Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 28 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 22 tháng 6 năm 2022 | 15:33

Nông sản đặc sản làm sao để không còn tình trạng “ế thừa”?

Không ít loại nông sản được cho là “đặc sản” ở miền Trung nước ta được người tiêu dùng lựa chọn, nhưng làm thế nào để các nông sản đặc sản này không rơi vào tình trạng “ế thừa” hay rơi vào cảnh “được mùa, mất giá” đang là câu hỏi cần được trả lời.

Nhiều sản phẩm loay hoay tìm chỗ tiêu thụ
 
Nhiều sản phẩm được coi như đặc sản của địa phương đang vào vụ thu hoạch, nhưng không phải các sản phẩm đặc sản nào cũng đều được tiêu thụ, một số sản phẩm nông sản như bí rẫy, gừng, khoai sọ, dưa chuột Mông, chè Tuyết shan, mận... những sản phẩm đặc sản ngon và sạch có thể trồng ở rất nhiều xã của huyện miền núi cao Kỳ Sơn bất cứ lúc nào cũng có thể gặp phải tình trạng ế thừa.
 
bna-man-ky-son-anh-phu-huong-5969.jpg
Ông Hờ Chồng Pó cho biết: Hàng năm vườn mận của gia đình ông chỉ tiêu thụ được hơn một nửa sản lượng quả. Ảnh: Phú Hương
Có trên 50 gốc mận trên khu đất vườn của gia đình, mỗi năm, đến mùa là ông Hờ Chồng Pó ở bản Mường Lống 2, xã Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) có thể thu về hàng tấn mận, tư thương vào tận vườn mua. Thế nhưng, không phải lúc nào việc tiêu thụ cũng thuận lợi. Ông Pó cho hay, mấy năm vừa rồi không bán được, năm ni hết dịch Covid-19 bán được nhiều hơn, nhất là dịp Nhà nước tổ chức hội chợ bán mận, khách vô vườn mua nhiều. Nhưng cũng chỉ bán được hơn một nửa. Nhiều cây chưa bán kịp, quả rụng hết.
 
Sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ năm nay, việc tiêu thụ nông sản đã dần tìm lại được “quỹ đạo” của nó, nhưng vẫn rất khó khăn. Giá gừng xuống tột đỉnh, nếu trước đây vào mùa gừng, mỗi ngày có từ 2- 3 xe container đưa gừng Kỳ Sơn đi tiêu thụ khắp các tỉnh, xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước Trung Đông để làm nguyên liệu chế biến; thì đến thời điểm hiện tại, giá gừng chỉ còn 5.000 đồng/kg, bằng 1/5 so với trước đây, và trên địa bàn vẫn còn tồn đọng gần 4 tấn gừng, sau những nỗ lực “giải cứu”, vận động các doanh nghiệp, kết nối các tổ chức đoàn thể, xã hội để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
 
Vũ Quang là “thủ phủ” của cam, những năm trước đây khi vào vụ thu hoạch cam ở Vũ Quang và một số địa phương khác của Hà Tĩnh tiêu thụ rất mạnh, thương lái vào tận vườn để thu mua, tuy nhiên, trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giá xăng dầu leo thang, nên việc các thương lái vào thu mua tận vườn giảm hẳn.
 
z2995813851528b636f3a523a4ede4164f28f548f05a59-16390075876721299937083-1639009433090-16390094343741474201108.jpg
Cam Khê Mây, đặc sản huyện miền núi Hà Tĩnh.
 
Cam Khe Mây (ở Hương Khê, Hà Tĩnh) cũng là sản phẩm nông sản đặc sản cũng không nằm ngoài tình trạng “được mùa, mất giá”. Có những năm thương lái từ khắp các nơi đổ xô về giành nhau thu mua, nhưng cũng không ít năm đã vàocchính vụ thu hoạch nhưng khách mua vẫn thưa thớt, vắng bóng, mặc dù giá cam giảm gần nửa so với năm trước.
 
Chị Hà ở xã Hương Đô (Hương Khê) cho biết, gia đình chị có 1 ha cam trong thời kỳ cam vào vụ thu hoạch nhưng rất ít thương lái ghé mua. Một số trái chín sớm, chị nhờ con gái đăng bán, mặc dù cam được mùa nhưng chị Hà chỉ thu hoạch cầm chừng.
 
Theo ông Lầu Bá Chò - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống (Kỳ Sơn), bà con chỉ bán được từ 30 - 50% sản lượng, số còn lại đành để rụng, bỏ hư mặc dù giá mận giữa và cuối mùa xuống rất thấp.
 
Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chia sẻ: Đây là điều rất đáng tiếc vì để tìm được một loại cây phù hợp với cả điều kiện khí hậu, đất đai cũng như tập quán canh tác của bà con, mà lại có thể cho hiệu quả cao như mận Tam hoa là điều rất khó. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát, giao các đơn vị chuyên môn tìm hiểu các yếu tố liên quan để tiến hành trồng mới một số diện tích theo quy trình VietGAP, có đầu tư chăm sóc bài bản; từ các mô hình đó sẽ nhân rộng ra, giúp bà con nâng cao năng suất và đặc biệt là chất lượng sản phẩm mận, quả to, giòn ngọt hơn để từ đó thuận lợi tìm hướng tiêu thụ ổn định.
 
