Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 29 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 3 tháng 1 năm 2023 | 13:37

Niềm vui từ những cánh đồng ở Điện Biên

Với mục tiêu đa dạng giống cây trồng để tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững và tinh thần không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, một số nông dân trên địa bàn tỉnh ĐIện Biên Phủ đã chủ động tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao, tìm tòi các giống cây trồng mới mang lại hiệu quả về kinh tế.

Những cây trồng mới mang lại hiệu quả

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, phương pháp canh tác các loại cây trồng mới còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng khoa học công nghệ.

Anh Phạm Thành Phong, thôn 13, xã Thanh Luông (Điện Biên) kiểm tra quá trình sinh trưởng của mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao.

Những năm gần đây, trên những thửa ruộng năng suất thấp anh Trần Quang Trung, thôn Tân Ngam, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) đã chuyển đổi sang trồng dưa hấu, dưa lê. Anh Trung cũng là người đầu tiên đưa dưa hấu, dưa lê vào trồng tại xã, mở ra hướng đi mới cho nhiều nông hộ.

Anh Trung cho biết: Trước đây, 3.000m2 đất trồng dưa hiện tại gia đình trồng một số cây màu nhưng năng suất không cao. Từ khi trồng dưa lê và dưa hấu, hiệu quả kinh tế hơn hẳn, không mất nhiều công chăm sóc, thời gian được thu hoạch nhanh.

Với chất đất và khí hậu phù hợp, vốn đầu tư ít, cách trồng đơn giản, thu hoạch dễ dàng, lợi nhuận lại cao hơn so với những loại cây đã từng trồng nên anh Trung tăng dần diện tích trồng dưa. Ban đầu chỉ là 1.000m2 sau nhà, thấy hiệu quả anh đã mở rộng diện tích lên 3.000m2. Chia sẻ về kỹ thuật trồng dưa, anh Trung cho biết: Trồng cây dưa hấu không khó, chăm sóc cũng nhàn, thời gian mỗi vụ từ lúc trồng đến khi thu hoạch là 75 ngày. Cây dưa hấu có thể trồng bằng hạt hoặc làm bầu. Kỹ thuật trồng được tôi tham khảo, học hỏi có chọn lọc qua các phương tiện thông tin đại chúng sau đó áp dụng phù hợp vào điều kiện thực tế của gia đình. Một năm có thể trồng được 3 vụ tuy nhiên với thời tiết ở đây, mỗi năm tôi trồng 2 vụ dưa; tránh trồng vào mùa mưa và mùa lạnh để hạn chế thiệt hại do thiên tai và để dưa có chất lượng tốt nhất.

Với diện tích khoảng 3.000m2 anh Trung thu được 5 tấn dưa, với giá bán 15.000 - 20.000 đồng/kg, mỗi vụ dưa gia đình anh Trung thu nhập khoảng 60 - 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Thu hoạch đến đâu cũng bán hết đến đó. Ngoài trồng dưa hấu, dưa lê anh Trung còn cải tạo gần 3ha vườn, nương kém hiệu quả để trồng các loại cây ăn quả, như: Bưởi, xoài Đài Loan, ổi và táo. Các cây ăn quả đều đã cho thu hoạch và là sản phẩm nông sản được nhiều người dân trên địa bàn tin dùng.

Cũng trồng dưa nhưng anh Phạm Thành Phong, thôn 13, xã Thanh Luông (Điện Biên) chọn mô hình trồng dưa lưới thủy canh trong nhà màng để phát triển kinh tế. Mô hình của anh cũng là “điểm sáng” thu hút nông dân trong tỉnh học hỏi nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, mở ra triển vọng lớn trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Mô hình trồng dưa lưới thủy canh được anh Phong triển khai từ năm 2021. Ban đầu chỉ là trồng thử ở một góc vườn nhỏ, sau khi thấy hiệu quả anh Phong đầu tư 300 triệu đồng làm nhà lưới để mở rộng diện tích trồng lên 500m2 và tiếp tục học hỏi công nghệ sản xuất dưa lưới từ các trang trại lớn. Cứ sau 3 tháng anh Phong thu hoạch 1 vụ dưa, thu nhập gần 30 triệu đồng/vụ. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao mà còn tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Anh Phong cho biết: Để dưa lưới đạt chất lượng cũng như trọng lượng ổn định, người trồng phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc mới cho hiệu quả cao. Sau khi gieo trồng phải theo dõi diễn biến thời tiết hàng ngày và thăm vườn thường xuyên để điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật, chăm bón cho phù hợp nhu cầu về nước và chất dinh dưỡng. Với điều kiện khí hậu tại Điện Biên có thể triển khai 3 - 4 vụ/năm.

