Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 2 tháng 6 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 1 năm 2022 | 11:15

Chuyển đổi cây trồng thích ứng hiệu quả ở Sơn La

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các cấp, các ngành, địa phương tỉnh Sơn La đã kịp thời thay đổi chiến lược sản xuất, thích ứng an toàn và giữ vững thị trường bằng chất lượng sản phẩm.

Trồng hoa cát tường, hướng đi mới ở Vân Hồ

 

01.jpg

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ hướng dẫn người dân chăm sóc cây hoa cát tường.

 

Cát tường là loài hoa có ý nghĩa mang lại sự may mắn, nhưng còn khá xa lạ với người dân Sơn La, loại hoa này được trồng nhiều ở Đà Lạt, nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm. Phát huy lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện Vân Hồ khá tương đồng với Đà Lạt, với nhiệt độ khoảng 18,5ºC, mùa hè mát ẩm và mưa nhiều, lượng mưa trung bình năm khoảng 1.560 mm với độ ẩm không khí 85%, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã trồng thử nghiệm giống hoa cát tường.

Cây giống được nhập từ Đà Lạt, với các loại: Trắng viền tím, trắng viền hồng, xanh, đỏ, đang được nhiều người ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao. Đây là loại cây thân thảo, có chiều cao khoảng 50-100 cm, thời gian gieo hạt đến khi nở hoa khoảng 6-7 tháng. Thân cây mảnh và dài, lá có hình bầu dục thuôn nhọn ở đầu, màu xanh đậm và bóng, mép nguyên, mọc đối xứng. Hoa cát tường có nhiều lớp sắp xếp đan xen nhau, cánh hoa mỏng, mịn xếp xoáy tạo hình đẹp mắt hơi giống hoa hồng. Hoa cát tường không chỉ đẹp về hình dáng, mà có nhiều màu sắc từ hồng, tím, trắng, vàng, đỏ,... hoặc phối trộn hai màu. Cát tường thường nở hoa từ mùa xuân đến hè, để được 2-3 tuần hoa mới tàn. Để cây hoa cát tường sinh trưởng, phát triển khỏe. Hoa trồng từ tháng 9-10 thì sẽ nở đúng dịp Tết Nguyên đán.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ đã lựa chọn gia đình chị Lò Thị Oanh, bản Hang Trùng 1, xã Vân Hồ để thực hiện mô hình trên diện tích 300 m² trong nhà lưới. Trung tâm cung cấp 11.000 cây giống, phân bón, trị giá trên 45 triệu đồng. Gia đình có trách nhiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch và tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn đến tham quan, học hỏi để trở thành mô hình để nhân rộng.

Chị Lò Thị Oanh, chia sẻ: Qua tìm hiểu, tôi thấy đây là loài hoa đẹp, có sức sống tốt, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc; nhưng hoa cát tường chưa được trồng nhiều trên địa bàn tỉnh, nên đây sẽ là cơ hội để phát triển mô hình, với giá trị kinh tế cao. Cây hoa cát tường được gia đình chăm sóc bằng hệ thống tự động tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân đến từng gốc. Qua tìm hiểu thị trường, tôi thấy giá hoa cát tường trên thị trường ổn định, dao động từ 50 - 100 nghìn đồng/kg cành hoa, nếu đánh bầu lên chậu bán 20 - 25 nghìn đồng/cây.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Để đảm bảo hiệu quả đầu tư mô hình và thực hiện các quy trình kỹ thuật theo quy định, Trung tâm đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống cùng hộ dân trồng và chăm sóc cây hoa cát tường, từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc, phòng trừ bệnh cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của hoa cát tường.

Cùng với đó, hộ dân được chọn trồng thí điểm cũng tích cực học hỏi kinh nghiệm từ trên các phương tiện thông tin đại chúng và nghiên cứu từ thực tế trồng để đưa ra những cách chăm sóc phù hợp. Hiện nay, Trung tâm đang hướng dẫn gia đình đánh bầu lên chậu để bán cho khách hàng có nhu cầu trong dịp Tết này. Với mô hình 300 m² vườn hoa cát tường, dự kiến sẽ cho thu trên 9.000 cây hoa, giá trị ước tính hơn 90 triệu đồng; hiệu quả của mô hình sẽ là hướng đi mới cho người dân xã Vân Hồ.  

