Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 2 tháng 8 năm 2023 | 10:6

Thay đổi phương thức sản xuất để phòng chống lãng phí đất đai

Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá của đất nước, là tư liệu sản xuất rất quan trọng đối với nông dân. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua tình trạng bỏ hoang đất đã diễn ra ở nhiều nơi, nhiều địa phương, nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất đai bị bỏ hoang có nhiều.

Vì thế, cần phải thay đổi phương thức sản xuất cho phù hợp với thổ nhưỡng, không bỏ đất hoang hóa, đem lại giá trị kinh tế cho bà con nông dân.

Hơn 6.000 ha đất ruộng bị bỏ hoang do chuột phá hoại

Quảng Bình thuộc vùng duyên hải Bắc Trung bộ của Việt Nam có 85% Tổng diện tích tự nhiên là đồi núi. Toàn bộ diện tích được chia thành vùng sinh thái cơ bản: Vùng núi cao, vùng đồi và trung du, vùng đồng bằng, vùng cát ven biển. Quảng Bình được xếp thứ 22 trong số các tỉnh nghèo, cuộc sống của nhân dân ở đây vô cùng khó khăn do thiên nhiên khắc nghiệt, nắng nóng nhiều và thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Vì thế đất đai, nhất là đất cho sản xuất nông nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với bà con nông dân ở tỉnh này, nhưng trong thời gian vừa qua có rất nhiều địa phương trên địa bàn của tỉnh Quảng Bình đã để cho đất hoang hóa.

Huyện Lệ Thủy được xem là “vựa lúa” lớn nhất tỉnh Quảng Bình và sản xuất lúa vụ hè - thu luôn đạt năng suất cao. Tuy nhiên, vụ lúa hè - thu năm nay, ở huyện này có đến trên 700 ha đất bỏ hoang không sản xuất.

Xã Hoa Thủy bỏ hoang hơn 200ha đất trồng lúa vụ hè - thu.

Một trong những địa phương có diện tích bỏ hoang, không sản xuất lúa hè - thu lớn của huyện Lệ Thủy là xã Hoa Thủy.  Vụ hè - thu này, Hoa Thủy có 739 ha lúa tái sinh, 16,5 ha gieo trồng mới và có đến trên 200 ha bỏ hoang.

Nguyên nhân có nhiều diện tích đất bị bỏ hoang được ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy cho biết: Khó khăn lớn nhất của việc gieo trồng vụ hè - thu là bị chuột phá hoại.

“Nhiều năm nay, chỉ trong vài đêm là chuột phá nát cả đồng lúa, dẫn đến năng suất, sản lượng thấp, sản xuất không có lãi, chưa kể khi gặp thời tiết bất lợi sẽ thua lỗ” - ông Hoà nói.

Huyện Bố Trạch cũng là địa phương có diện tích trồng lúa hè - thu bị bỏ hoang nhiều, riêng xã Đại Trạch có hơn 160ha bị bỏ hoang, mặc dù nguồn nước tưới tiêu luôn được bảo đảm.

Một trong những diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang tại Quảng Bình.

Ông Phan Văn Ngọ, Chủ tịch UBND xã Đại Trạch cho biết, nguyên nhân nông dân xã này từ lâu chỉ sản xuất một vụ đông - xuân, còn vụ hè - thu gần như ruộng đồng bỏ hoang vì sợ chuột phá hoại.

Ông Nguyễn Văn Miền, thôn Hạ, xã Đại Trạch chia sẻ: “Tấc đất, tấc vàng” nhưng giờ lại bỏ hoang, tôi cũng rất tiếc nhưng cả cánh đồng không ai làm, mình muốn gieo cấy cũng không được. Trồng lúa không thể tự sản xuất đơn lẻ, diện tích ít không đủ làm thức ăn cho chuột”.

Ngoài lý do bị chuột phá hoại, làm năng suất và chất lượng của lúa giảm, sản xuất ra không có lãi, chưa kể đến thời tiết, thiên tai và dịch bệnh làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng của lúa.

