Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 6 tháng 12 năm 2015 | 1:38

Thương lái Trung Quốc lùng mua heo “siêu mỡ”: Liệu có điều gì bất thường?

KTNT- Trong khi nhiều địa phương đang đẩy mạnh chương trình nạc hóa đàn lợn theo đúng xu hướng chăn nuôi của thế giới thì thời gian gần đây có thông tin thương lái Trung Quốc lùng mua loại heo “siêu mỡ” với giá cao khiến nhiều người không khỏi hoang mang. Mục đích của hành động này là gì, phải chăng chỉ vì thị hiếu của người tiêu dùng (như họ nói) hay là một hành vi phá hoại trá hình?

Heo mỡ được giá

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thương lái Trung Quốc mua heo “siêu mỡ” là bất thường.

Loại heo trên 100kg nhiều mỡ, ít nạc ở miền Tây thường khó bán thì nay lại được nhiều thương lái lùng mua với giá cao. Ông Tuấn, một hộ nuôi tại huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, vừa bán lứa heo có cân nặng trung bình trên 100kg cho thương lái ở Đồng Tháp với giá bằng với heo loại một. Trước đây, heo có trọng lượng như thế này khá khó bán, vì người mua cho rằng loại này mỡ nhiều, ít nạc.

Theo các hộ chăn nuôi, nhóm thương lái này thông qua  “cò” ở địa phương đến vùng nông thôn để chuyên săn lùng loại heo “siêu mỡ”. “Hỏi thì họ nói là mua đem về Đồng Tháp bán cho thương lái Trung Quốc  chuyển về nước. Không biết họ mua làm gì nhưng nông dân bán được giá cao là mừng rồi”, một hộ chăn nuôi cho biết.

Còn tại Cà Mau, thời gian qua cũng xuất hiện thương lái ở một số tỉnh khác tìm về mua loại heo trên. Anh Nguyễn Văn Đảo, ngụ huyện Phú Tân cho biết, trên thị trường hiện nay heo hơi chất lượng tốt có giá 33.000-34.000 đồng/kg cho loại dưới 100 kg, còn heo có trọng lượng trên 100kg, thương lái ở địa phương đều chê.

“Thương lái tại chỗ thì không mua, trong khi nhóm thương lái ngoài tỉnh lại lùng cho bằng được. Đặc biệt là giá của heo “siêu mỡ” ngang bằng, thậm chí cao hơn heo hơi có chất lượng tốt”, anh Đảo nói.

Ông Hân, thương lái thu gom heo ở huyện Cái Nước, cho biết: “Vài tháng trước có thương lái từ tỉnh Đồng Tháp xuống đặt hàng ông thu gom loại heo có mỡ nhiều để bán cho họ. “Việc họ yêu cầu cung cấp giống lợn có nhiều mỡ khiến tôi cũng bất ngờ. Vì mấy năm nay, loại heo này thị trường không chuộng, nên số lượng nuôi trong dân giảm mạnh. Hiện nay, bà con chủ yếu nuôi lợn có chất lượng thịt nạc nhiều”, ông Hân nói.

Các thương lái cho biết, họ mua về bán lại cho thương lái Trung Quốc. Họ nói người Trung Quốc đang rất chuộng thịt lợn nhiều mỡ. Nếu thương lái nào gom được số lượng nhiều sẽ được thưởng. Theo đó, lợn mua từ các nơi về sẽ tập kết ở đầu mối tại Đồng Tháp, sau đó chuyển ra Hà Nội để xuất sang Trung Quốc. “Tuy nhiên, đến giờ tôi vẫn chưa mua được lô hàng nào”, ông Hân cho biết thêm.

Chị Trần Thị Mỹ Duyên ở huyện Đầm Dơi (Cà Mau) cho biết: “Mới đây, thương lái đến  hốt sạch đàn lợn quá lứa của gia đình mà không màng đến chuyện lợn có nhiều thịt nạc hay không. Họ mua với giá trên dưới 3,4 triệu đồng/tạ”.

Trên thực tế, thời gian qua, giá lợn hơi (loại tốt, nhiều nạc) ở thị trường Cà Mau liên tục sụt giảm (từ 800.000 - 1 triệu đồng/tạ) so với đầu năm 2015, khiến cho không ít người nuôi lo lắng. Nhưng sau đó, sự xuất hiện của nhóm thương lái thu mua lợn siêu mỡ với giá cao đã tạo bất ngờ cho hộ chăn nuôi.

Là một trong những hộ nuôi lợn lâu năm với quy mô lớn ở huyện U Minh, anh Tô Văn Sáng vừa mừng, vừa lo: “Thông tin lợn có lượng mỡ nhiều đang được thu mua với giá cao khiến cho người nuôi phấn khởi. Vì loại này chủ yếu có nguồn giống ở địa phương, chi phí đầu tư không cao. Trong khi giống lợn có chất lượng tốt (mỗi con giống trên dưới 1,5 triệu đồng), cộng tiền thức ăn, phí chăm sóc... thì chi phí rất cao, nhưng với giá hiện tại người nuôi không có lãi nhiều”.

