Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024 | 10:17

Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

Sầu riêng là loại cây ăn trái cho thu nhập cao nên nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL chọn trồng.

Thời gian qua, sầu riêng là loại trái cây giúp nhiều nhà nông thu về tiền tỉ khi giá liên tục neo giữ ở mức cao. Giá cao, nhu cầu tăng nên ở ĐBSCL xuất hiện tình trạng một số thương lái đến tận vườn thu mua sầu riêng non, kém chất lượng đẩy giá tăng cao rồi làm hợp đồng viết tay với người dân. Hiện giá sầu riêng Ri6 được nông dân bán xô cho thương lái ở mức từ 65.000-85.000 đồng/kg tùy loại, giảm khoảng 50.000 đồng/kg so với cách đây khoảng 1,5 tháng.

Ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thới 1, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, cho hay nhiều thương lái đến tận vườn thu mua sầu riêng của người dân, khi này thương lái sẽ đẩy giá tăng cao rồi làm hợp đồng viết tay với người dân. Khi đến ngày thu hoạch thương lái sẽ cắt trái khoảng 5% diện tích, sau đó chèn ép nông dân để hạ giá từ 20-30%, nếu người dân không bán thì thương lái bỏ cọc.

Ông Hoảnh chia sẻ thêm, nếu sầu riêng đã cắt một đợt trái mà muốn bán cho thương lái khác thì giá lại tiếp tục giảm từ 30-35% so với giá đã thỏa thuận trước đó. Như vậy, thua thiệt tiếp tục thuộc về người dân, điều này vô tình đã làm ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu trái sầu riêng của địa phương.

Đang thực hiện việc liên kết, bao tiêu sầu riêng cho các hộ dân, Công ty TNHH MTV Ngọc Minh - LS đã xây dựng quy trình canh tác bền vững đến các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã về kỹ thuật, chăm sóc vùng nguyên liệu, kiểm soát đầu vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các quy chuẩn, quy trình đảm bảo sầu riêng an toàn, chất lượng phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Theo bà Chu Thị Tú Liên, Công ty TNHH MTV Ngọc Minh - LS, hiện nay, diện tích liên kết, bao tiêu sầu riêng cho các hộ dân của công ty tập trung nhiều tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Công ty liên kết, bao tiêu sầu riêng của người dân để xuất khẩu nên yếu tố tiêu chuẩn, chất lượng được đặt lên hàng đầu.

Bà Liên cho biết: “Trước ngày thu hoạch từ 7-10 ngày doanh nghiệp sẽ cho cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra về chất lượng cũng như mang sản phẩm đi kiểm nghiệm và kiểm tra độ chín của trái đạt cơm vàng, bột ngọt thì doanh nghiệp mới thu mua. Năm nay thì cũng có một số bà con thông báo cho công ty vào thăm vườn mua sớm một chút, vì năm nay thương lái họ đi mua sớm quá, đó cũng là khó khăn cho doanh nghiệp, cũng là một cái lũng đoạn thị trường”.

Toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 2.500ha sầu riêng, tăng 640ha so cùng kỳ năm 2023. Trong đó có khoảng 1.000ha đang thu hoạch với năng suất trung bình 14-16 tấn/ha. Sầu riêng Ri6 chiếm 84%, Monthong chiếm 12%, các giống khác chiếm 4%. Riêng huyện Phụng Hiệp chiếm khoảng 26% diện tích trồng sầu riêng toàn tỉnh, trong đó có 30ha sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP được doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trồng sầu riêng, ông Lê Văn Sáu, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp cho biết, vườn sầu riêng của ông có trên 1.000 gốc. Ban đầu, ông Sáu trồng sầu riêng khổ qua, nhưng giờ đây ông chọn giống Ri6 và Monthong làm chủ lực và bắt đầu chuyển sang trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo ông Sáu, sầu riêng Ri6 còn hơn 20 ngày nữa có thể thu hoạch được, tuy nhiên sắp đến ngày thu hoạch ông mới cho lái vào vườn xem trái.

Trước việc có thương lái mua sầu riêng chưa đủ tuổi ở ĐBSCL, ở góc độ nhà vườn, ông Sáu cho rằng việc bán sầu riêng sớm sẽ có hại cho vườn và làm ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chưa tới tuổi, thành ra cơm lạt, do vậy khi sầu riêng tới tuổi ông Sáu và các nhà vườn ở địa phương mới bán cho thương lái. Đối với sầu riêng Ri6 thường sau khi xổ nhụy 90 ngày là chín, thành ra đối với nhà vườn khi xổ nhụy sẽ ghi vào sổ để biết độ tuổi của trái, thu hoạch.

Ông Sáu tâm sự: “Anh em nào không biết thì đến đây, tôi sẵn sàng tư vấn. Một là phải lên liếp trồng sầu riêng như thế nào cho có hiệu quả. Thứ hai là loại giống gì mà trồng được để xuất khẩu, bán được giá. Hiện tôi trồng sầu riêng Monthong, Ri6, Musang King. Xuất khẩu thì phải có mã số vùng trồng, ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ bà con ở đây rất nhiều để có thể xuất khẩu”.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hiện nay, trong tỉnh chưa có trường hợp bán sầu riêng non nhưng mình vẫn khuyến cáo nông dân không vì giá cao mà thu hoạch bán trái non. Thu hoạch phải đảm bảo thời gian chín của trái cũng như chất lượng trái sầu riêng, xây dựng mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn và yêu cầu của doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu. Ngoài ra, nông dân nên tìm hiểu và nắm kỹ các biện pháp kỹ thuật trong canh tác cây sầu riêng. Đồng thời, cần tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng nông sản. Cần liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu để tạo mối liên kết sản xuất - tiêu thụ ổn định và bền vững…

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023, diện tích sầu riêng cả nước đạt khoảng 131.000ha, tăng 20% so với năm 2022, sản lượng đạt khoảng gần 1,2 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022. Cả nước hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc, trong đó có 708 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp phép.

 

Mộng Toàn/Báo Hậu Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Top