Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 5 năm 2018 | 13:24

Nuôi sò huyết xen vẹm xanh cho thu nhập cao

Hơn 5 năm nay, nhiều người dân các xã ven biển huyện An Biên (Kiên Giang) nuôi vẹm xanh xen canh sò huyết ở bãi bồi ven biển với vốn đầu tư thấp nhưng lợi nhuận khá cao.

vemxanh.jpg
Nông dân xã Nam Yên thu hoạch vẹm xanh.

 

An Biên có bờ biển dài 21km, dọc theo đó là tuyến đê quốc phòng và vành đai rừng phòng hộ ven biển khoảng 1.000ha và trên 7.000ha mặt nước bãi bồi ven biển. Với diện tích bãi bồi ven biển khá lớn, An Biên đã tiến hành giao khoán cho người dân thuê sử dụng để nuôi nghêu, sò huyết và vẹm xanh.

Nam Thái là một trong 5 xã ven biển nằm trong vùng quy hoạch phát triển kinh tế ven biển của huyện An Biên. Những năm qua, với lợi thế về bãi bồi ven biển rộng trên 1.000ha, Nam Thái phát triển nhiều mô hình kinh tế ven biển đem lại thu nhập cao cho người dân, như: nuôi sò huyết, hến, tôm, cua… Trong đó, mô hình nuôi vẹm xanh xen canh với sò huyết được người dân xã Nam Thái áp dụng đem lại hiệu quả cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo anh Phạm Văn Còn, ngụ ấp Sáu Biển (xã Nam Thái), 5 năm nay, độ mặn nước biển tại bãi bồi luôn ở mức ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho vẹm xanh sinh sản tự nhiên. Sở hữu mặt nước bãi bồi trên 34ha, năm 2014, anh mua trên 1.800 cây tràm đóng xuống bãi bồi để nuôi vẹm xanh kết hợp thả  sò huyết (trị giá sò giống trên 300 triệu đồng). Sau 6 tháng thả nuôi, anh Còn thu hoạch được trên 50 tấn vẹm xanh thương phẩm, trừ chi phí, thu lãi trên 400 triệu đồng. Sau đó, anh Còn bắt đầu thu tỉa sò huyết. Độ mặn tương đối cao, thích hợp cho việc nuôi sò huyết, tỷ lệ hao hụt ít. Với giá bán 80.000 - 90.000 đồng/kg, anh thu lãi trên 250 triệu đồng…

Ông Bùi Văn Giả (ấp Sáu Biển, xã Nam Thái) là một trong số những người gắn bó với nghề nuôi sò huyết xen vẹm xanh trên vùng bãi bồi ven biển gần 10 năm nay. Theo ông Giả, sò huyết và vẹm xanh đều là loại dễ nuôi, trong quá trình nuôi không cần chăm sóc, không cần cho ăn, nhưng phải cất chòi canh để không cho người lạ vào khai thác. Từ 3ha ban đầu hợp đồng với nhà nước,  nay ông thuê thêm 50ha bãi bồi ven biển để nuôi sò. Trừ chi phí, gia đình ông Giả có thu nhập khoảng 700 - 800 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Việt Bình, Phó chủ tịch UBND huyện An Biên, cho biết: Mô hình nuôi sò huyết xen vẹm xanh trên mặt nước bãi bồi ven biển đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con ở các xã Nam Yên, Nam Thái, Nam Thái A. Không những vậy, người dân ở đây có công ăn việc làm ổn định. Một hộ nuôi giúp 5-7 lao động thường xuyên có việc làm, thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, còn một lực lượng lớn lao động khi đến mùa vụ cào sò giống về bán lại cho các hộ nuôi. Từ khi thực hiện phát triển kinh tế biển, nhất là tập trung vào thả nuôi sò huyết xen vẹm xanh, đời sống người dân nơi đây khấm khá hơn, có điều kiện xây dựng nhà cửa, mua sắm tiện nghi, lo cho con cái ăn học và đóng góp xây dựng nông thôn mới.

 

 

Phương Anh
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top