Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 8 năm 2023 | 11:12

Điện Biên phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả

Những năm qua, một số địa phương ở tỉnh Điện Biên Phủ đã xác định cây ăn quả là cây trồng chủ lực, từ đó tập trung phát triển thành các vùng sản xuất chuyên canh, bền vững. Ðến nay, nhiều diện tích đã cho thu hoạch, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Tuần Giáo phát triển cây ăn quả chất lượng cao

Xoài Đài Loan là một trong những cây trồng chuyển đổi được chọn lựa ở Tuần Giáo.

Tại xã Pú Nhung, nếu như trước đây người dân trên địa bàn chỉ tập trung trồng cây ngô, thì nay được sự vận động của cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền địa phương, một phần diện tích ngô kém hiệu quả đã được chuyển đổi trồng các loại cây ăn quả như: xoài, bưởi da xanh, dứa... Hiện tại, Pú Nhung trở thành một trong những xã có diện tích cây ăn quả lớn nhất của huyện Tuần Giáo, với hơn 100ha, tập trung chủ yếu tại các bản: Phiêng Pi; Đề chia A, B; Chua Lú...

Ông Vừ A Dính, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhung cho biết: Cùng với điều kiện về thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển các loại cây trồng, những năm qua, xã Pú Nhung còn được hưởng các chính sách hỗ trợ vốn, giống cây nên nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn tham gia để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế cho những cây trồng cũ kém hiệu quả. Bên cạnh đó, xã cũng tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện tổ chức lớp dạy nghề, hội thảo, tập huấn giúp người dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất.

Huyện Tuần Giáo xác định phát triển cây ăn quả chất lượng cao là một trong những hướng phát triển kinh tế chính của ngành nông nghiệp. Theo đó, huyện đã chỉ đạo tổ chức thực hiện 56 dự án trồng cây ăn quả theo hướng liên kết chuỗi giá trị với tổng diện tích 484,2ha; gồm: 248,1ha xoài; 52,9ha mít; 22ha nhãn chín muộn; 80,9ha lê; 66,9ha bưởi; 13,4ha chanh leo tím. Diện tích trồng cây ăn quả tập trung tại các xã: Quài Nưa, Quài Cang, Pú Nhung, Rạng Ðông, Mùn Chung, Nà Tòng. Ðến nay, tổng diện tích cây ăn quả của huyện Tuần Giáo đạt 620ha, nhiều diện tích cho thu hoạch, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Ðặc biệt, có 3ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng.

Mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Tuần Giáo đến năm 2025, toàn huyện có 1.000ha cây ăn quả. Tuy nhiên, tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ðảng bộ huyện Tuần Giáo đã điều chỉnh kế hoạch, phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện tập trung chăm sóc, phát triển bền vững 600ha, giảm 400ha so với mục tiêu Nghị quyết.

Lý giải về sự điều chỉnh trên, bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc mở rộng diện tích cây ăn quả quá nhanh khiến một số diện tích người dân không đủ nguồn lực để chăm sóc, bảo vệ và phát triển. Do đó, năng suất, sản lượng và chất lượng quả không đảm bảo. Trên cơ sở rà soát, đánh giá chính xác thực trạng phát triển cây ăn quả trên địa bàn, huyện đã điều chỉnh kế hoạch, từ nay đến năm 2025 tập trung nguồn lực duy trì, phát triển ổn định, bền vững diện tích cây ăn quả hiện có; chăm sóc để vườn cây cho năng suất, sản lượng, chất lượng tốt. Ðồng thời, chú trọng công tác xúc tiến thương mại, xây dựng liên kết sản xuất tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Nậm Pồ chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phát triển cây ăn quả

Trước đây, cây ăn quả trên địa bàn huyện Nậm Pồ chủ yếu trồng phân tán, nhỏ lẻ, đáp ứng nhu cầu của gia đình và bán quả tươi cho thị trường tiêu dùng trong huyện.

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm cam Nậm Tin tới khách hàng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, với mục tiêu đa dạng giống cây trồng để tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững; cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Nậm Pồ đã và đang vào cuộc quyết liệt, chú trọng khâu tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân cải tạo đất vườn, đất đồi, thay thế các loại cây trồng truyền thống, năng suất thấp sang trồng cây ăn quả chất lượng cao. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn chủ động hướng dẫn nông dân sản xuất đúng mùa vụ, tuân thủ quy trình kỹ thuật; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật như: Cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây ăn quả; xen canh, tăng vụ, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích canh tác... Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trồng cây ăn quả trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, liên kết, nắm bắt thông tin thị trường; tăng cường quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Với định hướng và những chính sách hỗ trợ, diện tích cây ăn quả trên địa bàn Nậm Pồ tăng đáng kể, tổng diện tích là 169,52ha. Trong đó, một số loại cây chính như: Cam khoảng 18,67ha; dứa ước 18,95ha; nhãn 16,5ha; vải 7ha; xoài 28,3ha; mận 16,5ha; bưởi 5,2ha; chanh 1,24ha; chuối ước 52,3ha... Bà Phạm Thị Thu Yến, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã có bước phát triển tích cực. Một số xã đã và đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phát triển cây ăn quả, bước đầu thu được kết quả khả quan. Nhiều giống chất lượng tốt được đưa vào gieo trồng giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác được nâng lên kéo theo đó thu nhập, đời sống nông dân cũng tăng so với trước đây.

