Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 8 tháng 6 năm 2023 | 10:0

Phát triển bền vững cây ăn trái xuất khẩu ở Tây Nguyên - Bài 2: Mã số vùng trồng - 'Hộ chiếu xuất ngoại'

Mã số vùng trồng được xem như là “tấm hộ chiếu xuất ngoại” của nông sản Việt Nam.

Việc xây dựng vùng nguyên liệu gắn liền với cấp mã số vùng trồng là xu hướng tất yếu của các thị trường nhập khẩu hiện nay.  Đây còn là tiêu chuẩn quan trọng để nông sản Việt Nam được hưởng những ưu đãi về thuế suất từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ngành nông nghiệp, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đang nỗ lực cùng nông dân, hợp tác xã xây dựng, quản lý mã số vùng trồng để đưa nông sản vươn xa ra thế giới.

Sầu riêng được phân loại kỹ càng theo tiêu chuẩn khắt khe (6 trái/thùng) trước khi được đóng thùng để xuất khẩu đi Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN

“Tấm hộ chiếu” khó nhằn

Xây dựng mã số vùng trồng là một trong những khâu then chốt quyết định đến việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, chanh leo. Tuy nhiên, đây là một câu chuyện khá mới mẻ đối với người sản xuất và người quản lý. Thực tiễn, số lượng mã số vùng trồng được cấp về sầu riêng, chanh leo ở Tây Nguyên hiện nay còn khá khiêm tốn so với quy mô diện tích, sản lượng sẵn có.

Tại tỉnh Đắk Lắk, tính đến giữa tháng 5/2023, tỉnh có 39 vùng trồng sầu riêng, với tổng diện tích là 2.152 ha đã được cấp mã số vùng trồng; 10 vùng trồng sầu riêng với diện tích 297,4 ha đang chờ phê duyệt. Tỉnh chưa có vùng trồng chanh leo được cấp mã số vùng trồng.

Ông Trần Kim Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã chanh leo công nghệ cao Krông Búk cho biết, Hợp tác xã có 12 thành viên và liên kết với 12 hộ dân khác để sản xuất 100 ha chanh leo theo mô hình công nghệ cao, tiêu chuẩn xuất khẩu. Hợp tác xã đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp mã vùng trồng từ năm 2022 nhưng đến nay chưa được phê duyệt. 

“Thời gian qua, giá chanh leo trên địa bàn lên xuống thất thường, có thời điểm nông dân bán ra chỉ 2.500 đồng/kg. Tuy nhiên, chanh leo xuất khẩu đi Trung Quốc có giá từ 14.000 – 34.000 đồng/kg. Do chưa có mã số vùng trồng, Hợp tác xã phải xuất khẩu qua nước trung gian, chi phí tăng cao, vì vậy Hợp tác xã mong muốn sớm có mã số vùng trồng để xuất khẩu thuận lợi hơn, đưa giá chanh leo lên cao để người dân đảm bảo cuộc sống”, ông Trần Kim Tiền nhấn mạnh.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk Lê Văn Thành cho biết, hiện nay, việc thiết lập mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn như việc liên kết giữa đại diện vùng trồng hoặc các đơn vị xuất khẩu với người dân chưa thực sự công khai, minh bạch, rõ ràng, chưa bền vững. Một số hộ dân tại vùng trồng chưa có sự đồng thuận cao trong suốt quá trình cấp mã số từ khâu thiết lập hồ sơ đến khi vùng trồng được phê duyệt mã số và duy trì mã số sau khi được phê duyệt.

Bên cạnh đó, diện tích sản xuất rải rác, manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến khó khăn trong việc thiết lập mã số vùng trồng. Nhận thức của người dân về mã số vùng trồng còn nhiều hạn chế, ghi chép theo dõi nhật ký canh tác không đầy đủ và thường xuyên, Ứng dụng công nghệ thông tin chưa được thông suốt quá trình từ sản xuất đến thu hoạch, sơ chế, đóng gói, xuất khẩu…

Là địa phương đầu tiên của cả nước xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, tỉnh Đắk Lắk đã từng xảy ra tình trạng nhầm lẫn trong cấp mã số vùng trồng sầu riêng. Để giải quyết những băn khoăn, lo lắng của cả người dân và doanh nghiệp, tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng Đề án phát triển cây sầu riêng; thắt chặt quản lý mã số vùng trồng cũng như mã cơ sở đóng gói.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, tỉnh hiện có 33 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu với diện tích hơn 2.000 ha, thuộc 683 hộ với sản lượng đạt 75.000 tấn/năm. Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng cũng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 5 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm sầu riêng với tổng diện tích nhà xưởng 6.323 m2, công suất đạt 275 tấn/ngày.

Xây dựng, quản lý chặt mã vùng trồng

Trong bối cảnh hiện nay, mã số vùng trồng - “tấm hộ chiếu xuất ngoại” vừa chịu sự giám sát của địa phương, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vừa chịu sự giám sát của nước nhập khẩu. Bên cạnh những khó khăn trong việc thiết lập mã số vùng trồng, việc duy trì mã số cũng gặp nhiều thách thức khi phải đối mặt với nguy cơ bị thu hồi mã. Từ thực tiễn cho thấy cần có những giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn trong việc thiết lập, quản lý mã số vùng trồng.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023 về phân cấp quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Bộ yêu cầu các địa phương tự thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.

