Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 3 năm 2019 | 15:6

Chia sẻ kinh nghiệm làm vườn hữu cơ gắn với kết nối thị trường

Trong bối cảnh thực phẩm “bẩn” bủa vây người tiêu dùng, việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) được coi là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết căn cơ vấn đề an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

tr4.jpg
Sản xuất rau theo hướng hữu cơ tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: Đoàn Kiên

Xu thế tất yếu

NNHC còn được gọi là nông nghiệp tự nhiên, là hệ thống quản lý sản xuất đồng bộ nhằm bảo vệ và tăng cường sức khỏe hệ sinh thái nông nghiệp, bao gồm cả đa dạng sinh học, các chu trình sinh học và năng suất sinh học.

NNHC dựa vào quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và quá trình phát triển tự nhiên phù hợp với từng điều kiện của địa phương, nhằm duy trì sức khỏe cho đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Bên cạnh đó, NNHC là hệ thống sản xuất không sử dụng hoặc loại trừ các chất hóa học tổng hợp và vật liệu biến đổi gen trong các vật tư đầu vào, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín vật chất trong hệ sinh thái nông nghiệp.

GS.TS. Ngô Thế Dân, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng, phát triển NNHC, kinh tế vườn hữu cơ là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, cần theo các hướng sau:

Thứ nhất, vườn mẫu, khu dân cư NTM kiểu mẫu là cốt lõi của Chương trình XDNTM  giai đoạn II. Do đó, cần quy hoạch sắp xếp lại vườn để khuôn viên hộ gia đình luôn xanh, sạch, đẹp, môi trường an lành, đủ điều kiện để phát triển sản xuất VAC theo hướng an toàn thực phẩm và NNHC.

Thứ hai, kinh tế vườn cần đặt trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Vì kinh tế vườn - VAC là giải pháp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp phát triển các loại nông sản có lợi thế so sánh như phát triển rau quả đặc sản  phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu và như chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, rau quả là mặt hàng ưu tiên phát triển sau thủy sản, ưu tiên hơn trồng lúa nước.

Thứ ba, phát triển kinh tế vườn là hướng làm giàu của nông dân, đã có nhiều chủ trang trại VAC hiện nay vốn là người nghèo, do làm vườn mà trở nên giàu có, thuê đất mở rộng làm vườn.

Thứ tư, cần phát triển đa dạng các loại hình vườn để cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho người dân, như: Vườn giàn, vườn chậu, vườn treo, vườn trên trần, mái nhà; vườn chuyên canh, vườn sinh thái kết hợp du lịch...

Thứ năm, đẩy mạnh cải tạo vườn bằng cách chặt bỏ cây già cỗi, sâu bệnh, chất lượng kém.

Ngoài ra, phải giải quyết được nguồn nước tưới sạch, thực hiện chế biến toàn bộ phế thải trồng trọt, chăn nuôi có sử dụng chế phẩm sinh học, sử dụng thuốc phòng trừ sâu sinh học.

Phát biểu tại Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm làm vườn hữu cơ kết nối với thị trường,  PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết, nước ta có 53.348ha canh tác hữu cơ (tương đương 0,6% diện tích đất nông nghiệp, năm 2016), xếp thứ 50/179 quốc gia có sản xuất NNHC; có 8.365 người tham gia sản xuất NNHC với các sản phẩm chính: Dừa, gạo, chè, rau, cà phê, ca cao, sữa, tôm, quế, hồi, quả, tinh dầu… Việt Nam có tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ và Nghị định về NNHC.

NNHC cần tuân theo bốn nguyên tắc cơ bản: Sức khỏe-Sinh thái-Công bằng-Cẩn trọng. Có thể nói, sản xuất NNHC chính là sản xuất nông nghiệp kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và tiến bộ kỹ thuật cùng phương pháp quản lý hiện đại để đảm bảo tiêu chuẩn của NNHC, đồng thời đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, tính bền vững của môi trường và hệ sinh thái.

