Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 22 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 6 năm 2021 | 13:36

Nuôi heo rừng trên cát ở Điền Hòa

Đó là mô hình thành công của Nguyễn Đăng Long, trú tại thôn 4, xã Điền Hòa (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế). Cách làm của anh đã phần nào thay đổi tư duy phát triển kinh tế tại vùng nông thôn có điều kiện tự nhiên hết sức khó khăn.

t37.jpg
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, anh Long quyết định về quê làm việc, sinh sống.

 

Về quê lập nghiệp

Điều Hòa, quê của Long thuộc vùng ngũ Điền, đất đai được tạo thành từ phù sa sông Ô Lâu, diện tích cát nhiều, điều kiện canh tác rất khó khăn.

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng ở Đà Nẵng, không như nhiều bạn cùng trang lứa là đến các thành phố lớn để tìm việc làm, lập nghiệp, Long trở quê với mong muốn góp phần xây dựng địa phương phát triển giàu mạnh.

“Từ trước đến nay ba mẹ tôi chỉ trồng trọt, chăn nuôi tại địa phương. Ba mẹ chẳng phải đi làm đâu xa xôi nhưng vẫn đủ điều kiện nuôi cho anh em tôi ăn học đàng hoàng, dù vất vả nhưng cũng chẳng phải bon chen như cuộc sống nơi thành thị. Tôi thấy vậy nên quyết định về quê lập nghiệp”, Long tâm sự.

Năm 2016, dịch bệnh heo tai xanh và dịch bệnh tả lợn châu Phi đã lan đến xã Điền Hòa khiến các hộ chăn nuôi heo gặp cảnh trắng tay. Trong số này có gia đình Long.

“Dịch bệnh khiến toàn bộ heo của gia đình tôi nuôi lúc đó chết và phải mang đi tiêu hủy. Kinh tế gia đình từ đó thiếu sự chủ động vì mỗi lứa heo như rứa nhà tôi cũng có thể thu về trên dưới 10 triệu đồng. Đối với khu vực thành thị thì số tiền ni không nhiều nhưng với vùng quê chúng tôi thì đó là một khoản tiền khá lớn”,  Long nhớ lại.

Long cho biết thêm, sau khi xảy ra đợt dịch bệnh này, anh tự tìm hiểu và thuyết phục gia đình chuyển sang đầu tư nuôi heo rừng. “Việc chuyển đổi sang nuôi heo rừng ban đầu ba mẹ cũng không đồng ý vì heo giống có giá  200.000 – 220.000 đồng/kg và phải nuôi cả năm sau mới cho thu nhập. Hơn nữa, tại đây chưa có ai nuôi heo rừng cả, giá bán thì đắt, ba mẹ  còn sợ nuôi rồi không biết bán cho ai nữa”.

Bỏ sang một bên những ý kiến không ủng hộ ấy, Long quyết định đầu tư thử nghiệm. Ban đầu, với số tiền khoảng 20 triệu đồng, Long thả nuôi 9 con heo rừng giống tại khu trại rộng khoảng 300m2.

Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, sau gần 01 năm, Long xuất chuồng lứa heo đầu tiên và lãi vài chục triệu đồng. Trải nghiệm thực tế, Long cho biết, việc nuôi heo rừng không khó mà ngược lại chúng còn có khả năng chống chọi với thời tiết tốt hơn các giống heo thịt mà người dân đang nuôi phổ biến tại địa phương.

“Ban đầu tôi cũng tận dụng các loại lá khoai, lá môn, cây chuối, bèo lục bình… có sẵn tại địa phương. Dần dà, phần vì có vốn vay từ Quỹ Tín dụng nhân dân Điền Hòa được 70 triệu đồng, phần vì nâng số lượng heo nuôi nên tôi chuyển qua cho chúng ăn hèm rượu”, Long chia sẻ.

Góp phần thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông thôn

Đến nay, sau 5 năm gây dựng và phát triển, khu trại chăn nuôi của Long đã có 35 con lợn rừng bố mẹ, 30 con mới sinh và khoảng 35 con chuẩn bị xuất chuồng. Chàng thanh niên này cho biết thêm, với kinh nghiệm của mình, đã có thể tách đàn, cai sữa cho heo con sớm để heo mẹ có thể đạt tần suất sinh sản 3 lứa/15 tháng.

Toàn bộ số heo con sinh ra đều được Long giữ lại để nuôi thành heo thịt và xuất bán. Hiện, Long có thể chủ động để tháng nào cũng có heo thịt cung cấp ra thị trường. Ước tính,  trừ chi phí, mỗi lứa heo xuất chuồng, Long thu lãi hàng chục triệu đồng.

Sự thành công của anh Long trong mô hình nuôi heo rừng trên cát không đơn thuần chỉ là mang lại nguồn thu nhập cho gia đình mà còn khiến các hộ dân khác có thể học hỏi, thay đổi thói quen, tư duy trong phát triển kinh tế của vùng nông thôn, đặc biệt là những nơi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như Điền Hòa.

Long chia sẻ, việc xây dựng mô hình nuôi heo trên cát không cố định vốn đầu tư. Nếu vốn nhiều thì có thể đầu tư cùng một lúc để xây dựng quy mô lớn, vốn ít thì có thể gây dựng nhỏ lẻ từng cặp heo bố mẹ ban đầu như Long đã làm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải chịu khó học hỏi và phải thực sự đam mê với việc mình làm.

Với quy mô hàng trăm con heo rừng, nhưng hằng ngày chỉ cần một mình Long cũng có thể chăm sóc chúng một cách đầy đủ. “Giờ tôi chỉ cần tận dụng thời gian rảnh rỗi là có thể chăm nuôi cả bầy heo này rồi. Sáng dậy, trước khi đi làm, tôi ra vệ sinh chuồng trại, cho chúng ăn; trưa tranh thủ cho ăn và tối cũng rứa. Được cái là heo rừng ni hắn ăn cũng không nhiều mà thức ăn là hèm rượu thì có sẵn rồi nên mọi việc cũng nhanh lắm”,  Long chia sẻ.

Đánh giá về mô hình chăn nuôi heo của Nguyễn Đăng Long, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa Nguyễn Đăng Phúc cho biết, đây là mô hình nuôi heo rừng trên cát đầu tiên của địa phương và đến nay có thể khẳng định thành công. Hy vọng, từ thành công của mô hình nuôi heo trên cát của Long, người dân địa phương sẽ có thay đổi trong tư duy phát triển kinh tế và đặc biệt là nhiều người con quê hương sau khi học tập tại các trường đại học, cao đẳng có thể về quê khởi nghiệp với những mô hình tiềm năng, hiệu quả.

 

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
  • Lão nông Hải Phòng trồng cỏ nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế cao

    Lão nông Hải Phòng trồng cỏ nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế cao

    Đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông Vũ Văn Nhĩ (thôn Minh Hậu, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) vẫn ngày ngày cần mẫn tận dụng đất bỏ hoang, bờ mương ven đường để trồng cỏ nuôi hơn 100 con dê. Mô hình nuôi dê đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình ông thoát nghèo, trở nên khá và từng bước lên hộ giàu.

  • Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Nhiều người thường nghĩ công việc của một Freelancer khá thoải mái khi họ được tự chủ về mặt thời gian làm việc. Thực tế, công việc này cũng có những thử thách và áp lực riêng mà không phải ai cũng biết.

  • Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nhiều lần thất bại trong việc đầu tư nuôi các loại cá cảnh khác nhau, nhưng với niềm đam mê của mình, anh Vũ Văn Tăng đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình nuôi cá Koi.

Top