Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 11 tháng 7 năm 2023 | 10:56

Mùa quả ngọt ở Điện Biên

Những vườn lê, xoài, dứa… ở Điện Biên mùa này đang cho trái ngọt. Ngọt không chỉ từ chất lượng quả mà còn là giá trị kinh tế - thành quả từ sự nỗ lực phục hồi vườn cây của bà con.

Tuần Giáo: Mùa lê đầu cho trái ngọt

Những ngày này, tại huyện Tuần Giáo, lê đang là nông sản được nhiều thương lái và người dân đến tận vườn tìm mua. Những quả lê mọng nước được trồng tại các xã: Tỏa Tình, Tênh Phông trở thành món quà tặng mà nhiều người ưa thích.

Người dân xã Tỏa Tình trồng xen canh cà phê dưới tán lê, tăng giá trị sử dụng đất.

Lê là giống cây ưa khí hậu ôn đới, có khả năng chịu lạnh tốt, phù hợp với địa hình và thời tiết tại 2 xã Tỏa Tình và Tênh Phông. Từ cuối năm 2018, lê bén rễ tại 2 khu vực này với hơn 26ha từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, nhằm hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn. Sang năm 2019, tiếp tục có thêm hơn 30ha lê được đầu tư xuống giống tại Tỏa Tình và khoảng 15ha tại Tênh Phông.

Ông Lê Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Tỏa Tình cho biết: “Là cây trồng mới đối với địa bàn nên ban đầu khi triển khai trồng lê cũng gặp không ít khó khăn. Các diện tích trồng lê được theo dõi, kiểm tra thường xuyên. UBND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ, đôn đốc các hộ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tạo tán, vin cành, tỉa quả non... làm sao để có những vụ thu hoạch đạt chất lượng tốt”.

Gia đình chị Mùa Thị Giàng, bản Chế Á là một trong những hộ đầu tiên trồng thử nghiệm 200 gốc lê từ cuối năm 2018. Chị Giàng chia sẻ: “Trồng lê không khó, 1 năm chăm bón 2 lần, nhưng cần tỉ mỉ hơn một chút vì phải tỉa cành để tạo tán thấp, rộng cho cây. Những năm đầu, cùng trên diện tích này, nhà tôi còn trồng xen canh cà phê để nâng cao giá trị sử dụng đất. Năm nay là năm đầu tiên lê cho thu hoạch đồng loạt, bán ra thị trường thấy rất khả quan, tăng nguồn thu cho gia đình”.

Năm 2022, lê bắt đầu cho quả bói mỏng vỏ, mọng nước, ngọt, thơm, được người dân đặt nhiều kỳ vọng. Sang năm nay, các diện tích lê trồng năm 2018 đồng loạt cho hái trái ngọt. Trung bình mỗi cây vụ đầu được thu từ 3 - 5kg, giá bán dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Tại xã Tênh Phông, Chủ tịch UBND xã Mùa A Dụa cho biết: “Các diện tích lê tập trung tại khu vực bản Ten Hon. Vụ đầu tiên này, xã thu khoảng 700kg. Quả lê lần đầu được trồng tại địa bàn, lại thơm ngon nên bán khá chạy. Người dân hái đến đâu bán hết đến đấy. Giá cả cũng ổn nên bà con rất phấn khởi, mong muốn tiếp tục mở rộng diện tích trong những năm tới”.

Ngay từ năm nay, cơ quan chuyên môn huyện đã giới thiệu, kết nối doanh nghiệp ngoại tỉnh bao tiêu lê cho người dân, tuy nhiên do vụ đầu tiên sản lượng thu hoạch ít nên các hộ bán lẻ hoặc thương lái đến tận vườn thu mua. Mặc dù chưa tạo lập được liên kết bao tiêu vụ này nhưng với tiềm năng, giá trị kinh tế được đánh giá cao, năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai dự án nhân rộng diện tích lê tại Tỏa Tình với 45ha.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuần Giáo cho biết: “Đây là Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thuộc chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện Tuần Giáo giai đoạn 2023 - 2028. Cụ thể, chuyển đổi 45ha đất nương, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng lê VH6 với 88 hộ tham gia, thuộc 2 bản Hua Sa A và bản Lồng. Trong đó, Dự án tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng lê cho người dân, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, đảm bảo nâng cao hiệu quả kinh tế; xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ và sau này hướng tới mở rộng diện tích cho các hộ trong khu vực. Doanh nghiệp liên kết là Công ty Cổ phần nông nghiệp HT miền Bắc”.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, các hộ dân tham gia dự án đã đào hố, xuống giống cây dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ chuyên môn. Những năm tới, sản lượng lê tại Tuần Giáo chắc chắn sẽ tiếp tục tăng. Với chất lượng quả được khẳng định vụ đầu và được doanh nghiệp hỗ trợ, bao tiêu ngay với cả những diện tích trồng từ trước, người dân Tỏa Tình, Tênh Phông yên tâm trồng trọt và đặt nhiều kỳ vọng vào cây lê.

