Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 8 năm 2017 | 8:0

Muốn nâng giá trị tôm Việt, phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Để xác lập vị thế tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế, cần nâng cao giá trị gia tăng và hướng đến sản xuất bền vững.

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị toàn quốc về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng mới đây, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt-Úc (một trong những đơn vị dẫn đầu cung cấp tôm giống chất lượng cho thị trường Việt Nam) cho rằng, muốn nâng cao giá trị gia tăng cho ngành tôm và định vị được con tôm Việt Nam trên thế giới, phải nâng cao giá trị gia tăng của tôm và hướng tới sản xuất bền vững.

muon nang gia tri tom viet phai ung dung cong nghe cao vao san xuat hinh 1
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính (Ảnh: KT)

Giảm lệ thuộc vào nhập khẩu

Ông Đặng Quốc Tuấn cho rằng, công nghệ cao phục vụ sản xuất chính là vấn đề cốt lõi nhất, trong đó có công nghệ về tôm bố mẹ. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 3 trong các nước xuất khẩu tôm. Thời gian dài trước đây, Việt Nam gần như lệ thuộc hoàn toàn vào tôm bố mẹ nhập từ nước ngoài như Mỹ, Singapore và Thái Lan. Nay những doanh nghiệp có công nghệ nuôi tôm bố mẹ sẽ giúp chủ động về số lượng và chất lượng.

Hơn nữa, 99% thức ăn cho tôm tại Việt Nam là do các doanh nghiệp nước ngoài chủ động, dẫn đến giá thức ăn bị họ kiểm soát hoàn toàn; thức ăn cho tôm hiện nay vẫn bị trộn khá nhiều. Vì vậy, nếu Việt Nam sở hữu được công nghệ làm thức ăn cho tôm cũng sẽ giúp chủ động hơn trong phát triển ngành tôm.

muon nang gia tri tom viet phai ung dung cong nghe cao vao san xuat hinh 2
Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt-Úc

Theo ông Tuấn, việc định hướng, xúc tiến ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cho ngành tôm, cần có phương pháp cụ thể để phát triển. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng để có thể thu hút và lan tỏa công nghệ cho người dân làm nông nghiệp nói chung và nuôi tôm nó riêng. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ cao phụ thuộc vào năng lực của tổ chức (doanh nghiệp, hộ cá thể...) triển khai. Không có năng lực triển khai thì việc áp dụng công nghệ cao rất xa vời.

Phát huy vai trò “đầu tàu” của doanh nghiệp

Trong ngành tôm, công nghệ tôm bố mẹ là vấn đề then chốt trong phát triển một chuỗi giá trị. Để triển khai, ứng dụng công nghệ cao thành công, theo ông Đặng Quốc Tuấn, cần tăng cường năng lực quản trị, tài chính và khả năng thương mại hóa để tạo ra sản phẩm thực sự đi vào đời sống. Việc này cần sự kết hợp của nhiều bên, không phải một bên có thể chủ động. Trong đó, doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo bởi vì họ là đơn vị trực tiếp đi đàm phán với các đối tác để nhập công nghệ về. Họ cũng chính là chủ thể triển khai ứng dụng công nghệ vào thực tiễn, đồng thời cũng là người làm thương mại, mang lại giá trị, lợi ích thiết thực.

“Tiền doanh nghiệp bỏ ra nên nó phải mang lại lợi ích thực sự thì mới phát triển bền vững được”, ông Tuấn nói.

Như vậy, khi triển khai, ứng dụng công nghệ cao vào ngành tôm Việt Nam thì doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Tiếp đến là Nhà nước, vì phải có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ...

muon nang gia tri tom viet phai ung dung cong nghe cao vao san xuat hinh 3
Ngành tôm cần chủ động nguồn tôm giống bố mẹ để phát triển bền vững

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, cần có một “sân chơi” bình đẳng với những chuẩn mực bài bản để khi triển khai công nghệ cao thì tất cả mọi người đều được hưởng lợi. Nếu không hình thành một sân chơi bình đẳng theo chuẩn mực thì sự cạnh tranh không lành mạnh có thể sẽ phát sinh ra tiêu cực khiến những người tiên phong trong đầu tư sẽ không còn nhiệt huyết để làm vì họ không còn lợi ích về kinh tế.

Theo ông Tuấn, vấn đề của ngành tôm Việt Nam là phải định vị được thương hiệu quốc gia trên thị trường thế giới để các đối tác đến Việt Nam tìm mua./.

Việt Nam hiện đang dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú và đứng thứ 3 về sản xuất tôm nói chung. Trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, con tôm cũng đang có kim ngạch lớn nhất với 3,1 tỷ USD trong năm 2016.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, so với tiềm năng của ngành tôm thì con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD vào năm 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, còn rất nhiều việc phải, trong đó có việc định vị con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới và xây dựng thương hiệu quốc gia./.

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chủ động liên kết, phát huy sức mạnh của Hội trong phát triển kinh tế VAC thời kỳ mới

    Chủ động liên kết, phát huy sức mạnh của Hội trong phát triển kinh tế VAC thời kỳ mới

    Xuyên suốt các hoạt động trong thời gian qua và sắp tới, Hội Làm vườn Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm vấn đề hợp tác, phối hợp công tác của Hội với ngành Nông nghiệp và PTNT, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức hội, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan trong và ngoài nước.

  • ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    Trước tình trạng hạn, mặn ngày càng diễn ra nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất đã thích ứng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu được dự báo sớm và biết cách thích ứng tốt, nông dân vẫn có thể sống khỏe giữa hạn, mặn.

  • Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất đai bằng phẳng, những năm qua người dân xã Phúc Trạch, xã Hương Khê (Hà Tĩnh) không ngừng mở rộng diện tích trồng cây gió trầm. Với nhiều chính sách khuyến khích trong đầu tư phát triển kinh tế, nhất là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, cây gió trầm đã góp phần quan trọng giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Top