Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 4 năm 2024 | 11:0

Yên Bái đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, các cấp, ngành trong tỉnh, nhất là ngành Nông nghiệp, nông dân đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số bằng nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả.

Từ đó, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp; giúp người dân sản xuất nhiều nông sản chất lượng với chi phí đầu tư thấp nhưng bán được giá cao để nâng cao thu nhập.

Trấn Yên: Chuyển đổi số để tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh

Nhiều "nông dân 4.0” Trấn Yên đã mạnh dạn thay đổi nhận thức chủ động tìm tòi nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm để tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh gắn liền với CĐS.

Các đại biểu tham quan trưng bày sản phẩm nông sản của huyện Trấn Yên.

Thực hiện Nghị quyết 51 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về "Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” và xác định, CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tậm xuyên suốt trong thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2021 - 2026, Đảng bộ huyện Trấn Yên chú trọng đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp với chủ thể là người nông dân.  

Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "CĐS trong nông nghiệp đã được huyện hết sức quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Đó là một nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu và thông tin, giúp ngành nông nghiệp địa phương vươn tới các thị trường trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu ra các nước trên thế giới và có trách nhiệm hơn với người tiêu dùng”. 

Theo đó, huyện đã xây dựng "Đề án phát triển các sản phẩm OCOP huyện Trấn Yên, giai đoạn 2021 - 2025”; hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, doanh nghiệp, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch… Huyện đã hoàn thiện các điều kiện đưa 33/33 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao có xác thực số lên sàn thương mại điện tử Voso, PostMart... 

Tại một số doanh nghiệp, các trang trại sản xuất tập trung, quy mô tương đối lớn, các công nghệ số đang được áp dụng khá đồng bộ, điển hình các trang trại chăn nuôi của các công ty, tập đoàn lớn như: Hòa Phát, Công ty Quế Hồi… 

Hiện nay, hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn huyện được tổ chức theo 3 hình thức sản xuất chủ yếu gồm: hộ nông dân sản xuất, HTX, doanh nghiệp. Ngoài ra, huyện còn có 7 vùng trồng rau, chè và cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP; 5 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP… 

Ông Lê Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh cho biết: "Triển khai công tác CĐS và CĐS nâng cao trong lĩnh vực nông nghiệp, các sản phẩm của xã như: quýt Đường Canh, bưởi Diễn đã được chứng nhận sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện từ Voso; PostMart, góp phần tạo chuỗi liên kết và tạo thu nhập bền vững cho người dân và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương”.

Bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, những năm gần đây, nhiều "nông dân 4.0” Trấn Yên đã mạnh dạn thay đổi nhận thức chủ động tìm tòi nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm để tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh gắn liền với CĐS. 

Điển hình, trong lĩnh vực trồng trọt là canh tác sản xuất rau an toàn trong nhà lưới tại xã Y Can; trồng dưa trong nhà lưới có ứng dụng công nghệ tưới, theo dõi dinh dưỡng của đất và quá trình sinh trưởng của cây tại xã Đào Thịnh. Trong chăn nuôi, nhiều cơ sở, trang trại quy mô lớn trên địa bàn đã áp dụng công nghệ IOT, công nghệ chuỗi, công nghệ sinh học. 

Ông Nguyễn Tiến Sơn - Giám đốc HTX MQ, xã Minh Quán chia sẻ: "Đối với HTX MQ đã sử dụng hệ thống camera giám sát trong các trang trại chăn nuôi quá trình sản xuất tiêu thụ, HTX cũng đã xây dựng Website để đăng tải quy trình, điều kiện chăn nuôi, khi mà người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có thể trực tiếp kiểm tra trên điện thoại thông minh”.   

Tiếp tục đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp với chủ thể là người nông dân; tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xuất xứ vùng trồng..., huyện Trấn Yên phấn đấu năm 2023 có 43 sản phẩm OCOP được công nhận, bằng 215% mục tiêu Nghị quyết; phấn đấu đến năm 2025 có 48 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn giao dịch điện tử Voso.vn, Postmart.vn để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm. 

