Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 12 tháng 4 năm 2022 | 10:46

Hành trình đổi đời của ông chủ trại vịt vạn con

Cú “vấp ngã” đầu đời khiến anh Trần Đình Trường, trú tại xã Thạch Văn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) từng có mặc cảm, tự ti khi tái hòa nhập cộng đồng.

Thế nhưng, bằng sự cố gắng nỗ lực của bản thân cộng với tình yêu thương, sẻ chia của người thân, làng xóm, anh đã “đứng dậy”, từng bước xây dựng và phát triển kinh tế thành công.

Quyết tâm đổi đời

Không dễ để hẹn gặp được anh Trần Đình Trường, chủ trại vịt, sinh năm 1975, bởi guồng quay công việc của anh bận rộn liên tục cả ngày: Vừa rong ruổi chỉ đạo nhân công nhặt trứng, dọn dẹp lại chuồng trại, xuất trứng cho các mối lấy từng xe tải trứng chở đi tiêu thụ ở huyện Nghi Xuân và các tỉnh như Nghệ An, Quảng Bình... Xong lại nấu nướng, đưa cơm cho người chăn vịt ở những cánh đồng xa.

 

271888732_832876814252490_4372881917735115703_n.jpg
Công việc hàng ngày bận rộn nhưng anh vẫn luôn vui vẻ, khi chứng kiến những cố gắng nỗ lực của mình ngày một đơm hoa kết trái.

Trước lúc gặp anh, chúng tôi lo ngại anh sẽ vì chuyện quá khứ mà cảm thấy khó chia sẻ. Nhưng khi nhìn thấy khuôn mặt nhân hậu, nụ cười hiền và cách nói chuyện gần gũi, mọi khoảng cách đều được xóa nhòa.  

Anh tâm sự: Sau khi đi bộ đội trở về (1998 - 2000), anh vào miền Nam lập nghiệp, trở thành công nhân công ty nguyên liệu giấy Đồng Nai. Không lâu sau, anh trở về quê hương và xin vào làm việc tại Công ty Việt Mỹ (Thạch Hà).

Đầu năm 2005, anh bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạch Hà khởi tố về hành vi “gây rối trật tự công cộng” sau khi cùng 9 người khác tham gia vào vụ ẩu đả tại địa phương. Cũng trong năm này, Tòa án nhân dân huyện Thạch Hà kết án Trần Đình Trường 24 tháng tù giam. Buồn rầu, chán nản, thất vọng, xấu hổ anh chìm đắm trong nỗi tuyệt vọng, nhiều đêm trằn trọc không biết rồi cuộc đời mình sẽ đi đâu về đâu.

 

271877085_715503506470407_3370329762868601806_n.jpg
Khuôn mặt phúc hậu và nụ cười hiền từ của anh Trường.

 

Ngày vào trại, anh mới cưới vợ được một thời gian ngắn, lại hay tin vợ vừa mang thai đứa con đầu lòng. Nhớ vợ, thương con, thương cha, thương mẹ cùng nỗi day dứt về những lỗi lầm trong phút bốc đồng càng làm anh có thêm động lực cố gắng cải tạo tốt để sớm được trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình. 

Trường tâm sự: “Những tháng ngày trong tù, mỗi lần vợ lên thăm, nhìn vợ bầu phải chịu khổ vì mình, nhìn cha mẹ già yếu ngày một tiều tụy thêm. Tôi lại tự dặn bản thân phải cố gắng cải tạo thật tốt bởi chỉ có như vậy tôi mới sớm được hòa nhập cộng đồng, cha mẹ, vợ con mới đỡ vất vả và buồn tủi.”

Những tháng ngày trong trại, được sự yêu thương, bảo ban của các cán bộ cùng sự khích lệ tinh thần từ phía các bạn tù, Trường luôn nỗ lực trong mọi hoạt động. Trong thời gian lao động cải tạo tại xã Thạch Kênh (Thạch Hà), thấy người chủ trang trại nuôi cá, trồng rau nên anh dành nhiều thời gian tìm hiểu, học hỏi. Đó cũng chính là cơ duyên đưa anh gắn bó bền chặt với nghề nuôi vịt sau này.

 

271890070_263317622552459_417171497052617980_n.jpg
Sau những biến cố, anh Trần Đình Trường ngày nào giờ đã trở thành ông chủ trại vịt vạn con.

Sau những tháng ngày cố gắng, nỗ lực, Trần Đình Trường đã được ghi nhận khi lần lượt anh được nhận  nhiều giấy khen từ ban lãnh đạo trại giam, vui mừng hơn nữa là lúc anh được mãn hạn tù trước thời hạn 4 tháng.

Trở về cuộc sống đời thường, với số vốn ít ỏi 20 triệu đồng vay mượn từ anh em bạn bè, Trường mạnh dạn đầu tư nuôi 500 con vịt đẻ, thuê mảnh đất có diện tích 5.000m2 ở thôn Bắc Văn (xã Thạch Văn) để làm trại nuôi vịt. Khoảng thời gian đầu trải qua không ít khó khăn, đâu đó vẫn xì xầm lời ra tiếng vào ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của anh và người thân. Cộng với  kỹ thuật  và kinh nghiệm còn non yếu nên vịt chết, thất lạc nhiều. Nhưng vì niềm đam mê và khát vọng đổi đời, anh lần lượt khắc phục từng yếu điểm một, vượt qua và chiến thắng, trở thành ông chủ trại vịt vạn con ngày hôm nay.

