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi gần 300ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, như: Cây  ăn quả, mắc ca… Tại các xã Pú Nhung, Rạng Đông, nếu như trước đây người dân chỉ tập trung trồng cây ngô, lúa nương thì những năm gần đây, được sự định hướng, khuyến khích của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ dân đã từng bước chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả như: Xoài, bưởi da xanh, dứa, mít… Đến nay, Pú Nhung (100ha) và Rạng Đông (50ha) cây ăn quả đã trở thành vùng cây ăn quả tập trung của huyện Tuần Giáo.

Ông Bùi Hữu Văn, bản Rạng Đông, xã Rạng Đông là một điển hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2017 trở về trước, gia đình ông Văn chủ yếu canh tác lúa nương nhưng kém hiệu quả. Năm 2018, khi được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời được hỗ trợ giống, phân bón, liên kết tiêu thụ sản phẩm, gia đình ông Văn đã chuyển đổi sang trồng cây xoài. Đến nay, vườn xoài của gia đình bắt đầu cho thu hoạch. Nhận thấy hiệu quả, nhiều hộ dân trong bản đã tham gia và thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất.

Những năm qua, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động nguời dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Riêng trong năm 2023, tổng diện tích chuyển đổi trên đất trồng lúa hơn 2.434ha (bao gồm đất ruộng 2 vụ lúa, đất ruộng 1 vụ lúa và đất lúa nương); tăng 851ha so với năm 2022. Trong đó, diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm (dong riềng, khoai sọ, sắn, cỏ chăn nuôi…) hơn 987ha; diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm (cây ăn quả, cây dược liệu, cây mắc ca…) hơn 1.447ha. Các diện tích được chuyển đổi đa số là trên đất lúa nương chiếm 94,85% tổng diện tích thực hiện. Diện tích chuyển đổi sang trồng các loại cây hàng năm hơn 987ha, cây lâu năm hơn 1.447ha. Diện tích sau khi được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm đã giúp người dân ổn định thu nhập (tùy theo loại cây trồng tăng từ 3 đến 5 lần so với trồng lúa nương); hình thành một số vùng tập trung đối với cây ăn quả, cây mắc ca... đời sống nông dân từng bước được nâng lên.

Cơ quan chức năng huyện Mường Nhé kiểm tra diện tích chuyển đổi từ đất nương sang trồng cây lâu năm trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa còn gặp không ít khó khăn. Một bộ phận dân cư vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nguồn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước; việc huy động nguồn kinh phí từ các tổ chức, doanh nghiệp và các hộ gia đình tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn hạn chế. Diện tích chuyển đổi vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa phát huy hết tiềm năng, năng suất, chất lượng của cây trồng để đáp ứng được yêu cầu của thị trường; trình độ canh tác, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân còn hạn chế; việc chế biến sâu sau thu hoạch còn ít.

Năm 2024, toàn tỉnh dự kiến diện tích chuyển đổi hơn 866ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm là 544ha; diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm hơn 322ha. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Cục Trồng trọt đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện sản xuất của các tỉnh miền núi.

 

Theo baodienbienphu.com.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top