Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 24 tháng 3 năm 2018 | 20:7

Hà Nội trong tuần: TP. kêu gọi DN Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp CNC

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung mong muốn tiếp tục được kêu gọi, thu hút đầu tư từ phía các nhà đầu tư Nhật Bản vào các lĩnh vực: Công nghiệp công nghệ cao; nông nghiệp công nghệ cao; Đường sắt đô thị; Phát triển nguồn nhân lực;...

    Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tại thành phố Hà Nội, Nhật Bản hiện là quốc gia hàng đầu trong đầu tư trực tiếp và hỗ trợ ODA với 32 dự án và tổng vốn đã cam kết gần 3 tỷ USD (chiếm 58,8% giá trị vốn ODA cam kết cho Hà Nội) và là quốc gia hiện đứng thứ 2 về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội.

Trong những năm qua, Chính quyền Thành phố đặc biệt quan tâm đến hoạt động thu hút đầu tư và cam kết tiên phong về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản. Thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt về xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Những dịch vụ công liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đều có thể thực hiện 100% trên môi trường mạng như: Đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đăng ký quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng.
 
Nhìn lại kết quả 2 năm kể từ Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa Hà Nội với các doanh nghiệp Nhật Bản năm 2016, 2017 đã ghi nhận những kết quả nổi bật. Đã có 226 dự án được cấp mới của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản tại Hà Nội, với tổng số vốn đăng ký 981 triệu USD. 
 
Thông qua các nội dung thống nhất tại hai Hội nghị này, một loạt các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch đã được hai bên triển khai thực hiện, các hợp tác ghi nhớ đã trở thành hiện thực: như việc triển khai Dự án xây dựng trung tâm thương mại Aone tại Hà đông đã được khởi công chỉ trong thời gian 9 tháng sau khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Dự án Thành phố thông minh trên trục đường Nhật Tân-Nội Bài của Tập đoàn Sumitomo; Dự án của Tập đoàn Nidec tại Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc sẽ hoàn thiện các thủ tục đầu tư trong thời gian tới…

“Trong khuôn khổ các hoạt động giao lưu văn hóa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản đang diễn ra tại Hà Nội, chúng tôi hy vọng, hội nghị “Trao đổi, hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản” lần này sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi tìm hiểu, kết nối hợp tác”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, thành phố Hà Nội mong muốn tiếp tục được kêu gọi, thu hút đầu tư từ phía các bạn vào các lĩnh vực: Công nghiệp công nghệ cao; nông nghiệp công nghệ cao; Đường sắt đô thị; Phát triển nguồn nhân lực; Du lịch; Dịch vụ y tế chất lượng cao; Thương mại (bao gồm cả trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích).

Cùng quan điểm đó, ông Iijma Isao, Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ kỳ vọng quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ trở nền sâu sắc hơn, trong bối cảnh năm 2018 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ hai nước.

Trong khuôn khổ Hội nghị, dự kiến diễn ra Lễ ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp của Nhật Bản với các cơ quan, doanh nghiệp của thành phố Hà Nội. Nội dung ký kết trong các lĩnh vực: Dự án nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng trang web nông sản an toàn; Hợp tác giáo dục và đào tạo kỹ năng ứng xử của cán bộ trong hoạt động dịch vụ thương mại  du lịch; Hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực cán bộ điều dưỡng phục vụ việc chăm sóc sức khỏe tại các trung tâm dưỡng lão; Hợp tác trong lĩnh vực du lịch; Hợp tác đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm kính và thủy tinh cao cấp; Hợp tác trong lĩnh vực vận tải (logistics)…

Các biên bản ghi nhớ sẽ là cơ sở để hai bên triển khai các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực, cụ thể hóa các nội dung đã ký kết đảm bảo thiết thực, hiệu quả, mở ra các cơ hội hợp tác mới giữa hai bên.
 
Tuyên dương Bí thư chi đoàn giỏi Thủ đô năm 2018
 
Thành đoàn Hà Nội tổ chức lễ Tuyên dương Bí thư chi đoàn giỏi Thủ đô năm 2018. Đây là hoạt động ý nghĩa trong Tháng thanh niên 2018 và chào mừng kỷ niệm 87 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
  
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Hà Nội nhấn mạnh: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời di huấn của Người, để đưa công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô phát triển, gặt hái được nhiều thành công mới, những năm qua, các cấp bộ Đoàn thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ đoàn, trong đó có đội ngũ bí thư chi đoàn - những người đứng đầu các tế bào của tổ chức Đoàn. Trong đó, chương trình Tuyên dương Bí thư Chi đoàn giỏi Thủ đô đã trở thành hoạt động thường niên của Đoàn Thanh niên thành phố để vinh danh các tấm gương Bí thư chi đoàn tiêu biểu.

Đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn và đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng,  Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy trao phần thưởng tới các cá nhân dạt danh hiệu Bí thư chi đoàn giỏi.

Kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cùng với sự tri ân các thế hệ cán bộ Đoàn Thủ đô lớp trước, Đoàn Thanh niên thành phố tuyên dương, vinh danh 100 Bí thư chi đoàn giỏi và 8 Bí thư chi đoàn xuất sắc tiêu biểu. Đây là những thủ lĩnh áo xanh trẻ tuổi, đại diện cho 27.000 bí thư chi đoàn trên toàn thành phố. Dù độ tuổi khác nhau, đến từ những địa phương, đơn vị khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, trình độ khác nhau song tất cả các bạn đều có một điểm chung là căng tràn sức trẻ, dồi dào nhiệt huyết, vững vàng dấn thân và khát khao cống hiến. Chính các bạn đã và đang tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước để góp phần tô thắm thêm thành tích của tổ chức Đoàn, góp phần đưa thương hiệu của tổ chức Đoàn gắn bó hơn với thanh niên, gần gũi hơn với cộng đồng xã hội; thiết thực hơn với yêu cầu chung của thành phố và nêu cao tính tiên phong trong phong trào thanh niên của cả nước.

Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Dân vận Thành ủy và đồng chí Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy trao tặng phần thưởng tới Bí thư chi đoàn giỏi.


Năm nay là năm thứ 15 thành đoàn Hà Nội tổ chức tuyên dương Bí thư Chi đoàn giỏi Thủ đô. Trong 108 Bí thư chi đoàn có 54 Bí thư Chi đoàn trực thuộc khối quận, huyện, 12 Bí thư Chi đoàn trực thuộc khối CNVC và 42 Bí thư Chi đoàn trực thuộc khối trường ĐH, CĐ, Học viện trên địa bàn thành phố.

Là một trong những Bí thư Chi đoàn giỏi được tuyên dương anh Dương Trí Quang (trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Được tuyên dương là Bí thư chi đoàn giỏi là phần thưởng khích lệ để chúng mình cố gắng nhiều hơn nữa trong học tập, lao động.  Chúng mình quyết tâm tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được để góp phần đưa công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên của thành phố ngày càng phát triển”.
 
Hà Nội xử phạt 2.500 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm
 
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có trên 66.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó xã, phường quản lý 56% số cơ sở này. Trong 3 tháng đầu năm 2018, toàn thành phố đã thành lập 721 đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về an toàn thực phẩm tập trung thanh kiểm tra trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội. Trong đó có 45 đoàn kiểm tra của thành phố, 82 đoàn kiểm tra tuyến quận, huyện và 594 đoàn kiểm tra của xã, phường, thị trấn.

Tính từ ngày 1/1 đến ngày 20/3, các đoàn đã kiểm tra 18.882 lượt cơ sở (cùng kỳ năm 2017 kiểm tra 15.200 cơ sở), phát hiện 4.648 cơ sở vi phạm, trong đó có 2.500 cơ sở bị phạt tiền với trên 8,6 tỷ đồng. Các đoàn kiểm tra đã ra quyết định đóng cửa 28 cơ sở. Cùng với xử phạt, các đoàn kiểm tra đã hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khắc phục tồn tại để đảm bảo tuân thủ đúng các các quy định về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại một quán ăn.

 
Trong thời gian tới, các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về an toàn thực phẩm các cấp sẽ tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra đột xuất. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các địa phương, phát hiện, điều tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng cho thực phẩm.

Trong quá trình thanh kiểm tra sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh trên xe kiểm nghiệm an toàn thực phẩm chuyên dụng cũng như xét nghiệm tại Labo để cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

Nhân Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2018 diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5 trên phạm vi cả nước, Ban chỉ đạo liên ngành T.Ư về vệ sinh an toàn thực phẩm giao các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Hà Nội, Ninh Bình, Cần Thơ, Sóc Trăng, TP HCM, Long An, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2018 có chủ đề "Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm". Các đoàn sẽ tập trung công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt tại các cơ sở nhỏ lẻ, làng nghề. Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng về việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đặc biệt, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
 
Giới thiệu 50 sản phẩm nông nghiệp của Cần Thơ tại Hà Nội
 
Sáng 23/3, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch TP Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ tổ chức “Tuần lễ giới thiệu Nông sản tiêu biểu Cần Thơ tại Hà Nội”.
 
636574092662568611-khach-tham-quan-mua-nong-san-can-tho.jpg
 
Sự kiện tổ chức nhằm tư vấn, giới thiệu các đặc sản của Cần Thơ với người tiêu dùng Thủ đô; Kết nối tiêu thụ nông sản an toàn, đặc sản của Cần Thơ với các DN phân phối của Hà Nội như: Siêu thị Big C, Aeon và một số kênh phân phối thực phẩm sạch. Tuần lễ có 13 DN sản xuất, phân phối của Cần Thơ với gần 50 sản phẩm được lựa chọn giới thiệu tại Hà Nội.
Sản phẩm được trưng bày giới thiệu là những sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ, đầy đủ giấy tờ chứng nhận về chất lượng sản phẩm do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận.
Trong các ngày diễn ra Tuần lễ sẽ có các hoạt động khai trương, hội thảo giới thiệu sản phẩm, tư vấn kết nối tiêu thụ, trình diễn gói và nấu bánh dân gian Nam Bộ (bánh ú, bánh lá dừa), trình diễn viết chữ lên hạt gạo của các nghệ nhân Cần Thơ, các chương trình khuyến mại, giảm giá…

Sự kiện kéo dài đến hết 26/3.
 
