Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 12 năm 2021 | 11:16

Hội Làm vườn tỉnh Quảng Bình được ghi nhận là Hội năng động, sáng tạo

Nổi tiếng với “đặc sản” cát trắng, gió Lào, song, nhiều hội viên Hội Làm vườn (HLV) Quảng Bình vẫn nỗ lực không ngừng, bất chấp dịch Covid-19 hoành hành, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, để gặt hái những mùa vàng bội thu.

Phong trào hoạt động VAC sôi nổi

Gặp ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch HLV huyện Lệ Thuỷ, ông cho biết, ông có 1,5ha vườn, trong đó có 1.000m2 trồng dưa lưới từ năm 2017 và 300 gốc thanh long ruột đỏ; diện tích còn lại là vườn rau sạch của gia đình.  

03.jpg
Chuẩn bị bầu đất trồng lứa dưa mới.

 

Năm 2018, ông Vinh trồng thử nghiệm 500m2 dưa lưới công nghệ cao, không ngờ, ngay từ vụ đầu đã thành công, 3 tháng sau đã có dưa thu hoạch. Từ thắng lợi đó, mỗi năm ông trồng 3 vụ dưa lưới, bình quân mỗi vụ thu 1,7 tấn dưa, khoảng 5 tấn/năm. Năm nay, do dịch Covid-19, ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiêu thụ sản, tuy nhiên, sản phẩm của ông Vinh vẫn tiêu thụ được cho các cửa hàng thực phẩm sạch tại Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Bình.

Do trồng dưa lưới cho thu nhập cao, năm 2019 – 2021, ông Vinh nâng tổng diện tích lên 1.000m2, thu hoạch 10 tấn/năm, đầu ra ổn định. Ngoài ra, ông còn có 300 gốc thanh long ruột đỏ, bình quân thu 70 – 80 triệu đồng/năm; 30 tổ ong mật, hút hoa rừng tự nhiên.

Để quản lý diện tích vườn nói trên, ông Vinh phải thuê 2 công nhân, làm việc khoảng 9 tháng/năm, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Hoàng Văn Mịn, Chủ tịch Hội Làm vườn Quảng Bình, cho biết: “HLV Quảng Bình ra đời khá sớm - năm 1990, là tổ chức xã hội – nghề nghiệp đặc thù. Toàn tỉnh hiện có 8/8 Hội Làm vườn huyện, thị, thành phố, gồm 310 chi hội, với 14.512 hội viên, tăng 462 hội viên so với đầu nhiệm kỳ.

Các hình thức hoạt động VAC của Hội khá phong phú. Nhiều đơn vị như Câu lạc bộ (CLB) trang trại chăn nuôi lợn Quảng Ninh, CLB nuôi ong Trường Xuân, HTX nuôi ong Tuyên Hóa, HTX hươu sao Duy Ninh, và nhiều THT sản xuất dịch vụ VAC ở Tuyên Hóa… hoạt động khá hiệu quả, làm ra nhiều sản phẩm từ trang trại. Nghề vườn nhiều năm trở lại đây đã giúp hội viên, nông dân có thu nhập ngày càng cao”.

Theo ông Mịn, kinh tế VAC và trang trại phát triển ngày càng phong phú, đa dạng. Dịch Covid-19 tuy ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất nhưng lại là cơ hội cho nhiều gia đình làm VAC.

Trước mắt, ít đi lại, vừa ở nhà cách ly, lại vừa tăng thu nhập. Hoặc ít nhất cung cấp đủ thực phẩm cho chính gia đình mình.

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội Làm vườn tỉnh thực hiện sinh hoạt thông qua kết nối Zalo; nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cung cấp thông tin về thị trường để nâng cao trình độ, kiến thức cho hội viên...

Hội cũng thường xuyên tuyên truyền hội viên thực hiện tốt "5K" (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế), vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, đảm bảo thực phẩm cho gia đình và cung cấp ra thị trường.

Cùng tỉnh xây dựng vườn mẫu

Quảng Bình hiện có 706 trang trại đạt tiêu chí, nhiều trang trại cho thu nhập cao, từ 500 triệu đồng đến 3 tỷ đồng/năm.

Ông Hoàng Văn Mịn cho biết, việc thu nộp Hội phí và xây dựng quỹ Hội được duy trì tốt, đạt 70% (tỉnh, huyện, thành phố không thu Hội phí từ dưới lên). Kinh phí hoạt động hàng năm của Tỉnh Hội và Huyện Hội được ngân sách Nhà nước cấp. Bình quân mỗi huyện, thị, thành phố được hỗ trợ 30-50 triệu đồng/năm; riêng Tỉnh hội 450 -500 triệu đồng/năm.

Trong 5 năm qua, Hội đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện mở  20 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho hơn 600 học viên. Ngoài ra, Hội Làm vườn các huyện, thị, thành phố còn phối hợp với các chương trình, dự án, trạm khuyến nông tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và sản xuất VAC cho trên 3.000 lượt người tham gia.

Những năm qua, được sự hỗ trợ của Trung tâm Dạy nghề và Chuyển giao công nghệ VACVINA (HLV Việt Nam), Tỉnh Hội đã xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP với tổng kinh phí 800 triệu đồng tại Bảo Ninh (Đồng Hới), Hải Ninh, Duy Ninh (Quảng Ninh) với diện tích 4,5ha. Năng suất đạt trên 10 tấn/ha.

Hội được dự án SRDP Quảng Bình hỗ trợ thành lập Trung tâm Giới thiệu và Tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa. Năm 2016-2017, Hội đã quảng bá, giới thiệu 5 mặt hàng nông nghiệp tiêu biểu của địa phương như: Mật ong, khoai deo, nước mắm, gạo sạch tái sinh, nhung hươu tại Hội chợ nông sản Hà Nội.

Hội phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu đề tài theo dõi khả năng sinh trưởng của bò lai 3B tại huyện Bố Trạch. Kết quả đã khẳng định bê lai bò 3B có trọng lượng sơ sinh 30-42 kg/con, to hơn bò lai Zebu và khả năng tăng trọng nhanh hơn.

Về công tác xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ và hỗ trợ kinh phí để HLV tỉnh Quảng Bình xây dựng vườn mẫu. Hiện, Hội đã được hỗ trợ xây dựng 8 vườn mẫu với tổng kinh phí 120 triệu đồng.

Từ năm 2020 đến nay, Hội tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, trước mắt tập trung chỉ đạo Đại hội HLV cơ sở.  Đồng thời, phối hợp với các tổ chức trong và ngoài tỉnh đào tạo, tập huấn, tham quan, học tập, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất VAC cho hội viên. Đặc biệt, phát động phong trào thi đua làm VAC giỏi và xây dựng vườn mẫu để bổ sung cho Chương trình XDNTM của tỉnh.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

 

An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Nhiều người thường nghĩ công việc của một Freelancer khá thoải mái khi họ được tự chủ về mặt thời gian làm việc. Thực tế, công việc này cũng có những thử thách và áp lực riêng mà không phải ai cũng biết.

  • Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nhiều lần thất bại trong việc đầu tư nuôi các loại cá cảnh khác nhau, nhưng với niềm đam mê của mình, anh Vũ Văn Tăng đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình nuôi cá Koi.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

Top