Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 3 tháng 5 năm 2020 | 16:14

Tin NN miền Trung: Nghệ An gặt lúa xuân sớm để “chạy lũ”

Còn khoảng nửa tháng nữa, Nghệ An mới bắt đầu gặt vụ lúa xuân, song bà con ở những vùng trũng đã gặt sớm để “chạy lũ” và giao lúa hè thu.

Theo đó, vẫn còn nửa tháng nữa lúa vụ xuân của Nghệ An mới bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ, nhưng tại nhiều vùng sâu trũng bà con đã ra đồng gặt lúa nhằm "chạy lụt" và gieo vụ hè thu.

 

lua-19.jpg

 Lúa đã được thu hoạch tại xóm ngoài đê, xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Phú Hương

 

Hiện, huyện Nghi Lộc có trên 1.000 ha sản xuất lúa thuộc vùng sâu trũng, tập trung ở các xã nằm dọc kênh Nhà Lê như Nghi Hoa, Nghi Thuận, Nghi Long, Nghi Đồng, Nghi Trung…

Còn gần 1 tháng nữa lúa vụ xuân của mới vào vụ thu hoạch rộ, nhưng hiện, ở một số vùng sâu trũng tại các xã Nghi Đồng, Nghi Thạch… đã bắt đầu thu hoạch. 

Xã Nghi Đồng có 392 ha lúa, trong đó có 20 ha vùng hè thu chạy lụt, bà con đã ra đồng gặt từ 3 ngày nay. Với 3 sào cấy nếp và lúa VTNA6, chỉ trong 1 ngày gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, ở xóm 1 đã gặt xong. 

“Năng suất đạt 3,2 tạ/sào, cao hơn năm ngoái, nhờ sâu bệnh ít, nước tưới đầy đủ”, ông Hùng phấn khởi cho hay.

Ông Trần Bá Chính - cán bộ nông nghiệp xã Nghi Đồng, cho biết: Xã nằm cuối hệ thống bara Nghi Quang, mỗi khi có mưa lụt, nguồn nước từ nhiều nơi đổ về, nên năm nào bà con cũng phải thu hoạch sớm vụ xuân, để đảm bảo gieo cấy lúa hè thu, gặt xong trước ngày 30/8.

Vụ xuân năm nay, năng suất lúa dự kiến đạt 62- 63 tạ/ha. 

 

Tại huyện Hưng Nguyên, một số xã vùng sâu trũng, nằm ven sông Lam, cũng đã bắt đầu vào vụ. Gia đình ông Võ Văn Thành ở xóm 1, xã Châu Nhân có 4 sào lúa, đã bắt đầu gặt từ ngày 30/4, năng suất đạt 2,4- 2,5 tạ/sào.

Là vùng ngoài đê, năm nào cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lụt, nên cách đây 10 ngày, ông Thành đã bắc mạ. “Vài ngày nữa, lúa gặt xong, tôi làm đất luôn, để cấy vụ hè thu, đảm bảo thu hoạch trước ngày 25/8”, ông Thành cho biết. 

Hiện, Nghệ An có gần 7.000 ha lúa cấy trà đầu, trổ từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 dương lịch, hiện, đã bắt đầu cho thu hoạch.

Theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện tại thời tiết đang diễn biến phức tạp, giai đoạn chuyển mùa, chuẩn bị đến tiết tiểu mãn, thường có mưa lụt, nên bà con cần khẩn trương  thu hoạch, khi lúa chín khoảng 75- 80% theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nhất là những vùng sâu trũng.

“Năm nay là năm nhuận, nên những diện tích đã bắt đầu thu hoạch, bà con nên để đất nghỉ từ 7- 10 ngày sau khi gặt, có thời gian phân hủy gốc rơm rạ, giảm ngộ độc hữu cơ, đặc biệt ở những chân ruộng thấp trũng, đất hẩu”, ông Lập khuyến cáo.

Hà Tĩnh: Nông dân phấn khởi vì thu hoạch lạc sớm, được giá

Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, khiến cây lạc không cho nhiều củ như mong đợi. Tuy nhiên, nông dân Thạch Văn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) vẫn vô cùng phấn khởi, bởi lạc bán được với giá cao.