Mùa dứa lưng đồi

Cách xã Mường Nhà, huyện Điện Biên gần 15km, bản Pu Lau là khu vực trồng nhiều dứa nhất xã. Cuối tháng 6, đầu tháng 7 hai bên đường qua Pu Lau là khung cảnh người bán, người mua dứa tấp nập, nhộn nhịp. Từ sáng sớm người dân đã đi nương. Tiếng xe máy nổ giòn, gằn vang trên các con dốc lưng chừng đồi cùng những gùi dứa nặng trĩu trên vai các bà, các mẹ đi thu hái, báo hiệu mùa thu hoạch dứa đã tới.

Cuối tháng 6, đầu tháng 7 bắt đầu mùa thu hoạch dứa, người dân thu hái từ trên đồi…

…dứa được chất lên gùi, các bà, các mẹ vận chuyển xuống đường lớn.

Bản Pu Lau nổi tiếng với dứa mật, loại dứa thơm, ngọt, nhiều nước rất được ưa chuộng. Sau khi thu hái, từng sọt dứa được người dân gùi về lán tạm ngay mặt đường. Tại đây thương lái đã chờ sẵn, chọn dứa, phân loại, trả giá. Dứa được chia làm nhiều loại tùy kích cỡ to, nhỏ, giá dao động từ 8.000 - 12.000 đồng/kg.

Dứa mật xuất xứ từ Lào, được người dân mang về trồng. Thời gian đầu, chỉ trồng phục vụ trong gia đình; sau đó thấy hợp đất, dứa có chất lượng tốt, quả ngọt, mọng nước và năng suất cao, có quả nặng 3kg - 4kg nên diện tích dứa dần được nhân rộng. Đến thời điểm hiện tại, diện tích dứa ở Pu Lau đã tăng lên hơn 50ha. Pu Lau có 112 hộ, 417 nhân khẩu chỉ còn 7 hộ nghèo. Từ năm 2017 đến nay, sau khi nhân rộng mô hình trồng dứa mật đã giúp gần 10 hộ thoát nghèo bền vững, trồng dứa trở thành hướng phát triển kinh tế ổn định cho dân bản Pu Lau.

Từng sọt dứa đầy ắp, vàng ươm nặng tới 30 - 40kg từ lưng người dân nối đuôi nhau ra đường lớn theo những xe chở dứa về khắp nơi. Mùa dứa ngọt Pu Lau - mùa no ấm, đủ đầy không còn xa với những nông dân cần mẫn lưng chừng đồi. 

Mùa xoài ngọt từ nỗ lực phục hồi vườn cây

Những vườn xoài chậm phát triển, sâu bệnh, không được quan tâm chăm sóc, vườn cây tiêu điều, xơ xác. Với nỗ lực chăm sóc, phục hồi vườn xoài của bà con, năm nay các vườn xoài tại Tuần Giáo đã cho mùa trái ngọt. Ngọt không chỉ từ chất lượng quả mà còn là giá trị kinh tế - thành quả từ sự nỗ lực phục hồi vườn cây của bà con.

Lãnh đạo huyện Tuần Giáo thăm vườn xoài đang thu hoạch tại xã Rạng Đông. Ảnh: Nguyễn Hiền

Còn nhớ năm 2022 xoài mất mùa. Nhiều diện tích xoài Đài Loan tại Tuần Giáo bị che kín bởi ngô, sắn. Không ít hộ dân không quan tâm phát triển vườn cây, chưa thực sự coi vườn cây là của mình, có nguy cơ bỏ không chăm sóc. Tình trạng người dân lấy phân bón được cấp theo dự án liên kết phát triển xoài để sử dụng vào mục đích khác diễn ra phổ biến. Trước thực tế đó, đầu năm nay, cả hệ thống chính trị huyện Tuần Giáo cùng vào cuộc ra quân chăm sóc cây ăn quả, làm điểm từng xã, bản, làm mẫu một góc vườn... để tuyên truyền, vận động, lan tỏa, thúc đẩy người dân quan tâm chăm sóc các vườn xoài, đón mùa quả mới.

