Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 3 tháng 6 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 15 tháng 7 năm 2017 | 9:31

Đồng Nai: Người nuôi heo vẫn đứng ngồi không yên

Nhiều tháng qua, giá heo thịt xuống thấp khiến những người nông dân chăn nuôi heo đứng ngồi không yên. Heo đến kỳ xuất chuồng không bán được; nếu bán được cũng lỗ nặng mà để nuôi tiếp thì càng lỗ hơn.

Về “thủ phủ” chăn nuôi heo ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai), phóng viên Báo KTNT đã đến thăm trang trại chăn nuôi heo của gia đình ông Nguyễn Văn Chiểu ở ấp Đức Long I, xã Gia Tân II. Trang trại nuôi heo của ông Chiểu có diện tích hơn 7.000m2, được xây dựng khá hiện đại với nhiều dãy chuồng được lắp máy lạnh theo tiêu chuẩn nuôi heo sạch. Tổng đàn của trại được duy trì 600 nái, heo hậu bị và thường xuyên có khoảng 4.000 heo thịt được xuất theo định kỳ hàng tháng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Chiểu cho biết: “Những năm trước đây, người chăn nuôi heo khá thuận lợi vì giá cả ổn định. Nhờ vậy mà hàng năm tôi có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi và có được trang trại như ngày hôm nay, tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 lao động ở nông thôn với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, gần một năm trở lại đây, ngành chăn nuôi gặp không ít khó khăn, nhất là những người chăn nuôi heo như chúng tôi. Giá heo hơi xuống quá thấp trong thời gian dài khiến cho người chăn nuôi không thể xoay xở nổi. Bình quân trang trại của gia đình chúng tôi mỗi này phải chi ra khoảng 60 triệu đồng để mua thức ăn cho heo, tiền nhân công, tiền điện, nước... Trong lúc đó, heo đến thời điểm xuất chuồng lại không bán được, còn nếu bán được với giá như hiện nay thì lỗ quá nhiều. Cứ theo đà này, nếu giá heo hơi không được cải thiện thì việc chúng tôi lâm vào cảnh phá sản là khó tránh khỏi”.

Nhân công đang cho heo ăn ở trang trại ông Nguyễn Văn Chiểu 

Theo ông Lã Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Gia Tân II, xã này là địa phương phát triển ngành chăn nuôi cả về số lượng người trực tiếp chăn nuôi và tổng đàn, nhất là nuôi heo. Những thập niên qua, giá heo ổn định, dễ bán nên người dân trên địa bàn xã có của ăn của để, nhất là những hộ chăn nuôi quy mô lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi heo rớt giá liên tục và đứng giá ở mức thấp trong thời gian dài, nhiều nhà phải thế chấp tài sản vay tiền của ngân hàng mua thức ăn để duy trì đàn heo và hy vọng heo lên giá trở lại. Thế nhưng, người dân càng chờ càng thấy ảm đạm. Heo đến thời điểm xuất chuồng mà không có thương lái nào đến mua, nếu bán được thì phải chấp nhận giá rất thấp làm cho người chăn nuôi lỗ nặng; người nào cố duy trì chờ heo lên giá thì càng nuôi càng lỗ nặng hơn.

Ông Hùng cho biết thêm: “Trước đây, trên địa bàn xã Gia Tân II có 547 hộ chăn nuôi nhưng trong bối cảnh chăn nuôi heo như hiện nay đã giảm 134 hộ, còn lại 423 hộ. Trong đó có 69 hộ chăn nuôi trong khu chăn nuôi tập trung khu Tây Bạch Lâm và 49 hộ ở khu Đông Đức Long; số còn lại là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô gia đình. Tổng đàn heo trên địa bàn xã hiện có khoảng 48.750 con, heo thịt khoảng 40.005 con và heo nái 8.045 nái. Căng nhất là hiện có khoảng 6.000 heo đã đến kỳ xuất chuồng nhưng vẫn đang khó khăn về khâu tiêu thụ”.