Bên cạnh đó có nguyên nhân của nguyên vật liệu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, phân bón cho lúa trong thời gian qua liên tục biến đổi giá, người nông dân không thể mua được để bón cho lúa. Kể từ năm 2021, giá phân bón từ 800-900 nghìn đồng/tạ nhưng đến năm 2022, giá phân bón tăng vọt lên 1,8 triệu đồng/tạ, thậm chí có thời điểm lên hơn 2 triệu đồng/tạ. Năm nay, giá phân bón có giảm xuống còn 1,5 triệu đồng/tạ nhưng mức giá đó vẫn còn quá cao, trong khi năng suất lúa hè-thu chỉ đạt 70% so với vụ đông-xuân, làm không có lãi, thậm chí là thua lỗ nếu mất mùa.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Bình, vụ đông - xuân năm nay toàn tỉnh Quảng Bình gieo trồng 29.386 ha lúa. Nhưng vụ hè - thu chỉ gieo trồng được 22.500 ha lúa. Như vậy, toàn tỉnh Quảng Bình có 6.886 ha đất trồng lúa bị bỏ hoang trong vụ hè - thu.

Cần phải thay đổi phương thức sản xuất

Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Trần Hồng Quảng cho biết: Hiện, diện tích tưới tiêu do công ty đảm nhận có gần 550ha bị bỏ hoang trong vụ hè-thu. Việc bỏ hoang đồng ruộng không chỉ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của công ty mà còn có thể gây ra nhiều hệ lụy, như: Gây lãng phí tài nguyên đất, nước; ảnh hưởng đến tình hình an ninh lương thực; tạo môi trường thuận lợi cho sâu bệnh hình thành phát triển, lây lan ra những cánh đồng đang canh tác bên cạnh.

Ông Nguyễn Cẩm Long, Phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch cho biết: Nguyên nhân ruộng bỏ hoang thì nhiều, nhưng người dân hiện không mặn mà với sản xuất lúa vụ hè-thu là vì chi phí tăng cao nhưng lúa giá bán ra thấp, chưa kể người dân trên địa bàn có nhiều nghề phụ khác cho thu nhập hàng ngày nên ở một số địa phương, người dân chỉ làm đúng 1 vụ để dùng cả năm.

Để giải quyết vấn đề này, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Hương Liên cho biết. Chi cục đã tham mưu cho Sở NN-PTNT trong việc khuyến cáo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tối đa diện tích bị bỏ hoang, nhất là những diện tích bảo đảm nước tưới; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng cường chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả, thiếu nước sang trồng cây ngắn ngày, tránh tình trạng bỏ hoang đồng ruộng.

Thời gian tới, để hạn chế tình trạng bỏ hoang ruộng vụ hè-thu, sở sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện gieo trồng bảo đảm lịch thời vụ và kiểm soát chặt chẽ cơ cấu giống; quản lý chặt chẽ nguồn nước, phòng chống hạn ngay từ đầu vụ; đẩy mạnh chuyển đổi linh hoạt trên đất lúa thiếu nước và đất lúa kém hiệu quả nhằm hạn chế tình trạng bỏ hoang ruộng đất như hiện nay; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo nhất là các đối tượng phá hại thường xuyên xuất hiện trong vụ hè-thu, như: Chuột, sâu cuốn lá nhỏ, rầy lưng trắng…

Đặc biệt, huy động, lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để thực hiện hỗ trợ sản xuất, nhất là hỗ trợ sản xuất lúa vụ hè-thu, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư hỗ trợ nông dân hướng dẫn sản xuất, hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa.

Hiệu quả từ việc trồng loại cây mới

Anh Lê Văn Thú (thôn 10, xã Lý Trạch) cho biết, khu vườn của gia đình anh có diện tích 2ha. Năm 2007, anh vay vốn đầu tư trồng cao su, đến năm 2013, khi cây chuẩn bị cho thu hoạch thì gặp trận bão lớn nên bị gãy đổ, thiệt hại lớn về kinh tế.

Mô hình chuyển đổi cá-lúa của gia đình anh Nguyễn Văn Vững (xã Vạn Trạch) góp phần nâng cao thu nhập trên diện tích ruộng sâu kém hiệu quả.

Cũng sau đó, giá cao su giảm, những người trồng cao su rơi vào khó khăn. Trước tình hình đó, anh Thú quyết định tìm hiểu cây trồng mới để thay thế cao su và sau đó đã lựa chọn trồng ổi, dưa hấu.

