Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 5 năm 2023 | 8:25

Triển khai 180 ngày cao điểm thực hiện gỡ “thẻ vàng” của EC: Những cách làm sáng tạo và quyết liệt

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai phòng, chống khai thác IUU.

Tại Hội nghị Thủ tướng với 28 tỉnh, thành phố ven biển về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) diễn ra đầu tháng 12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động trong 180 ngày để thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) trong việc gỡ thẻ vàng IUU, đồng thời xây dựng chiến lược lâu dài trong việc chống IUU.

Hơn tuần nữa, phái đoàn của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 4. Chính phủ, các địa phương ven biển đã và đang quyết liệt thực hiện 180 ngày cao điểm thực hiện gỡ “thẻ vàng” EU để nâng cao hiệu quả kinh tế biển, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thừa Thiên-Huế tuân thủ quy định, góp sức vào nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng

Thừa Thiên-Huế hiện có 613 tàu cá có đăng ký, trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên có 417 chiếc (13 chiếc từ 24m trở lên); tàu từ 12 đến dưới 15m có 159 chiếc; và tàu từ 6 đến dưới 12m có 37 chiếc. Ngư trường khai thác hải sản của ngư dân Thừa Thiên-Huế hoạt động chủ yếu từ vĩ tuyến 14 độ Bắc lên đến vịnh Bắc Bộ và ranh giới ngoài của vùng biển Việt Nam. Lao động khai thác hải sản xa bờ ước toàn tỉnh có khoảng 5.000 người.

Hiện, trên hệ thống dữ liệu tàu cá Quốc gia (VNFISHBASE) có 613 chiếc tàu cá của Thừa Thiên-Huế đăng ký thường xuyên cập nhật lên hệ thống và có 610 chiếc tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản, đạt 99,5%; số còn lại (03 chiếc) chưa cấp phép do tàu đang nằm bờ cải hoán. Đối với kết quả lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tỉnh có 417 tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) trong tổng số 417 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên bắt buộc phải lắp đặt, đạt 100% theo quy định.

Thời gian qua, thực hiện kế hoạch IUU, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển gồm các xã, phường: Hải Dương, Thuận An (TP. Huế); Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (huyện Phú Vang); Lộc Trì (huyện Phú Lộc)… tăng cường công tác tuyên truyền quy định pháp luật về khai thác, đánh bắt hải sản trên vùng biển đến các chủ tàu cá và ngư dân.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết, để tăng cường việc quản lý tài nguyên thủy sản trên địa bàn, đơn vị  tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền người dân khai thác thủy hải sản thực hiện theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT về danh mục những nghề, ngư cụ cấm sử dụng trong khai thác thủy hải sản. Trong đó có các nghề, ngư cụ gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh đã được đánh giá tác động; đồng thời tăng cường quản lý các phương tiện ngoại tỉnh hành nghề khai thác thủy sản trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi khai thác thủy hải sản bằng các nghề cấm.

“Chi cục chỉ đạo đội tàu kiểm ngư thường xuyên phối hợp với lực lượng làm nhiệm vụ trên vùng biển gần bờ tổ chức tuần tra, giám sát những khu vực trọng điểm thường xảy ra nạn khai thác thủy sản bằng nghề cấm. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ các trường hợp vi phạm để xử lý theo quy định, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy - hải sản và môi trường vùng biển gần bờ”, ông Bình khẳng định.

Ngư dân Quảng Bình có nhiều cách làm sáng tạo

Để động viên, hỗ trợ nhau trong việc thực hiện chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, ngư dân Quảng Bình đang có nhiều mô hình hoạt động rất đáng được nhân rộng, triển khai như Tổ đoàn kết, Tổ hợp tác, Tổ biển xa. Các tàu hoạt động trong tổ hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác, tìm kiếm ngư trường, giúp đỡ nhau khi có sự cố xảy ra.

Với mô hình thu gom rác thải trên tàu cá xa bờ, các tàu tham gia có các túi đựng rác treo sau tàu để  gom rác thải sinh hoạt của tàu mình và thu gom các ngư lưới cụ trôi nổi trên biển do ngư cụ bị hỏng trong quá trình khai thác, sau đó mang về bờ xử lý, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ các loài thủy sinh quý hiếm không bị vướng vào các lưới trôi nổi trên biển...

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Quảng Bình, cho biết, đến thời điểm hiện tại, phần đông tàu thuyền của ngư dân đánh bắt ở các ngư trường lớn đều sẵn sàng ra khơi, bám biển đánh bắt thuỷ - hải sản. Để kịp thời động viên, hỗ trợ như dân bám biển, tỉnh đang có nhiều chương trình, kế hoạch đồng hành cùng ngư dân. UBND tỉnh Quảng Bình  ban hành Kế hoạch số 2520/KH-UBND về việc thực hiện chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Công văn số 178/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản; Công văn số 2710/UBND-KT về việc triển khai Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 1/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 2430/KH-UBND về đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định...

