Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 1 năm 2019 | 13:52

Mô hình kinh tế nông - lâm nghiệp ở Trà Bồng: Hiệu quả khả quan

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong 5 năm qua, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đã và đang tập trung phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp mang tính đột phá, đem lại cho người dân nguồn thu nhập cao hơn, bền vững hơn.

tr19t.jpg
Đoàn công tác của huyện Trà Bồng thăm, kiểm tra và động viên nông dân, chủ trang trại trên địa bàn huyện.

Kinh tế trang trại phát triển

Trang trại của ông Nguyễn Hành (ở xã Trà Tân) rộng 4,7ha, được đầu tư chăn nuôi heo, trồng cây ăn quả (bơ, dứa) và nuôi gà; trong đó, nuôi heo là chủ yếu.

Ở đây, ông Hành đầu tư 4 trại heo lớn, dự kiến hàng năm nuôi trên 2.500 con, với quy trình khép kín, trong đó có 01 trại heo nái lấy giống. Nguồn chất thải được xử lí theo công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng để tưới tiêu cho cây trồng và nguồn phân bón hữu cơ tại chỗ. Tổng vốn đầu tư ban đầu trên 4 tỷ đồng.

Ông Hành cho biết: Trang trại hiện tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và hàng chục lao động thời vụ cho người dân địa phương. Đồng thời, khi trại heo nái hoạt động ổn định, ngoài cung ứng giống tại chỗ, trang trại sẽ cung ứng giống cho người dân trong xã nếu có nhu cầu.

Tại thôn Trường Giang, xã Trà Tân, Công ty TNHH MTV Thành Văn đầu tư Dự án sản xuất rau, củ, quả an toàn theo quy trình VietGAP (hơn 10,6 tỷ đồng), trên diện tích 5,8ha, với quy mô sản xuất, sơ chế, đóng gói, tiêu thụ 37,5 tấn rau và 258,5 tấn các loại củ, quả an toàn/năm.

Cùng với kinh tế trang trại thì kinh tế gia trại cũng được chính quyền địa phương khuyến khích. Nhiều hộ dân phát triển chăn nuôi gà tại gia với số lượng hàng ngàn con và nuôi heo bản địa, làm kinh tế vườn như trồng cây ăn trái (bưởi, cam, quýt đường), trồng măng tây, rau sạch…

Nhiều thanh niên có kiến thức, trình độ đại học đã về quê làm kinh tế nông nghiệp. Điển hình như Đỗ Khắc Phục ở xã Trà Bình, tốt nghiệp đại học ngành chăn nuôi thú y, cùng ba mẹ làm kinh tế gia trại, nuôi gà, trồng rau và có thu nhập ổn định.

Lâm nghiệp, chăn nuôi: Hướng đi chính

Trà Bồng xác định, phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp là hướng đi mũi nhọn cho sự phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Để tạo bước đột phá cho sự phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả, huyện chủ trương ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế trang trại tập trung, chăn nuôi quy mô lớn, khuyến khích trồng cây gỗ lớn, cây ăn quả mới phù hợp với thổ nhưỡng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp làm kinh tế nông lâm nghiệp, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm…

Ông Võ Sỹ Phi, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trà Bồng, cho rằng: Là huyện miền núi, Trà Bồng xác định hướng đi chính là phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi. Đối với lâm nghiệp, chúng tôi tham mưu cho huyện đầu tư nhiều dự án chuyên canh như cây quế, cây bản địa, lâu năm; đối với chăn nuôi thì theo hướng tập trung tạo ra giá trị kinh tế lớn. Qua 5 năm triển khai thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành nông nghiệp huyện đã có bước phát triển rõ rệt, vai trò chủ thể của nông dân được phát huy, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.

Ông Võ Văn Rân, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng, cho biết: Trong thời gian tới, Huyện ủy sẽ chỉ đạo UBND huyện, các ngành chức năng tập trung giúp nhà đầu tư hoàn chỉnh thủ tục đất đai, có khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay, ưu tiên bố trí hợp lí nguồn vốn hỗ trợ sản xuất để hỗ trợ chủ trang trại, người dân sớm đưa dự án vào hoạt động hiệu quả; giao UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng, Trạm Khuyến nông, Trạm Chăn nuôi - Thú y, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật hỗ trợ người dân về kĩ thuật, lựa chọn giống, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh để đem lại hiệu quả cao nhất, góp phần cùng huyện xóa đói, giảm nghèo.

Với hiệu quả bước đầu của những mô hình kinh tế nông nghiệp, cùng sự chỉ đạo kịp thời, định hướng đúng đắn và sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các ngành, địa phương trong việc hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp, Trà Bồng đã thực hiện khá thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

 

 

 

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top