Anh Thú chia sẻ: “Cây cao su mặc dù mang lại giá trị kinh tế cao nhưng khí hậu ở tỉnh ta quá khắc nghiệt, cây thường bị ảnh hưởng bởi mưa bão, gây thiệt hại nặng nề. Qua tìm hiểu, tôi thấy cây ổi cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ trồng, dễ chăm sóc, lại ít bị tác động bởi thời tiết nên quyết định chuyển sang mô hình trồng ổi; bên cạnh đó, tôi cũng trồng thêm dưa hấu, bầu, bí…”.

Nhờ vậy, hiện nay, khu vườn của gia đình anh Thú có 1ha ổi, mang lại lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm; 1ha trồng dưa hấu lãi khoảng 70 triệu đồng/vụ.

Với quyết tâm nâng cao giá trị sử dụng đất, phù hợp với điều kiện thực tiễn, những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch đã chuyển đổi mạnh mẽ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Tại xã Vạn Trạch, trên diện tích đầm hồ, ruộng lúa nước sâu, xã đã chỉ đạo chuyển đổi sang mô hình cá-lúa; những diện tích đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng ngô, dưa hấu.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Trạch Lê Đình San cho biết: “Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất gò đồi kém hiệu quả của toàn xã là 20ha, chủ yếu là cây ăn quả, cho thu nhập bình quân khoảng 150-170 triệu đồng/ha, gấp 1,5-1,7 lần so với cây cao su. Nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp, năm 2023, xã tiếp tục tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ phù hợp khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích đất kém hiệu quả, dự kiến khoảng 10ha”.

Người dân xã Vạn Trạch đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng đã đem lại nhiều kết quả, trong đó mô hình cá-lúa của anh Nguyễn Văn Vững (thôn Dài) là một trong những ví dụ điển hình. Những thửa ruộng được quy hoạch thẳng tắp, bao quanh là nước hồ nuôi cá, ở giữa là đồng lúa xanh rì hiện ra đẹp mắt.

Anh Vững vừa vui vẻ chia sẻ: “Trước đây, vùng này là đầm sâu, người dân chỉ trồng lúa nhưng năng suất thấp nên họ không “mặn mà” sản xuất. Nhận thấy lợi thế của vùng nước lợ, năm 2018, tôi được xã giao 1ha ruộng sâu để đầu tư thực hiện mô hình cá-lúa. Với việc trồng lúa xen thả cá (rô phi đơn tính, cá trắm), tôi thu lãi khoảng 20 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 3-4 lần so với trồng lúa. Do đó, năm 2022, tôi quyết định đầu tư, mở rộng thêm mô hình với diện tích 3ha. Tuy nhiên, thời hạn sử dụng đất chỉ có 5 năm, tôi rất mong thời gian tới nhà nước sẽ có những chính sách mới, tạo điều kiện cho chúng tôi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài nhằm yên tâm sản xuất, mở rộng đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Để thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa, vùng gò đồi kém hiệu quả, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người dân.

Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn gặp một số khó khăn, như: Đầu ra cho các sản phẩm, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh còn ít nên giá cả bấp bênh; chưa có vùng sản xuất hàng hóa lớn, đa số là sản xuất nhỏ, manh mún, trong đó việc triển khai để liên kết sản xuất chuỗi giá trị theo tổ hợp tác, hợp tác xã vẫn còn thiếu bền vững, cơ chế, chính sách hỗ trợ còn hạn chế; sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn ít.

Do đó cần tập trung thực hiện một số chuỗi giá trị chủ lực, trong đó trọng tâm gắn sản xuất với chế biến, nhất là việc xây dựng sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ; hỗ trợ người dân xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, huyện đang tập trung đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa (trong địa bàn huyện, tỉnh) thông qua việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, nếu hộ gia đình, cá nhân không có nhu cầu sản xuất trên diện tích được giao thì yêu cầu chủ hộ viết đơn xin trả lại, hoặc có giải pháp thu hồi lại đất để DĐĐT, tích tụ ruộng đất, hình thành nên những cánh đồng lớn. Từ đó, khuyến khích các doanh nghiệp, các cá nhân, tổ hợp tác, hộ nông dân thuê, mượn, tích tụ ruộng đất liên doanh, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm...

Có như vậy chúng ta mới không còn đất nông nghiệp bỏ hoang hóa, đồng thời còn tăng hiệu quả của đất trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, người nông dân có sản phẩm chất lượng để nâng cao đời sống gia đình và xã hội phát triển.

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top