Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 22 tháng 7 năm 2017 | 7:0

Nóng trong tuần: Chính phủ chỉ đạo “cứu” cá tra, hồ Hòa Bình xả lũ, công bố kết quả điều tra rừng

Chính phủ chỉ đạo “cứu” cá tra; Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020; hàng loạt hồ thủy điện ở miền Bắc phải vận hành xả lũ,… là những tin nóng trong tuần.

Thủ tướng chỉ đạo “cứu” cá tra

Thủ tướng chỉ đạo các ngành chức năng phải hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng quy định của Mỹ.

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo liên quan đến việc Chính phủ Mỹ chính thức áp dụng đạo luật nông trại (Farm Bill). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, cơ quan, hiệp hội liên quan theo dõi sát tình hình, nghiên cứu, nắm chắc quy định và việc thực thi đạo luật nông trại của Mỹ.

"Các cơ quan, hiệp hội liên quan có biện pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp, hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đáp ứng quy định nhập khẩu của Mỹ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ", chỉ đạo của Thủ tướng nêu rõ.

Trước đó, theo thông báo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) từ ngày 2/8/2017 sẽ kiểm tra 100% lô hàng cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nước này. Quyết định của USDA căn cứ vào chương trình thanh tra cá da trơn (hay còn gọi cá thuộc bộ Siluriformes) theo đạo luật Farm Bill. Những lô hàng cá tra Việt Nam sẽ bị cơ quan chức năng của Mỹ kiểm tra từng lô một. Chi phí kiểm hàng, lưu kho sẽ tăng lên khiến nhiều doanh nghiệp tạm ngừng ý định xuất khẩu sang thị trường này.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho cá tra tại các thị trường Mỹ, EU. Phải xác định Mỹ vẫn là thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam. Bộ sẽ cùng các cơ quan liên quan đàm phán tháo gỡ thị trường, nhất là đấu tranh với đạo luật Farm Bill của Mỹ.

Triển khai chương trình lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020

Cán bộ kiểm lâm huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) kiểm tra rừng.

Sáng 20/7/2017, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020; tổng kết 04 năm thực hiện dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc.

Trong giai đoạn 2013-2016, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 6,57%/ năm; 06 tháng đầu năm 2017 tăng 5,29%, ước cả năm đạt khoảng 6,6%. Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều tiến bộ. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần. Công tác trồng rừng được triển khai tích cực, bình quân hàng năm trồng trên 225.000ha rừng trồng tập trung, trong đó trên 90% là rừng sản xuất. Năng suất rừng trồng tiếp tục được cải thiện. Xuất hiện nhiều mô hình hợp tác, liên kết giữa công ty chế biến, sản xuất. Sản lượng gỗ rừng trồng tăng hơn 3,3 lần. Khai thác rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ hơn. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng hơn 2 lần. Năm 2016 đạt 7,3 tỷ USD, xuất siêu 5,4 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2017 đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ, ước cả năm đạt 7,6 – 7,8 tỷ USD.

Dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn thu tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ từng, giảm áp lực chi ngân sách với số tiền từ 1200 tỷ - 1300 tỷ/năm.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2016 cũng còn một số tồn tại lớn. Công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ (Kon Tum, Đắk Lắk, Quảng Nam, huyện Mường Nhé-tỉnh Điện Biên). Kết quả trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng thay thế còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch. Năng suất, chất lượng rừng thấp, đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tiếp tục bị suy giảm (80% diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo), giá trị thu nhập trên 1ha rừng sản xuất chỉ đạt bình quân 7-8 triệu đồng/ha/năm. Hầu hết hộ gia đình quản lý diện tích rừng nhỏ, dưới 3ha/hộ, tỷ trọng thu nhập từ lâm nghiệp chỉ chiếm 25% trong tổng thu nhập, đời sống rất khó khăn.

Chất lượng nhiều loại sản phẩm lâm nghiệp còn chưa cao và khả năng cạnh tranh thấp do quy mô sản xuất nhỏ, chưa tổ chức liên kết theo chuỗi; kết cấu hạ tầng phục vụ chế biến như kho tàng, bến bãi, công nghiệp phụ trợ… kém phát triển, chưa phát triển mạnh thị trường nội địa. Giá trị gia tăng của lâm sản còn rất thấp do thiếu gắn kết giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu. 

Từ những đánh giá về thành công và hạn chế, tồn tại của ngành và ý kiến của các địa phương, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Ngành cần tập trung thực hiện 3 mục tiêu: bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, phát triển rừng để nâng cao độ che phủ của rừng cùng với nâng cao năng suất, chất lượng rừng, khắc phục những hạn chế tồn tại. Nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả của các sản phẩm lâm nghiệp gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người trồng rừng, bảo vệ môi trường.