Hiệu quả các cây trồng mới đã mang lại cho gia đình anh Trung, anh Phong có cuộc sống sung túc và tràn ngập niềm vui bởi thành quả lao động được như mong muốn. Kết quả đó cũng mở ra triển vọng trong sản xuất nông nghiệp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến để tăng hiệu quả, thu nhập cho nông dân.

Khát vọng Pu Lau

Pu Lau từng là một trong những bản vùng xa, khó khăn nhất của xã Mường Nhà (Điện Biên) với tỷ lệ hộ nghèo trên 70%; đường giao thông chưa được bê tông hóa. Những năm gần đây, được sự đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, Pu Lau đã trở thành bản tiên phong, kiểu mẫu về xóa đói giảm nghèo. 

Người dân Pu Lau thu hoạch dứa.

Trở lại Pu Lau vào những ngày cuối năm Nhâm Dần, ẩn trong sương mù và tiết trời giá lạnh, trên sườn đồi, những cây mơ, mận, đào bung hoa khoe sắc. Bản Pu Lau là nơi sinh sống của 110 hộ đồng bào dân tộc Mông, với hơn 500 khẩu. Trước đây khi mới định cư dưới chân núi Pu Lau, do tập quán canh tác lạc hậu, tự cung tự cấp, nên cái đói, cái nghèo đeo bám dai dẳng. Trong những năm gần đây, nhờ các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới, người dân đã được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất nâng cao thu nhập.

Đến nay, đời sống người dân trong bản đã ổn định và từng bước thoát nghèo, các hủ tục cũng bị đẩy lùi. Pu Lau đang từng ngày thay da, đổi thịt với những đồi cây ăn quả, đường bê tông phẳng phiu, trường học khang trang, nhiều gia đình có điều kiện xây dựng sửa sang nhà cửa, mua ti vi, tủ lạnh, xe máy... Có gặp gỡ, trò chuyện với người dân nơi đây mới cảm nhận rõ khát vọng thoát nghèo, làm giàu. Họ đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm; bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại sự trợ giúp của Nhà nước mà tự lực vươn lên để thoát nghèo bền vững. Ở Pu Lau bây giờ có nhiều hộ khá lên nhờ trồng cây dứa và chăn nuôi. Mô hình trồng dứa ở Pu Lau đang được người dân hưởng ứng và nhân rộng trở thành bản có diện tích dứa lớn nhất xã với hơn 30ha, hầu như tất cả hộ dân trong bản đều trồng dứa.

Trong ngôi nhà khang trang, anh Vàng A Cử, người dân bản Pu Lau chia sẻ: “Nhờ chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước nên đời sống người dân đã có nhiều đổi thay. Nếu chăm chỉ làm ăn, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà... mỗi năm tiết kiệm một ít là có của ăn của để. Năm nay, gia đình tôi trồng khoảng 5.000m2 dứa, trừ chi phí cho thu nhập hơn 50 triệu đồng”.

Những năm gần đây, bản Pu Lau đã xuất hiện những mô hình kinh tế nông - lâm và chăn nuôi kết hợp cho thu nhập vài chục triệu đồng/năm, nhất là khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, cải tạo đất trống, bạc màu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, bình quân lương thực đầu người ở bản Pu Lau đạt 900kg/năm; riêng lúa nước, bản hiện có 5,1ha đảm bảo lương thực cho người dân. Nhiều năm nay, Pu Lau không có hộ nào phải cứu đói. Chăn nuôi gia súc, gia cầm đều tăng trưởng tốt; nhiều hộ gia đình có 30 - 40 con trâu, bò. Tất cả 110 hộ trong bản đều chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm; cả bản có hơn 500 con gia súc. Hiện nay, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt 36 triệu đồng/năm; bản chỉ còn 4 hộ nghèo.

Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, Pu Lau còn đi đầu trong công tác xây dựng bản nông thôn mới trên địa bàn xã Mường Nhà. Anh Vàng A Tỷ, Trưởng bản Pu Lau cho biết: Khi Pu Lau được xã Mường Nhà chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, chi bộ và ban quản lý bản cùng với các già làng, người có uy tín trong bản vận động người dân chung sức đồng lòng tham gia. Nhiều hộ dân tự nguyện tháo dỡ các công trình, vật kiến trúc, hiến hàng trăm mét vuông đất, diện tích hoa màu, đóng góp hàng trăm ngày công lao động cùng xây dựng nhà văn hóa bản; bê tông hóa 100% đường nội bản; đến nay 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đời sống văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, bản đã thành lập được tổ an ninh nhân dân giữ gìn an ninh trật tự trong bản, tổ hòa giải, phòng chống bạo lực gia đình, đội văn nghệ. Năm 2021, Pu Lau đã được công nhận bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Lò Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Nhà cho biết: Pu Lau là một trong những bản điển hình về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã. Trong đó, mô hình trồng dứa đang ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dứa, đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, hợp tác xã với thị trường để đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn. Theo quy hoạch của xã đối với cây dứa trên địa bàn, mỗi năm sẽ mở rộng thêm khoảng 30% so với diện tích đang có. Xã đã triển khai mô hình thâm canh dứa trên địa bàn bản Pu Lau nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, giúp nâng cao năng suất, sản lượng và đặc biệt là mục tiêu sản xuất 100% theo hướng hữu cơ, phát triển sản phẩm dứa Pu Lau trở thành một trong những sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.

Từ một bản nghèo khó, Pu Lau đã vươn lên, chỉ còn 4 hộ nghèo, không có hộ đói. Những ngôi nhà gianh tre, nứa lá được thay thế bằng những căn nhà gỗ khang trang, vững chắc; những con đường gồ ghề, lầy lội đã được bê tông hóa theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi, mua bán và vận chuyển hàng hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Trong hành trình phát triển, Pu Lau sẽ còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách, song với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người dân Pu Lau với khát vọng vươn lên sẽ tiếp tục phát huy nội lực, đoàn kết xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm.

Chế Á tự lực vươn lên

Con đường bê tông quanh co ven đồi dẫn lên bản Chế Á (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo) ngày cuối năm, ven đường hoa trạng nguyên đỏ rực, dã quỳ đua nở vàng ruộm, lau trắng phất phới, cà phê xanh mướt trải dài... Một bức tranh vùng cao rực rỡ sắc màu, như chính cuộc sống người dân nơi đây, sẵn sàng bước sang một năm mới nhiều hứa hẹn.

Chế Á là bản vùng cao, cách xa trung tâm xã Tỏa Tình, chưa có điện lưới quốc gia. Dù vậy vẫn không thể cản trở người dân vươn lên dựng xây cuộc sống no ấm, đủ đầy. Với 100% đồng bào dân tộc Mông, bản tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, Chế Á còn là bản tiêu biểu không chỉ của Tỏa Tình mà nổi tiếng trong huyện về phát triển kinh tế.

Từ trung tâm xã, trước khi đến bản, chúng tôi lạc vào một vùng cà phê trùng trùng điệp điệp, từng đồi cây cà phê gối lên nhau trải rộng mênh mông. Chế Á hiện có khoảng 70ha cà phê đã cho thu hoạch và hơn 30ha trồng mới. Năm nay cà phê được giá, sai quả, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 12, nương của các hộ dân rộn ràng thu hái, cân đếm. Đỗ xe đầu bản, chúng tôi gặp một nhóm người ngồi trò chuyện rôm rả, bên các bao cà phê chín đỏ. Anh Vừ A Minh, người dân Chế Á dừng xịch chiếc xe, bê cân đồng hồ 100kg đặt xuống, rồi thoăn thoắt cân từng bao, ghi tên, tính tiền trả từng người. Đó là những người hái cà phê thuê từ các xã Quài Nưa, Quài Tở... thậm chí Pú Xi xa xôi đến đây làm công.

Gia đình anh Vừ A Minh có gần 3ha cà phê, năm nay thu khoảng 20 tấn quả tươi, tùy từng thời điểm có giá dao động từ 12.000 - 16.000 đồng/kg. Đây đã là những loạt quả cà phê cuối cùng của vụ thu hoạch này. Sau khi trả tiền cho người lao động, anh Minh cười sảng khoái, vừa đùa vừa thật: “Xong vụ cà phê năm ngoái, đủ tiền ăn phở cả năm. Năm nay thì sơ sơ thu khoảng 300 triệu đồng, chưa tính đầu tư vào việc gì. Để có đồng dư dả, trong năm, vợ chồng tôi tự lên nương cặm cụi vun xới, chăm bón cây nên không mất tiền thuê người, chỉ tốn 32 triệu tiền phân bón. Vào vụ thu hoạch, 2 loạt quả đầu, chín ít nên gia đình tự hái, còn lại phải thuê 10 - 20 người hái mỗi lứa, mỗi ngày, với giá 2.000 - 2.500 đồng/kg”.

