Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 11 năm 2018 | 14:2

Phòng chống bệnh khảm trên cây mì

Gần đây, bệnh vi rút khảm hại sắn lây lan trên diện rộng tại Đông Nam Bộ, đặc biệt là ở Tây Ninh; ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nông dân, ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu mì (sắn).

san1.jpg
Tham quan mô hình trồng sắn tại ấp Hội An, xã Tân Hội (Tân Châu - Tây Ninh).

 

Gây hại nghiêm trọng

Sắn được xem là cây dễ trồng, ít kén đất, ít vốn đầu tư, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau và điều kiện kinh tế nông hộ; là cây thức ăn gia súc quan trọng; tinh bột sắn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị, thị trường đầu ra tốt.

Tuy nhiên, việc phát triển thiếu bền vững, tình trạng phá rừng trồng sắn, trồng sắn quảng canh năng suất thấp, ô nhiễm môi trường trong chế biến tinh bột sắn,... là những vấn đề nan giải, đặc biệt là dịch bệnh trên cây sắn. Trong đó, bệnh vi rút khảm lá sắn là bệnh hại nguy hiểm. Nếu nhiễm bệnh vào giai đoạn đầu có thể làm giảm năng suất đến 90%, thậm chí không cho thu hoạch. Bệnh lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống nên có nguy cơ lây lan rất nhanh, gây hại nghiêm trọng.

Tính đến tháng 10/2018, đã ghi nhận bệnh xuất hiện, gây hại tại các vùng trồng sắn của 12 tỉnh, thành phố (Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh và Long An) với mức độ gây hại khác nhau, nặng nhất tại  Tây Ninh (khoảng trên 90 % diện tích sắn bị nhiễm bệnh). Tính đến ngày 9/10/2018, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn (diện tích cộng dồn) ở 12 tỉnh, thành phố nêu trên là gần 40.000ha (tăng hơn 30.000ha so với năm 2017), trong đó tỷ lệ gây hại dưới 30%, khoảng 19.000ha; từ 30-70% gần 12.000ha; trên 70% gần 9.000ha. Khoảng 300ha bị bệnh quá nặng, không có khả năng cho năng suất đã được tiến hành tiêu hủy.

Biện pháp phòng trị

Phát biểu tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp phòng chống bệnh khảm trên cây mì (sắn)”, quyền Giám đốc TTKNQG TS. Trần Văn Khởi cho biết: “Bệnh khảm lá sắn rất nguy hại, lây lan nhanh, tác hại lớn. Một số khó khăn trong phòng chống bệnh khảm lá sắn như: Mùa vụ liên tục gối nhau nên dễ lây lan bệnh; nguồn giống sạch bệnh rất ít, đặc biệt Tây Ninh với diện tích nhiễm bệnh trên 90% thì không còn nguồn giống sạch cung cấp tại chỗ; khó phân biệt được cây bị bệnh và cây khỏe nên rất khó kiểm soát, ngăn chặn. Bên cạnh đó, giá sắn củ đang ở mức cao do các nhà máy thiếu nguồn nguyên liệu nên người dân có cảm giác ít thiệt hại về kinh tế. Tuy nhiên, đây chỉ là trạng thái tạm thời, thiếu bền vững, rủi ro cao và chắc chắn giá sắn củ tươi sẽ phải giảm. Ngoài ra, một số người còn chủ quan, ngại chuyển đổi sang các cây trồng khác”.

Hiện tại, chưa có bất kỳ nghiên cứu chuyên sâu nào về bệnh khảm sắn  và chưa có thuốc đặc trị; công tác phòng là chính. Giải pháp trước mắt được các nhà khoa học khuyến cáo:

Chọn giống kháng bệnh, không trồng các giống nhiễm bệnh nặng. Giống HLS11 nhiễm bệnh nặng (giống chưa được công nhận, mật độ bọ phấn trắng trên ruộng giống HLS 11 cao hơn nhiều so các giống khác), các giống KM 419, KM 140 nhiễm bệnh nhẹ hơn.             

Biện pháp luân canh: Không trồng mì hoặc cây ký chủ của bọ phấn (cây thuốc lá, bông, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, khoai tây, ớt…) ở những vùng đã bị bệnh khảm lá ít nhất một vụ.

Tập trung tiêu diệt bọ phấn trắng: Sử dụng bẫy dính có màu vàng treo trên đồng ruộng diệt bọ phấn trắng. Những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh cần điều tra phát hiện bọ phấn trắng, phun trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật vào giai đoạn ấu trùng.

Khoanh vùng và tiêu hủy nguồn bệnh theo quy trình của Cục Bảo vệ thực vật, tránh lây lan: Đối với các ruộng mì có tỷ lệ bệnh dưới 70% số cây bị nhiễm bệnh, tiến hành nhổ cây bị bệnh (bao gồm cả củ), thu gom và đốt; đối với các ruộng mì tỷ lệ bệnh trên 70% số cây bị nhiễm bệnh thì nhổ toàn bộ ruộng, thu gom và đốt (tiêu hủy toàn bộ ruộng); các ruộng mì có khả năng thu hoạch thì nhổ toàn bộ mì, tận thu củ, còn thân lá phải đem tiêu hủy.

Không vận chuyển, trao đổi hom giống và các bộ phận khác của cây khoai mì từ vùng bị nhiễm bệnh sang vùng chưa nhiễm bệnh để trồng mới và lưu thông đến các vùng khác, địa phương khác; tuyệt đối không sử dụng hom giống đã nhiễm bệnh khảm.

 

 

Đỗ Tuấn - Nguyễn Nhung
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top