Những hạt nhân khơi “mỏ vàng” đất dốc

Chúng tôi đến huyện Yên Châu, tìm gặp nông dân Nguyễn Khánh Toàn, xã Phiêng Khoài, người có khả năng làm cho cây mận ra quả trái vụ, rải vụ. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Toàn kể: Cây mận ở Phiêng Khoài đã giúp nhiều nông dân xóa đói, giảm nghèo. Nhưng sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, có năm thời tiết không ủng hộ, sản lượng mận cũng giảm đi đáng kể; năm được mùa, tiêu thụ không xuể, mận lại rớt giá. Chính vì vậy, tôi đã quyết tâm đi học tập kinh nghiệm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để “điều khiển” cây mận ra quả theo ý muốn.

 

02.jpg

Mô hình trồng cây ăn quả của ông Nguyễn Khánh Toàn, HTX Toàn Phát, huyện Yên Châu.

 

Từ năm 2019, với kỹ thuật rải vụ, ông Toàn đã làm cho cây mận ra hoa lệch vụ từ 3-4 tháng, quả mận trái vụ giá bán cao gấp 3-5 lần chính vụ. Bên cạnh đó, ông Toàn đã đầu tư nhà lưới để bảo vệ vườn mận không bị thiệt hại do mưa đá; lắp bộ cảm biến kiểm soát, giám sát 24/24 giờ các chỉ tiêu môi trường liên quan, cảnh báo các chỉ số về yếu tố tự nhiên và kết nối qua “app” trên điện thoại thông minh, từ đó có thể điều chỉnh chế độ tưới kết hợp bổ sung dinh dưỡng kịp thời theo nhu cầu của cây. Nhờ áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm mận của gia đình ông tăng 30% so với trước đây. Toàn bộ sản lượng quả không đủ cung ứng theo đơn đặt hàng. Hiện 3 ha mận hậu mang lại thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm cho gia đình, chưa kể các loại cam, bưởi xen canh cũng bắt đầu cho thu hoạch.

Đến xã Cò Nòi (Mai Sơn), nơi có những cánh đồng mía bạt ngàn, những vườn na trĩu quả, gặp anh Bùi Văn Lộc, HTX xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh, người đang sở hữu 7 ha na Thái với doanh thu bình quân 600 triệu đồng/ha. Dẫn chúng tôi thăm vườn, anh Lộc giới thiệu: Trước đây, diện tích 7 ha này gia đình tôi trồng chủ yếu là nhãn và giống na địa phương, nhưng tôi nghĩ, mình sống bằng nghề nông nghiệp thì phải “chọn cây, gửi đất”, phải lựa cây nào hợp thổ nhưỡng, đem lại hiệu quả kinh tế cao thì trồng. Sau nhiều lần nghiên cứu, năm 2015, tôi đã lặn lội vào tận Đồng Nai để mua 50 cây giống na Thái về ghép vào thân cây na bản địa. Sang năm thứ 3 thì cây bắt đầu đậu quả và cho thu hoạch.

Theo anh Lộc, ưu điểm của giống na Thái là khả năng kháng sâu bệnh, chịu úng, chịu hạn cao, quả ít hạt, mắt na sáng mịn, thịt dai, dẻo, rất thơm ngon, ngọt, khi chín không bị nứt vỏ, quả to gấp 3-4 lần na thường; mỗi quả có trọng lượng từ 0,6-1,4kg. Tùy vào việc chăm sóc, mỗi cây cho thu từ 30-60 kg quả/năm. Thành công ngoài mong đợi, anh Lộc tiếp tục lai ghép mở rộng thêm 2.000 cây sau đó. Vụ na năm nay, gia đình anh Lộc ước thu khoảng 70 tấn, trừ chi phí sẽ thu về khoảng 3 tỷ đồng.