Cho doanh thu hàng tỷ đồng

Sau hơn 15 năm gây dựng, trại vịt của ông chủ Trần Đình Trường đã mở rộng quy mô với hơn 10.000 con, mỗi năm cho doanh thu hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 4-6 lao động, tùy thời điểm. Ngoài ra, vào vụ Tết hằng năm, anh còn thu hoạch cá chép, cá mè, cá trôi… thả tại hồ, tận dụng nguồn lợi thức ăn từ phân vịt đưa lại năng suất cao, cho sản lượng 5 - 6 tạ, thu nhập 30-40 triệu đồng.

 

272126143_472261144408619_4757020812195571755_n.jpg
Mỗi ngày đàn vịt đẻ từ 5.000 - 6.000 quả trứng giúp anh bỏ túi 80-100 triệu đồng/tháng.

Trường chia sẻ: Hiện tại, trại vịt của tôi có 2 nhân công làm thường xuyên công việc  nhặt trứng, dọn dẹp chuồng trại, cho 5.000 con vịt đẻ ăn…Thu nhập bình quân 350.000 đồng/người/ngày, cơm nước đầy đủ. Và có 2 người chuyên chăn 5.000 con vịt chạy đồng với mức thù lao mỗi tháng 12 triệu đồng/người. Đàn vịt đẻ từ 5.000 đến 6.000 trứng/ngày, giá bán 2.500-3.000 đồng/ quả, mỗi tháng có thu 80-100 triệu đồng, tùy thời điểm.

Nhìn lại quãng thời gian khó khăn đã qua, Trường luôn biết ơn tình cảm, sự quan tâm chia sẻ của mọi người. Khi lâm vào đường cùng, anh mới thấu hiểu ý chí quyết tâm của bản thân mạnh mẽ đến thế nào. Khi được hỏi, anh có nhắn nhủ gì đến những người từng sa chân trở về hoàn lương, anh cười hiền lành nói: “Chúng ta ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng khi đã được trở về hoàn lương, hãy cố gắng tìm một công việc gì đó để làm, việc gì cũng được, miễn là lương thiện, miễn là có ích. Cứ cố gắng lao động, chăm chỉ rồi mọi người cũng sẽ ghi nhận, tất cả chỉ là vấn đề thời gian. Với tôi cũng vậy”.

Anh khẳng định: “Nếu không có Trần Đình Trường vấp ngã ngày ấy sẽ không có ông chủ trại vịt Bắc Văn của ngày hôm nay”.

 

271812425_1122998891838207_8418510098729316935_n.jpg
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Thạch Văn, khẳng định, anh Trần Đình Trường là một trong những hộ gia đình sản xuất kinh tế giỏi tại địa phương.

 

Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Thạch Văn, cho biết: Trước đây, anh Trần Đình Trường từng “vấp ngã”, sau thời gian cải tạo 2 năm trở về, anh được chính quyền và bà con chòm xóm quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ. Cùng với nỗ lực bản thân, đến nay, gia đình anh Trường là một trong những hộ sản xuất kinh tế giỏi tại địa phương. Đàn vịt vạn con của anh vừa mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động khác trong thôn. Bên cạnh làm kinh tế gia đình, anh cũng hăng hái, luôn đi đầu trong mọi hoạt động văn hóa, thể thao của xã.

 

 

Hoàng Hằng
Ý kiến bạn đọc
  • Cần hướng đi bền vững cho sầu riêng Kiên Giang

    Cần hướng đi bền vững cho sầu riêng Kiên Giang

    Toàn tỉnh Kiên Giang có hơn 260ha trồng sầu riêng, sản lượng ước đạt 1.800 tấn/năm. Tuy sản lượng chưa nhiều so với các vùng trọng điểm khác, song, với hiệu quả kinh tế mà sầu riêng mang lại, rất cần hướng đi đúng và bền vững cho loại nông sản có giá trị cao này.

  • Làm giàu từ mô hình VAC

    Làm giàu từ mô hình VAC

    Với quyết tâm phát triển kinh tế, năm 2016, ông Nguyễn Văn Bích ở khu Xuân Quang, phường Yên Thọ (TX. Đông Triều - Quảng Ninh) mạnh dạn chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang mô hình trang trại tổng hợp VAC (nuôi lợn, cá chạch và cây ăn quả).

  • Thừa Thiên- Huế tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

    Thừa Thiên- Huế tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

    Trước nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chủ động các phương án để đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất của người dân.

  • Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nhiều lần thất bại trong việc đầu tư nuôi các loại cá cảnh khác nhau, nhưng với niềm đam mê của mình, anh Vũ Văn Tăng đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình nuôi cá Koi.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

  • Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Để khơi dậy và lan toả phong trào khởi nghiệp của thanh niên nói chung và thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hoá nói riêng, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp.

Top