Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 2 tháng 6 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 9 năm 2017 | 5:25

Ngành chăn nuôi Hà Nội dẫn đầu cả nước về nhiều lĩnh vực

Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về phát triển vùng chăn nuôi trọng điểm; nhân tạo giống mới; ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao trong chăn nuôi. Đặc biệt là vấn đề liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Để hiểu rõ hơn về những vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải (người ngoài cùng bên phải) thăm khu chăn nuôi bò thịt huyện Ba Vì.

 

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về quy hoạch vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn, xa khu dân cư, áp dụng công nghệ cao... Ông có thể cho biết một vài con số ấn tượng liên quan đến vấn đề này?

Có thể khẳng định, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc hình thành rõ nét các vùng, xã chăn nuôi trọng điểm, các trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Đây chính là tiền đề, điều kiện để đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào chăn nuôi, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp.

Đến nay đã có 15 xã chăn nuôi bò sữa với tổng đàn 10.880 con, chiếm 70,7% tổng đàn bò sữa toàn thành phố, sản lượng sữa đạt 75,4 tấn/ngày, quy mô chăn nuôi 4,3 con/hộ.

19 xã chăn nuôi bò thịt với tổng đàn 25.685 con, chiếm 20,9% tổng đàn bò thịt; 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm với 213.231 con, chiếm 12,9% tổng đàn lợn toàn thành phố. Quy mô chăn nuôi 34,3 con/hộ. Trong đó, lợn nái 17.421 con, lợn thịt 193.122 con, còn lại là lợn rừng và các giống khác.

Ngoài ra, Hà Nội còn có 29 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm với 5.945.936 con, chiếm 20% tổng đàn toàn thành phố, 51 trại chăn nuôi bò sữa/914 con; 104 trại chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản/2.870 con; 1.086 trại chăn nuôi lợn/524.795 con; 2.611 trại chăn nuôi gia cầm/7.860.011 con (1.540 trại gà/5.564.521 con; 1.071 trại chăn nuôi vịt/2.295.490 con).  Tất cả đều được hình thành trong khu chăn nuôi tập trung hoặc trang trại ngoài khu dân cư. Hiện, Hà Nội đã quy hoạch được 24 khu chăn nuôi tập trung, với tổng diện tích 545ha, chủ yếu ở các địa phương như: Ba Vì, Chương Mỹ, Ứng Hoà, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai… Đặc biệt, các khu chăn nuôi đều được chú trọng xử lý môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Người chăn nuôi được giao đất ổn định nên mạnh dạn đầu tư chuồng trại, thiết bị chăn nuôi, con giống, hệ thống xử lý môi trường, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi. Vấn đề quản lý vật nuôi, dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm tốt hơn, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, giá trị thu nhập tăng lên rõ rệt.

Xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm được khẳng định là hướng đi đúng, tránh tình trạng cung vượt cầu và đảm bảo an toàn thực phẩm. Xin ông cho biết một số kết quả mà Hà Nội đã đạt được thời gian qua? 

Có thể khẳng định việc phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm là vấn đề cốt lõi được Sở đặt lên hàng đầu trong nhiều năm trở lại đây, không những giải quyết khâu cung vượt cầu mà còn tiến tới truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân. Hiện, thành phố đã phát triển được 23 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn, trong đó có 11 chuỗi thịt lợn, 08 chuỗi gia cầm, 1 chuỗi thịt bò, 01 chuỗi sữa bò tươi và 02 chuỗi tổng hợp. Các chuỗi đã thu hút trên 3.000 hộ dân và gần 100 cơ sở bán hàng, doanh nghiệp tham gia. Hàng ngày, cung cấp cho thị trường khoảng 25,4 tấn thịt lợn, 0,35 tấn thịt bò, 13,3 tấn thịt gia cầm, 296.000 quả trứng gia cầm và 78 tấn sữa tươi. Xây dựng được 05 nhãn hiệu tập thể, 13 nhãn hiệu hàng hóa, 01 nhãn hiệu chứng nhận. Việc tiêu thụ sản phẩm của các chuỗi bước đầu đã đi vào ổn định thông qua các ràng buộc hợp đồng rõ ràng, trách nhiệm giữa các nhóm tác nhân tham gia chuỗi, góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi Thủ đô theo hướng bền vững, hiệu quả.

Đã có một số mô hình chuỗi phát triển ổn định, cho kết quả tốt như chuỗi thực phẩm 3F, chuỗi thực phẩm AZ (HTX Hoàng Long, Thanh Oai), chuỗi thịt lợn hữu cơ Bảo Châu (Sóc Sơn), chuỗi thực phẩm Công ty cổ phần Tiên Viên (Chương Mỹ), chuỗi gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn... Ngoài ra, Hà Nội còn xây dựng được 05 nhãn hiệu tập thể: gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, trứng vịt Liên Châu, 13 nhãn hiệu hàng hóa, 01 nhãn hiệu chứng nhận. Thành lập 10 Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi , trong đó có 7 HTX chăn nuôi lợn (391 hội viên); 3 HTX chăn nuôi bò sữa (213 hội viên). 32 chi hội chăn nuôi tại các xã, gồm: 06 chi hội chăn nuôi bò sữa (498 hội viên), 11 chi hội chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt (460 hội viên), 15 chi hội chăn nuôi lợn và gia cầm (587 hội viên). Thành lập mới 05 Hội chăn nuôi: hội tiêu thụ sản phẩm gà đồi Ba Vì (40 hội viên), gà Mía – Sơn Tây (22 hội viên), gà đồi Sóc Sơn (29 hội viên), trứng vịt Liên Châu - Thanh Oai (43 hội viên) và vịt Vân Đình - Ứng Hòa (51 hội viên).

