Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 12 năm 2017 | 9:58

Nhiều lý do khiến nông dân Hải Dương chán... ruộng

Tình trạng nông dân bỏ hoang đất nông nghiệp tại tỉnh Hải Dương đang gây lãng phí tài nguyên đất. Mặc dù các ngành liên quan và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và ở nhiều nơi, đất sản xuất rất thuận tiện cho việc tưới, tiêu, nhưng nông dân vẫn không gieo cấy, để hoang nhiều vụ.

Cánh đồng khu Cầu Ông, thôn Cự Lộc, xã Minh Ðức, huyện Tứ Kỳ có 3,5 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, những năm gần đây tình trạng nông dân bỏ hoang đất nông nghiệp đã và đang xuất hiện ở nhiều huyện, thành phố. Qua thống kê, mỗi vụ gieo cấy bình quân người nông dân bỏ hoang vào khoảng 150 đến 250 ha đất nông nghiệp. Tình trạng này thường xảy ra ở những nơi gần khu dân cư, khó khăn về nguồn nước tưới, tiêu, chuột gây hại dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Tại nhiều địa phương có lao động đi làm ở những khu, cụm công nghiệp cũng xuất hiện ruộng bỏ hoang. Mặc dù, việc bỏ hoang đất nông nghiệp trên địa bàn nhiều nhưng không liên tục, thường cách vụ (vụ làm, vụ bỏ), rất ít diện tích bị bỏ hoang nhiều vụ sản xuất.

Huyện Tứ Kỳ là một trong những địa phương có diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang nhiều nhất ở Hải Dương. Thời gian qua UBND huyện đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này như vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, hỗ trợ giống, diệt chuột, làm thủy lợi, giao thông nội đồng để tạo điều kiện cho sản xuất, nhưng diện tích đất bỏ hoang trên địa bàn vẫn còn nhiều. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ Nguyễn Văn Khuông, vụ mùa năm 2017, qua thống kê toàn huyện có khoảng 117 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Trước mắt, huyện đang chỉ đạo các xã vận động, tuyên truyền để nông dân không bỏ hoang đất nông nghiệp. Nếu gia đình nào không có nhu cầu gieo cấy thì cho các hộ khác thuê hoặc mượn ruộng. Ðồng thời, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn điều tiết nước tưới, tiêu giúp người dân thuận tiện trong sản xuất.

Ở xã Minh Ðức, huyện Tứ Kỳ hiện nay có khoảng 28 ha đất nông nghiệp đang bị bỏ hoang. Cánh đồng khu Cầu Ông, thôn Cự Lộc rộng hơn 7 ha nhưng có đến 3,5 ha đất đã bị cỏ mọc um tùm. Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh Ðức Nguyễn Văn Tuyển chia sẻ: "Những chân ruộng ở đây thuận tiện tưới, tiêu nhưng do phần lớn lao động đi làm công nhân ở các tỉnh xa cho nên bỏ sản xuất khoảng ba vụ gần đây. Ðể giải quyết tình trạng này, vừa qua xã Minh Ðức đã họp thống nhất nạo vét kênh mương tại đây, đồng thời vận động các hộ dân có ruộng tiếp tục gieo cấy vụ đông xuân 2017-2018. Nếu các hộ không gieo cấy, xã vận động cán bộ thôn Cự Lộc mượn lại ruộng để sản xuất".

Nguyên nhân của tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp tại Hải Dương là do hiệu quả từ sản xuất lúa chưa cao. Qua phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, một sào trồng lúa hiện nay trừ tất cả các chi phí như thuê làm đất, thuê cấy, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch lúa, người nông dân chỉ lãi hơn 200 nghìn đồng/sào. Trong khi đó, bình quân mỗi nhân khẩu tại Hải Dương chỉ có khoảng 600 m2. Nếu gieo cấy hai vụ lúa trong vòng sáu tháng, mỗi nhân khẩu chỉ lãi khoảng 500 nghìn đồng. Ở một số địa phương, nếu phong trào cây vụ đông phát triển mạnh, trồng cây giá trị cao thì nông dân mới có thu nhập thêm khoảng ba đến tám triệu đồng/sào. Do đó, ở những nơi khó khăn nguồn nước, gần khu dân cư, sâu, bệnh gây hại nhiều, nông dân thường không mặn mà cấy lúa. Hay tại những nơi lao động chính đi làm công nhân, lao động sản xuất nông nghiệp phần lớn là người già cho nên cũng không mặn mà.

Ðể hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cần đẩy mạnh cơ giới hóa, giải phóng sức lao động, đưa các giống mới năng suất, chất lượng, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để giúp nông dân nâng cao hiệu quả canh tác, bảo đảm thu nhập. Thành lập những vùng sản xuất hàng hóa tập trung có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưới hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới để nâng cao thu nhập trên một đơn vị canh tác giúp người dân yên tâm sản xuất. Ðồng thời đẩy mạnh việc chuyển đổi đất chuyên lúa hiệu quả thấp sang trồng rau màu, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản hiệu quả kinh tế cao hơn. Ðối với các địa phương có nhiều lao động đi làm công nhân ở công ty, xí nghiệp, cần có chính sách tích tụ ruộng đất bằng hình thức cho các tổ chức, cá nhân thuê lại ruộng đất của những gia đình không có nhu cầu sản xuất để sản xuất theo cánh đồng lớn, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo Nhân Dân

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    Trước tình trạng hạn, mặn ngày càng diễn ra nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất đã thích ứng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu được dự báo sớm và biết cách thích ứng tốt, nông dân vẫn có thể sống khỏe giữa hạn, mặn.

  • Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất đai bằng phẳng, những năm qua người dân xã Phúc Trạch, xã Hương Khê (Hà Tĩnh) không ngừng mở rộng diện tích trồng cây gió trầm. Với nhiều chính sách khuyến khích trong đầu tư phát triển kinh tế, nhất là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, cây gió trầm đã góp phần quan trọng giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

  • Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình là địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Nếu kết hợp hiệu quả giữa nuôi cá lồng và du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình sẽ là hướng phát triển kinh tế bền vững.

Top