Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 29 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 3 năm 2021 | 14:56

Chăm sóc cây vải thiều thời điểm ra hoa, đậu quả

Vải thiều là cây dễ trồng, cho hiệu quả kinh tế cao nhưng để cây ra hoa đậu quả nhiều, việc chăm sóc lại không hề đơn giản, đòi hỏi nhà vườn phải nắm chắc kiến thức cơ bản.

Trồng vải thiều khá dễ nhưng phải có kỹ thuật chăm sóc cây thì mới cho ra nhiều trái và trái vải chất lượng.

Vải thiều bắt đầu ra hoa vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 dương lịch.

 

t21.jpg
Kiểm tra lộc đông trên cây vải thiều. Ảnh Đức Thọ.

 

Tỉa cành

Thời điểm cây vải thiều ra hoa là lúc cần tập trung tỉa cành, tạo hình cho cây bằng cách dùng kéo cắt cành cắt bỏ hết các cành nhỏ, cành tăm, cành bị sâu bệnh, các cành mọc chen trong tán; đặc biệt là các chồi vượt vừa mọc ra nhằm làm cho tán cây thông thoáng hạn chế được sâu bệnh phát sinh, phát triển. Đồng thời, còn giúp cây ức chế và kích thích phân hóa mầm hoa tốt; tăng cường dinh dưỡng cho cây khỏe hơn sẽ hạn chế được tình trạng rụng hoa, rụng quả non sau này.

Chăm sóc thời kỳ ra hoa đậu quả

Khi cây vải thiều ra hoa, cần ngừng hẳn tưới nước, giữ cho vườn cây ở mức khô hạn cục bộ từ 10-15 ngày mới tưới đẫm nước liên tục 2-3 ngày rồi dứt hẳn để kích thích cho hoa nở đồng loạt, tập trung.

Đặc biệt, trong thời kỳ cây vải ra hoa nên tiến hành dùng rơm rạ, cỏ khô tủ gốc giữ ẩm thường xuyên cho vườn cây. Nếu để vườn khô, cây thiếu nước, hoa sẽ rụng nhiều. Ngược lại, tưới quá nhiều, độ ẩm cao kết hợp với nhiệt độ cao làm cho các mô non ở cuống và hoa trương lên đột ngột cũng rụng nhiều.

Phòng trừ sâu bệnh

Vải thiều có rất nhiều sâu hại như nhện lông nhung, bệnh thối hoa... là nguy hiểm nhất.

Do đó, khi phát hiện bệnh do nhện tấn công, cần thu gom những lá bị nhện đem đốt để tránh lây lan. Dùng các loại thuốc trừ nhện như Pegasus 500ND, Ortus 5SC phun ngay sau khi lộc non mới nhú.

Ngoài ra, cũng nên sử dụng các loại thuốc trừ sâu bán ở các cửa hàng uy tín để phun trừ kịp thời các loại sâu hại như: bọ xít xanh, bọ xít vai nhọn, rệp hại hoa, sâu đục cuống quả…

Với sâu đục quả, thường xuyên kiểm tra các lứa sâu để phun làm 3 đợt chính: cuối tháng 4, cuối tháng 5 và giữa tháng 6 mới hiệu quả.

Trong thời gian ra hoa, nếu gặp mưa phùn, thiếu ánh sáng, cây vải thường bị các bệnh thối hoa như mốc sương, sương mai, thán thư tấn công gây hại. Sử dụng các loại thuốc trừ nấm như: Boóc-đô 1%, Ridomil MZ 0,2%, Anvil 0,2%, Score 0,1% hoặc Aliette 80 WP 0,15% để phun phòng làm 2 lần: lần 1 khi cây mới ra giò hoa, lần 2 khi các giò hoa đã nở được 5-7 ngày cho kết quả rất tốt.

Chăm sóc sau thu hoạch

Vải thiều sau khi thu hoạch quả cần tỉa bỏ các cành khô, cành sâu bệnh, cành nằm trong tán và cành vượt. Đồng thời, cắt phần ngọn đầu tán lá (phần cuống hoa, cuống chùm quả còn sót lại) để tạo tán tròn đều, tạo điều kiện cho mầm cành thu mọc cùng lúc. Sau đó tiến hành bón phân để phục hồi và phát triển bộ rễ, lá. Lượng bón trung bình cho 10m2 bóng tán: 0,3-0,5 kg urê + 1-2kg lân supe + 5-10 kg phân chuồng.

Đối với cây trung tuổi, sức sinh trưởng đã hạn chế hoặc cây trẻ nhưng phát triển kém nên có đợt lộc cuối cùng ra cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10. Khi đó có thể tưới đạm pha loãng để bản lá được to, rộng, lá dày, màu xanh đậm; tránh bón sâu, bón quá nhiều dẫn đến cây ra lộc đông. Ở giai đoạn này cần phòng trừ nhện lông nhung hại vải. Trước khi nhú đợt lộc cuối thu phải diệt trừ sớm bằng các loại thuốc đặc hiệu như Pegasus 500ND, Ortus 3SC, Regent 800 WP... Sau khi lộc đã phát dài hết, cần kiểm tra và ngắt bỏ ngay những đoạn mầm lộc đã bị nhện lông nhung làm xoăn lá.

P.V (Theo tài liệu khuyến nông)

 

Ý kiến bạn đọc
Top