Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 10 tháng 12 năm 2017 | 7:17

Sự kiện 24/7: Ông Đinh La Thăng bị bắt, BOT Cai Lậy ngừng thu phí 1-2 tháng

Nóng nhất trong tuần qua phải kể đến việc ông Đinh La Thăng bị bắt; sau những ngày “nóng bỏng”, BOT Cai Lậy đã dịu lại khi Thủ tướng quyết định dừng thu phí 1-2 tháng, kéo theo hàng loạt các trạm BOT khác giảm phí hoặc đề xuất giảm phí; cùng nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến văn hóa, xã hội.

Quyết định bắt giam ông Đinh La Thăng và em trai

Tối 8/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên ủy viên Bộ Chính trị) về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt giam vì cố ý làm trái quy định của Nhà nước về trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Việc khởi tố, bắt tạm giam ông Thăng nằm trong quá trình điều tra mở rộng vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại PVN, gây thiệt hại 800 tỉ đồng của PVN góp vốn vào OceanBank và vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Trước đó, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã ký Quyết định 631-QĐNS/TW về việc đình chỉ sinh hoạt đảng đối với đồng chí Đinh La Thăng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bất thường, thông qua 2 nghị quyết với sự đồng thuận của tất cả Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt, về việc cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.

Chỉ sau đó 24 tiếng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh Mạnh Thắng (55 tuổi), Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư  và Thương mại Dầu khí Sông Đà về hành vi tham ô tài sản.

Đáng chú ý, ông Đinh Mạnh Thắng là em trai của ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam.

Được biết, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà tiền thân là một xí nghiệp thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Đến nay, Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã thoái hết vốn tại công ty này. Trước đây, ông Đinh La Thăng đã giữ trọng trách là người đứng đầu Tập đoàn dầu khí Việt Nam.

Bộ Công thương đề nghị xử lý kỷ luật 6 cựu lãnh đạo PVN

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương vừa có báo cáo đề xuất xử lý 6 cựu lãnh đạo PVN do sai phạm liên quan đến các đại dự án nghìn tỉ thua lỗ.

Cụ thể, 6 cá nhân này bao gồm: bà Phan Thị Hòa, nguyên ủy viên HĐQT PVN từ tháng 12-2006 đến tháng 10-2010 và ông Hoàng Xuân Hùng, nguyên thành viên HĐQT PVN từ tháng 12-2006 đến tháng 4-2012.

Hai người tiếp theo gồm ông Vũ Khánh Trường, nguyên thành viên HĐQT PVN từ tháng 4-2009 đến tháng 9-2015 và ông Nguyễn Xuân Thắng, nguyên thành viên HĐTV PVN từ tháng 1-2011 đến tháng 3-2015.

Hai người cuối cùng là ông Đỗ Văn Đạo, nguyên thành viên HĐQT PVN từ tháng 12-2006 đến năm 2009 và ông Nguyễn Thanh Liêm, nguyên thành viên HĐTV PV từ tháng 11-2010 đến tháng 3-2015.

Ông Hải cho biết, việc Bộ Công Thương đề xuất hình thức kỷ luật các tập thể, cá nhân sai phạm là thực hiện theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. 

Các cá nhân này không chỉ liên quan đến việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học và dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, mà còn sai phạm khi chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc giám sát đại diện phần vốn tại một số doanh nghiệp ngành dầu khí.

Tuy nhiên, vì các cán bộ này đã nghỉ hưu nên ông Hải cho biết đó mới chỉ là báo cáo đề xuất và còn phải chờ ý kiến các cơ quan mới có thể quyết định áp dụng hình thức kỷ luật cụ thể. 

Tạm dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy 1-2 tháng; các trạm BOT đồng loạt giảm giá

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy từ 1-2 tháng để Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn.

Sau BOT Cai Lậy, nhiều dự án khác đã giảm giá hoặc đề xuất giảm giá thu phí.

Thủ tướng nhấn mạnh có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa. 

Trên tinh thần đó, trong khi Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện phương án cuối cùng trình Thường trực Chính phủ quyết định, các cơ quan liên quan cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm như khai tăng khối lượng, cũng như xem lại mức phí và vị trí đặt trạm thu phí để vừa bảo đảm quyền lợi của người dân, vừa góp phần thúc đẩy các dự án BOT giao thông. Kiên quyết không được để vấn đề kinh tế phát sinh thành các bất ổn xã hội.

* UBND Lâm Đồng quyết định giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tuyến cao tốc Liên Khương - Prenn (Đà Lạt). Tuyến cao tốc này được xây dựng theo hình thức BOT, có trạm thu phí Định An nằm trên Quốc lộ 20, ngay cửa ngõ Đà Lạt. Cụ thể, so với mức giá cũ ôtô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn sẽ được giảm 6.000 đồng xuống còn 30.000 đồng mỗi lượt; ôtô từ 12 ghế, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 40.000 đồng (giảm 8.000 đồng).

Ôtô 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn mức thu 50.000 đồng (giảm 10.000 đồng); xe tải từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở hàng container 20 feet mức thu 85.000 đồng (giảm 11.000 đồng). Được giảm nhiều nhất trong đợt này là xe tải có trọng tải trên 18 tấn, xe chở hàng bằng container 40 feet giảm 22.000 đồng xuống còn 170.000 đồng.