Hàng loạt hồ thủy điện ở miền Bắc xả lũ

Hồ Hòa Bình mở 3 cửa xả đáy sau 21 năm. Ảnh: baochinhphu.vn

Sau nhiều năm không vận hành xả lũ, hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La đã phải xả lũ do mưa lớn kéo dài khiến mực nước dâng cao.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài cho biết, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai đã lệnh Công ty thủy điện Sơn La và Hòa Bình mở các cửa xả đáy. Tính đến 8h ngày 21/7, mực nước hồ Hòa Bình ở mức 106,32m, còn cao hơn mực nước cho phép là 5,32m. Tại hồ Sơn La, mực nước lúc 8h ngày 21/7 là 201,07m và còn cao hơn mực nước cho phép là 3,77m. Như vậy, tính đến 8h ngày 21/7 (sau 2 ngày vận hành xả lũ), mực nước hồ Sơn La xuống chậm khoảng 0,42m/1 ngày; mực nước hồ Hòa Bình còn tăng cao hơn so với trước khi xả do lưu lượng về hồ vẫn lớn hơn tổng lưu lượng xả và phát điện và đã phải mở cửa xả đáy thứ ba.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT – Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết, các địa phương vùng hạ du tăng cường thông tin đến người dân, sẵn sàng phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng người dân và các công trình ngoài bãi, ven sông, giao thông đường thủy; tổ chức các đoàn kiểm tra và ứng trực tại các điểm xung yếu sẵn sàng “xử lý giờ đầu” khi sự cố xảy ra.

Trước diễn biến mưa bão phức tạp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương tăng cường công tác dự báo mưa và dòng chảy trên lưu vực các hồ, đặc biệt là nhận định trung hạn trước 5-10 ngày làm cơ sở tính toán và chỉ đạo vận hành liên hồ, đảm bảo đủ dung tích cắt lũ cho hạ du, đồng thời khai thác hiệu quả tài nguyên nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đê điều và sản xuất nông nghiệp ở hạ du, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. 
Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các công ty thuỷ điện triển khai công tác đảm bảo an toàn hồ và phát tối đa các tổ máy để hạ thấp, đưa mực nước về cao trình trước lũ theo quy định.

Trước hồ Hòa Bình, Sơn La, hồ Tuyên Quang cũng đã phải xả lũ.

Cá chết trắng lồng do thủy điện Hòa Bình xả lũ

Cá chết hàng loạt do thủy điện Hòa Bình xả lũ. Ảnh: zing.news.vn.

Ông Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Hòa Bình) cho biết, đến 14h ngày 21/7, huyện Kỳ Sơn thiệt hại hơn 35 tấn, thành phố Hòa Bình 16 tấn cá lồng nuôi trên sông Đà. Trong đó có nhiều loại cá đặc sản, như: chiên, lăng, cá trắm đen... "Chi cục đã lấy mẫu nước phân tích tìm nguyên nhân. Nhận định ban đầu cá bị sặc nước do hồ Hòa Bình xả lũ, dòng chảy sông Đà quá mạnh", ông Son thông tin.

Dự báo số thiệt hại còn tăng vì thủy điện Hòa Bình mở thêm một cửa xả, Chi cục Thủy sản đã khuyến cáo người dân nâng lồng nuôi để đỡ va đập và thả viên tạo độ trong của nước. Tỉnh đang xem xét các phương án hỗ trợ hộ dân, cơ sở nuôi chịu thiệt hại; đồng thời vận động doanh nghiệp, người dân tham gia thu mua cá, góp phần ổn định sản xuất.

Tại Phú Thọ, số lồng cá thiệt hại là 160, tương đương 240 tấn. "Rất may trước đó người dân đã xuất bán một nửa, nếu không con số thiệt hại có thể lên đến 600-700 tấn", ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Thủy sản nói.

Nhận định ban đầu của Chi cục là hồ Hòa Bình xả lũ nên lưu lượng nước trên sông Đà lên nhanh, chảy xiết kèm theo bùn, khiến cá sốc dẫn đến chết hàng loạt. 

Anh Thơ

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    Trước tình trạng hạn, mặn ngày càng diễn ra nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất đã thích ứng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu được dự báo sớm và biết cách thích ứng tốt, nông dân vẫn có thể sống khỏe giữa hạn, mặn.

  • Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất đai bằng phẳng, những năm qua người dân xã Phúc Trạch, xã Hương Khê (Hà Tĩnh) không ngừng mở rộng diện tích trồng cây gió trầm. Với nhiều chính sách khuyến khích trong đầu tư phát triển kinh tế, nhất là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, cây gió trầm đã góp phần quan trọng giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

  • Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình là địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Nếu kết hợp hiệu quả giữa nuôi cá lồng và du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình sẽ là hướng phát triển kinh tế bền vững.

Top