Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 2 tháng 6 năm 2024  
Thứ tư, ngày 22 tháng 11 năm 2017 | 9:52

Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền thông qua truyền thông chính sách bảo hiểm tiền gửi

Truyền thông chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là hoạt động quan trọng của tổ chức BHTG nhằm nâng cao nhận thức công chúng và tính hiệu quả của hệ thống BHTG, từ đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền.

Chiến lược truyền thông - yếu tố then chốt

Hệ thống BHTG mỗi nước có thể có mục tiêu khác nhau, nhưng tựu chung đều hướng tới bảo vệ số đông người gửi tiền; góp phần đảm bảo cho hệ thống tài chính quốc gia ổn định và xây dựng một thị trường tài chính bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; giảm thiểu việc sử dụng ngân sách nhà nước để giải cứu các tổ chức tín dụng gặp vấn đề.

Theo khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), để triển khai hiệu quả hoạt động truyền thông, việc xây dựng chiến lược truyền thông là yếu tố tiên quyết đối với tổ chức BHTG, trong đó cần xác định đối tượng mục tiêu, thông điệp, công cụ và ngân sách cho chiến lược. Chiến lược cần được đánh giá và xem xét lại ít nhất một năm một lần nhằm đảm bảo phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của hệ thống BHTG.

Truyền thông chính sách BHTG cần hướng tới nhiều đối tượng, từ truyền thông trong nội bộ tổ chức BHTG để thống nhất các thông điệp truyền ra bên ngoài, tới các nhà lập pháp nhằm phục vụ quá trình xây dựng các luật liên quan, tới các tổ chức tham gia BHTG để hiểu trách nhiệm về hoạt động an toàn, tới các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng hay tới người gửi tiền là đối tượng được bảo vệ trực tiếp.

Tại Việt Nam, nghiệp vụ tuyên truyền chính sách đã được quy định trong Luật BHTG với tư cách một chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG. BHTGVN đã bám sát các diễn biến trong hệ thống ngân hàng, thực hiện tuyên truyền chính sách một cách phù hợp với các đối tượng công chúng khác nhau. Xác định trọng tâm tuyên truyền là người gửi tiền tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, BHTGVN triển khai tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức sự kiện tuyên truyền thông qua các tổ chức tham gia BHTG cũng như tuyên truyền trực tiếp tới công chúng. Các chương trình truyền thông của BHTGVN truyền tải thông điệp: BHTGVN bảo vệ người gửi tiền thông qua các mảng nghiệp vụ BHTG như kiểm tra, giám sát, đầu tư nguồn vốn và chi trả tiền bảo hiểm theo hạn mức… Nhìn rộng hơn, người gửi tiền không chỉ có sự bảo vệ của riêng BHTGVN mà còn có cả sự bảo vệ từ chủ trương của Đảng, Chính phủ, từ cơ chế, chính sách, từ các cơ quan chức năng trong lĩnh vực ngân hàng…

Trao đổi tại các sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG, các QTDND đều cho rằng, tuyên truyền chính sách BHTG tại các quỹ thông qua nhiều hình thức khác nhau đã giúp người dân tại địa phương yên tâm khi gửi tiền, qua đó góp phần huy động nguồn lực tại chỗ để phục vụ nhu cầu cho vay tại chỗ, nâng cao hiệu quả kinh tế tại địa phương. Các QTDND mong muốn BHTGVN sẽ thực hiện nhiều hơn các chương trình tuyên truyền chính sách một cách hiệu quả nhằm giúp người gửi tiền hiểu rõ chính sách BHTG, có thêm niềm tin vào hệ thống ngân hàng nói chung và hệ thống các QTDND nói riêng.

Xây dựng các chương trình tuyên truyền gần gũi, thiết thực

Bên cạnh việc tuyên truyền chính sách BHTG để trực tiếp bảo vệ người gửi tiền, nhiều tổ chức BHTG trên thế giới còn đẩy mạnh các chương trình giáo dục kiến thức tài chính.

