Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 1 tháng 6 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 8 năm 2017 | 10:6

Phú Yên: Không quy hoạch vùng nuôi tôm hùm sẽ thành thảm họa

“Trong thời gian tới, nếu Phú Yên không quy hoạch chi tiết vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là quản lý vùng nuôi tôm hùm thì đó sẽ là thảm họa lớn, gây thiệt hại nặng nề cho người dân về kinh tế”, PGS.TS Nguyễn Phú Hòa, Trường đại học Nông lâm TP. Hồ Chi Minh cho biết như vậy tại Hội thảo “Giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi tôm hùm bền vững ở Phú Yên” do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức.

Toàn cảnh hội thảo

Tôm chết do ô nhiễm môi trường

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà, cho rằng, Phú Yên là một trong những tỉnh miền Trung có tiềm năng, thế mạnh về đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi trồng thủy sản lợ mặn. Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên hình thành từ năm 1990 với khoảng vài trăm lồng, bè. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 33.000 lồng nuôi, sản lượng thu hoạch đạt từ 650-680 tấn/năm; định hướng đến năm 2020 đạt 950 tấn/năm; giá trị đạt hàng ngàn tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngành nuôi thủy sản mặn lợ nói chung và nuôi tôm hùm nói riêng của tỉnh vẫn đang đối mặt với rủi ro cao về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Điển hình như đợt cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2017 đã xảy ra tình trạng tôm hùm chết hàng loạt trên vịnh Xuân Đài (TX. Sông Cầu), gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Theo thống kê của TX Sông Cầu, đợt cuối tháng 5 và đầu tháng 6-2017, số tôm chết lên đến 2 triệu con với gần 1.000 hộ nuôi ảnh hưởng.

Ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên phát biểu tại hội thảo

Theo ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi thồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tôm hùm phân bố khá rộng nhưng được nuôi tập trung ở 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, các tỉnh còn lại có nuôi như Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu nhưng khá ít. Năm 2016, sản lượng tôm hùm nuôi cả nước đạt hơn 1.300 tấn, chủ yếu là loài tôm hùm bông và tôm hùm xanh, đã đem lại nguồn thu hơn 3.500 tỷ đồng cho những người dân nuôi tôm hùm lồng. Địa phương nuôi nhiều nhất là Phú Yên (31.995 lồng, sản lượng 650 tấn) và Khánh Hòa (25.259 lồng, sản lượng 592 tấn), chiếm hơn 90% sản lượng tôm hùm nuôi lồng của cả nước (1.313 tấn), các tỉnh còn lại chỉ chiếm 3,5 dến 4%.

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi thồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản chia sẻ bên lề hội thảo

Tôm hùm thực sự là loài hải sản có giá trị cao, mang lại thu nhập đáng kể cho người nuôi. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh chóng số lượng lồng nuôi tại Phú Yên và Khánh Hòa đã xuất hiện sự ô nhiễm cục bộ và bùng phát dịch bệnh trên tôm hùm nuôi, gây thiệt hại lớn cho người dân những năm gần đây.

Năm 2016, có 7.124 lồng nuôi bị thiệt hại (chiếm 12,1%) tại hầu các tỉnh có nuôi tôm hùm như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Trong 3 tháng đầu năm 2017 đã có 17.514 lồng nuôi tôm hùm tại Phú Yên bị thiệt hại với tỷ lệ 10-20%. Các bệnh thường gặp là bệnh sữa, bệnh đỏ thân và đen mang, trong đó bệnh sữa xuất hiện nhiều nhất và gây thiệt hại nhiều nhất cho người nuôi. Riêng trong tháng 5-2017, Phú Yên đã có trên 769.000 con tôm hùm lồng (khoảng 400 tấn) bị chết, ước thiệt hại trên 700 tỷ đồng. Tỉnh này cũng đang giữ “kỷ lục” cả nước về thiệt hại tôm hùm lồng.