Những tỷ phú, triệu phú nông dân như ông Toàn, anh Lộc xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp các miền quê của Sơn La. Điểm chung của họ là đức tính chăm chỉ, kiên trì, chịu khó, mạnh dạn tìm lối đi riêng, họ đã làm cho đất cằn nở hoa, làm lên những cánh đồng trăm triệu, trang trại tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, những nông dân sản xuất giỏi còn thôi thúc và lan tỏa ý chí vươn lên, vượt khó làm giàu đến nhiều hộ dân trong vùng. Họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất với các hội viên nông dân ở địa phương để cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Điển hình như ông Nguyễn Khánh Toàn, năm 2019 đã thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát với 17 thành viên, trồng 35 ha mận hậu và 17 ha cây ăn quả. Năm 2021, tổng doanh thu từ cây ăn quả của HTX đạt trên gần 8,5 tỷ đồng, trừ chi phí, bình quân mỗi hộ xã viên thu nhập gần 400 triệu đồng; ngoài ra còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động địa phương, với mức tiền công 6 triệu đồng/người/tháng.

 

03.jpg

Vườn na Thái của gia đình anh Bùi Văn Lộc, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

 

Còn anh Bùi Văn Lộc đã kết hợp với với 22 hộ gia đình khác thành lập HTX xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh, thâm canh 40 ha na và xoài. Doanh thu trung bình khoảng 250-300 triệu đồng/ha na dai và 400-450 triệu đồng/ha na Thái. Hay ông Lê Danh Phúc, bản C5, xã Chiềng Khoong (Sông Mã) đã vận động các hộ dân trong vùng ứng dụng tiến bộ KHKT để sản xuất nhãn trái vụ; xây dựng 20 lò sấy long nhãn công nghệ cao đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu...

Ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định: Các hộ nông dân sản xuất giỏi chính là những hạt nhân nòng cốt trong tổ chức lại sản xuất, thành lập mới HTX, tổ hợp tác và liên kết với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã thành lập mới 106 HTX với 360 thành viên là hội viên nông dân, góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, liên kết sản xuất, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; có trên 28.000 hộ nông dân được công nhận sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; trong đó, có gần 1.500 hộ cấp tỉnh và cấp Trung ương. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã đại diện cho người nông dân ký hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo ra vùng sản xuất tập trung, có sản lượng lớn, phát huy thế mạnh của vùng, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng của Sơn La.

Đa lợi ích từ chuỗi giá trị nông sản an toàn

Năm 2021, toàn tỉnh đã xây dựng và phát triển mới thêm 8 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, nâng tổng số chuỗi cung ứng nông sản toàn tỉnh lên 204 chuỗi, trong đó có 197 chuỗi đang duy trì hoạt động, gồm 174 ha rau, hơn 2.400 ha cây ăn quả, gần 480 ha chè, cà phê, gần 37.000 con lợn, 6.000 con gà, gần 3.300 đàn ong và hơn 3.400 lồng cá, cung cấp hơn 46.800 tấn nông, lâm, thủy sản an toàn.

 

04.jpg

Mô hình trồng cam canh của hộ ông Hàng A Sở, HTX nông sản sạch Mộc Châu, tiểu khu Pa Khen, thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu.

 

HTX rau an toàn tự nhiên, bản Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu là một trong những chuỗi cung ứng rau an toàn đầu tiên của tỉnh. Tiền thân là tổ hợp tác rau an toàn Tự Nhiên, liên kết sản xuất giữa 19 hộ trồng 9 ha rau một vụ. Bằng hình thức liên kết sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh, huyện tổ chức đã giúp HTX không ngừng phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, cung ứng các sản phẩm an toàn vào hệ thống siêu thị, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên.

