Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 16 tháng 11 năm 2019 | 12:15

Sự kiện 24/7: Năm 2018, diện tích nhóm đất NN là 27.289.454ha

Ngày 13/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 2098/QĐ-BTNMT phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai của cả nước năm 2018.

dat-nn.jpg

Kết quả thống kê diện tích đất đai của cả nước năm 2018 (tính đến ngày 31/12/2018) như sau:

Tổng diện tích tự nhiên là 33.123.597 ha, bao gồm: Diện tích nhóm đất nông nghiệp là 27.289.454 ha; diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 3.773.750 ha; diện tích nhóm đất chưa sử dụng là 2.060.393 ha.

Số liệu thống kê diện tích đất đai năm 2018 được sử dụng thống nhất trong cả nước.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo việc công khai và cung cấp kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2018 của địa phương cho các tổ chức, cá nhân để sử dụng thống nhất theo quy định.

Gần 1.000 tỷ đồng bồi thường, GPMB cao tốc TPHCM-Mộc Bài đoạn qua Tây Ninh

UBND tỉnh Tây Ninh đã thông qua tờ trình của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh về quy mô, số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện đường cao tốc TPHCM-Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh.

 

cao-toc.jpg

Tuyến đường cao tốc TPHCM-Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh sẽ đi qua huyện Trảng Bàng, Gò Dầu và Bến Cầu, có tổng chiều dài 26,3 km. Điểm đầu giáp ranh giữa huyện Củ Chi (TPHCM) và huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), điểm cuối kết nối với Quốc lộ 22 hiện hữu, trước Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài khoảng 2 km về phía Bắc.

Quy mô hoàn chỉnh của tuyến cao tốc đoạn qua tỉnh Tây Ninh là 6 làn xe chạy, mỗi làn rộng 3,75 m với tốc độ thiết kế 120 km/giờ.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh Tây Ninh cho TTXVN biết, diện tích đất được thu hồi để thực hiện đường cao tốc (qua địa phận tỉnh Tây Ninh) dự kiến là gần 224 ha, với số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng dự kiến gần 1.000 tỷ đồng. Kinh phí bồi thường được sử dụng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Trước đó, vào ngày 14/10/2019, dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM-Mộc Bài được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương và giao UBND TPHCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp triển khai.

Toàn tuyến cao tốc có tổng chiều dài 53,5 km, điểm đầu là nút giao thông đường vành đai 3 (huyện Hóc Môn, TPHCM), đi song song với Quốc lộ 22. Điểm cuối cách Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài 2 km về hướng phía Bắc. Theo thiết kế hoàn chỉnh, tuyến cao tốc đoạn TPHCM có 8 làn xe, đoạn qua tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe.

Trong điều kiện nguồn vốn của Trung ương đang khó khăn, TPHCM và Tây Ninh cam kết sẽ sử dụng ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng trên địa phận mình quản lý, nhanh chóng giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư.

Ngày 26/10 vừa qua, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh và UBND TPHCM tổ chức hội nghị ký kết kế hoạch triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM-Mộc Bài. Theo đó, mỗi bên cam kết sẽ đền bù, giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, bảo đảm đến năm 2025 sẽ đưa vào sử dụng tuyến đường này, góp phần giảm áp lực vận tải cho Quốc lộ 22, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội hai địa phương và khu vực.

Tuyến cao tốc TPHCM-Mộc Bài kết nối với các tuyến vành đai 3, vành đai 4, có vai trò tăng cường kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hành lang kinh tế Đông-Tây, đường xuyên Á qua cao tốc Phnom Penh Bavet (Campuchia), có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của hai địa phương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - khu vực Tây Nam Bộ.

Cao tốc TPHCM-Mộc Bài với quy mô đầu tư lên tới gần 10.700 tỷ đồng, góp phần rút ngắn thời gian tới cửa khẩu trong vòng chưa tới một giờ, có ý nghĩa quan trọng trong kết nối vùng và phát triển kinh tế đối ngoại.

Vụ gian lận thi cử ở Sơn La: Thêm 3 Đảng viên bị kỷ luật cảnh cáo

Ủy Ban kiểm tra các cấp tỉnh Sơn La vừa ban hành thêm 3 Quyết định kỷ luật các đảng viên do có vi phạm liên quan đến vụ gian lận thi cử ở tỉnh này.

 

gian-lan-thi-cu.jpg

Theo đó, các Quyết định số 147, 148, cùng ngày 7/11/2019, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã quyết định xử lý kỷ luật ông Trần Văn Phúc, Bí thư Chi bộ, Hiệu Trưởng trường THPT Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La và bà Nguyễn Thị Dung, Bí thư Chi bộ, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, Sơn La bằng hình thức cảnh cáo; Quyết định số 42, ngày 12/11/2019 của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Sơn La quyết định xử lý kỷ luật bà Nguyễn Thị Hương, Chi ủy viên Chi bộ 1, Đảng ủy Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La bằng hình thức cảnh cáo.

Cả 3 trường hợp này đều là các đối tượng trung gian, đã nhờ “xem điểm” cho một số thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia tỉnh Sơn La năm 2018.

