Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 3 tháng 6 năm 2024  
Thứ tư, ngày 22 tháng 5 năm 2024 | 14:3

Phú Yên phát triển vùng dược liệu gắn với đầu tư nhà máy chế biến

Tỉnh Phú Yên đang triển khai các giải pháp phát triển vùng trồng dược liệu gắn với bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên sẵn có tại các tiểu vùng có điều kiện sinh thái phù hợp, với diện tích lên đến 20.000ha, thu hút khoảng 10.000 hộ gia đình tham gia.

Theo mục tiêu, đề án sẽ góp phần tăng thu nhập từ dược liệu đạt tối thiểu 15% trong kinh tế hộ gia đình và giải quyết việc làm ổn định theo mùa vụ cho người dân.

Tăng thu nhập cho người dân từ cây dược liệu

UBND tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt Đề án phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2050.

Mục tiêu của Đề án là phát huy hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển các vùng trồng dược liệu chuyên canh gắn với bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên, nhất là các cây dược liệu quý hiếm, đặc hữu trên địa bàn như sa nhân, ba kích, địa liền, bình vôi, thiên niên kiện, thổ phục linh, sâm cau, chè vằng, lá khôi, hà thủ ô, hoàng đằng, trà mã dọ, cam thảo Đá Bia...; khuyến khích mở rộng các vùng chuyên canh tiềm năng tại các huyện Tuy An, Sơn Hòa và Đồng Xuân; bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.

Khu rừng đặc dụng Đèo Cả.

Bên cạnh đó, Đề án tập trung ưu tiên phát triển dược liệu trong môi trường dưới tán rừng và trên đất lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng. Đồng thời, kết hợp phát triển đa dạng các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và sử dụng tự túc của người dân miền núi.

Đến năm 2030, phát triển vùng nguyên liệu trồng dược liệu (nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng) tập trung tại các tiểu vùng có điều kiện sinh thái phù hợp lên khoảng 20.000ha, thu hút khoảng 10.000 hộ gia đình tham gia gây trồng và phát triển dược liệu được tạo thêm việc làm, tăng thu nhập từ dược liệu đạt tối thiểu 15% trong kinh tế hộ gia đình và hằng năm giải quyết việc làm ổn định theo mùa vụ cho người dân.

Đến năm 2050, phát triển ngành hàng dược liệu của tỉnh trở thành ngành hàng mang thương hiệu mạnh, có giá trị sản xuất cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương và đưa Phú Yên trở thành trung tâm sản xuất dược liệu (nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng) của vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết: Đề án được kỳ vọng là cơ hội để người dân tiếp cận, phát triển mô hình nông nghiệp phù hợp với đất đai, khí hậu của Phú Yên, từ đó tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống… Nguồn vốn để thực hiện đề án là 1.147,3 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 184,6 tỷ đồng, còn lại là nguồn lực xã hội hóa.

Theo TS. Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam), Đề án phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp ở Phú Yên có tính khả thi cao. Nếu tập trung đầu tư, phát triển các loại cây bản địa, đặc hữu, địa phương sẽ mở ra cơ hội để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn. Trong đó có các loài phát triển rất tốt như lan kim tuyến, cam thảo Đá Bia, ba kích… Các loại cây này vừa có thể tiêu thụ nội địa, xuất khẩu, vừa có thể phục vụ cho y học cổ truyền. Trước mắt, Phú Yên và các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu nhóm dược liệu tiềm năng ở địa phương như cây quế, sa nhân.