Sản xuất NNHC đang được doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng quan tâm trong bối cảnh yêu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng tăng.

Đặc biệt, sản phẩm hữu cơ của nghề làm vườn (Organic horticulture) như rau, quả… có thị trường rộng lớn, giá trị cao, đang tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều doanh nghiệp và người sản xuất.

Đề cập đến những lợi ích mà NNHC mang lại, PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng  chia sẻ: Làm vườn hữu cơ sẽ giảm dư lượng hóa chất độc hại trong thức ăn cho gia đình; bảo vệ môi trường sống cho gia đình và cộng đồng; bảo vệ và cải thiện đất vườn và hệ sinh thái vườn; giảm phát thải khí nhà kính; người tiêu dùng được ăn thực phẩm thơm ngon hơn...

Cái khó là xây dựng lòng tin

Trao đổi với báo chí, ông chủ chuỗi nông sản hữu cơ Bác Tôm - Trần Mạnh Chiến - cho rằng, làm nông sản hữu cơ, cái khó là xây dựng hình ảnh. Đây cũng là công việc lớn, tốn nhiều công sức và chi phí.

Nhận định về thị trường thực phẩm sạch  thời gian tới, anh Chiến “rất tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ” bởi nhiều yếu tố.

Thứ nhất, Chính phủ cũng như xã hội ngày càng quan tâm nhiều hơn. Mới đây, Nghị định 109 ban hành cho thấy sự ủng hộ với nông nghiệp sạch, đặc biệt là NNHC khi có những nguyên tắc hỗ trợ cho bà con nông dân. “Tôi tin rằng đây là động lực lớn cho bà con tham gia nhiều hơn”.

Thứ hai là vấn đề truyền thông. Người tiêu dùng cách đây 9 - 10 năm gần như chưa biết thực phẩm hữu cơ là gì nhưng bây giờ thì rất nhiều người tiêu dùng thông thạo. Họ hiểu thực phẩm hữu cơ là gì, tốt cho sức khỏe như thế nào và lượng người am hiểu ngày càng gia tăng, tạo ra cú hích đối với nhu cầu.

Thứ ba là sự tham gia ngày càng tích cực của các cơ quan chứng nhận. Tuy vậy, điểm mấu chốt để người tiêu dùng tin cậy chính là việc xây dựng uy tín cho các cơ quan này.

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia các dự án nông nghiệp, người đứng đầu chuỗi Bác Tôm cho rằng, quy mô sản xuất nhỏ, ruộng đồng nhỏ tại Việt Nam là yếu tố gây bất lợi cho quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy vậy, những người sản xuất cũng như các doanh nghiệp hiện nay được tiếp cận thông tin rất nhiều, có sự hiểu biết về công nghệ nhiều hơn, từ đó thuyết phục dễ dàng hơn.

Theo anh Chiến, nông nghiệp sạch ở Việt Nam hiện vẫn còn ở giai đoạn rất sơ khởi khi NNHC chiếm chưa đến 1% thị trường và thực phẩm an toàn thì chưa đến 10%. Đây thực sự là mảnh đất màu mỡ với những ai đang có ý định khởi nghiệp. 

Để NNHC phát triển bền vững

Ông Phạm Đình Nam, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, động lực của  làm vườn hữu cơ  là người sản xuất sẽ tạo ra nguồn thu nhập chính cho gia đình; bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và môi trường; thị trường đang có nhu cầu tiêu thụ tốt; giải quyết lao động dư thừa của gia đình và địa phương; tự lập, tự chủ trong hoạt động sản xuất, đóng góp cho cộng động và xã hội vì sự phát triển hữu cơ, xây dựng phương thức cách tác đem lại giá trị cho cho gia đình, môi trường và xã hội.

