Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 2 năm 2023 | 10:32

Người nông dân thu lợi nhuận cao nhờ vào trồng trọt, chăn nuôi

Nhiều loại sản phẩm nông sản do thời tiết không thuân lợi nên sản lượng thấp hơn so với năm trước, nhưng lại có giá cao nên người nông dân có thu nhập lớn. Nhiều hộ nông dân phát triển kinh tế bằng việc chăn nuôi và làm trang trại cũng cho thu nhập ổn định.

Trồng cà chua, nông dân Quỳnh Lưu lãi 100 triệu đồng/ha

Theo bà con nông dân ở đây cho biết, do thời tiết năm năm không thuận lợi, cà chua khó trồng nên năng suất đạt thấp, do vậy ngay từ đầu vụ giá bán đã cao hơn các năm trước. Để kéo dài thời gian thu hoạch, bà con đang tích cực chăm sóc cây cà chua.

Ra Tết, cà chua ở Quỳnh Lưu đã chín bói, bắt đầu cho thu hoạch. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Hồ Văn Sơn ở xã Quỳnh Minh cho biết, gia đình trồng 4 sào cà chua (giống cà chua nông hữu). Thời tiết những tháng cuối năm 2022 mưa nhiều nên khó chăm sóc, khiến cà chua chậm phát triển, thậm chí có những lứa phải trồng lại. Do khó khăn ngay từ đầu, nên dù cà chua ra quả nhiều, quả lại nhỏ hơn các năm, năng suất thấp. Trước đây, giống cà chua này đạt năng suất trên 2 tấn/sào, nhưng năm nay chỉ ước đạt hơn 1 tấn/sào. Tuy nhiên, giá bán cao nên bà con có lãi. Ngay từ đầu vụ, thương lái thu mua với giá 16.000 đồng/kg, hiện có giảm một chút, nhưng vẫn cao hơn các năm trước.

Bà Hồ Thị Loan - chủ vườn cà chua trên cánh đồng của xã Quỳnh Minh chia sẻ, trồng cà chua đòi hỏi đầu tư nhiều và kéo dài thời gian chăm sóc. Vào cuối thời kỳ sinh trưởng, cây cà chua xuất hiện những lá già, vàng cần phải tỉa bỏ để làm thoáng ruộng cho cây phát triển tốt, quả hấp thụ được nhiều ánh sáng, nhanh chín và mẫu mã đẹp.

Tính toán của bà con cho thấy, vụ này cà chua đạt năng suất khoảng 1,5 tấn/sào, thì với giá bán như hiện nay từ 13.000 - 15.000 đồng/kg thì trừ mọi chi phí, người trồng cà chua còn lãi từ 5 - 6 triệu đồng/sào.

Bà Vũ Thị Bích Hằng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết: Vụ đông vừa qua toàn huyện trồng được khoảng hơn 50 ha cà chua, tập trung ở các xã vùng bãi ngang. Kinh nghiệm của bà con Quỳnh Lưu là trồng rải vụ nên thuận lợi trong khâu thu hoạch, tiêu thụ, tránh được tình trạng thu hoạch một lúc dẫn đến "cung quá cầu", bị ép giá.

"Dù năng suất đạt thấp, nhưng bù lại thương lái thu mua với giá cao, nên người trồng cà chua ở Quỳnh Lưu trong vụ này vẫn có lãi từ 100 - 120 triệu đồng/ha", bà Vũ Thị Bích Hằng cho biết.

Trong sản xuất nông nghiệp, hiện tượng “được mùa mất giá – được giá, mất mùa” luôn luôn diễn ra do phải phụ thuộc vào thiên nhiên rất nhiều. Nhưng biết tận dụng để trong quá trính mất mùa lại thu được giá cao, để thu lời lớn vẫn đang được bà con nông dân tận dụng. Điều này không những làm giảm thiệt hại cho bà con lại còn làm tăng thêm thu nhập, tuy nhiên công sức bỏ ra cũng rất vất vả. “mưa thuận, gió hòa” để sản xuất nông nghiệp vẫn là điều mong muốn của bà con nông dân chúng ta.

Thu lãi trên 700 triệu đồng/năm nhờ nuôi gà đẻ trứng

Với hơn 3.000 con gà siêu đẻ trứng được nuôi theo quy trình khép kín, mỗi năm, trang trại của anh Nguyễn Hữu Hiếu (SN 1994, ở thôn Trung Tâm, xã Ngọc Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) đạt doanh thu hơn 2,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lãi trên 700 triệu đồng.

Anh Hiếu hiện đang nuôi hơn 3.000 con gà đẻ giống D310 Dabaco.

Mô hình nuôi gà siêu đẻ trứng của anh Hiếu được triển khai từ năm 2018 trên diện tích hơn 7.000 m2, tại thôn Trung Tâm, xã Ngọc Sơn. Anh Hiếu hiện đang nuôi hơn 3.000 con gà đẻ giống D310 Dabaco.