 

lac-lay.jpg

 Chị Phan Thị Bảy (Chủ nhiệm HTX Hằng Bảy) kỳ vọng về vụ lạc 2020

 

Chị Phan Thị Nga (HTX rau củ quả Thuận Hoà - Thạch Văn) phấn khởi: “HTX chúng tôi trồng hơn 1 ha lạc. Gần 1 tuần nay, đồng lạc bước vào mùa thu hoạch nên chúng tôi vô cùng bận rộn. Tuy vất vả nhưng ai cũng vui, bởi năm nay lạc có giá hơn 18 ngàn đồng/kg (năm 2019 giá 12 ngàn đồng/kg).”

Cùng chung niềm vui khi lạc được giá, xã viên Tổ hợp tác rau củ quả Đại Việt (thôn Bắc Văn, Thạch Văn) có thêm động lực bám đồng. Chị Phan Thị Đào cho hay: “Tuần qua, trung bình mỗi ngày, chúng tôi thu được 1 tạ lạc tươi. Hiện đã có rất nhiều thương lái đến thu mua với giá 20 ngàn đồng/kg”.

Trong khi đó, mặc dù hơn 1 tuần nữa mới bắt đầu triển khai thu hoạch, nhưng chị Phan Thị Bảy (Chủ nhiệm HTX rau củ quả Hằng Bảy) rất kỳ vọng về vụ lạc năm nay: “HTX có tất cả 25 thành viên. Năm nay, hơn 2,2 ha rau củ quả, đã được phủ kín diện tích, trong đó có 1,2 ha lạc. Thời điểm hiện tại, giá lạc cao hơn năm ngoái nhiều nên bà con rất mừng...”.

Với năng suất bình quân 30 tạ/ha (lạc khô) và 45 tạ/ha (lạc tươi), dù không phải là địa phương có diện tích trồng lớn, trên toàn huyện, nhưng Thạch Văn là xã thu hoạch sớm nhất (trước 25 ngày).

Giá lạc đầu mùa hiện đang ở mức cao, từ 18.000 – 20.000 đồng/kg, hứa hẹn thu về số tiền không nhỏ cho bà con nông dân.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu, cho biết: “Vụ lạc xuân năm nay, toàn huyện xuống giống gần 1.000 ha, đạt 100% kế hoạch.

Riêng Thạch Văn, toàn xã có 40 ha, tập trung nhiều nhất tại các thôn Bắc Văn, Trung Văn, Đông Văn; sản lượng ước đạt 150 tấn lạc khô, 250 tấn lạc tươi.

Hiện tại, người dân đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung nhân lực, vật lực sớm hoàn thành việc thu hoạch. Giá lạc hiện cũng khá cao khiến bà con rất hứng khởi ra đồng...".

Quảng Nam: Chuyển đổi nông nghiệp khu vực hạ lưu sông Thu Bồn

Khu vực hạ lưu hệ thống sông Thu Bồn lâu nay được xem là “vùng trồng trọt” của tỉnh; tuy nhiên do tác động của đô thị hóa, biến đổi khí hậu, khiến vị thế của ngành nông nghiệp ngày càng suy giảm.

Vì vậy, cần những tính toán hợp lý, để nâng cao giá trị  sản xuất, trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp.

 

qn-lac-33.jpg

Chuyên canh đậu phụng, tạo vùng nguyên liệu sản xuất dầu đậu phụng tại Điện Bàn. Ảnh: Q.T

 

Từ lâu, năng suất lúa cùng các loại cây trồng khác, của 3 địa phương Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng nhận định: “Trước đây, vùng nông thôn ở khu vực này, nhất là ở Điện Bàn, đã hội tụ nhiều nền tảng cơ bản về hạ tầng, con người, tư liệu sản xuất…, nên khi triển khai xây dựng nông thôn mới, thì làm rất bài bản và sớm đạt hiệu quả cao”.

Tuy nhiên, do nằm trong khu vực đô thị hóa, du lịch - dịch vụ phát triển rất mạnh, nên đóng góp của ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của 3 địa phương trên ngày càng ít đi.