Cụ thể, Tổng công ty BHTG liên bang Mỹ (FDIC) có chương trình “Đồng tiền thông minh” nhằm nâng cao nhận thức công chúng về các dịch vụ ngân hàng nói chung với các phiên bản được xây dựng riêng biệt cho từng đối tượng cụ thể như: thanh niên, người cao tuổi, doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Tại Hàn Quốc, Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) đã sớm xác định mục tiêu phổ biến kiến thức tài chính từ sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 và bắt đầu các chương trình của mình từ năm 2010 với nội dung bao gồm cả kiến thức, kỹ năng sử dụng các dịch vụ tài chính, phòng tránh bị lừa đảo, gian lận tài chính, lồng ghép cùng các thông tin về BHTG.

Ngay trong khu vực Đông Nam Á, tại Malaysia, Tổng công ty BHTG Malaysia (PIDM) cũng đang triển khai chương trình “Đồng tiền thông minh 123” nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng các dịch vụ tài chính. Chương trình “Đồng tiền thông minh 123” gồm 3 trụ cột chính: giúp công chúng hiểu về các sản phẩm tài chính; giúp công chúng hiểu về các rủi ro tài chính; và giúp công chúng hiểu được các quyền lợi về tài chính của mình.

Tổng công ty BHTG Philippines (PDIC) cũng có một loạt các chương trình phổ biến kiến thức tài chính, đặc biệt là chương trình phối hợp các trường học để lồng ghép nội dung giáo dục tài chính cho học sinh. Tháng 6 hàng năm, PDIC cũng tổ chức Tuần lễ nâng cao nhận thức và bảo vệ người gửi tiền lần thứ 15, tập trung tuyên truyền về vai trò, chức năng của tổ chức BHTG, đồng thời khuyến cáo công chúng về việc gửi tiền tiết kiệm một cách khôn ngoan, tránh khỏi các rủi ro lừa đảo.

Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền là mục tiêu hàng đầu của chính sách BHTG và BHTGVN. Trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực của mình, BHTGVN cần tập trung vào những nội dung gần gũi với người gửi tiền như: khi giao dịch với nhân viên ngân hàng, người gửi tiền cần lưu ý những gì? Làm thế nào để gửi tiền một cách an toàn? Những yếu tố pháp lý nào quy định gửi tiền đúng pháp luật? Nên gửi tiền vào đâu cho an toàn?... Như vậy, người gửi tiền có thêm hiểu biết và niềm tin vào hệ thống ngân hàng, có kiến thức nhằm bảo vệ bản thân trước các nguy cơ sai sót, thậm chí gian lận, vi phạm pháp luật từ phía các cá nhân, tổ chức nhận tiền gửi. Ngược lại, người gửi tiền cũng đồng thời đóng một vai trò tích cực trong việc duy trì kỷ luật thị trường và góp phần lành mạnh hóa hệ thống các TCTD.

Nâng cao nhận thức của công chúng về tài chính-ngân hàng nói chung và về chính sách BHTG nói riêng là quá trình dài hơi, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng là trách nhiệm của tổ chức BHTG, song cũng là trách nhiệm của tất cả các bên có liên quan, kể cả các tổ chức tín dụng và người gửi tiền.

P.V

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tân Yên phấn đấu hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm OCOP

    Tân Yên phấn đấu hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm OCOP

    Huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang phấn đấu từ nay đến hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Cùng với đó, huyện định hướng và có lộ trình phát triển sản phẩm vải sớm Phúc Hòa phấn đấu đạt tiêu chuẩn 5 sao trong thời gian tới.

  • Nhiều sản phẩm OCOP Phú Vang được đánh giá cao

    Nhiều sản phẩm OCOP Phú Vang được đánh giá cao

    Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) vừa tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2024 trên địa bàn huyện.

  • Phải chuẩn hóa rõ hơn về văn hóa nông thôn

    Phải chuẩn hóa rõ hơn về văn hóa nông thôn

    Tại kỳ họp thứ 7, QH khóa XV, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước sáng ngày 29/5, theo đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình), một trong những điểm sáng rất đáng ghi nhận là khu vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.

Top