Tại bản Nậm Chua 2 (xã Nậm Chua), vài năm trở lại đây một số hộ đã cải tạo đất đồi trồng 4.000m2 cây dứa. Nhờ tích cực chăm sóc, bón phân, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Ông Lầu A Cấu, Trưởng bản chia sẻ: Tháng 7, 8 vừa qua, các hộ trồng dứa đã thu hoạch quả, do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên dứa quả to (từ 2 - 2,5kg), mọng nước, xuất bán ra thị trường 20 nghìn đồng/quả góp phần đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân vùng cao. Cũng theo ông Cấu trồng dứa chi phí thấp, ít bón phân, không tốn nhiều nước, chủ yếu là tập trung công sức để trồng, làm cỏ, thu hoạch... Vì thế vừa qua cấp ủy, chính quyền xã Nậm Chua phối hợp cơ quan chuyên môn đã động viên, khuyến khích người dân cải tạo đất; kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây dứa; đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ dân mở rộng diện tích để tạo thành vùng sản xuất bền vững.

Hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung

Người dân xã Quài Nưa thu hoạch xoài thuộc dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Trước năm 2018, cây ăn quả trên địa bàn tỉnh chủ yếu trồng phân tán, nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu của gia đình và bán quả tươi cho thị trường trong tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, tại địa bàn một số huyện đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả tập trung như: Dứa, xoài, bưởi, chanh leo, cam. Ðặc biệt, ngày 31/12/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3417/QÐ-UBND Phê duyệt “Ðề án phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Ðây là cơ sở, điều kiện để các địa phương trong tỉnh tập trung phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả, chất lượng cao. Ðến nay, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 3.982ha; trong đó có hơn 1.400ha trồng tập trung, chiếm khoảng 35% tổng diện tích, có sự liên kết giữa người dân với hợp tác xã, người dân với doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp, chủ trang trại tự đầu tư nên đã quan tâm nhiều hơn về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác.  6 tháng đầu năm 2023, sản lượng cây ăn quả đạt 9.365,3 tấn (tăng 15,38 tấn so với cùng kỳ năm 2022). 

Ông Phạm Ðình Lai, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá: Việc phát triển cây ăn quả trong thời gian qua đã có chuyển biến tích cực. Một số huyện, xã đã và đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phát triển cây ăn quả, bước đầu thu được kết quả khả quan. Ðến nay đã hình thành một số vùng cây ăn quả tập trung cho năng suất cao, bước đầu hình thành một số liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Nhiều giống chất lượng tốt được sử dụng đã nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác kéo theo đó thu nhập, đời sống nông dân cũng nâng lên so với trước đây.

Thực hiện Ðề án Phát triển cây ăn quả, 10/10 huyện, thị, thành phố đã xây dựng kế hoạch, trong đó 7/10 địa phương đã ban hành Kế hoạch phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; 3/7 huyện (Ðiện Biên Ðông, Mường Chà, Nậm Pồ) ban hành Kế hoạch giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030. Hiện nay, các huyện: Tuần Giáo, Ðiện Biên và Mường Ảng đã có nhiều diện tích cây ăn quả cho thu hoạch, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Ðơn cử như 6 tháng đầu năm 2023, huyện Tuần Giáo đã xuất bán trên 100 tấn xoài cho Công ty rau quả Trung ương, với giá bán 7.500 - 10.500 đồng/kg.

Khi diện tích cây ăn quả đã phát triển ổn định, nhiều địa phương đã điều chỉnh kế hoạch đến năm 2025, thay vì thực hiện mục tiêu mở rộng diện tích bằng việc tập trung chăm sóc, phát triển bền vững diện tích cây ăn quả hiện có.

Với mục tiêu này, thời gian tới, Điện Biên cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và đồng hành cùng với các địa phương, người dân, doanh nghiệp để phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả chất lượng cao; từng bước giúp thay đổi tư duy sản xuất, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn.

V.N (tổng hợp từ baodienbienphu.com.vn)

 

Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top