Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 3 năm 2024 | 13:41

Nông nghiệp thuận thiên, hướng đi tất yếu ở ĐBSCL

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.

Đối mặt với nhiều thách thức

Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp hơn 90% tổng lượng lúa gạo xuất khẩu của cả nước, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu khi Việt Nam đứng thứ 3 trong số các quốc gia xuất khẩu lúa lớn nhất thế giới. Không chỉ quan trọng với nông nghiệp, Đồng bằng sông Cửu Long cũng là vùng giàu đa dạng sinh học toàn cầu.

ĐBSCL nơi cung cấp trên 90% lương thực và trên 70% thủy sản cho xuất khẩu.

Ônh Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, ĐBSCL là phần cuối cùng của lưu vực sông Mê Công, có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 04 triệu ha, trong đó diện tích đất canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản gần 03 triệu ha. Đây là vùng có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về sản xuất nông nghiệp (bao gồm: trồng lúa, nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ và nước ngọt). Sản lượng nông nghiệp so với cả nước trong những năm gần đây chiếm trên 50%, lương thực xuất khẩu trên 90%, cây ăn trái và thủy sản trên 70%.

Tuy vậy, sự phát triển bền vững ĐBSCL đang đứng trước các thách thức lớn như: Tác động từ các hoạt động phát triển ở thượng lưu sông Mê Công; tác động của biến đổi khí hậu - nước biển dâng; từ những hoạt động phát triển của nội tại trên Đồng bằng. Các tác động nói trên đã, đang và sẽ dẫn đến các thách thức bao gồm: An ninh nguồn nước, ngập nước, suy thoái vùng,…

Trước các diễn biến và thách thức tác động trên, ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đã mở ra nhiều cơ hội cho Đồng bằng phát triển theo hướng thuận thiên. Thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ ưu tiên sản xuất lúa gạo sang thủy sản, cây trái; đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất theo hướng thích nghi với các thay đổi về nguồn nước, giảm phụ thuộc vào nguồn nước ngọt; biến thách thức về nguồn nước, xâm nhập mặn thành cơ hội làm gia tăng phát triển bền vững trên Đồng bằng.

Tuy nhiên, những năm gần đây ĐBSCL đang chịu xâm nhập mặn, sạt lở ngày một nghiêm trọng.

Sản phẩm “thuận thiên” thời gian qua cũng được một số tổ chức, doanh nghiệp quan tâm, nhưng chưa nhiều, chưa phát huy hết ý nghĩa của các sản phẩm sinh kế. Một số dự án đầu tư hạ tầng sinh kế được xem như là đầu tư công, nên tỷ lệ vay lại của tỉnh còn cao, trong khi sinh kế nhiều rủi ro. Nguy cơ tác động ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu cực đoan, khó lường, tình trạng sụt lún đất, xói lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ngày càng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp toàn vùng.

Các địa phương vùng ĐBSCL đề xuất cần có các giải pháp phù hợp cho vùng. Huy động các nguồn lực từ các thể chế tài chính trong và ngoài nước để triển khai nhóm biện pháp nông nghiệp thuận thiên phi công trình và nhóm giải pháp công trình phù hợp. Bên cạnh đó, cần liên kết khai thác tốt hơn các cơ chế chính sách đã có, gắn với huy động các nguồn lực để thực hiện về chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, triển khai các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn…

Chủ động thích ứng

Từ những thực trạng và thách thức trên, buộc các địa phương vùng ĐBSCL phải chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên sự biến động của nguồn nước, trong đó nhiều địa phương đã coi nước mặn, nước lợ là tài nguyên cho phát triển. Từ đó, hợp tác với các nhà khoa học tạo ra những mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn đa dạng về quy mô, dựa vào đặc điểm tự nhiên, tập quán sản xuất; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh; nghiên cứu, lai tạo các giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn; vận động người dân, doanh nghiệp thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy dựa trên tăng diện tích, sản lượng sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường. Tinh thần chủ động, linh hoạt thích ứng của các địa phương, người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL và các nhà khoa học, sẽ tiếp tục mở ra dư địa, không gian phát triển mới.

Mùa khô 2023-2024, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm.

Đây cũng là những quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL tại quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp “đa tầng, đa giá trị, thuận tự nhiên” xuất hiện ở nhiều địa phương trong vùng như: Mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh, mô hình thâm canh xoài theo hướng hữu cơ, mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Đồng Tháp; mô hình làng tuần hoàn thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh An Giang; mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh duyên hải;…

Riêng đối với tỉnh Cà Mau, thực hiện Nghị quyết 120, nông dân tỉnh Cà Mau đã có cách tiếp cận mới trong sản xuất, chuyển từ thế bị động sang chủ động ứng phó trước xâm nhập mặn. Tỉnh Cà Mau đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, như: Mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa hữu cơ; mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 02 giai đoạn;…

Chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, cấp nước sinh hoạt, hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão,… góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, đổi mới diện mạo nông thôn, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực, trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xoay trục sản phẩm chủ lực thủy sản - trái cây - lúa gạo chất lượng cao, giúp nông nghiệp vùng ĐBSCL liên tục tăng trưởng và đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản.