Làm việc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hồng Đào, Phó chủ tịch UBND xã Gia Tân III, cho biết: Xã Gia Tân III cũng là một trong những xã phát triển chăn nuôi heo tương đối lớn. Trên địa bàn xã hiện có khoảng 200 trang trại lớn nhỏ. Trong đó có khoảng hơn 700 heo nái và khoảng 200.000 con heo thịt. Những năm trước đây, ngành chăn nuôi phát triển thuận lợi nhờ giá cả ổn định. Còn gần 1 năm trở lại đây, giá heo xuống quá thấp nên gây không ít khó khăn cho người chăn nuôi trên địa bàn xã. Người chăn nuôi heo thua lỗ kéo dài, đồng vốn xoay vòng để mua cám duy trì đàn heo rất khó khăn, nhiều gia đình phải cầm cố tài sản vay tiền ngân hàng, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vốn ít càng khó khăn gấp bội. Đứng trước thực trạng đó, xã đã tạo điều kiện và giải quyết mọi thủ tục cho người dân đang có khó khăn về chăn nuôi tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng để người dân duy trì sản xuất nhằm vượt qua trong giai đoạn khó khăn này.

Theo ông Vũ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), xã có hơn 200 trang trại và hơn 189 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với tổng đàn heo hơn 85.000 con. Gần một năm trở lại đây, người chăn nuôi heo trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn do giá heo thịt đứng giá ở mức thấp trong thời gian dài. Với giá đó, người chăn nuôi lỗ rất nhiều; nếu bán thì còn chưa thu đủ tiền cám, chưa nói đến các chi phí khác như điện, nước, công chăn sóc.... .

Cửa hàng bán thịt heo bình ổn giá ở TP. Biên Hòa 

Đứng trước thực trạng đó, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể là mở hàng chục cửa hàng bán thịt heo bình ổn giá trên các địa bàn như: TP. Biên Hòa, thị xã Long Khánh, huyện Trảng Bom... góp phần tiêu thụ heo còn tồn đọng trong dân, vừa giúp người chăn nuôi giảm bớt gánh nặng vừa đưa sản phẩn chất lượng với giá thành thấp đến người tiêu dùng. Theo đó, Hiệp hội rà soát số lượng heo của những hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã đến kỳ xuất chuồng mà chưa bán được nhưng ưu tiên cho những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có khó khăn. Giá heo hơi hiệp hội mua là 30.000 đồng/kg, cao hơn so với giá heo hiện tại trên thị trường là 26.000/kg heo loại một, heo loại hai chỉ có 24.000/kg.

Với những giải pháp trên trong thời gian qua, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đã tiêu thụ một số lượng heo không nhỏ cho người chăn nuôi, hơn nữa người tiêu thụ lại được hưởng lợi thấp hơn giá thị trượng hiện tại từ  40% - 50%

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thống Nhất cho biết, ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển tập trung ở 5 xã là Quang Trung, Gia Kiệm, Gia Tân I, Gia Tân II và Gia Tân III, tổng số trang trại chăn nuôi trên địa bàn là hơn 1.146. Trong đó có khoảng 916 trang trại heo với tổng đàn khoảng 266.000 con, 96 trang trại gà với tổng đàn khoảng hơn 1,3 triệu con, 83 trang trại cút với tổng đàn khoảng 900.000 con và 45 trang trại vịt với tổng đàn khoảng hơn 200.000 con.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho hay, trong thời gian vừa qua người chăn nuôi đang tiến thoái lưỡng nan. Giá heo hơi bán ra thấp hơn rất nhiều so với chi phí chăn nuôi mà vẫn khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh như vậy, số lượng heo đến kỳ xuất chuồng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang tồn đọng số lượng lớn khoảng 70.000 con, thương lái lại làm “eo” liên tục ép giá thấp đến khi người chăn nuôi trụ không nổi vì phải gánh chí phí thức ăn hàng ngày nên phải bán ra với giá èo uột. Hiện, người chăn nuôi lâm vào cảnh thua lỗ kéo dài, heo bán được thì lỗ nặng mà không bán thì càng lỗ nặng nề hơn.

                                                                                                       Hữu Danh

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tân Yên phấn đấu hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm OCOP

    Tân Yên phấn đấu hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm OCOP

    Huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang phấn đấu từ nay đến hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Cùng với đó, huyện định hướng và có lộ trình phát triển sản phẩm vải sớm Phúc Hòa phấn đấu đạt tiêu chuẩn 5 sao trong thời gian tới.

  • Nhiều sản phẩm OCOP Phú Vang được đánh giá cao

    Nhiều sản phẩm OCOP Phú Vang được đánh giá cao

    Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) vừa tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2024 trên địa bàn huyện.

  • Phải chuẩn hóa rõ hơn về văn hóa nông thôn

    Phải chuẩn hóa rõ hơn về văn hóa nông thôn

    Tại kỳ họp thứ 7, QH khóa XV, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước sáng ngày 29/5, theo đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình), một trong những điểm sáng rất đáng ghi nhận là khu vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.

Top