Năm 2021, với 38 thành viên, hơn 20 ha đất chuyên canh trồng rau màu các loại, theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất theo hướng hữu cơ. Với thị trường tiêu thụ ổn định, đa dạng; các sản phẩm của HTX đều được cam kết bảo hiểm bằng các hợp đồng mua bán, nên dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng HTX vẫn duy trì sản xuất kinh doanh tương đối ổn định. Năm 2021, HTX đã sản xuất, cung ứng trên 1.000 tấn rau, củ, quả, tổng doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hương, thành viên HTX rau an toàn Tự Nhiên, chia sẻ: Tham gia HTX, gia đình tôi đã chuyển đổi 1 ha trồng ngô thương phẩm sang trồng rau màu quanh năm. Chúng tôi được HTX định hướng cơ cấu giống sản xuất theo nhu cầu đơn đặt hàng, hướng dẫn thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ và cam kết thu mua, bao tiêu sản phẩm, chúng tôi không còn lo đầu ra cho sản phẩm. Năm 2021, tổng thu nhập đạt trên 300 triệu đồng.

Còn tại HTX nông sản sạch Mộc Châu, tiểu khu Pa Khen, thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, HTX cũng được thành lập từ tổ hợp tác sản xuất trồng cây ăn quả tại địa phương. Đến nay, HTX đã có 9 thành viên, với trên 30 ha trồng cây ăn quả các loại.

Ông Hàng A Sở, chia sẻ: Gia đình tôi chuyển đổi 7.000 m² đất trồng ngô sang trồng cam canh và tham gia HTX nông sản sạch Mộc Châu, được tư vấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và kết nối tiêu thụ. Sản phẩm cam có nguồn gốc, xuất xứ, an toàn nên được thương lái đến tận vườn thu. Năm 2021, gia đình đã xuất bán 20 tấn cam canh, giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, doanh thu đạt trên 600 triệu đồng.

Biến thách thức thành cơ hội, đó là hướng đi của HTX dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã. Tham gia chuỗi cung ứng quả an toàn của tỉnh, HTX luôn chủ động thích ứng, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đặc biệt, trong điều kiện nhu cầu tiêu thụ quả tươi giảm, HTX đã đầu tư chế biến sản phẩm, kéo dài thời gian bảo quản, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Lê Danh Phúc, Phó giám đốc HTX, chia sẻ: HTX hiện có 13 thành viên, với 37 ha nhãn ghép, sản lượng khoảng 300 tấn quả tươi/năm. Khi gặp khó về tiêu thụ sản phẩm quả tươi, các thành viên HTX đã đầu tư hệ thống lò sấy, chế biến toàn bộ nhãn quả tươi làm long nhãn. Long nhãn sấy khô, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt sản phẩm OCOP 3 sao, được bán tại các siêu thị VinMart Hà Nội, BigC Thăng Long và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc...

Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Tạo điều kiện để các chuỗi cung ứng nông sản hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm tại chỗ, Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi liên kết. Ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các huyện tiếp tục thực hiện 6 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm cấp tỉnh (quy mô liên huyện) giai đoạn 2020-2022, tổng quy mô 326,5 ha xoài GL4, cam chín muộn và lê VH6.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, tư duy đổi mới, những nông dân Sơn La đã và đang từng ngày biến đồng đất của mình thành “mỏ vàng”, không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động, góp sức làm giàu cho quê hương.

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tân Yên phấn đấu hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm OCOP

    Tân Yên phấn đấu hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm OCOP

    Huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang phấn đấu từ nay đến hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Cùng với đó, huyện định hướng và có lộ trình phát triển sản phẩm vải sớm Phúc Hòa phấn đấu đạt tiêu chuẩn 5 sao trong thời gian tới.

  • Nhiều sản phẩm OCOP Phú Vang được đánh giá cao

    Nhiều sản phẩm OCOP Phú Vang được đánh giá cao

    Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) vừa tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2024 trên địa bàn huyện.

  • Phải chuẩn hóa rõ hơn về văn hóa nông thôn

    Phải chuẩn hóa rõ hơn về văn hóa nông thôn

    Tại kỳ họp thứ 7, QH khóa XV, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước sáng ngày 29/5, theo đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình), một trong những điểm sáng rất đáng ghi nhận là khu vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.

Top