Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 28 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 10 tháng 10 năm 2016 | 10:7

Ra mắt chương trình “Nông nghiệp sạch”

Ngày 10/10, tại Hà Nội, Đài truyền hình Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức buổi họp báo giới thiệu chương trình truyền hình “Nông nghiệp sạch”.

Theo đó, chương trình sẽ chính thức ra mắt khán giả trên truyền hình từ ngày 1/11/2016 vào 18 giờ 20 hàng ngày trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam.

 Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phát biểu tại buổi họp báo.

“Nông sản sạch” là chương trình truyền hình thực tế giới thiệu và quảng bá tới khán giả truyền hình cả nước các loại nông sản đặc sản của Việt Nam, các vùng nông nghiệp nổi tiếng của đất nước và các chuỗi sản xuất sạch hiện đang manh nha phát triển trên tất các tỉnh thành của đất nước.

3 miền đất nước, 7 vùng sinh thái nông nghiệp, 63 tỉnh thành, 3 vùng khí hậu suốt 4 mùa, thiên nhiên ban tặng cho dải đất hình chữ S điều kiện tự nhiên để phát triển nông nghiệp và sản xuất ra những nông đặc sản với chất lượng ít nơi bì kịp. Tài nguyên nhiều, tiềm năng lớn, câu chuyện còn lại chỉ là sản xuất theo chuỗi nông nghiệp sạch, phân phối, quản bá tới 90 triệu dân tiêu dùng Việt Nam.

Đây cũng chính là mục đích ra đời chương trình “Nông nghiệp sạch”, một sản phẩm truyền hình chưa từng có, một cánh tay nối dài của ngành nông nghiệp, một công cụ hữu hiệu để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng sản xuất hàng hóa và hướng mạnh tới thị trường.

Chương trình được thực hiện theo hình thức truyền hình thực tế với sự trải nghiệm sinh động của người dẫn chương trình và các phóng viên, tạo nên một kênh quảng bá hữu hiệu cho nông sản Việt Nam, từ đó truyền đi một thông điệp, một định hướng về một nền nông nghiệp xanh, sạch, hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững.

Ông  Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, chứng kiến lễ ký kết Thỏa thuận phối hợp chỉ đạo chương trình “Nông nghiệp sạch” phát sóng trên VTV.

Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam cho biết, chương trình cần vận động người nông dân muốn sản xuất an toàn và chỉ rõ chế tài để người sản xuất thấy được không thể không sản xuất an toàn. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ để người sản xuất thấy được sản xuất thực phẩm an toàn có lợi hơn làm thực phẩm không an toàn.

Đồng thời, để thấy được muốn sản xuất an toàn thì được hỗ trợ về thông tin, phương pháp sản xuất an toàn, mua đầu vào an toàn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, phải vận động mỗi hộ nông dân phải là một hộ sản xuất an toàn, không thể có xã nông thôn mới là xã sản xuất không an toàn vì đây chính là văn hóa của người Việt Nam.

Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Chương trình “Nông nghiệp sạch” chính là công cụ 3 chức năng. Vừa truyền thông, vừa hỗ trợ và vừa góp phần tiêu thụ sản phẩm rất quan trọng. Chúng ta hãy cùng nhau để nông nghiệp Việt Nam phải là nông nghiệp sạch và Việt Nam xuất khẩu phải là xuất khẩu sạch.

Tại cuộc họp báo, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - đơn vị tài trợ chính đã công bố chương trình tín dụng Nông nghiệp sạch - con đường nông sản Việt  trị giá 50 nghìn tỷ đồng cho một nền nông nghiệp sạch.

Ông Tiết Văn Thành - Tổng giám đốc Agribank.

Ông Tiết Văn Thành - Tổng giám đốc Agribank cho biết, chương trình tín dụng nông nghiệp sạch trị giá 50.000 tỷ đồng sẽ được Agribank dành cho vay phát triển sản xuất nông sản sạch tại tất cả các địa phương trong cả nước. Gói tín dụng này sẽ được triển khai cho vay từ ngày 1/11/2016 với đối tượng là tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại tham gia sản xuất trong chương trình, chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch.

Agribank cũng cam kết sẽ hỗ trợ với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5 - 1% so với lãi suất vay ngoài thị trường nhằm hỗ trợ tối đa cho sản xuất nông nghiệp sạch nói riêng và phát triển nông nghiệp nói chung.

Hoàng Văn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Top