Anh Nguyễn Hữu Hiếu cho biết: Đến thời điểm này, tôi đã đầu tư cho mô hình chăn nuôi gà khoảng hơn 1,5 tỷ đồng. Bước đầu triển khai còn gặp nhiều khó khăn nhưng hiện nay, chúng tôi đang từng bước ổn định và đem lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành mô hình kinh tế điểm của địa phương.

Được biết, gà D310 được anh Hiếu nuôi khai thác đẻ trứng trong vòng 1 năm. Sau 12 tháng, anh sẽ tiến hành loại thải để nuôi lứa mới nhằm cung cấp trứng chất lượng và hiệu quả nhất. Gà thải được anh bán ra thị trường với giá khoảng 85.000 đồng/kg.

Thời điểm này, giá thức ăn đang ở mức cao nhưng bù lại giá trứng trên thị trường tăng và được xuất bán hết nên trang trại của anh Hiếu vẫn thu lãi cao. Anh cho biết, với hơn 3.000 con gà đẻ, mỗi ngày anh thu được hơn 2.000 - 2.500 quả trứng, với giá bình quân 3.000 đồng/quả, đưa về nguồn thu khoảng 7 triệu đồng/ngày, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động.

Ông Phan Trần Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết. Trang trại nuôi gà của anh Hiếu là mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Chúng tôi đang khuyến khích bà con trên địa bàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm để có thể nhân rộng, nâng cao thu nhập. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đồng hành cùng anh Hiếu trong việc định hướng, khoanh vùng sản xuất để đảm bảo mô hình được phát triển bền vững, an toàn.

Nhiều mô hình kinh tế vườn có hiệu quả

Từ nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, những năm qua nông dân xã Tiên Lộc (Tiên Phước, Quảng Nam) đã phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, kinh nghiệm làm vườn xây dựng nhiều mô hình vườn xanh - sạch - đẹp - hiệu quả.

Với lợi thế có khu vườn nhà rộng hơn 1,2ha, vợ chồng ông Văn Thu (ở thôn 3) xây dựng mô hình kinh tế vườn hơn chục năm nay. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các hộ đi trước, cần mẫn đầu tư, chăm sóc, làm cỏ, bón phân hợp lý nên các loại cây trồng trong vườn nhà ông Thu phát triển xanh tốt.

Hiện khu vườn đã có 13 cây sầu riêng, 70 cây măng cụt, hơn 50 cây bưởi da xanh và hàng trăm cây cau, thanh trà, cam các loại cho thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng mỗi năm.

Ông Phạm Đức Lễ (ở thôn 4) chuyên tâm phát triển kinh tế bằng mô hình trồng cây có múi. Hơn 300 cây quýt đường được trồng trên một khu đồi rộng lớn đang trong thời kỳ xanh tốt trông thật bắt mắt.

Mô hình vườn cây ăn quả cho cho thu nhập bước đầu hơn 150 triệu đồng/năm của ông Phạm Đức Lễ, thôn 4, xã Tiên Lộc (Tiên Phước). Ảnh: P.H

Ông Lễ cho biết, trước đây ông sống và làm việc tại tỉnh Bình Dương, nhưng vì cha mẹ già yếu không có người chăm sóc nên ông quyết định về quê đầu tư hơn 500 triệu đồng cải tạo khu vườn rộng hơn 2ha của gia đình trồng cây ăn quả. Nhờ chọn loại cây trồng phù hợp cộng với đầu tư, chăm bón chu đáo nên khu vườn phát huy hiệu quả kinh tế khá cao.

Hiện 60 cây bơ, 60 cây sầu riêng và 40 cây măng cụt chưa cho trái nhưng riêng 100 cây bưởi da xanh và 300 cây quýt đường đã cho gia đình ông nguồn thu hơn 150 triệu đồng mỗi năm.

Ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lộc cho biết: “Để phát huy hết tiềm năng đất đai, lao động tại địa phương, chúng tôi đã tranh thủ các cơ chế, chính sách của cấp trên vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại đem lại kết quả khả quan. Trong giai đoạn 2017 - 2022 toàn xã có 314 hộ được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó phần lớn là các hộ xây dựng được mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại hiệu quả”.

Bằng nhiều mô hình phát triển kinh tế, biết vận dụng vào thuận lợi và khó khăn của thiên nhiên, thời tiết để sản xuất nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao là một trong những biện pháp theo hướng “thuận thiên”. Vừa bảo vệ được môi trường, vừa thích nghi với sự biến đổi của khí hậu, vừa phát triển được kinh tế cho bà con nông dân. Nhưng không thể thiếu việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất hiệu quả hơn.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top