Ngoài ra, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phân công các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai các quy định về chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh tổ chức 3 hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khai thác thủy sản. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương cũng đã có nhiều văn bản nhằm tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao để hỗ trợ ngư dân.

Đà Nẵng quyết gỡ “thẻ vàng”

Từ đầu năm cho đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT, ngành thủy sản Đà Nẵng đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), góp phần thực hiện kế hoạch 180 ngày cao điểm để gỡ “thẻ vàng” từ EC.

Ghe, thuyền đánh cá tại Đà Nẵng tập trung về cảng cá Thọ Quang sau những ngày đi bến.

Công tác tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trên biển Đà Nẵng đã được tăng cường. Bên cạnh lực lượng thanh tra chuyên ngành thuộc Chi cục Thủy sản, lực lượng Bộ đội Biên phòng,  còn có sự phối hợp của nhiều đơn vị, Ban ngành liên quan như Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn và UBND các quận ven biển…

Cao điểm trong đầu tháng 5 vừa qua, trong quá trình tuần tra, Đồn Biên phòng Sơn Trà, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã kịp thời phát hiện, xử lý một 1 ghe mang số hiệu ĐNa 37065 TS do ông L.C.H (trú Sơn Trà, Đà Nẵng) điều khiển, có hành vi tàng trữ công cụ kích điện và khoảng 200m ống hơi. Chủ tàu cá khai nhận dùng dây điện đấu nối theo đường ống hơi để lặn xuống nước. Ngay sau khi phát hiện các loại hải sản, từ khoảng cách 1 - 2m, thợ lặn dùng súng xung điện bắn ra dòng điện từ 200-300V, khiến con vật bị tê liệt.

Cũng trong cao điểm thời gian qua, Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở ngư dân, chủ tàu về các quy định chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức như: lồng ghép qua các buổi tập huấn, cuộc họp, phát thanh trên hệ thống loa, bảng điện tử…

Ông Nguyễn Lại, Phó trưởng Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, cho biết, kể từ đầu năm 2017, UBND TP. Đà Nẵng đã có quy định về truy xuất nguồn gốc thủy sản nên đơn vị đã chủ động thực hiện trước thời điểm EC áp đặt “thẻ vàng”. Sau đó, ngành chức năng ở Đà Nẵng đã thực hiện quyết liệt hơn trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, hướng dẫn ngư dân trong quá trình khai thác trên biển.

Quảng Ngãi đi tận ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền

Mặc dù Quảng Ngãi đã chấm dứt tình trạng tàu cá của tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp, nhưng vẫn còn một số nội dung của Kế hoạch 180 ngày chống khai thác IUU chưa đạt kết quả như mong đợi. Tình trạng chủ tàu cá đánh bắt sai vùng, sai nghề, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên không cập cảng cá chỉ định để bốc dỡ thủy sản vẫn còn diễn ra. Một số thuyền trưởng chưa tuân thủ quy định về cập cảng chỉ định để bốt cá lên và ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản... Vẫn còn tình trạng bất nhất trong việc kiểm tra, xác định nguồn gốc thủy sản khai thác cũng như xử lý vi phạm của lực lượng chức năng giữa cảng cá các tỉnh, thành phố ven biển.

Khai thác hải sản ở vùng biển khơi, nhưng tàu cá của gia đình ông Trần Sáu, bà Nguyễn Thị Hội (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) không đảm bảo các loại giấy phép theo quy định của Luật Thủy sản. Những thủ tục còn thiếu đối với tàu cá của gia đình, được Đồn biên phòng Bình Thạnh thông báo cụ thể bằng văn bản và yêu cầu gia đình cam kết thực hiện nghĩa vụ pháp lý đối với phương tiện của mình.

Bà Hội biết tàu cá của gia đình còn thiếu giấy tờ đăng kiểm, bây giờ phải làm cho đầy đủ mới đi biển được. “Nếu mà không đầy đủ giấy tờ là Đồn biên phòng, địa phương không xuất cho đi biển. Tôi cam kết là chồng tôi về tôi sẽ nói đi làm giấy tờ ngay”, bà Hội nói.

Khu vực cửa biển Sa Cần (huyện Bình Sơn) có khoảng 600 tàu cá. Tuy nhiên, tàu chưa đăng ký, đăng kiểm, hết hạn đăng kiểm và không có giấy phép khai thác chiếm đến con số hàng trăm. Để khắc phục tình trạng này, Đồn biên phòng Bình Thạnh phối hợp với các địa phương đến từng nhà chủ phương tiện thông báo những thủ tục còn thiếu và yêu cầu ngư dân hoàn thiện. Mặc khác, đơn vị yêu cầu các cơ sở kinh doanh hải sản chỉ được phép thu mua sản phẩm đánh bắt hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng.