Hiện, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Duy Xuyên chiếm 11% trong tổng cơ cấu kinh tế huyện, trong khi, con số tương tự của Thị xã Điện Bàn là 7% và Hội An là 5%.

Tỷ lệ tăng trưởng sản xuất của ngành nông nghiệp luôn thấp nhất trong số các ngành, thậm chí tại TP.Hội An, Duy Xuyên, tỷ lệ tăng trưởng ngành nông nghiệp, còn không đạt chỉ tiêu đề ra, trong nhiều năm gần đây.

Theo ông Lê Ngọc Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT, dẫu biết thực trạng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tại các địa phương, trên là xu thế tất yếu. Nhưng tỷ lệ tăng trưởng của Duy Xuyên trong những năm tới, chỉ còn 2,5%/năm, là thấp quá, và cần phải xem lại. Ngay cả Hội An, Điện Bàn cũng nên chú trọng hơn nữa tới mảng này.

Tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp, đang là một cản lực lớn, khi lao động trẻ dần chuyển đổi sang các ngành nghề khác, bởi cơ hội việc làm phi nông nghiệp ở khu vực này luôn dồi dào.

Đơn cử tại huyện Duy Xuyên, lao động trong ngành nông nghiệp đã giảm từ gần 21 nghìn người (năm 2015) xuống chỉ còn hơn 16,3 nghìn người (năm 2020), và dự kiến sẽ tiếp tục giảm sút mạnh, khi các dự án lớn ở khu vực nam Hội An đi vào hoạt động.

Từ việc thiếu hụt lao động và thu nhập thực tế từ nghề nông không cao, tình trạng bỏ hoang đất sản xuất, đang dần diễn ra phổ biến ở các địa phương trên.

Chia sẻ về tình hình phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn với dịch vụ, ông Lê Ngọc Trung nhận định: “Các hợp tác xã, phát triển theo luật mới ở Điện Bàn, cũng như các địa phương lân cận, hiện không nhiều, trong khi đây là hình thức ưu việt cần phải phát huy.

Các hợp tác xã kiểu cũ, có thành viên nhiều, thì nên củng cố, đổi mới phương thức hoạt động, còn các đơn vị ọp ẹp, ì ạch quá nên xem xét cho phá sản, giải tán”.

Ông Lê Ngọc Trung thông tin thêm, các địa phương cần có cơ chế, chính sách, vận động người dân góp vốn, góp đất đai, để sản xuất lớn bởi doanh nghiệp đầu tư vào mảng nông nghiệp không thiếu nhưng hầu hết đều gặp khúc mắc do thiếu đất đai để triển khai.

Ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên nhìn nhận: “Ngành nông nghiệp của huyện thời gian gần đây gặp khó vì thị trường không ổn định, trong khi người nông dân thường rơi vào cảnh đơn độc để xoay xở nên sắp tới, huyện sẽ tính toán để gắn việc phát triển nông nghiệp với phục vụ du lịch”.

Vừa qua Sở NN&PTNT đã phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tiến hành khảo sát, ở một số vùng chịu tác động mạnh, bởi biến đổi khí hậu dọc sông Thu Bồn, để nghiên cứu chuyển đổi cây trồng, tập quán sản xuất, nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Hiện, các khu vực Cẩm Thanh, Cẩm Hà (Hội An) đã gắn được việc canh tác nông nghiệp, với dịch vụ du lịch, từ đó tạo ra nhiều nguồn thu trên diện tích sản xuất.

Với lợi thế của mình, các vùng sản xuất truyền thống giáp ranh đô thị Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) cũng như khu vực bán đô thị nam Đà Nẵng (Điện Bàn) cần được đầu tư, chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang canh tác nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để khai thác thị trường tiêu thụ dồi dào.

Mặt khác, việc canh tác hoa cây cảnh, cũng tạo nguồn thu lớn cho nông dân các địa phương, nhất là Hội An (bình quân hơn 80 tỷ đồng/năm).

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia nông nghiệp, nông dân khu vực này cần thận trọng, khi chuyển đổi, hoặc mở rộng diện tích hoa, cây cảnh. Tốt nhất là hướng đến các sản phẩm mới, để tránh tình trạng bão hòa, rớt giá, gặp khó đầu ra.

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top