Được biết, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh chương trình cải tạo nạc hóa đàn lợn, vì vậy, việc gần đây nhiều thương lái lùng mua heo “siêu mỡ” giá cao là điều hết sức bất thường, đáng lo ngại cho hoạt động sản xuất.

Nguy cơ bị phá hoại

Trong khi người nuôi lợn đang phấn khởi vì loại lợn siêu mỡ có đầu ra, thì các chuyên gia kinh tế lại lo ngại vì chúng ta có quá nhiều bài học thiệt hại về việc thương lái Trung Quốc sang thu mua nông sản và các loại hàng hoá khác.

Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau, cho biết, hiện toàn tỉnh có tổng đàn lợn khoảng 800.000 con, với 18 trang trại nuôi có quy mô lớn.

Theo ông Huy, Cà Mau đang khuyết khích người nuôi phát triển các loại giống lợn có chất lượng thịt nạc nhiều, đáp ứng nhu cầu của tiêu thụ của thị trường. “Nhiều năm qua, các loại lợn nhiều mỡ (nguồn giống không được lai tạo - PV) không được người dân nuôi nhiều. Thế nhưng, khi các hộ nuôi đang dần hình thành mô hình chăn nuôi mới thì việc thương lái Trung Quốc thu mua giống lợn nhiều mỡ là điều đáng lo ngại. Đây có thể là chiêu phá hoại nền chăn nuôi. Việc họ thu mua giá cao hơn mức bình thường trên thị trường hiện nay sẽ khuyến khích người dân tái sản xuất đàn lợn không có chất lượng tốt, đến khi số lượng tổng đàn tăng cao thì họ không thu mua nữa, chúng ta sẽ thiệt hại lớn”, ông Huy cảnh báo.

Nói về hiện tượng bất thường này, ông Nguyễn Văn Tranh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: Sở đã có văn bản gửi Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện trên địa bàn, yêu cầu tăng cường kiểm tra, nắm thông tin về việc thương lái Trung Quốc lùng mua lợn có lượng mỡ nhiều để xuất sang nước này, báo cáo về Sở để có hướng xử lý kịp thời. Văn bản nêu rõ: Ở góc độ người dân, thương lái thu mua lợn siêu mỡ giúp đầu ra dễ tiêu thụ, giá lợn tăng, đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc rất bất thường và việc làm ăn với thương lái Trung Quốc thường không có hợp đồng rõ ràng nên dễ bị động. Khi heo được thu gom ồ ạt để xuất sang Trung Quốc vào dịp cuối năm sẽ gây cơn sốt giá thực phẩm và nguồn cung sụt giảm. Khi thương lái ngừng thu mua, giá heo hơi giảm đột ngột, người chăn nuôi sẽ thua lỗ.

Ông Phạm Thế Tài, Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết, lực lượng thanh tra sẽ tăng cường kiểm tra, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý hoạt động thu mua bất thường của các thương lái Trung Quốc.

Còn Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bạc Liêu, ông Lương Ngọc Lân cho biết: “Tổng đàn lợn trên địa bàn là 250.000 con. Tuy chưa xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua heo siêu mỡ giá cao, nhưng theo thông tin trên báo chí thì đây rõ ràng là điều đáng lo ngại, ngành chức năng cần vào cuộc kịp thời để hạn chế tối đa thiệt hại”.

Có thể khẳng định, việc thương lái Trung Quốc ồ ạt mua heo “siêu mỡ” là hiện tượng bất thường, không loại trừ khả năng đây là  hành vi phá hoại sản xuất trong nước. Các địa phương cần kiểm soát chặt tình hình, khuyến cáo nông dân không nên nóng vội, chạy theo nhu cầu thị trường trước mắt mà phá vỡ cơ cấu chăn nuôi đang có.

 

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, đây không phải lần đầu tiên thương lái Trung Quốc thu mua lợn mỡ ồ ạt từ Việt Nam. Ở góc độ người chăn nuôi thì sẽ thấy mừng, vì nhờ thương lái mua thịt lợn đem xuất sang Trung Quốc đã giúp đầu ra dễ tiêu thụ sản phẩm, giá lợn tăng giúp nông dân có lãi.

Tuy vậy, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng cảnh báo: Thị trường Trung Quốc rất thất thường, có lúc họ nhập ồ ạt rồi lại dừng.

Nhu cầu tiêu thụ lợn mỡ trong nước không cao, do đó, nếu phía Trung Quốc ngừng nhập thì người chăn nuôi sẽ chịu thiệt thòi lớn. Họ có thể mua lợn mỡ ào ào với giá cao rồi không mua nữa thì người nông dân phải bán những con lợn hàng trăm kg như vậy với giá bèo bọt.

Chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT là đề nghị các tỉnh điều tiết việc xuất khẩu ồ ạt thịt lợn, đồng thời, đẩy mạnh chăn nuôi lợn và các sản phẩm gia cầm bổ sung để đảm bảo bình ổn thị trường cuối năm.

P.V (tổng hợp)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top