Cụ thể hóa kế hoạch triển khai thi đua ngành nông nghiệp
 
Sáng 23/3, hội nghị ký giao ước thi đua, khen thưởng năm 2018 của Khối thi đua Sở NN&PTNT các tỉnh, TP vùng Đồng bằng sông Hồng đã được diễn ra tại Hà Nội. Tới dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.
 
10 tỉnh, TP gồm: Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc và Hà Nội đã ký cam kết thi đua năm 2018 với 8 nội dung cụ thể, với mục tiêu thực hiện tốt các chương trình công tác, nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được Bộ NN&PTNT giao năm 2018, Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các phong trào thu đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì một nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”… 
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị các đơn vị thuộc Khối khẩn trương xây dựng, cụ thể hóa kế hoạch triển khai 8 nội dung cam kết cụ thể theo giao ước thi đua. Trong đó, chú trọng các giải pháp tăng cường liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; trao đổi, học tập kinh nghiệm và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

 

 
Thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Tái cơ cấu ngành và phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, nghiêm túc triển khai các nghị quyết của T.Ư, đặc biệt là Nghị quyết T.Ư 6 khóa XII về Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ, bảo đảm yêu cầu “Trách nhiệm - Kỷ cương - Trí tuệ”, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
 
Siết chặt quản lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật
 
Những năm qua, công tác thu gom, xử lý bao bì, gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y được TP Hà Nội rất quan tâm. Đây được xem là giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, đất đai cho mục tiêu sản xuất nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.
14.jpg
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có 3 xưởng sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc BVTV, 76 công ty - chi nhánh công ty và 1.256 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV. Kết quả điều tra tình hình buôn bán vật tư nông nghiệp trong 5 năm gần đây cho thấy, trung bình mỗi năm, Hà Nội sử dụng khoảng 400 tấn thuốc BVTV vào mục đích phòng, trừ sâu bệnh hại trong nông nghiệp.
 
Hiện nay, tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp đã được đầu tư thùng chứa, điểm thu gom bao gói thuốc BVTV. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, tập huấn, người nông dân đã có ý thức trong việc giữ gìn môi trường, thu gom vỏ thuốc đúng nơi quy định. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, tình trạng vỏ bao bì, gói thuốc BVTV bị vứt, bỏ bừa bãi trên cánh đồng sau khi sử dụng vẫn còn khá phổ biến. Điển hình là tại các vùng sản xuất chuyên canh rau màu, hoa cây cảnh như Đông Anh, Mê Linh, Bắc Từ Liêm…

Những năm qua, công tác thu gom, xử lý vỏ bao bì, gói thuốc BVTV và thuốc thú y được Sở NN&PTNT Hà Nội và chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm túc. Theo đó, trong năm 2017, các đơn vị chức năng đã tiến hành thu gom vận chuyển và tiêu hủy 139 tấn vỏ bao gói nhiễm thuốc BVTV. Bên cạnh đó là 16 tấn bao gói, vỏ lọ thuốc thú y cho phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Nhằm quản lý chặt chẽ bao gói thuốc BVTV, thuốc thú y, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp, trong giai đoạn 2012 - 2015, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành, các địa phương tiến hành điều tra khảo sát sơ bộ và lập danh sách 25 điểm ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu. Đồng thời, tổ chức đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường tại 6 điểm ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu và triển khai Dự án “Cải thiện và phục hồi môi trường tại điểm tồn lưu hóa chất BVTV khu lò gạch, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ” từ nguồn vốn ngân sách TP.
 
Năm 2016, dự án đã hoàn thành và bàn giao lại cho địa phương. Tiếp nối hiệu quả của việc thực thi chính sách nêu trên, trong giai đoạn 2017 - 2020, TP tiếp tục triển khai Dự án “Cải thiện và phục hồi môi trường tại các điểm tồn lưu hóa chất BVTV”.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Lê Xuân Trường, bên cạnh các giải pháp khắc phục nêu trên, TP cần tiếp tục có cơ chế hỗ trợ các địa phương lắp đặt thêm những thùng chứa bao bì thuốc BVTV. Quan trọng hơn là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con nông dân trong việc sử dụng hợp lý thuốc BVTV, cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn nói chung. Có như vậy, việc kiểm soát vỏ bao bì thuốc BVTV và thuốc thú y mới dần đi vào nền nếp.
 
 
 
 
Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top