Chú thích ảnh
Người dân gắn mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho cây sầu riêng. Ảnh  minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu; phân công cụ thể các nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn cần tháo gỡ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến hoạt động cấp và quản lý mã số vùng trồng. Bộ cần hướng dẫn cụ thể việc giám sát tiêu thụ sản phẩm tại vùng trồng có mã số, giám sát việc sử dụng mã số vùng trồng nhằm giảm thiểu tình trạng đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng trà trộn vào những sản phẩm trong vùng trồng đã được cấp mã số cũng như hạn chế tình trạng giả mạo, lấy cắp mã số vùng trồng. Đồng thời, Sở kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ làm thủ tục kiểm dịch xuất khẩu tại địa phương, giúp địa phương kiểm soát nguồn gốc các lô hàng, ngăn ngừa tình trạng gian lận sử dụng mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói.

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Bình, Trưởng Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch, Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, thực tiễn hiện nay, các địa phương cần rà soát mã số vùng trồng hiện có để đánh giá hiện trạng xem mã số nào còn duy trì được, mã số nào sai quy trình thì thay đổi quy trình. Đồng thời, tỉnh cần tăng cường tập huấn cho nông dân, hợp tác xã, tránh tình trạng bà con tìm hiểu thông tin về mã số quá rộng và không đúng. Sắp tới, Viện sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đào tạo, tập huấn cho nông dân các kỹ thuật để được cấp mã số vùng trồng; phối hợp kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn nông dân duy trì quy trình thường xuyên.

Về phía nông dân, Tiến sĩ Phan Thanh Bình lưu ý, hiện nay nông dân chủ yếu canh tác trên diện tích 0,5 - 2 ha/hộ. Do đó, các hộ dân ở gần nhau cần đồng thuận, liên kết sản xuất để đủ diện tích lớn, được cấp mã số vùng trồng; canh tác theo các quy trình chung như quy trình sản xuất, quy trình kiểm soát vi sinh vật gây hại, quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tuân theo mẫu nhật kí điện tử chung để dễ kiểm soát.

Việc tìm hiểu thông tin về mã số vùng trồng, nông dân nên tìm hiểu tại đầu mối là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Cục Bảo vệ thực vật. Đặc biệt, việc trồng xen các loại cây trồng trên cùng một diện tích thời gian qua đã cho hiệu quả kinh tế khá lớn. Hiện nay, chỉ có thị trường Trung Quốc không công nhận và cấp mã số vùng trồng cho cây trồng xen, các thị trường khác không có quy định này. Do đó, người dân không nên chặt bỏ các cây trồng xen để trồng thuần mà tìm hiểu yêu cầu của thị trường nhập khẩu khác để canh tác, hướng tới xuất khẩu đa thị trường.

Ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum đánh giá, việc công khai, minh bạch mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu có vai trò quan trọng. Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số theo đúng hướng dẫn và quy định của nước nhập khẩu; đảm bảo các vùng trồng, cơ sở đóng gói luôn duy trì được tình trạng đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, cập nhật đầy đủ thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng phần mềm “Nhật ký đồng ruộng”, phần mềm “Quản lý cơ sở đóng gói” để cập nhật đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Tính đến giữa tháng 5/2022, tỉnh Gia Lai đã hình thành 18 vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao với tổng diện tích gần 3.490 ha. Toàn tỉnh đã được cấp 146 mã số vùng trồng với diện tích hơn 7,129 ha; trong đó có 19 mã số chanh dây, 17 mã số sầu riêng và 28 mã cơ sở đóng gói với tổng công suất khoảng 665 - 795 tấn quả tươi/ngày. Thời gian qua, việc cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói được triển khai sâu rộng ở các đơn vị, nhà máy lớn, hộ cá thể, hợp tác xã có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đạt chất lượng, đầu tư quy mô.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, năm 2023, tỉnh  phấn đấu xây dựng được 180 - 200 mã số vùng trồng và khoảng 40 - 50 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang tích cực thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng, đảm bảo sản phẩm nông nghiệp của Gia Lai có địa chỉ rõ ràng, công khai, minh bạch khi đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, được kiểm soát, công khai, minh bạch trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính trên thế giới.

Tây Nguyên đang dần trở thành “thủ phủ” cây ăn quả của cả nước. Đặc biệt, thời gian qua Trung Quốc đã chính thức mở cửa cho các sản phẩm sầu riêng, chanh leo của Việt Nam, góp phần làm gia tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Xây dựng mã số vùng trồng là giải pháp quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp số hoàn chỉnh, đưa hàng hóa nông sản Việt nói chung, nông sản Tây Nguyên nói riêng vươn xa ra thế giới.

Bài cuối: Chủ động bước ra sân chơi lớn

Nhóm Pv TTXVN tại Tây Nguyên
https://baotintuc.vn/kinh-te/phat-trien-ben-vung-cay-an-trai-xuat-khau-o-tay-nguyen-bai-2-ma-so-vung-trong-ho-chieu-xuat-ngoai-20230606153135730.htm
 
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top