Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 7 năm 2022 | 15:54

Những mô hình kinh tế vườn “hốt về bạc tỷ” ở Hà Nội

Những năm gần đây, kinh tế vườn trở thành trụ cột và có vị trí quan trọng trong phát triển nông nghiệp Hà Nội.

Kinh tế vườn đã mang lại hiệu quả rất lớn đối với người nông dân. Đặc biệt, mô hình kinh tế VAC (vườn - ao - chuồng) đã đóng góp vào mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội mà điểm nhấn là Chương trình xây dựng nông thôn mới. Điều đó được thể hiện sinh động tại các huyện Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Đông Anh…..

Thu tiền tỷ từ mô hình trồng dưa lưới

Anh Nguyễn Phúc Bách (sinh năm 1992) là ví dụ điển hình về thành công với mô hình trồng dưa lưới, tạo thu nhập và việc làm cho lao động địa phương, mở ra con đường nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Ứng Hòa.

“Dựa vào điều kiện sẵn có tại địa phương, cùng với quá trình kiên trì học hỏi, trong quá trình làm nhà màng, tôi vừa tranh thủ học tập các mô hình nông nghiệp qua mạng, rồi tìm đến tận cơ sở để khảo sát, tham quan, gặp các chủ vườn để hỏi kinh nghiệm. Bản thân tôi xác định, mình vừa tự học tập, vừa tự trả giá, sai ở đâu tìm cách khắc phục ở chỗ đó”, anh Bách chia sẻ.

 

z3564025119825_fd2d99155ada5d1917905a24bbc60b2c.jpg
Nguyễn Phúc Bách (thôn Phù Lưu Hạ, xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa) trồng dưa lưới công nghệ cao.

 

Với gia đình, anh Bách chưa bao giờ làm cha mẹ phải buồn lòng. Mỗi bước đi của anh, mặc dù tự bản thân định hướng, nhưng người thân lại là nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn. Ông Nguyễn Văn Tiến (bố anh Bách) chia sẻ: “Lúc mới bắt tay vào làm, chúng tôi cũng nói với con là đã xác định làm nông nghiệp thì không giàu nhanh được đâu, phải đi từng bước. Bố mẹ không có kinh tế nên chỉ biết động viên con về tinh thần. Nghĩ cũng thương nó, vất vả làm nông nghiệp, nhưng cũng tự hào vì con làm nông nghiệp công nghệ cao, được các cấp, các ngành quan tâm và động viên”.

Với bà con hàng xóm, họ thầm cảm ơn Bách bởi nhờ anh mà “chúng tôi đã được tiếp xúc với nông nghiệp hiện đại, hợp với sức của mình và nhàn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó còn có nguồn thu nhập hằng tháng nên cũng thấy thoải mái”, bà Vũ Thị Hảo (thôn Phù Lưu Hạ) chia sẻ.

Qua mô hình này, anh Bách đã góp công lớn trong việc giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương. Hiện tại, vườn dưa cần 4 lao động thường xuyên, 20 lao động thời vụ. Với mỗi công nhân thường xuyên, đủ công sẽ nhận được thù lao 4,5 -6 triệu đồng/tháng.

“Với quả dưa lưới, việc tìm đầu ra không khó. Hiện tại, sản phẩm của tôi đã có mặt ở các cửa hàng thực phẩm sạch và hoa quả xuất khẩu của Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Trừ chi phí, doanh thu mỗi năm đạt gần 1 tỷ đồng”, anh Bách cho biết.

Dưa lưới của anh Bách đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP nên luôn trong tình trạng không đủ hàng để bán ra thị trường. Chính vì thế, anh luôn cố gắng mở rộng diện tích, luân canh 3 vụ/năm.

Để có được thành công như hôm nay, anh Bách chưa bao giờ có ý định từ bỏ dù là khi gặp thất bại liên tục. “Nếu tôi từ bỏ nông nghiệp thì đó là thất bại lớn nhất của tôi. Ngay từ đầu, tôi xác định sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nên vừa làm, vừa học, vừa hoàn thiện mình đến khi nào đạt kết quả như mong muốn, được thị trường chấp nhận. Giờ đây tôi muốn phát triển thêm nhiều mảng nữa trên quê hương mình chứ không dừng lại ở nông nghiệp”.

Đưa công nghệ mới vào sản xuất

Tại huyện Quốc Oai, hơn 5 năm trước, ông Nguyễn Văn Lâm (ở xứ đồng xã Cấn Hữu) đã bắt tay xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Trên diện tích 1,3ha, ông Lâm đầu tư khoảng 11 tỷ đồng phát triển vườn cây ăn quả, nuôi thuỷ sản và chăn nuôi lợn.