Thiếu tá Phan Xuân Huề, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Thạnh, cho biết: Đối với đơn vị thu mua, Đồn Biên phòng tiến hành cho cam kết không mua bán, trao đổi hàng hóa với các tàu không đăng ký, đăng kiểm, các tàu vi phạm IUU, không bảo đảm các quy định khai thác hải sản. Các bến cá cũng đã cam kết chấp hành các quy định khi mua bán, trao đổi hàng hóa.

Những biện pháp quản lý tàu cá của Đồn biên phòng Bình Thạnh đã phát huy hiệu quả. Nhiều chủ tàu, thuyền trưởng lâu nay hoạt động không có giấy tờ đã chủ động liên hệ với cơ quan chức năng để được hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Cả hệ thống chính trị ở Phú Yên vào cuộc chống khai thác IUU

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Yên Nguyễn Tri Phương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Phú Yên, cho biết, tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, chỉ đạo điều hành, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đến với ngư dân. Đến nay, toàn tỉnh còn 1.922 tàu cá trong sổ đăng ký tàu cá quốc gia; trong đó có 641/653 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 98,16%. Tất cả tàu cá đã được đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia Vnfishbase. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, tỉnh không có tàu cá khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài.

Cả hệ thống chính trị ở Phú Yên vào cuộc chống khai thác IUU.

Để có được kết quả trên, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo toàn hệ thống chính trị, nhất là cấp xã, phường phối hợp tốt hơn, chặt chẽ và thường xuyên hơn giữa các lực lượng, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân; tăng cường kiểm tra tàu cá cập cảng bốc dỡ hải sản và rời cảng đi khai thác. Lực lượng biên phòng kiên quyết không làm thủ tục xuất bến đối với tàu cá vi phạm các quy định pháp luật và chưa được Ban Quản lý Cảng cá ký chứng thực xác nhận sổ danh bạ thuyền viên. Cơ quan chức năng xử lý nghiêm các tàu cá không lắp đặt VMS; không ghi nộp nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo khai thác theo quy định; không thông báo khi tàu cập, rời cảng trước 1 giờ cho Ban Quản lý Cảng cá; không đánh dấu tàu cá đúng quy định…

“Dự báo “cuộc chiến” chống IUU có nhiều khó khăn, thử thách, nên  Phú Yên luôn xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên. Đặc biệt, trong hành trình cao điểm 180 ngày hành động chống khai thác IUU, Phú Yên đã và đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp tích cực, kết hợp tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm... để cùng cả nước sớm khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC”, ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên, chia sẻ.

Áp dụng biện pháp mạnh ngăn chặn tàu cá vi phạm IUU

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai phòng, chống khai thác IUU.

Theo ông Tiến, trong 16 tàu vi phạm trong thời gian qua chỉ có 6 trường hợp đầy đủ chứng cứ, 10 trường hợp còn lại phải xem xét lại nên cuộc làm việc với EC sắp tới thì Bộ  sẽ kiến nghị vùng chồng lấn cần phải xem xét lại.

“Trước khi đoàn thanh tra EC sang kiểm tra lần thứ tư (dự kiến từ ngày 25-31/5 - PV), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm với tổng thống Indonesia về vấn đề IUU, chứng tỏ Việt Nam rất nỗ lực quan tâm đến việc gỡ thẻ vàng. Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm chính trị cao về việc gỡ thẻ vàng IUU để nâng cao hiệu quả kinh tế biển, đặc biệt là nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, Thứ trưởng Tiến nói.

Trong Công điện số 265/CĐ-TTg  ngày 17/4/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Kiên quyết thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân cố tình thực hiện hành vi khai thác trái phép.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển có trách nhiệm chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng, tuân thủ quy định về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản; điều tra, xác minh, xử lý triệt để vi phạm, trường hợp đủ căn cứ xử lý hình sự cần điều tra, truy tố theo quy định pháp luật, đặc biệt là hành vi cố tình vi phạm quy định về IUU…Ghe, thuyền đánh cá tại Đà Nẵng tập trung về cảng cá Thọ Quang sau những ngày đi bến.

Nhóm P.V
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • Tấm chân tình người dân quê Bác với du khách

    Tấm chân tình người dân quê Bác với du khách

    Về làng Sen, xã Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) mùa này, du khách không chỉ thưởng ngoạn sắc hồng của sen. Vẫn lối cũ ấy, nhưng lại được ấp ôm bởi những vườn mẫu, vườn chuẩn NTM, những homestay với mục tiêu chính không phải để kinh doanh mà cốt yếu để tỏ tấm chân tình người dân quê Bác với du khách thập phương...

  • Để OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn

    Để OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn

    OCOP thực sự trở thành phong trào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn, là hướng đi đúng, kịp thời và nhận được hưởng ứng tích cực từ người dân.

  • Thanh Hoá dự kiến có thêm 3 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao

    Thanh Hoá dự kiến có thêm 3 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao

    Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hoá thống nhất đề xuất nâng hạng 5 sao đối với 3 sản phẩm OCOP 4 sao từ cây cói của Công ty Cổ phần sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh.

Top