Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 31 tháng 12 năm 2023 | 9:42

TP.Đà Lạt đón nhận danh hiệu thành phố sáng tạo về âm nhạc của UNESCO

Chiều tối 21/6/1893, bác sĩ Alexandre Yersin (1863-1943) đặt chân lên cao nguyên Langbiang. Không lâu sau đó, Đà Lạt đã trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế, thành phố Festival Hoa duy nhất của Việt Nam.

Tối 30/12, tại quảng trường Lâm Viên, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng)  tổ chức lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển và đón nhận danh hiệu thành phố sáng tạo về âm nhạc của UNESCO.

Ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt cho biết, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 704, cũng như Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xác định mục tiêu xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị hiện đại, thành phố sáng tạo, là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa di sản mang tầm quốc tế đặc sắc và những thành tựu nổi bật rất đáng tự hào của thành phố, đó là đã trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế, thành phố Festival Hoa duy nhất của Việt Nam, thành phố thông minh, thành phố sáng tạo Âm nhạc của UNESCO, và hiện đang tiếp tục phấn đấu xây dựng là đô thị di sản thế giới. Không những thế, Đà Lạt còn được 2 lần công nhận là “Thành phố du lịch sạch ASEAN” và là một trong những điểm đến lãng mạn nhất châu Á.

"Trước những vận hội mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Lạt nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm đổi mới, cầu thị, trách nhiệm để hiện thực hóa khát vọng phát triển, tri ân công lao to lớn của các thế hệ cha anh, đã có công khai khẩn, xây dựng và phát triển thành phố này”, ông Tú nói.

Rất đông người đến tham dự buổi lễ.

Trên cao nguyên Langbiang hùng vĩ với độ cao 1.500m so với mực nước biển, Đà Lạt được thiên nhiên ban tặng khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Là vùng đất sinh sống lâu đời của người dân tộc K'Ho, trong những năm cuối thế kỷ 19, người Pháp đã đến vùng đất này xây dựng thành phố nghỉ dưỡng, sau đó thu hút nhiều thành phần dân cư và định cư qua nhiều thế hệ. Chính sự giao thoa của các nền văn hóa đã tạo nên nét độc đáo, riêng biệt trong phong cách sống của người Đà Lạt ngày nay.

Qua 130 năm hình thành và phát triển, diện mạo đô thị Đà Lạt đã có bước đổi thay vượt bậc, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng – an ninh đảm bảo, quan hệ đối ngoại được mở rộng. Ngoài thế mạnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đáng chú ý, Đà Lạt đã phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại lễ kỷ niệm

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc TP.Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung đã đạt được trong suốt chặng đường qua, đóng góp quan trọng vào thành quả chung của cả nước. Với khát vọng và niềm tin về một thành phố Đà Lạt giữ gìn vẻ đẹp thơ mộng, truyền thống nhưng luôn đổi mới, sáng tạo, phát triển ngày càng văn minh, hiện đại, đặc sắc trong tương lai, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Đà Lạt cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn phát triển kinh tế - xã hội với phương châm lấy người dân làm trung tâm; người dân vừa là mục tiêu, vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là người được hưởng lợi từ thành quả phát triển.

Lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, đón nhận danh hiệu thành phố sáng tạo về âm nhạc của UNESCO

Để tiếp tục đạt được những thành quả hơn nữa, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý, Đà Lạt cần tiếp tục phát huy danh hiệu Thành phố Festival hoa Việt Nam; tận dụng các tiềm năng và lợi thế, đầu tư phát triển du lịch chất lượng cao; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng xanh, sạch bền vững, thân thiện môi trường; hoạt động tích cực và phát huy tốt vai trò thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, qua đó góp phần thúc đẩy gia tăng giá trị đóng góp mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa vào nền kinh tế của tỉnh nhà. 

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top