Đưa nông sản vươn xa

Bất kỳ lúc nào khách hàng cũng có thể quét mã trên quả bưởi để nắm được các thông tin về tuổi cây, địa chỉ vườn bưởi, địa phương có sản phẩm. Tem được dán trên quả bưởi chỉ qua 5 lần truy quét, chủ hộ có thể biết được quả bưởi đang được tiêu thụ ở địa phương nào để đẩy mạnh thị trường tiêu thụ. Một ví dụ sinh động về chuyển đổi số "chắp cánh" đưa nông sản Yên Bái vươn xa trong những năm gần đây.

Trước khi dán mã quét QR Code cho quả bưởi, các thành viên HTX Đặc sản bưởi Đại Minh kiểm tra kỹ cân nặng, mẫu mã, độ đường… của sản phẩm.

Xác định CĐS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế đặc biệt trong lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dânvề việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường, các giải pháp hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Việc này mở ra cơ hội cải thiện thu nhập, bảo vệ thương hiệu và khẳng định chất lượng sản phẩm, giúp người dân có thêm kênh bán hàng tiện lợi, đồng thời tiết kiệm chi phí tiếp thị, quảng bá. 

Ông Bùi Việt Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ: "Người dân Minh Bảo đã cập nhật lên các sàn thương mại điện tử 4 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: chè Bát Tiên, mật ong đa hoa tự nhiên, nấm mộc nhĩ, nấm Linh chi và 12 sản phẩm nông nghiệp để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm”.

Cùng với xã Minh Bảo, là quê hương cây bưởi đặc sản, xã Đại Minh, huyện Yên Bình đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Viettel Yên Bái triển khai giải pháp "Truy xuất nguồn gốc thông minh” đối với cây bưởi và quả bưởi đặc sản nhằm bảo vệ thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm bưởi Đại Minh. 

Gia đình ông Nguyễn Mạnh Ân ở thôn Khả Lĩnh có 60 gốc bưởi từ 35 năm đến 60 năm tuổi đang kỳ cho thu hoạch được lựa chọn tham gia chương trình. Năm 2023, gia đình ông được các cán bộ Sở TT&TT và Viettel Yên Bái đến tận vườn khảo sát, gắn mã QR code cho 15 cây bưởi, cung cấp mã quét QR Code cho 150 quả đối với mỗi cây bưởi cổ thụ. Điều đó giúp việc quảng bá, giới thiệu bưởi của gia đình ông Ân dễ dàng hơn, sản phẩm bưởi tiêu thụ nhanh hơn các mùa trước. 

Ông Ân chia sẻ: "Từ khi được gắn mã quét QR, giá bưởi tăng hơn hẳn, bưởi cũng bán nhanh hơn. Nếu như mọi năm gia đình kết hợp bán cho các tiểu thương nhỏ trong khu vực để tiêu thụ hết vườn, thì năm nay, các doanh nghiệp tận miền Nam đã đặt mua rất sớm. Năm 2023, gia đình thu 15 tấn quả bưởi Đại Minh cùng 15 tấn bưởi loại khác, thu nhập trên 200 triệu đồng”.

Với HTX Đặc sản bưởi Đại Minh thì hiệu quả của việc gắn mã QR Code cho cây bưởi, cung cấp mã quét QR Code cho quả bưởi càng rõ ràng hơn. Anh Nguyễn Trường Giang - Giám đốc HTX cho biết: "HTX có 12 thành viên sản xuất và kinh doanh bưởi. Sản phẩm bưởi của HTX đã đạt chất lượng OCOP 3 sao. Trước khi xuất bán cho các siêu thị, thương lái, chúng tôi kiểm tra, phân loại từng trái như: mẫu mã, độ đường, cân nặng… phân loại A, B, C và mã quét QR Code cho quả bưởi. Năm 2023, HTX đã cung cấp trên 100 tấn bưởi cho khách hàng từ Bắc vào Nam”.  