Điều đáng nói ở đây là, nhận thức của bà con về chăn nuôi theo chuỗi được cải thiện đáng kể, tạo ra tác động kép, vừa góp phần duy trì, phát triển nghề chăn nuôi tại địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân Thủ đô trong việc sử dụng thực phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Việc xây dựng chuỗi liên kết với các bước đi khoa học, tính thực tiễn cao chắc chắn sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm và phát triển thương hiệu cho sản phẩm.

Hiện, vấn đề con giống và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao trong chăn nuôi của Hà Nội cũng được đánh giá là một trong những thế mạnh. Ông có thể cho một vài dẫn chứng?     

Đúng là công tác phát triển giống đang là niềm tự hào của chúng tôi, vì đã có nhiều tỉnh, thành trên cả nước đến tham quan, học tập rút kinh nghiệm. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho người chăn nuôi.

Đáng ghi nhận là, việc thu hút đầu tư  theo hướng sản xuất giống, xây dựng tháp giống lợn, phát triển các giống có thương hiệu cho chuỗi sản xuất được người chăn nuôi, doanh nghiệp đón nhận, bước đầu đạt kết quả tốt. Hàng năm, Hà Nội đã cung cấp cho các tỉnh trên 200 triệu con giống gia cầm, hơn 200 ngàn lợn giống, trên 40 ngàn con bò giống các loại. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao được Sở liên kết chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học, công nghệ theo hướng kết hợp nghiên cứu, khảo nghiệm và chuyển giao. Khai thác hợp lý giống trong nước, nhập mới các giống có năng suất, chất lượng cao để chọn lọc, đưa nhanh vào sản xuất. Đẩy mạnh công tác lai tạo, sản xuất giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, đến nay, đàn bò sữa đạt 100%, đàn bò sinh sản  64%, đàn lợn trên 80% và thử nghiệm thành công thụ tinh nhân tạo trên đàn gà.

Đặc biệt, Hà Nội là một trong những địa phương có tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi ở mức cao và đa dạng như: Nhập các giống cao sản chất lượng cao: gà, lợn ông bà, bố mẹ từ nước ngoài để cải thiện chất lượng đàn giống trong nước như gà D300 (Cộng hòa Séc); lợn đực các giống Landrace; Yorkshire (thay bằng Durroc, Pietrain)…(Bỉ, Đan Mạch, Canada,Pháp);lợn nái ngoại Landrace; Yorshire,... (Thái Lan, Canada). Nhập tinh ngoại chất lượng cao phối với đàn bò địa phương để nâng tỷ lệ máu ngoại đối với bò sữa, bò thịt. Với bò sữa: tỷ lệ đàn bò HFF3 trên 60%; bò thịt: tỷ lệ đàn bò Zebu hóa chiếm trên 90%.

Các trang thiết bị hiện đại cũng được ứng dụng trong chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả như hệ thống chuồng kín (38% các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn và  35% các trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn), hệ thống máng ăn, máng uống tự động, hệ thống xử lý môi trường. Sử dụng các chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi để tăng năng suất, giảm ô nhiễm môi trường. Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến người chăn nuôi cũng được  chú trọng, nhất là các giải pháp về ứng dụng công nghệ cao trong khâu giống, thức ăn..., nhằm tăng năng suất, giảm giá thành.

Thời gian tới Hà Nội sẽ có những chính sách phù hợp để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, nhất là đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi. Tạo điều kiện trong việc giao đất lâu dài cho hộ chăn nuôi để chủ trang trại, doanh nghiệp lập dự án thu hút vốn đầu tư phát triển chăn nuôi công nghệ cao.

Xin cảm ơn ông!

Dương An Như

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tân Yên phấn đấu hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm OCOP

    Tân Yên phấn đấu hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm OCOP

    Huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang phấn đấu từ nay đến hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Cùng với đó, huyện định hướng và có lộ trình phát triển sản phẩm vải sớm Phúc Hòa phấn đấu đạt tiêu chuẩn 5 sao trong thời gian tới.

  • Nhiều sản phẩm OCOP Phú Vang được đánh giá cao

    Nhiều sản phẩm OCOP Phú Vang được đánh giá cao

    Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) vừa tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2024 trên địa bàn huyện.

  • Phải chuẩn hóa rõ hơn về văn hóa nông thôn

    Phải chuẩn hóa rõ hơn về văn hóa nông thôn

    Tại kỳ họp thứ 7, QH khóa XV, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước sáng ngày 29/5, theo đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình), một trong những điểm sáng rất đáng ghi nhận là khu vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.

Top