Sản phẩm từ trang trại của ông Lâm đã liên kết tiêu thụ với Công ty CP Thương mại 5S Pro và các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện Quốc Oai. Hoạt động của trang trại được duy trì ổn định nhiều năm qua, mang lại doanh thu bình quân 20 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, còn tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Từ việc mở rộng quy mô, đưa công nghệ mới vào sản xuất, nhiều mô hình trang trại trên địa bàn huyện Thanh Oai cũng đã phát huy hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đơn cử như mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Lê Văn Trẻo ở xã Liên Châu, quy mô 10ha, nuôi vịt và cá...; cho thu nhập 500-700 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 7 lao động địa phương.

Còn tại huyện Sóc Sơn, mô hình trang trại chăn nuôi gà thịt theo hướng vi sinh của gia đình chị Nguyễn Thị Thoan vẫn phát triển ổn định trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Hiện, trung bình mỗi tháng trang trại xuất chuồng khoảng 1.000 con gà thịt. Giá bán cao hơn so với gà thương phẩm nuôi theo phương thức truyền thống.

Chị Thoan cho biết: Từ khi bắt tay vào phát triển kinh tế trang trại, gia đình hướng đến quy trình sản xuất sạch bằng cách sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường chuồng nuôi. Xây dựng hệ thống sản xuất khép kín từ nông trại đến bàn ăn. Sản phẩm thịt gà được giết mổ, đóng gói, hút chân không, gắn tem nhãn. Khách hàng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đánh giá được chất lượng sản phẩm…

Đánh giá về hiệu quả của việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Chí cho biết: Kinh tế trang trại trên địa bàn thành phố đang phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, gia tăng giá trị.

Nâng cao chất lượng nông sản

Mục tiêu chủ yếu của phát triển nông nghiệp Thủ đô là, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thực hiện mục tiêu đó, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục duy trì được nhiều mô hình trình diễn sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao. Đến nay, toàn thành phố có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.Trong số đó có nhiều mô hình do Hội Làm vườn triển khai .

Trong năm 2021, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội tiếp tục gặt hái được kết quả nổi bật. 27 quận, huyện, thị xã đã đăng ký 595 sản phẩm để Hội đồng của thành phố tiến hành đánh giá, phân hạng. Dự kiến, thành phố sẽ có thêm ít nhất 400 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, qua đó, nâng tổng số sản phẩm OCOP của Hà Nội lên con số hơn 1.500. Kết quả của Chương trình OCOP Hà Nội có vai trò đóng  góp của Hội Làm vườn các cấp. Chính từ phong trào phát triển kinh tế vườn trong từng gia đình, trong mỗi làng quê, đã góp phần bảo tồn, phục hồi và phát triển nhiều loại sản phẩm nông sản truyền thống của Hà Nội.

Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường. Điển hình như: Mô hình sản xuất giống và hoa lan Hồ điệp của HTX Đan Hoài, huyện Đan Phượng; HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, huyện Đan Phượng; Công ty CP Giống gia cầm Ngọc Mừng, huyện Đông Anh; Nhà máy sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH xuất - nhập khẩu Kimoko Thanh Cao, huyện Mỹ Đức…

Hội Làm vườn thành phố đã phối hợp với các nhà khoa học cùng hội viên, nông dân xây dựng các mô hình liên kết hay tư vấn,chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao đối với trồng dưa lê, dưa lưới, dưa vàng trong nhà màng, nhà lưới và kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm  ngay trên địa bàn thành phố.

“Để thúc đẩy lĩnh vực khoa học công nghệ, nhiều năm qua, Hội Làm vườn Hà Nội luôn quan tâm đến  việc  ứng dụng, thử nghiệm,các quy trình kỹ thuật mới vào  các mô hình  VAC. Hội vận động hội viên tích cực tham gia vào các chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cây trồng, vật nuôi nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng, góp phần phát triển nông nghiệp Thủ đô ngày một hiệu quả…”, đại diện lãnh đạo Hội Làm vườn Hà Nội, ông Đỗ Như Sưởng nhấn mạnh.

 

 

Tuệ Châu
Ý kiến bạn đọc
  • Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Nhiều người thường nghĩ công việc của một Freelancer khá thoải mái khi họ được tự chủ về mặt thời gian làm việc. Thực tế, công việc này cũng có những thử thách và áp lực riêng mà không phải ai cũng biết.

  • Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nhiều lần thất bại trong việc đầu tư nuôi các loại cá cảnh khác nhau, nhưng với niềm đam mê của mình, anh Vũ Văn Tăng đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình nuôi cá Koi.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

Top