Thảm họa lớn nếu không quy hoạch chi tiết

Ngư dân Bùi Văn Nhân (xã Xuân Thịnh, TX. Sông Cầu, Phú Yên) đề nghị: “Tôi tha thiết đề nghị chính quyền và các nhà khoa học nghiên cứu nhanh chóng quy hoạch, quản lý chặt môi trường nuôi thủy sản. Bởi hàng ngày nhiều tấn thức ăn thừa, đủ loại rác thải, bao bì… chìm nổi lềnh bềnh, khiến các loài thủy sản ngộp thở, đặc biệt là tôm hùm nuôi nên năm nào cũng bị dịch bệnh, tôm chết hàng loạt. Thiệt hại, thua lỗ thì người nuôi gánh chịu”.

Ngư dân Bùi Văn Nhân tham gia đóng góp ý kiến

Theo PGS.TS Nguyễn Phú Hòa (Đại học Nông lâm TP. Hồ Chi Minh), hiện đang có một nhóm nhà khoa học tập trung ráo riết cho đề án độc lập “Nghiên cứu giải pháp xử lý ô nhiễm và quản lý môi trường vùng nuôi tôm hùm tập trung vịnh Xuân Đài, Sông Cầu, Phú Yên”. “Tôi thấy kinh hoàng khi chứng kiến tình trạng ô nhiễm chất thải tại vịnh Xuân Đài. Mỗi ngày có hàng trăm chất thải đủ loại từ các nhà bè, hoạt động nuôi tôm hùm, hồ nuôi tôm thẻ chân trắng… được xả thẳng xuống vịnh biển này. Lớp bùn độc ấy khi bị bục vỡ, đảo trộn trong nước gây ô nhiễm nặng cho vùng nuôi. Về môi trường, dịch bệnh, thiệt hại ở các vùng nuôi trồng trong thời gian tới, đặc biệt là tôm hùm nuôi chết sẽ tiếp diễn”, PGS.TS Nguyễn Phú Hòa nói.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho rằng, dù tỉnh đã có quy hoạch nuôi trồng thủy sản mặn lợ nhưng các địa phương chưa thực hiện quy hoạch chi tiết vùng nuôi, dẫn đến khó khăn về quản lý, giao, cho thuê mặt nước. Riêng TX. Sông Cầu đã phân vùng nuôi trồng thủy sản trên đầm vịnh cho các xã phường, tuy nhiên việc triển khai và quản lý theo quy hoạch, theo phân vùng được duyệt chưa hiệu quả, người nuôi phát triển tự phát, không khai báo...

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, cho hay, chính quyền đang đặc biệt đầu tư nguồn lực, giải pháp bảo vệ các vùng nuôi thủy sản. Về mặc quản lý, tỉnh sẽ sớm chỉ đạo các bộ phận quản lý vùng nuôi và kiểm soát vùng nước; giao trách nhiệm các địa phương quản lý người dân đóng mới, làm mới lồng bè không cho thả xuống vùng nuôi vượt quy hoạch. Tỉnh đang đặt hàng các nhà khoa học vào cuộc mạnh mẽ để cứu vãn môi trường, ổn định ngành kinh tế nuôi tôm hùm./.

Anh Thi

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tân Yên phấn đấu hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm OCOP

    Tân Yên phấn đấu hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm OCOP

    Huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang phấn đấu từ nay đến hết năm 2025 có trên 50 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Cùng với đó, huyện định hướng và có lộ trình phát triển sản phẩm vải sớm Phúc Hòa phấn đấu đạt tiêu chuẩn 5 sao trong thời gian tới.

  • Nhiều sản phẩm OCOP Phú Vang được đánh giá cao

    Nhiều sản phẩm OCOP Phú Vang được đánh giá cao

    Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) vừa tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2024 trên địa bàn huyện.

  • Phải chuẩn hóa rõ hơn về văn hóa nông thôn

    Phải chuẩn hóa rõ hơn về văn hóa nông thôn

    Tại kỳ họp thứ 7, QH khóa XV, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước sáng ngày 29/5, theo đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình), một trong những điểm sáng rất đáng ghi nhận là khu vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.

Top