Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 3 tháng 4 năm 2016 | 12:49

Khi đồng tiền về Buôn Chuối

Nhiều hộ dân ở thôn Buôn Chuối, xã Mê Linh (Lâm Hà - Lâm Đồng) đã mạnh dạn phá bỏ những diện tích càphê già cỗi, năng suất thấp chuyển sang trồng hoa đồng tiền trong nhà kính công nghệ cao, từ đó làm điểm xuất phát để đầu tư sản xuất thêm nhiều giống hoa mới trên địa bàn, từ đó nâng cao thu nhập.

Hàng ngày đều có xe vào Buôn Chuối chất đầy hoa

Hoa đồng tiền ở Buôn Chuối đang thu lợi nhuận 150 triệu đồng/1.000m²/năm.

Ông Môi Sê, khuyến nông viên xã Mê Linh, dẫn đường tôi vào thôn Buôn Chuối giữa mùa khô hạn. Đi từ đoạn tiếp giáp với đường nhựa trung tâm xã Mê Linh rồi gập ghềnh hơn 10km đường đồi cao, dốc sâu mới đến nơi. “Vào Buôn Chuối mùa khô thì gió bụi, mùa mưa thì bùn đất, vậy mà ngày nào cũng có xe tải đến chất đầy hoa chở ra Đà Lạt. Nhiều nhất là hoa đồng tiền, còn lại gồm các loại hoa hồng, thạch thảo, cẩm tú cầu, hoàng anh, hướng dương… ”, ông Môi Sê nói khi vừa dừng chân trước sân nhà bà Huỳnh Thị Tố Nga ở vị trí trung tâm của thôn Buôn Chuối.

Tiếp chuyện với khách đường xa, bà Nga nghỉ tay, giao lại cho người nhà phân loại, đóng gói các loại hoa đồng tiền vừa cắt cành từ trong vườn nhà kính đưa ra. “Khoảng 12 giờ trưa nay có một xe tải đến vườn gia đình chở 2.000 cành hoa đồng tiền ra Đà Lạt để phân phối đến các thị trường TP.Hồ Chí Minh, Nha Trang (Khánh Hòa), Tuy Hòa (Phú Yên) và Campuchia. Hôm nay là ngày bình thường, chỉ cần một chiếc xe tải là có thể thu gom toàn bộ sản lượng hoa thu hoạch của hơn 15 hộ gia đình sản xuất trong thôn. Nhưng những ngày cao điểm như lễ, Tết, rằm..., do diện tích thu hoạch tăng lên nhiều lần nên phải cần 3 chiếc xe tải nhỏ trở lên mới kịp vận chuyển hết sản lượng hoa trong ngày”, bà Nga với tư cách Bí thư Chi bộ thôn Buôn Chuối thông tin.

Cũng theo bà Nga, thôn Buôn Chuối có hơn 160 hộ dân, trong đó gần 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nguồn thu nhập chủ yếu của bà con là từ cây càphê, trong đó có những diện tích càphê đã hơn 15 năm tuổi nên năng suất thấp. Với mong muốn thoát khỏi mức thu nhập trung bình, từ năm 2010 đến nay, lần lượt từng hộ gia đình ở thôn Buôn Chuối đã chủ động chuyển đổi từng phần diện tích càphê kém hiệu quả sang trồng hoa đồng tiền trong nhà kính. Người trồng sau học tập kinh nghiệm của người đi trước; người trồng hoa trước đến những làng hoa ở Đà Lạt tìm gặp các nhà nông trồng hoa “gạo cội” để nhờ hướng dẫn. Cứ thế, quy trình kỹ thuật canh tác hoa đồng tiền dần hoàn thiện với nhiều sắc màu khác nhau, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều gia đình.

Đồng tiền cho lợi nhuận 150 triệu đồng/1.000m²/năm

Người dân Buôn Chuối thu hoạch hoa đồng tiền.

Bà Nga kể lại quá trình chuyển đổi từ vườn càphê sang vườn hoa đồng tiền của mình: “Đầu mùa khô năm 2014, gia đình tôi huy động nhiều xe cơ giới phá bỏ cùng lúc 5.000m2 diện tích cây phê 15 năm tuổi rồi dùng máy đào xuống một lớp đất sâu 2m, san gạt thành một mặt bằng sản xuất mới. Cuối cùng xuống giống trồng đậu trắng 3 tháng cho đất sạch bệnh trước khi dựng lên nhà kính trồng hoa đồng tiền”.

Với tổng số vốn huy động được khoảng 600 triệu đồng, trừ chi phí thuê xe cơ giới phá bỏ diện tích càphê, san gạt mặt bằng; còn lại vừa đủ dựng nhà kính và lắp đặt các hệ thống bơm nước lắng lọc, tưới nhỏ giọt trên diện tích 2.200m2 xuống giống trồng đồng loạt 15.000 cây hoa đồng tiền với các màu chủ lực như: cam, đỏ, vàng, trắng tím, hồng nhung… Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan” do chưa biết chọn lựa mua cây giống khỏe mạnh nhất, nên sau 3 tháng chăm sóc, vườn hoa đồng tiền của bà Nga bị chết héo đến gần 30%. Rồi “họa vô đơn chí”, trong đợt gió lốc bất ngờ giữa năm 2014, gần 70% khu nhà kính của mình bị ngã sập, bà Nga phải đầu tư thêm một khoản kinh phí đáng kể để lắp đặt lại, đồng thời mua gần 5.000 cây giống hoa đồng tiền mới về trồng dặm trên tất cả những khu vực bị chết héo. “Nếu lúc đó mà mình nản chí, bỏ cuộc thì làm sao có được thu nhập đột phá như bây giờ”, bà Nga tâm sự.

Hiện tại ở Buôn Chuối có 15 hộ gia đình đang trồng các loại hoa khác nhau thì có đến 7 hộ chuyên trồng hoa đồng tiền, mỗi hộ có trung bình từ 1.000- 2.000m2 hoa, mỗi ngày thu được 1.000 - 2.000 cành, mang lại thu nhập 800.000 đồng đến 1,6 triệu đồng. Tính chung trong một năm vừa qua, những người trồng hoa đồng tiền ở Buôn Chuối đạt lợi nhuận  khoảng 150 triệu đồng/1.000m², vượt xa nhiều lần so với trồng càphê. “ Với kết quả đáng kể từ hoa đồng tiền nhà kính ở thôn Buôn Chuối, nhiệm vụ của lực lượng khuyến nông chúng tôi là tiếp tục phổ biến những kinh nghiệm thực tiễn này đến với nhiều hộ nông dân khác ở xã Mê Linh để bà con chuyển đổi trồng mới trong diện tích đất của mình”, ông Môi Sê cho biết.

Bà Nga chia sẻ: “Tôi đang cố gắng liên hệ các doanh nghiệp chuyên ngành hoa ở Đà Lạt và các vùng phụ cận để tìm kiếm thêm nhiều thị trường mới, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, nhằm thực hiện mong muốn của mình là thành lập hợp tác xã cung cấp giống, chuyể­n giao kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ sản phẩm hoa các loại cho những hộ gia đình trồng hoa ở Buôn Chuối….”.

Hy vọng  mong muốn của Bí thư Chi bộ thôn Buôn Chuối sớm thành hiện thực khi thường xuyên nhận được sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía các cơ quan, doanh nghiệp.

Văn Việt

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức hội nghị Công bố và trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa Làng Cổ Phước Tích và Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

Top