Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 3 năm 2024 | 9:25

Quản lý hiệu quả truy xuất nguồn gốc nông sản ngày càng trở nên cần thiết

Truy xuất nguồn gốc nông sản hiện nay là yếu tố quan trọng để quyết định nông sản có thể tham gia vào chuỗi liên kết, cung ứng nông sản an toàn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Truy xuất nguồn gốc nông sản hiện nay là yếu tố quan trọng để quyết định nông sản có thể tham gia vào chuỗi liên kết, cung ứng nông sản an toàn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Từ đó hình thành nên lòng tin và sự an tâm của người tiêu dùng khi lựa chọn nông sản Việt Nam.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, thủy sản và cây ăn trái chủ lực cho xuất khẩu nên việc quản lý hiệu quả truy xuất nguồn gốc nông sản càng trở nên cần thiết.

Đóng thùng sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tấm thẻ bài bảo vệ hàng hóa

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến nay, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng xuất khẩu đã được cấp cho 25 sản phẩm (phân bố tại 54/63 tỉnh, thành phố) sang 11 thị trường; trong đó, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng mã số vùng trồng lớn nhất cả nước với 3.975 mã (chiếm 57%) đang hoạt động. Riêng Đồng Tháp có 2.469 mã số vùng trồng được cấp, lớn nhất cả nước, Tiền Giang có 528 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, Bến Tre có 84 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, 528 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói của tỉnh thực hiện đúng các quy định hiện hành; trong đó, mã số vùng trồng được cấp sang thị trường Trung Quốc là 183, diện tích gần 19.151ha, với 7 chủng loại cây trồng, gồm Mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chôm chôm, nhãn và sầu riêng. Tiền Giang có 307 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp phục vụ xuất khẩu, cụ thể là thị trường Trung Quốc có 299 mã số, các thị trường khó tính có 8 mã số.

Để quản lý chặt mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang đã lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra việc chấp hành quy định về sử dụng và duy trì các điều kiện, yêu cầu của mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Thêm vào đó, Tiền Giang đang triển khai xây dựng thí điểm phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng sầu riêng tại một số địa phương trồng sầu riêng trọng điểm. Theo đó, phần mềm thể hiện các thông tin của vùng trồng sầu riêng thành bản đồ, làm cơ sở nhân rộng bản đồ hóa toàn bộ vùng trồng sầu riêng và các cây trồng chủ lực của tỉnh.

Còn tại Bến Tre, tỉnh hiện có 41 vùng trồng được cấp 84 mã số. Một số loại nông sản đã xây dựng mã số vùng trồng như dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, chôm chôm, xoài, sầu riêng… đã được xuất khẩu sang châu Âu, Hoa Kỳ, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc; trong đó có có 41 vùng trồng xuất khẩu, với 84 mã số đang hoạt động, diện tích hơn 671ha. Bưởi da xanh có 23 vùng trồng gắn 51 mã số. Chôm chôm có 3 vùng trồng gắn 6 mã số. Xoài có 4 vùng trồng gắn 16 mã số. Sầu riêng có 10 vùng trồng gắn 10 mã số. Nhãn có 1 vùng trồng gắn 1 mã số.

Theo ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói như những tấm thẻ bài đảm bảo cho truy xuất nguồn gốc của các nông sản xuất khẩu. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre đã ban hành công văn về việc tăng cường quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, nêu rõ vai trò của các bên có liên quan trong công tác quản lý; trong đó, các địa phương theo dõi tình hình sản xuất tại vùng trồng, thực hiện quản lý mã số vùng trồng tại địa bàn.

Đặc biệt, khi có phát sinh liên kết sản xuất tiêu thụ không ổn định hoặc các dấu hiệu không trung thực trong việc sử dụng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói thì báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre thông qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh để phối hợp giải quyết.

Tuân thủ quy định

Với những người tiêu dùng thông minh hiện nay, băn khoăn về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm khi lựa chọn một loại thực phẩm nào đó là điều tất yếu, bởi xu thế đặt sức khỏe lên hàng đầu và phòng chống bệnh tật cho con người, cũng như môi trường sống trở thành yêu cầu cấp thiết.

Theo Đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO), tính thiết yếu trong minh bạch sản phẩm sẽ là yếu tố để nông sản, thực phẩm được lựa chọn. Trên mỗi sản phẩm được bán ra có mã truy xuất được in trên bao bì, khi người tiêu dùng muốn biết đầy đủ thông tin về món hàng đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối có thể dùng mã đó để kiểm tra. Họ có thể gõ mã truy xuất trên trang web của sản phẩm để tìm thông tin; hoặc dùng điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm truy xuất để quét lên mã truy xuất được in trên bao bì của sản phẩm.

Không những vậy, xu hướng hiện nay là các nhà nhập khẩu trên thế giới luôn muốn biết nơi sản xuất và những nơi sản phẩm đi qua.

Điều này càng thể hiện rõ hơn với những thị trường nhập khẩu nông sản từ các quốc gia khác; trong đó có Việt Nam.

Ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Hòa Lệ, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, cho biết khi mua một trái thanh long của Hợp tác xã Hòa Lệ, người tiêu dùng sẽ truy xuất được những thông tin theo chuỗi như lô sản xuất, do đơn vị sản xuất, các loại phân và thuốc đã bón cho cây, thời điểm sử dụng và đơn vị sản xuất, các loại giấy chứng nhận... hay những thông tin giao dịch về ngày thu hoạch, sản xuất, đóng gói, hạn sử dụng... Tất cả đều được ghi nhật ký theo thời gian thực, ngày giờ với con số rõ ràng. Đây là yếu tố thuyết phục người tiêu dùng trong nước và thế giới nhanh nhất khi trái thanh long Hòa Lệ được lựa chọn.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận chia sẻ, đến nay, Bình Thuận đã có rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện hiệu quả việc xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường gắn với việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm như Hợp tác xã thanh long Hòa Lệ, các sản phẩm hải sản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Nam, nước mắm Phan Thiết…

Có thể thấy, sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần bảo vệ được thương hiệu, nâng tầm giá trị của doanh nghiệp, hợp tác xã. Từ đó tăng tính cạnh tranh, kích thích người tiêu dùng mua hàng, tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư. Đây cũng là nền tảng để xuất khẩu hàng hóa đi quốc tế, bảo vệ cộng đồng, tẩy chay hàng giả, hàng nhái ra khỏi thị trường Việt Nam./.

 
Theo TTXVN/Vietnam+
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top