Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 21 tháng 4 năm 2024 | 19:17

Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Những dấu tích của Ngô Quyền trên đất Cổ Loa

Vừa qua, tại Đình Ngự Triều Di Quy - Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa, huyện Đông Anh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1085 năm Đức vua Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa (939-2024).

Tại buổi lễ này, ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Bí thư Huyện uỷ - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, nhấn mạnh: “UBND huyện Đông Anh tổ chức chương trình kỷ niệm 1085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô ở Cổ Loa (939-2024) nhằm góp phần tiếp nối truyền thống yêu nước, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ ông cha đã chiến đấu, hi sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn sự nghiệp trung hưng đất nước của Ngô Quyền trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam; đồng thời tạo cơ sở, nền tảng thúc đẩy hoàn thiện các nội dung nhiệm vụ trong chương trình phát triển công nghiệp văn hóa tại huyện".

Đình Ngự Triều Di Quy: Tương truyền xưa kia là nơi thiết triều của An Dương Vương và Ngô Quyền.

Với chiến thắng đánh tan hơn 3 vạn quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938 đã cho chúng ta thấy vai trò, vị trí và công trạng của Ngô Quyền đối với sự phát của đất nước là vô cùng to lớn, đó là mở ra thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ cho dân tộc, mùa xuân năm Kỷ Hợi (939) Ngô Quyền bỏ chức Tiết độ sứ, xưng Vương, định đô ở Cổ Loa, tạo ra những bước bản lề cho xã hội Việt Nam thế kỷ X. Hệ thống chính quyền triều Ngô tuy vẫn còn đơn sơ, nhưng là một triều đình độc lập, với đầy đủ bộ máy vua, quan, hoàng thất và đã xác lập được các quy chế, các lễ nghi riêng biệt.

Giếng nước Ngô Quyền: Tương truyền Ngô Quyền đã cho đào giếng trước cửa Nam thành Nội (nay ở vị trí điếm Xóm Chùa), trước kia là giếng đất, về sau dân làng Cổ Loa có sửa chữa xếp gạch, kè đá để lấy nước về ăn.

Theo các nhà khoa học, việc chọn Cổ Loa làm quốc đô để nối lại kinh đô cũ của nước Âu Lạc thời An Dương Vương là nét đặc thù tư tưởng tự lực, tự cường của Ngô Quyền mà ít ai nghĩ tới. Thường mỗi vị thủ lĩnh sau khi thu phục giang sơn thường về dựng đô ở quê hương như Trưng Trắc đóng đô ở Phong Châu, Đinh Tiên Hoàng đóng đô ở quê nhà Hoa Lư... riêng Ngô Quyền đóng đô ở Cổ Loa hẳn là một tư duy đổi mới đáng ghi nhận, sau khi đắn đo hơn thiệt về địa điểm một trung tâm văn hóa, có vị trí địa chính trị, quân sự quan trọng lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành văn hóa của huyện Đông Anh cho biết, hiện nay trên mảnh đất Cổ Loa hiện còn lưu giữ, truyền tụng về một số di tích, dấu tích của triều Ngô như cây đa nghìn tuổi, giếng nước Ngô Quyền, đôi câu đối trên đền Thượng… các dấu tích, chứng tích về Ngô Quyền và triều đại của ông ở Cổ Loa thật ít ỏi, chủ yếu là thần tích hoặc chuyện trong dân gian chứ không có đền thờ hoặc công trình tưởng niệm nào.

Vì thế, việc xây dựng đền thờ Ngô Vương trên vùng đất Cổ Loa để cháu con thờ phụng là hoàn toàn xứng đáng với công đức của vị vua có công tái tạo đất nước, đứng đầu các vua.

Thỏa niềm mong ước của người dân

Trước đó, tại hội thảo Ngô Quyền - vị tổ trung hưng đất nước (2020) tại Hoàng thành Thăng Long, các nhà khoa học đề xuất sớm xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa.

Khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh.

Vào giữa tháng 5/2023, Bí thư thành ủy Hà Nội đã đề nghị UBND TP. Hà Nội có văn bản báo cáo Bộ VH-TT&DL và Thủ tướng đề xuất, kiến nghị đưa hạng mục đền thờ vua Ngô Quyền vào Quy hoạch chi tiết Khu di tích Cổ Loa.

Mới đây, UBND huyện Đông Anh đề nghị UBND thành phố Hà Nội đẩy nhanh thủ tục hoàn thiện hồ sơ quy hoạch mặt bằng tổng thể di tích, tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc công trình Đền thờ Vua Ngô Quyền.

Tại lễ Kỷ niệm 1085 năm Đức vua Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loav vừa qua, chúng tôi được nghe tâm tư, nguyện vọng của ông Trương Văn Bảy, nhà ở thôn Nhồi Dưới, xã Cổ Loa về việc cần phải xây dựng một ngôi đền thờ Vua Ngô Quyền trên đất Cổ Loa địa linh nhân kiệt này. Ông Bảy cho biết: Cổ Loa được nhắc đến bởi nơi đây là kinh đô đầu tiên của nhà nước Âu Lạc, nơi Vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Đây cũng là kinh đô được Vua Ngô Quyền lựa chọn sau khi đánh thắng quân Nam Hán, mở ra một thời kỳ độc lập, tự chủ sau hơn 1000 năm Bắc thuộc.

“Mặc dù, triều đại của Ngô Vương có 26 năm định đô tại Cổ Loa, nhưng những dấu tích của Vương triều này rất ít ỏi, chủ yếu nằm trong thần tích, hay chuyện dân gian được người dân Cổ Loa lưu truyền lại, vì thế, niềm mong mỏi không chỉ của người dân Cổ Loa chúng tôi nói riêng, mà của tất cả nhân dân  nói chung đều mong muốn có được một ngôi đền xứng tầm để nhân dân tôn thờ Vua Ngô Quyền, bởi những công lao của ông đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam”, ông Bảy nói.

Đồng quan điểm với ông Bảy, ông Nguyễn Văn Lân nhà ở xóm Chùa, xã Cổ Loa cho biết,  chúng tôi mong chờ công trình này được xây dựng, nếu được xây dựng Đền thờ Ngô Quyền và quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa có thêm giá trị lịch sử rất lớn. Điều này không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Cổ Loa, mà còn là niềm tự hào của nhân dân Thủ đô khi trên mảnh đất địa linh nhân kiệt Cổ Loa này được lựa chọn làm kinh đô của nhà nước Âu Lạc và Ngô Vương.

Công lao của Ngô Quyền đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đã quá rõ ràng, việc xây dựng đền thờ Ngô Vương là rất cần thiết, vừa để nghi nhớ công trạng của ông, vừa là nơi cho các thế hệ con cháu đến để tưởng nhớ về một vị Vua tài giỏi, đồng thời đây cũng là nơi để giáo dục truyền thống cho các thế hệ về trách nhiệm bảo vệ, đấu tranh gìn giữ non sông, đất nước, thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top