Không phụ công sức, những ngày này, huyện Tuần Giáo đang khẩn trương thu hoạch xoài cuối vụ cung ứng cho công ty thu mua. Niềm vui nhân đôi khi năm nay xoài được mùa, không mất giá. Đây cũng là năm đầu tiên, sản phẩm xoài Đài Loan trên địa bàn huyện được công ty thu mua toàn bộ sản lượng.

Rạng Đông một trong những xã có diện tích xoài lớn nhất của huyện Tuần Giáo. Năm nay xã có 10ha xoài cho thu hoạch, sản lượng ước đạt hơn 20 tấn. Tại các vườn xoài, nông dân xã Rạng Đông hối hả thu hoạch để kịp xuất bán. Cả gia đình ông Bùi Hữu Văn ở bản Rạng Đông, xã Rạng Đông đang thu hoạch và đóng xoài thành từng sọt chờ công ty đến thu mua. Ông Văn cho biết: “Nhà tôi hiện có 400 gốc xoài với diện tích hơn 1ha, trồng từ tháng 9/2019. Sau 4 năm thì đây là năm đầu tiên xoài đạt năng suất, sản lượng cao nhất”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lầu A Sính, Chủ tịch UBND xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo cho biết: “Khi quả xoài gần đến độ thu hoạch, xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông phối hợp cùng doanh nghiệp hướng dẫn bà con thu hái đúng quy cách, đảm bảo chất lượng quả, đáp ứng yêu cầu của đơn vị thu mua. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con cách chăm sóc làm sao để nâng cao năng suất, chất lượng quả xoài, đảm bảo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn của công ty thu mua”.

Xã Quài Nưa có 12ha xoài trồng từ năm 2018, 2019 theo dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả, chủ yếu tại khu vực 2 bản Pha Nàng và Chan. Gia đình anh Lường Văn Thoại có vườn xoài với hơn 80 cây. Anh Thoại chia sẻ: “Khi toàn huyện vận động, tuyên truyền chăm sóc vườn cây, gia đình tôi cũng quan tâm làm cỏ, chăm bón các gốc xoài hơn. Năm nay vườn nhà tôi thu được khoảng 3 tạ xoài. Đầu mùa thấy xoài các nơi có vẻ được mùa, giá cũng không cao nên gia đình hơi lo ngại, nhưng công ty đã đến thu mua hết, vừa thuận lợi và ổn định giá cả, chúng tôi rất yên tâm”.

Được biết, Công ty cổ phần Giống rau hoa quả Trung ương là đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm xoài tại Tuần Giáo. Năm nay, Công ty thu mua xoài với 2 mức giá, quả loại 1 từ 7 lạng trở lên/quả có giá 10.000 đồng/kg; xoài loại 2 dưới 7 lạng/quả có giá 7.000 đồng/kg. 

Hiện, toàn huyện Tuần Giáo có trên 30ha xoài Đài Loan cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 62 tấn; tập trung ở các xã: Quài Cang, Quài Nưa, Pú Nhung, Rạng Đông, Nà Tòng và Mường Mùn. Từ giữa tháng 6, nhiều vườn xoài ở các xã đã bắt đầu cho thu hoạch. Ông Nguyễn Huy Đức, đại diện Công ty Cổ phần Giống rau hoa quả Trung ương, cho biết: “Thực hiện dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm tại huyện Tuần Giáo, Công ty thực hiện đúng cam kết, đến địa bàn bao tiêu sản phẩm cho người dân. Mùa xoài năm nay quả đều và chất lượng hơn những vụ trước. Nhưng bà con chưa đầu tư nhiều vào bọc quả nên mẫu mã và kích cỡ vẫn chưa như kỳ vọng. Phần lớn là xoài lại 2. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp để nâng cao nhận thức, kỹ thuật canh tác của người dân, nâng cao chất lượng quả”.

Từ năm 2017 đến nay, Tuần Giáo phát triển hơn 435ha cây ăn quả các loại, trong đó một nửa diện tích là xoài Đài Loan, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp huyện. Qua mùa xoài này, người dân thấy được lợi ích kinh tế của vườn cây ăn quả và thực sự coi đây là tài sản của gia đình mình; cùng sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, kỳ vọng các vườn xoài tại Tuần Giáo sẽ phục hồi tốt, cho thu hoạch nhiều hơn, chất lượng hơn trong những năm tới…

V.N (tổng hợp từ baodienbienphu.com.vn)

Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top