Mức thu giá mới sẽ áp dụng từ ngày 18/12.

* Lãnh đạo tỉnh Bình Định làm việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đồng loạt giảm giá 3 trạm thu phí BOT ở địa phương này. Trước đó, tháng 10/2017, Bộ Giao thông Vận tải từng có chủ trương giảm phí đối với các phương tiện xung quanh trạm thu phí BOT ở Bình Định. 

Cụ thể, hai trạm thu phí BOT Nam Bình Định (thị xã An Nhơn) và Bắc Bình Định (huyện Hoài Nhơn) dự kiến giảm giá chung: Loại 1 còn 25.000 đồng; loại 2 xuống 45.000 đồng; loại 3 là 70.000 đồng; loại 4 là 115.000 đồng; loại 5 là 175.000 đồng.

Việc giảm giá cho phương tiện ở địa phương, vùng lân cận trạm thu phí BOT phía bắc, gồm ba huyện: Hoài Nhơn, Hoài Ân và An Lão, áp dụng loại 1 đối với ôtô không tham gia hoạt động kinh doanh, xe biển xanh, xe buýt, xe chở rác.

Trạm thu phí BOT phía nam giảm 50% so với mức giá chung sau giảm giá, với ôtô ở các địa phương: Huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn và 7 xã thuộc huyện Phù Cát (Cát Tân, Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Thắng, Cát Chánh, Cát Tiến) .

Buýt sông Sài Gòn hút khách

Mặc dù đã hết trợ giá cho hành khách đi xe bus đường sông, nhưng lượng người đổ về đây ngày càng tăng. Với nhiều người dân TP.HCM đây là cơ hội để họ được ngắm cảnh sông Sài Gòn.

Người dân xếp hàng mua vé buýt sông Sài Gòn.

Chủ đầu tư tuyến buýt đường sông số 1 Bạch Đằng - Linh Đồng cho biếtsau khi nắm bắt khung giờ đi buýt đường sông thích hợp của người dân, từ ngày mở bán vé, thời gian chạy tàu cũng thay đổi ở một số bến.

Tuyến bus đường sông đầu tiên này có chiều dài khoảng 11km và đi qua các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Tại bến Bạch Đằng, tàu chạy vào các khung giờ: 8h30, 9h30, 11h30, 14h30, 15h30 và 17h30; còn tại bến Linh Đông: xuất phát lúc 7h, 8h, 10h, 13h, 14h và 16h. Giá vé từ 15.000 đồng/người/1 lượt, mỗi tuyến bus có sức chứa 75 hành khách.

Theo chủ đầu tư, thay đổi thời gian chạy tàu ở một số bến khiến người dân bỡ ngỡ đôi chút, nhưng họ khá hào hứng với loại hình giao thông mới này. Tuy nhiên, thời gian xuất phát giữa các tuyến cách nhau quá dài, nên phải chờ từ 1 - 2 tiếng mới được đi tàu. Rất nhiều người mua vé sớm nhưng phải chờ chuyến sau nên hơi khó chịu.

Bài chòi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể

Lúc 15h10 ngày 7-12, phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003, lần thứ 12 của UNESCO tại Hàn Quốc, di sản nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo thông tin từ Cục Di sản văn hoá, nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học.

Bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Bài chòi có hai hình thức chính: chơi Bài chòi và trình diễn Bài chòi. Chơi Bài chòi liên quan đến một trò chơi thẻ bài trong chòi tre vào Tết Nguyên đán. 

Trong các buổi trình diễn của Bài chòi, anh chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói, hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác hoặc trong những dịp riêng tư của các gia đình.

Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), di sản Hát Xoan của Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại,  tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra sáng 8/12 tại đảo Jeju (Hàn Quốc).

Đây là di sản đầu tiên trên thế giới có sự chuyển đổi đặc biệt từ Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Danh Hùng (tổng hợp)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Tây Nguyên, niềm tin và khát vọng

    Tây Nguyên, niềm tin và khát vọng

    Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách, chương trình và niềm tin, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên; 49 năm sau nước nhà thống nhất, miền đất đại ngàn hùng vĩ phía tây Tổ quốc đã đổi thay vượt bậc.

  • Ngư dân Hà Tĩnh trúng hơn 1,2 tấn cá chim vây vàng, thu về gần 300 triệu đồng

    Ngư dân Hà Tĩnh trúng hơn 1,2 tấn cá chim vây vàng, thu về gần 300 triệu đồng

    Một ngư dân ở Hà Tĩnh vừa thả lưới bắt được mẻ cá vàng dương (thường gọi là cá chim vàng), trọng lượng hơn 1,2 tấn, thu về hơn 300 triệu đồng.

  • Dứa ngọt trên vùng đất khó ở Krông Bông

    Dứa ngọt trên vùng đất khó ở Krông Bông

    Cư Drăm là xã vùng sâu vùng xa của huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây không thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp. 5 năm trở lại đây, nhờ trồng dứa mà nhiều gia đình ở Cư Drăm đã có cơ hội để thoát khỏi đói nghèo.

Top