Mô hình tôm - lúa mang lại hiệu quả cao ở một số tỉnh tại ĐBSCL.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết, mô hình tôm - lúa là một hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận thiên gắn liền với vùng ĐBSCL.

Vào mùa khô, xâm nhập mặn từ biển vào sâu đất liền, các vùng đất ven biển, ven sông trở thành môi trường lý tưởng để nuôi tôm. Khi đến mùa mưa, nguồn nước ngọt về, các vùng đất phì nhiêu này lại thành cánh đồng lúa màu mỡ. Chu trình luân chuyển qua hai mùa nước, hai môi trường sống đối lập này tạo nên sự cân bằng, tính bền vững cho mô hình tôm - lúa.

Mô hình tôm - lúa nếu triển khai như hiện tại người dân phải bỏ ra số tiền rất nhỏ cho lúa giống, tôm giống, nhưng có thể đạt doanh thu từ 250 - 500 triệu đồng/ha/năm. Để đạt được 1 - 2,5 tỷ đồng/ha/năm cho mô hình tôm - lúa cần liên kết hợp tác lại thành thửa ruộng lớn, cánh đồng tôm - lúa lớn”, ông Quang nói.

Cần sự hỗ trợ từ quốc tế

Tại Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra mới đây, Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF-Việt Nam cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long có thể tránh được nguy cơ bị thu hẹp và chìm dần vào cuối thế kỷ này nếu chu trình sinh thái của đồng bằng và sự kết nối từ sông tới các vùng đồng bằng ngập lũ được duy trì. Mùa lũ là một quy trình tự nhiên quan trọng để xây dựng và bồi đắp đồng bằng thông qua việc lắng đọng trầm tích. Phục hồi mùa lũ là việc quan trọng với tương lai của đồng bằng. Nước lũ mang trầm tích và bồi đắp cho đồng bằng, làm tăng độ phì nhiêu, độ cao của đất, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cũng như hỗ trợ tái sinh rừng ngập mặn.

WWF và đối tác đã và đang triển khai thí điểm một số giải pháp thuận thiên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen, tôm - rừng ngập mặn, tôm - lúa luân canh… cho kết quả cụ thể về mặt kinh tế, mà vẫn bảo tồn được đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Từ kết quả bước đầu đã đạt được, WWF sẵn sàng chia sẻ với các đối tác về mô hình này, để mở rộng quy mô nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ sinh thái rừng, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo sức khỏe cho con người và thiên nhiên.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan trao đổi tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên trong việc cải thiện sinh kế của nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua quá trình hấp thụ carbon của đất, đất ngập nước và rừng; đồng thời bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì tương lai của các hệ thống lương thực, các nhà sản xuất nông nghiệp cần sẵn sàng chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nhằm tái tạo và phục hồi thiên nhiên đồng thời nâng cao hệ thống lương thực hiệu quả và bền vững.

Bộ trưởng kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, tri thức, kinh nghiệm, các công cụ đánh giá, cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên. Đồng thời, phối hợp Chính phủ rà soát các hạng mục ưu tiên đầu tư các dự án không hối tiếc thông qua các dự án tại ĐBSCL.

Hỗ trợ thu thập, đánh giá, lựa chọn các mô hình/giải pháp thuận thiên và thực hiện thí điểm các mô hình thuận thiên và dự án thuận thiên trong nông nghiệp, chú trọng tới các giải pháp kết hợp hài hòa đồng bộ giữa công trình và phi công trình - thích nghi theo điều kiện tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, giải pháp an sinh xã hội, quản lý bền vững nguồn lực tự nhiên gắn với chuyển đổi số và cải cách thể chế chính sách. Hỗ trợ nguồn lực triển khai các chương trình, đề án...

Bên cạnh đó, tạo cơ chế chính sách để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, đa giá trị, hiệu quả cao, tối ưu hóa các dịch vụ của hệ sinh thái phục vụ phát triển kinh tế tương xứng với tiềm năng và vị trí địa chiến lược của vùng.

Tại hội nghị, các đối tác quốc tế như EU, Mỹ, Australia, FAO, UNDP, WWF, SNV… các quỹ tài chính quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế và trong nước cam kết nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên; mạng lưới kết nối các nhà đầu tư quốc tế với các địa phương và doanh nghiệp trong nước cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành; các mô hình thuận thiên đã triển khai trong nước và quốc tế được chia sẻ và nhân rộng.

Từ đó, đề xuất giải pháp kinh tế, kỹ thuật, tài chính, cơ chế và chính sách có liên quan nhằm nhân rộng mô hình, giải pháp nông nghiệp thuận thiên cho các vùng miền khác của Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế về Tiểu vùng sông Mekong cho giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

 

Tổng hợp từ các nguồn: Baotintuc; Baocantho; Qdnd; camau.dsc.vn.

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top