Việc tra cứu về cây bưởi, quả bưởi đặc sản Đại Minh thông qua mã quét QR Code là yếu tố quan trọng tạo niềm tin của khách hàng với sản phẩm, có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt với hàng hóa nông sản vì sản phẩm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng ngày càng tràn lan. Năm 2023, khoảng 53 nghìn tấn bưởi Đại Minh đã tiêu thụ dễ dàng, mang lại tổng thu nhập trên 60 tỷ đồng cho người trồng bưởi. 

Ông Đỗ Thanh Tuấn - Giám đốc Viettel Yên Bái cho biết: "2 năm trở lại đây, chúng tôi đã tập trung nhiều vào giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân. Chúng tôi đã đầu tư mạng 4G, 5G đến các công ty, HTX để phục vụ nhu cầu kết nối, đầu tư các nền tảng Voso, Viettel money hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và triển khai thành công 2 mô hình truy xuất nguồn gốc đối với cây chè Suối Giàng, bưởi Đại Minh. Chúng tôi tâm đắc nhất trên sản phẩm bưởi Đại Minh. Bất kì lúc nào khách hàng cũng có thể quét mã trên quả bưởi để nắm được các thông tin như: cây bưởi đó bao nhiêu tuổi, vườn bưởi nào, từ địa phương nào, góp phần chống hàng giả, hàng nhái. Tem được dán trên quả bưởi chỉ qua 5 lần truy quét, chủ hộ có thể biết được quả bưởi đang được tiêu thụ ở địa phương nào để đẩy mạnh thị trường tiêu thụ”. 

Hiện, toàn tỉnh có trên 300.000 người dân đã cài đặt ứng dụng công dân số Yên Bái - S, các câu chuyện thành công CĐS trong tiêu thụ nông sản sẽ được Viettel Yên Bái trực quan hóa thông qua ứng dụng để nâng cao nhận thức của người dân, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản, giúp cho khâu quảng bá, tiêu thụ.

Hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử; tuyên truyền kiến thức cho người dân nâng cao chất lượng nông sản, mẫu mã bao bì sản phẩm; hỗ trợ đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP trên hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh.

So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, các kênh bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook đã mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp dễ dàng mở rộng phạm vi, cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Đây cũng là cơ sở quan trọng để tiếp tục phát triển các kênh phân phối, giúp các chủ thể tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, góp phần xây dựng thị trường nông sản bền vững.

Năm 2023 được tỉnh Yên Bái chọn là năm "Bứt phá trong chuyển đổi số” theo đặc trưng Yên Bái – Chuyển đổi số giúp người dân hạnh phúc hơn. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự tham gia hưởng ứng của toàn dân, Yên Bái đã hoàn thành 32/35 mục tiêu (đạt 91,4%), 101/111 nhiệm vụ chuyển đổi số (đạt 91%) theo kế hoạch. Trong năm, 2/3 nhóm chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo Nghị quyết số 60 của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống với 771 tổ chuyển đổi số cộng đồng thôn, bản, tổ dân phố và 59 công chức, viên chức làm nhiệm vụ chuyển đổi số trên toàn tỉnh Yên Bái đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh với tổng kinh phí trên 3,6 tỷ đồng.

Toàn tỉnh Yên Bái có 57% người dân trưởng thành cài đặt và sử dụng nền tảng Công dân số tỉnh Yên Bái (YenBai- S); tỷ lệ đảng viên có tài khoản sử dụng nền tảng Ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái đạt 82,4%. Năm 2023, tỷ trọng kinh tế số toàn tỉnh đạt 12,20% GRDP; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%; 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh tiếp tục được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

 

Theo baoyenbai.com.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức hội nghị Công bố và trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa Làng Cổ Phước Tích và Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

Top