Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 12 năm 2023 | 20:29

Kinh tế xanh, điểm nhấn ấn tượng của ngành Lâm nghiệp

Lần đầu tiên Việt Nam chính thức bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng và thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng).

Nguồn thu từ lượng tín chỉ carbon đến từ rừng là rất lớn.

Tiếp cận kinh tế xanh

Năm 2023, đánh dấu cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2 tương đương 51,5 triệu USD (tương đương khoảng 1.200 tỉ đồng).

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã thực hiện tạm ứng tương đương hơn 962 tỷ đồng giai đoạn 2023 - 2025 cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa hơn 162,5 tỷ đồng; Nghệ An hơn 282,5 tỷ đồng; Hà Tĩnh gần 123 tỷ đồng; Quảng Bình gần 235,7 tỷ đồng; Quảng Trị hơn 51 tỷ đồng; Thừa Thiên Huế hơn 107 tỷ đồng.

Cùng theo lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, trong năm 2023, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ngay từ đầu năm; tham mưu ban hành văn bản đôn đốc các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng nộp đúng, nộp đủ tiền dịch vụ môi trường rừng. Phấn đấu cả nước thu và tổ chức giải ngân kịp thời đúng đối tượng, đúng mục đích theo quy định hiện hành của nhà nước.

Ông Phạm Hồng Lượng, Cục Lâm nghiệp, cho biết việc chuyển nhượng tín chỉ carbon của Việt Nam được WB đánh giá rất cao.

"Từ câu chuyện của Việt Nam, WB mong muốn chia sẻ, lan tỏa đến các nước trên thế giới", ông Lượng nói.

Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,7 triệu ha, đạt tỉ lệ che phủ trên 42%. Tháng 2-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và WB đã ký “Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ” giai đoạn 2018 - 2024. Khu vực Bắc Trung Bộ gồm sáu tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có hơn 3,1 triệu ha đất có rừng với độ che phủ 57,4% (chiếm hơn 21,2% diện tích rừng cả nước).

Báo cáo của Cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2023, tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng năm 2023 là 4.130,40 tỷ đồng (thu từ thủy điện, nước sạch, công nghiệp, du lịch sinh thái là hơn 3.133 tỷ đồng; thu từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng là 997,03 tỷ đồng)…

Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong lâm nghiệp cũng có bước phát triển mạnh, nhiều đề tài nghiên cứu đã thực sự đóng góp và áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Hợp tác quốc tế về lâm nghiệp phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, qua đó tăng cường hợp tác phát triển sản xuất và thúc đẩy thị trường xuất khẩu lâm sản.

Nhiều kết quả khả quan

Báo cáo kết quả năm 2023, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, năm qua, ngành lâm nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.

Theo đó, có 250.000 ha rừng trồng mới, trồng phân tán 127 triệu cây; phát hiện 3.327 vụ phá rừng, diện tích rừng bị tác động là 1.047,8 ha; xảy ra 310 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị ảnh hưởng là 674,5 ha. Trong đó, diện tích rừng có khả năng phục hồi khoảng 487,5 ha; chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 4.100 tỷ đồng.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành Công nghiệp chế biến gỗ đem lại giá trị lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên thị trường thế giới. 

Về xuất khẩu lâm sản, đạt 14,390 tỷ USD, giảm 15,8% so với năm 2022. Theo ông Lực, nguyên nhân giảm do thị trường có nhiều biến động bất ổn, bị ảnh hưởng từ xung đột chính trị Nga - Ukraine, người tiêu dùng tại thị trường Mỹ và EU đang thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm gỗ.

Ông Lực nhấn mạnh, năm 2023, Cục Lâm nghiệp đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Chương trình Phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; hướng dẫn xây dựng và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững.

Đến nay, tổng số chủ rừng là tổ chức đã xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững trong cả nước đạt 70% về số lượng chủ rừng và 80% về diện tích. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 465.000 ha, đạt 93,0% mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025.

Vẫn còn những khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2023, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng khô hanh kéo dài nên nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao. Theo đó, tồn tại những điểm nóng về phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở một số địa phương, nhất là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung bộ. Thực trạng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng bỏ việc, thôi việc xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực khó tuyển dụng lao động mới.

Kết cấu hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, nhất là tại các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp hạ tầng cơ sở yếu kém, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất giống còn thiếu và lạc hậu.

Nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên Chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp... Người tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ và EU đang thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm gỗ.

Cùng với đó, chính sách bảo hộ của các quốc gia nhằm bảo hộ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, do vậy, đã ảnh hưởng tới thương mại sản phẩm gỗ của Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 14,39 tỷ USD, giảm 15,8% so với năm 2022; trong đó, nhập khẩu ước đạt 2,191 tỷ USD. Toàn ngành xuất siêu ước đạt 12,199 tỷ USD.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho rằng, năm 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành lâm nghiệp. Tuy nhiên, những kết quả đạt được đã góp phần giúp Bộ hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra.

Những việc phải làm ngay

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Quốc Trị nhìn nhận, 20 năm qua chưa một năm nào giá trị xuất khẩu "tụt xuống" như năm nay, điều này càng "thôi thúc" ngành lâm nghiệp phải nhanh chóng tái cơ cấu từ thị trường, sản phẩm phụ trợ...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Quốc Trị đề nghị ngành lâm nghiệp cần tăng cường thực hiện tốt công tác chuyển đổi số.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho rằng cơ cấu lại là bước cần thiết để hoàn thiện về tổ chức, từ đó quyết định thành công của chuyên môn. Thứ trưởng nhìn nhận thời gian tới vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, ngành lâm nghiệp cần rà soát lại các chỉ tiêu năm 2024 để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị yêu cầu Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm những "những việc phải làm ngay", các nội dung liên quan đến sửa đổi Luật Đất đai, trong đó, liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp. Ngành lâm nghiệp hiện còn 4 Nghị định chưa được ban hành, ông Trị cũng đề nghị Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm "ngồi lại" với nhau để xem xét đang "ách tắc" ở đâu. Đối với những Thông tư, Nghị định đã được ban hành, Thứ trưởng yêu cầu phải "nghe hơi thở cuộc sống" để xem phù hợp với thực tiễn hay chưa để kịp thời bổ sung, sửa đổi.

Năm 2024, ngành lâm nghiệp đề ra 7 chỉ tiêu và 11 giải pháp để thực hiện. Cụ thể, tiếp tục duy trì tỷ lệ che phủ rừng của cả nước ổn định 42,02%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5% đến 5,5%; Trồng rừng tập trung là 245 nghìn ha; Trồng cây phân tán đạt 140 triệu cây; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 23 triệu mét khối; thu dịch vụ môi trường rừng là 3 nghìn 200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu lâm sản: 17,5 tỷ USD.

Bước sang năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị, ngành lâm nghiệp quan tâm đến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm cơ chế chính sách được ban hành kịp thời. Đồng thời, cần dự báo tình hình xung đột kéo dài, thị trường xuất khẩu lâm sản còn khó đoán định, các yếu tố đầu vào, đầu ra của sản xuất còn nhiều biến động; để từ đó đưa ra mục tiêu về xuất khẩu lâm sản cụ thể, bám sát với tình hình thực tiễn.

Thứ trưởng cũng đề nghị, ngành lâm nghiệp cần tăng cường thực hiện tốt công tác chuyển đổi số nhằm giúp cho ngành nắm được thông tin kịp thời về biến động rừng, sản xuất lâm nghiệp…/.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top