Cần có mối liên kết bền vững
 
Để các sản phẩm nông sản đặc sản tiêu thụ được trên thị trường, nhất thiết phải có sự liên kết giữa người nông dân và các doanh nghiệp tiêu thụ. Nếu không có mối liên kết bền vững này chắc chắc việc sản phẩm nông sản sẽ rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá” là điều đương nhiên.
 
122d4122053t56512l0.jpg
Hội Nông dân tỉnh triển khai tuần lễ kết nối tiêu thụ nông sản với nhiều gian hàng tại TP Hà Tĩnh.
Theo ông Phạm Văn Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn, khó nhất là cung đường vận chuyển. Không chỉ khoảng cách từ các tuyến giao thông lớn, các đô thị như thành phố Vinh đến Kỳ Sơn rất xa, mà từ thị trấn Mường Xén, để đến được các xã khác cũng có khoảng cách rất dài, địa hình đồi núi cao, nên các tư thương ngại vào thu mua vì vận chuyển khó khăn, tăng chi phí. Thậm chí đã có doanh nghiệp đến Kỳ Sơn khảo sát để thu mua, chế biến nhưng lại bỏ do ngại giao thông đi lại khó khăn.
 
Những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp kêu gọi các doanh nghiệp, tìm một hướng đi tiêu thụ sản phẩm cho bà con, nhưng đến nay trên địa bàn vẫn chưa có doanh nghiệp nào vào kết nối, hỗ trợ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
 
Huyện Kỳ Sơn có rất nhiều loại nông sản đặc sản sạch, thơm ngon, cực kỳ được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài sản phẩm mận Tam hoa được trồng với diện tích lên đến hàng trăm ha ở các xã Mường Lống, Tây Sơn, Tà Cạ, Na Ngoi, Nậm Cắn… , huyện Kỳ Sơn còn có bí rẫy, gừng, khoai sọ, dưa chuột Mông, chè tuyết shan… Mỗi năm, sản lượng mận khoảng 100 - 120 tấn, từ 1.300 - 1.400 tấn khoai sọ, trên 5.000 tấn gừng, nghệ.
 
Thời gian qua, huyện Kỳ Sơn đã nỗ lực kết nối quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm đi tham gia các hội chợ hàng nông sản; một số sản phẩm như gừng đã được công nhận là sản phẩm OCOP, có chỉ dẫn địa lý và hiện đang tiếp tục xây dựng làm sản phẩm OCOP cho một số sản phẩm khác như mận, thịt bò giằng, gà đen…
 
149d1190432t19275l0.jpg
Sản phẩm cam Vũ Quang được lên kệ siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh.

 

Tuy nhiên, theo ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, để sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương có chỗ đứng vững chắc, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập và đời sống bà con vùng miền núi cao, rất cần thêm sự hỗ trợ từ Nhà nước, kêu gọi được các doanh nghiệp đồng hành cùng địa phương, tạo liên kết ổn định trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; và đặc biệt, là chính nỗ lực của địa phương và người dân trong áp dụng các quy trình sản xuất tiến bộ, tạo nguồn sản phẩm tập trung, chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thị trường.
 
Còn Chủ tịch Hội Nông dân Vũ Quang Trần Thị Hồng Vững chia sẻ: “Bên cạnh quảng bá sản phẩm rộng rãi, các cấp hội phối hợp hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi số đối với cây cam để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Voso, Sendo,… Đến hiện tại, toàn huyện đã chuyển đổi số được gần 1.000 ha cam.
 
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nông dân tỉnh Nguyễn Tiến Anh cho hay: Việc hỗ trợ hội viên, nông dân tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ nông sản hiện tại còn nhiều hạn chế, khó khăn, chưa đồng bộ, chưa thường xuyên và còn nhiều bất cập. 
 
Trong khi đó, việc liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của nhà doanh nghiệp với người nông dân còn lỏng lẻo, chưa thực sự bền vững. Vai trò của hội nông dân các cấp trong thực hiện liên kết “6 nhà” (nông dân - nhà nước - nhà khoa học - ngân hàng - doanh nghiệp - nhà phân phối) chưa được phát huy mạnh mẽ. Một số sản phẩm sản xuất ra được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng nhưng chưa ổn định nguồn cung cấp…
 
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Hà Tĩnh Trần Trung Thành cho biết: Thời gian tới, các cấp hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hội viên, nông dân ứng dụng các tiến bộ KHCN tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp và mở thêm nhiều cửa hàng nông sản an toàn do hội thành lập để đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản bền vững giúp hội viên, nông dân.
 
Để sản phẩm nông sản đặc sản ở các địa phương miền Trung không rơi vào cảnh ế ẩm, “được mùa, mất giá” việc liên kết các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ là rất quan trọng, đồng thời phải quy hoạch lại vùng trồng sao cho đảm bảo được “cung đủ cho cầu”, có như vậy sản phẩm nông sản của bà con nông dân sẽ không còn cảnh ế thừa.
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Top