Người tiêu thụ sản phẩm hữu cơ có nhiều lợi ích như: bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và thế hệ tương lai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng và thừa nhận là sản phẩm tự nhiên, nâng cao chất lượng sống, động lực tự nhiên: Ngon, an toàn,… Tiêu thụ sản phẩm hữu cơ góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững tại Việt Nam.

Về giải pháp phát triển thị trường NNHC, ông Nam kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hạn chế dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng hệ thống chính sách, cơ chế khuyến khích hỗ trợ phát triển vườn hữu cơ như tuyên truyền quảng bá, tập huấn, xây dựng mô hình mẫu, hỗ trợ chứng nhận hữu cơ, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, vùng sản xuất hữu cơ, xây dựng quy hoạch vùng sản xuất NNHC, phát triển các nghiên cứu cơ bản về NNHC, sau đó đưa ra hệ thống tiêu chuẩn cho phù hợp với điều kiện tại Việt Nam. Lựa chọn các điều kiện để sản xuất hữu cơ như nguồn nhân lực, đất, môi trường, nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất hữu cơ, trợ cước, trợ giá cho sản phẩm NNHC. Hoãn, giãn, miễn cho người sản xuất, nhà cung cấp sản phẩm hữu cơ. Có chính sách thuế ưu tiên cho người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ”.

Còn theo TS. Phạm Thanh Hải, nguyên Hiệu trưởng Trường  cao đẳng Nông nghiệp và PTNT Bắc Bộ, Nhà nước cần tổ chức nhiều buổi tập huấn về kiến thức, kỹ thuật, tiêu chuẩn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng các sản phẩm NNHC, xây dựng các mô hình, dự án về hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sản phảm NNHC; xây dựng các mô hình vườn mẫu hữu cơ trong Chương trình XDNTM, chuyển đổi chứng nhận PGS (PGS là  chứng nhận cấp cho các nhóm hoặc các nông dân sản xuất tuân theo quy trình và các tiêu chuẩn PGS. Trên thế giới, chứng nhận PGS được áp dụng tại các nước có nền nông  nghiệp phát triển: Hoa Kỳ, Brazil, New Zealand...Tại Việt Nam, PGS   được xây dựng dựa trên  bộ tiêu chuẩn SXNN hữu cơ 10TCN 602-2006 do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành) theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam cho các hợp tác xã và các nhóm nông dân.

Ông Hải cho rằng, Hội Làm vườn cần ưu tiên thành lập các HTX, tổ hợp tác sản xuất NNHC. Xây dựng các mô hình, dự án về hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm NNHC, xây dựng các mô hình vườn mẫu hữu cơ trong Chương trình XDNTM (quy hoạch, thiết kế, xây dựng hàng rào, hệ thống tưới tiêu, ủ phân, sử dụng các biện pháp sinh học, kết nối thị trường…). Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các chính sách mới về NNHC, làm tốt công tác truyền thông thay đổi hành vi về các vấn đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

“Hội Làm vườn cần tham gia sát sao vào quá trình xây dựng, phản biện chính sách liên quan đến NNHC, thuyết phục nhà nước giao nhiệm vụ và ngân sách thực hiện hoạt động phát triển vườn hữu cơ, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển làm vườn hữu cơ để nâng cao tiếng nói/quyền của hội viên trong làm vườn hữu cơ”, ông Nam đề nghị.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng cho biết, thời gian tới, Hội Làm vườn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền phát triển vườn hữu cơ nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nghề làm vườn hữu cơ; xây dựng và nhân rộng các mô hình vườn mẫu sản xuất rau, quả hữu cơ, trước hết là trong khuôn viên hộ gia đình. Tăng cường trao đổi, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ giữa hội viên và nông dân; kết nối người làm vườn hữu cơ với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản hữu cơ; tư vấn, phản biện và đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế vườn hữu cơ; hợp tác quốc tế để cập nhật thông tin, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm làm vườn hữu cơ”.

 

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top