Cây cà phê bén rễ mảnh đất này từ những năm 2010, đã không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân Chế Á mà còn tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động ngoài địa bàn. Trung bình 1 ngày chính vụ, có gần trăm người lao động từ các xã đến thu hái thuê trên các nương cà phê của Chế Á. Ngoài trồng riêng cà phê, người dân Chế Á còn chủ động trồng xen canh với các loại cây khác, tăng giá trị sử dụng đất, tăng thu nhập cho gia đình. Anh Lầu A Tú, Trưởng bản cho biết: “Mỗi nhà có thể trồng loại cây xen canh khác nhau, được hỗ trợ giống hoặc tự đầu tư. Nào là mắc ca, mận, chuối, dổi, lê... Chúng tôi không thống kê số cây, diện tích cụ thể. Loại cây nào thấy phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng cà phê là bà con trồng. Các lớp tập huấn trồng trọt tại địa bàn đều được người dân tham gia nhiệt tình. Dù là tập huấn về cây cà phê - đã trồng, chăm sóc thành thạo, thì mọi người vẫn học hỏi thêm. Hiện, bản có 30ha cà phê xen canh mắc ca của 26 hộ tham gia dự án liên kết. Một số hộ trồng thử mận cũng đã cho thu hoạch, mỗi nương chỉ mấy chục cây, năm đầu tiên cho thu vài triệu, không nhiều nhưng cũng có thêm ít tiền tiêu trong gia đình. Bà con đang trông mong vào mấy trăm cây lê đã đến mùa ra hoa, trồng từ năm 2018, năm ngoái cho ra bói ăn rất ngon, ngọt, vỏ mỏng. Ngoài ra bản vẫn phát triển cây ngô và phát động khai hoang ruộng bậc thang”.

Cũng từ cà phê, các loại cây trồng, cùng sự cần cù, chịu khó, bản Chế Á có 4 hộ đầu tư ô tô tải chuyên chở và thu mua nông sản cho người dân của bản và các vùng lân cận, trong đó có 2 hộ sắm xe trong năm 2022. Anh Lầu A Dương mới mua xe tải 3,5 tấn chia sẻ: “Gia đình tôi có khoản tiền thu được từ vụ cà phê năm trước, quyết định đầu tư xe tải, để đi thu mua ngô, cà phê của người dân trong bản và cả ở Pú Nhung, Mường Mùn... chở xuống Sơn La bán. Năm nay chạy cũng ổn, vừa thêm cái nghề, kiếm thêm thu nhập cho gia đình, vừa góp phần giữ giá nông sản, nếu có nhiều xe của người địa bàn như mình sẽ tránh được việc thương lái độc quyền, ép giá như nhiều năm trước”.

Siêng năng, không ngại học hỏi, mạnh dạn, tự lực... chúng tôi muốn dành hết những tính từ tốt đẹp miêu tả đức tính con người để nói về dân bản Chế Á. Dù chưa có điện lưới quốc gia nhưng từ lâu, bà con nơi đây đã được dùng điện, nhờ tự bỏ tiền kéo điện từ bản gần nhất về sử dụng. Tuy nhiên do khoảng cách xa và nguồn kinh phí hạn chế, nên điện vẫn chưa đủ cho nhu cầu sử dụng cả ngày và cho tất cả các hộ dân trong bản. Bởi những khó khăn vốn có của vùng cao, Chế Á vẫn còn 46/71 hộ nghèo, giảm 5 hộ nghèo so với năm trước. Trưởng bản Lầu A Tú khẳng định: “Nếu có điện, người dân sẽ làm được nhiều việc hơn, bớt rào cản trong giảm nghèo bền vững, chắc chắn Chế Á sẽ phát triển. Bước sang năm mới 2023, Chế Á mong ước sớm có điện lưới quốc gia về bản và được hỗ trợ bê tông hóa các tuyến đường nội bản, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân”.

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn. Đời sống kinh tế, trình độ nhận thức của một bộ phận dân cư còn hạn chế. Thế nên việc hộ nghèo chủ động xin thoát nghèo được coi là kỳ lạ. Những gia đình tự nguyện xin thoát nghèo không hẳn vì cuộc sống khá hơn mà chứng tỏ họ đã có ý thức tự lực vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Không được thụ hưởng các chính sách ưu đãi nhưng họ lại lấy đó là động lực để nỗ lực phấn đấu, tự mình vươn lên chiến thắng cái nghèo.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức hội nghị Công bố và trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa Làng Cổ Phước Tích và Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

Top