Các trường hợp Nguyễn Thị Ngọc Thúy, đảng viên Chi bộ Khoa học – Xã hội, Đảng bộ Trường Đại học Tây Bắc và Nguyễn Thị Kim, đảng viên, Chi bộ Thể dục – Sử - Địa – GDCD – Văn Phòng, Đảng bộ Trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La, tỉnh Sơn La hiện nay chưa đủ căn cứ để xem xét xử lý, chờ sau khi Tòa án nhân dân xét xử vụ án, bản án có hiệu lực pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền sẽ xem xét xử lý kỷ luật theo quy định.

Như vậy, cho đến nay, trong vụ gian lận thi cử tại Sơn La năm 2018, tổng cộng đã có 95 Đảng viên bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức từ kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm cho đến khai trừ và cách tất cả các chức vụ trong Đảng, cũng như mọi chức vụ về mặt chính quyền.

Hiện nay còn 4 trường hợp chưa xử lý kỷ luật; trong số này có 2 trường hợp là những đảng viên ngoài Đảng bộ tỉnh Sơn La (Trực thuộc Đảng ủy Cục C10, Đảng ủy Công an Trung ương) và 2 trường hợp đang trong giai đoạn thai sản, chưa xem xét hình thức kỷ luật.

Vì sao hàng trăm nhân viên đường sắt Cát Linh - Hà Đông đồng loạt bỏ việc?

28% trong tổng số gần 1.000 nhân viên vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đào tạo đã bỏ việc do dự án chậm tiến độ.

 

cat-linh-ha-dong.jpg

Ngày 15-11, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 11 HĐND khóa XV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đã dành nhiều thời gian trả lời các câu hỏi của cử tri về các vấn đề của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông và dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

Với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Nguyễn Đức Chung cho biết ông vừa làm việc với Phó Giám đốc Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (tổng thầu dự án) để đốc thúc tiến độ dự án. 

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ do 4 vấn đề lớn. Cụ thể, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước phải đánh giá mức độ an toàn toàn bộ hệ thống đường sắt này. Nếu chưa có kiểm định toàn bộ hệ thống thì không ai dám cho tàu chạy. Dự án Cát Linh - Hà Đông chưa thể kiểm định được vì phải đợi tổng thầu chứng minh được toàn bộ nguồn gốc xuất xứ thiết bị của tuyến đường sắt.

"Tổng thầu đã hứa sẽ cung cấp sớm để Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu toàn bộ dự án. Nếu như mọi việc suôn sẻ, và chúng tôi cũng đang cố gắng làm theo chỉ đạo của Thủ tướng là hết tháng 12 đưa tuyến đường sắt vào vận hành" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Liên quan đến vấn đề kiểm toán dự án, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định quan điểm là bất kể dự án đầu tư FDI hay dự án vốn ODA của nước nào thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, đều phải chấp hành theo pháp luật Việt Nam. Do vậy, các cơ quan kiểm toán Việt Nam hoàn toàn có quyền kiểm toán, và đơn vị liên quan "có quyền trình tài liệu, chứ không thể nói không" với cơ quan chức năng.

Còn những vấn đề liên quan đến nguồn gốc xuất xứ các thiết bị của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, theo ông Nguyễn Đức Chung, các bộ ngành liên quan đang yêu cầu tổng thầu phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải cung cấp theo nội dung hợp đồng đã ký.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Chung, hiện TP Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đã đào tạo gần 1.000 nhân viên để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Tuy nhiên, do dự án chậm tiến độ, nên trong năm vừa qua có tới 28% công nhân của dự án đã bỏ việc. Điều này làm cho TP gặp rất nhiều khó khăn.

Với dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết chậm nhất đến tháng 5-2020, đoàn tàu thứ nhất sẽ được bàn giao tại Việt Nam. TP Hà Nội dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ đưa vào vận hành 8 km trên cao, tuyến đường sắt này. Đến quý II năm 2021 sẽ vận hành nốt 4 km đi ngầm.

"Vừa qua chúng tôi có sang Pháp thăm nhà máy sản xuất đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội. Tôi chắc chắn rằng đoàn tàu này rất chất lượng" - ông Nguyễn Đức Chung khẳng định.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Chủ động liên kết, phát huy sức mạnh của Hội trong phát triển kinh tế VAC thời kỳ mới

    Chủ động liên kết, phát huy sức mạnh của Hội trong phát triển kinh tế VAC thời kỳ mới

    Xuyên suốt các hoạt động trong thời gian qua và sắp tới, Hội Làm vườn Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm vấn đề hợp tác, phối hợp công tác của Hội với ngành Nông nghiệp và PTNT, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức hội, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan trong và ngoài nước.

  • ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    Trước tình trạng hạn, mặn ngày càng diễn ra nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất đã thích ứng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu được dự báo sớm và biết cách thích ứng tốt, nông dân vẫn có thể sống khỏe giữa hạn, mặn.

  • Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất đai bằng phẳng, những năm qua người dân xã Phúc Trạch, xã Hương Khê (Hà Tĩnh) không ngừng mở rộng diện tích trồng cây gió trầm. Với nhiều chính sách khuyến khích trong đầu tư phát triển kinh tế, nhất là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, cây gió trầm đã góp phần quan trọng giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Top