“Đối với Phú Yên, hiện chưa có nhà máy và chưa có nhiều cơ sở chế biến cây dược liệu nên ngoài phát triển cây dược liệu thì địa phương cần khuyến khích các doanh nghiệp tạo mối liên kết với người trồng và đầu tư một số nhà máy chế biến trên địa bàn. Nếu chúng ta làm được như vậy một cách đồng bộ thì hiệu quả mang lại sẽ cao hơn. Đặc biệt, Phú Yên hiện nay mới bắt đầu phát triển cây dược liệu, nên việc học tập kinh nghiệm từ các địa phương khác đi trước ngay từ đầu thì sẽ bài bản hơn, giúp cây dược liệu có chất lượng tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân cũng như doanh nghiệp. Ngoài ra, để mang lại lợi ích cho hộ gia đình khi tham gia phát triển cây dược liệu thì yếu tố quan trọng nhất là thị trường cũng như sự liên kết giữa người dân và cơ sở thu mua, chế biến, đảm bảo đầu ra cho người sản xuất dược liệu. Đây là một trong những yếu tố cần coi trọng”, TS. Phan Văn Thắng cho biết thêm.

Đảm bảo người dân có lợi nhuận từ trồng cây dược liệu

Rừng đặc dụng Đèo Cả nằm trên địa bàn 2 xã Hoà Xuân Nam và Hoà Tâm, thuộc thị xã Đông Hoà, có tổng diện tích hơn 7.315ha. Hiện, ở khu vực rừng này có một số loại dược liệu quý hiếm như lan kim tuyến, cam thảo Đá Bia, cây quế rừng…

Để bảo tồn và phát triển các loài dược liệu tại khu vực rừng đặc dụng Đèo Cả, ông Trương Hiếu Hoàng, Trưởng Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả đề xuất cần có giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững một số loài dược liệu quý hiếm. Cụ thể, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho công tác bảo tồn và phát triển các loài dược liệu; đầu tư xây dựng mô hình hợp tác 4 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông với chủ thể là Nhà nước kết nối 3 nhà còn lại. Bên cạnh đó, cần đầu tư theo cách hợp tác hỗ trợ vốn, cho vay dài hạn ưu đãi lãi suất và miễn thuế; tăng cường nghiên cứu phát hiện  và công bố các loài sinh vật mới có giá trị ứng dụng cao cho phát triển kinh tế - xã hội; phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, sử dụng các biện pháp khai thác bền vững về tài nguyên rừng.

Sông Hinh là địa phương có nhiều loại cây dược liệu có giá trị. Tuy nhiên, để Đề án đến được với người dân và trở thành mô hình kinh tế có giá trị, thu hút nhiều thành phần tham gia, trước hết cần những cơ chế tạo động lực. “Nhà nước có thể hỗ trợ giống, tìm nơi tiêu thụ cho người dân. Khi có lợi nhuận cao, người dân chắc chắn sẽ hưởng ứng và tham gia”, ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh nói.

Theo đại diện các địa phương có vùng cây dược liệu, phát triển cây dược liệu là ngành đặc thù riêng, đang có triển vọng, nên ưu tiên, hỗ trợ có tính tập trung để làm hạt nhân phát triển và là cơ sở để nhân rộng và phải có giải pháp khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu, đẩy mạnh xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, góp phần tăng dần tỉ trọng của ngành công nghiệp dược trong tổng sản phẩm nội địa. Đồng thời, đảm bảo người dân sống gần rừng được chia sẻ lợi ích từ rừng và sống dựa vào nguồn thu nhập từ dược liệu để bảo vệ rừng, góp phần cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo.

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tân Yên phấn đấu hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm OCOP

    Tân Yên phấn đấu hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm OCOP

    Huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang phấn đấu từ nay đến hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Cùng với đó, huyện định hướng và có lộ trình phát triển sản phẩm vải sớm Phúc Hòa phấn đấu đạt tiêu chuẩn 5 sao trong thời gian tới.

  • Nhiều sản phẩm OCOP Phú Vang được đánh giá cao

    Nhiều sản phẩm OCOP Phú Vang được đánh giá cao

    Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) vừa tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2024 trên địa bàn huyện.

  • Phải chuẩn hóa rõ hơn về văn hóa nông thôn

    Phải chuẩn hóa rõ hơn về văn hóa nông thôn

    Tại kỳ họp thứ 7, QH khóa XV, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước sáng ngày 29/5, theo đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình), một trong những điểm sáng rất đáng ghi nhận là khu vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.

Top