Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 2 năm 2021 | 14:28

Trồng 1 tỷ cây xanh: Góp phần phát triển kinh tế từ rừng bền vững

Trồng rừng không chỉ nhằm mục tiêu nâng cao tỷ lệ cây xanh, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai mà còn hướng đến phát triển kinh tế từ rừng bền vững.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.

“Hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây”

Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: Trong 10 năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta. Lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt nam.

 

bac-ho-1.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội (2-1969) (Ảnh tư liệu)

 

Kể từ đó cho tới nay, đã thành truyền thống tốt đẹp, mỗi dịp Xuân về là “Tết trồng cây” thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn Dân và toàn quân ta trồng cây, gây rừng và bảo vệ môi trường sinh thái. Truyền thống đó đã mang lại giá trị thực tiễn, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường như hiện nay.

Còn nhớ, trên báo Hà Đông ra ngày 20/1/1965, trong bài “Hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây”, Bác viết: Muốn xây dựng nông thôn mới, việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ có việc đó cũng đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện, cả nước có 4,3 triệu hecta rừng trồng, trong đó khoảng 3,53 triệu hecta là rừng sản xuất. Nguồn cung cấp gỗ rừng trồng hằng năm lên tới khoảng 48 triệu m3 quy tròn, đáp ứng gần 80% nhu cầu của ngành chế biến gỗ.

Việt Nam đã tham gia Hiệp định Ðối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), ngành chế biến gỗ phải đối mặt với nguồn nguyên liệu hợp pháp ngày một lớn hơn. Do đó, các địa phương phải đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, hướng đến tự chủ nguồn nguyên liệu.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, giai đoạn 2016-2020, cả nước trồng được bình quân 227.000ha rừng tập trung và 67 triệu cây phân tán mỗi năm. Riêng năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và thiên tai, chúng ta vẫn trồng được hơn 230.000ha rừng trồng tập trung và 80 triệu cây phân tán, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 42%. Mở rộng trồng rừng chất lượng là cơ sở đầu tiên để kinh tế rừng, xuất khẩu gỗ và lâm sản đáp ứng yêu cầu thị trường, tăng trưởng bền vững.

Hy vọng xuất khẩu gỗ và lâm sản mang về 14 tỷ USD

Theo PGS. TS. Phạm Văn Điển, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), dù năm 2020 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ và lâm sản, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhưng xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn đạt khoảng 13,17 tỷ USD, vượt 5,4% kế hoạch năm 2020, tăng 16,4% so với năm 2019.

Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 đạt khoảng 2,58 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2019. Xuất siêu ước cả năm đạt 10,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2019.

Những kết quả trên đã tạo đà để ngành lâm nghiệp mạnh dạn đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2021 đạt 14 tỷ USD.

Có thể tăng trưởng trong đại dịch

Tự tin với khả năng đạt 14 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản, các doanh nghiệp cho rằng, người tiêu dùng đã “thích nghi” với Covid-19, tự tin hơn, bình tĩnh hơn trong ứng phó.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (Hawa), trong các đợt Covid-19 vừa qua, ngành gỗ Việt Nam hầu như không bị gián đoạn về sản xuất, không nhà máy nào bị phong tỏa vì có ca nhiễm Covid-19. Do đó, ngành gỗ Việt Nam không những vẫn duy trì được năng lực xuất khẩu mà còn có thể lấp được vào chỗ trống do ngành gỗ ở nhiều nước bị gián đoạn sản xuất bởi dịch bệnh.

Lạc quan về khả năng tăng trưởng xuất khẩu gỗ trong năm 2021, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, phân tích: Dịch bệnh khiến người dân nhiều quốc gia phải ở nhà nhiều hơn, nên nhu cầu mua sắm đồ nội thất, sửa sang nhà cửa tăng lên, nhu cầu mua sắm online cũng tăng, trong đó có đồ gỗ.

 

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn cho biết: “Năm 2021, ngành lâm nghiệp có một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Thứ nhất là, khôi phục diện tích rừng bị ảnh hưởng bởi mưa bão vừa qua tại miền Trung. Thứ hai, tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng trong xuất khẩu gỗ và lâm sản so với năm 2021. Đẩy mạnh việc trồng rừng và khôi phục hiện trạng rừng để đạt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng đặt ra. Quản lý, giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc xin chuyển đổi và sau chuyển đổi mục đích sử dụng rừng”.

 

Không chỉ đề ra mục tiêu 14 tỷ USD trong năm 2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, xuất khẩu gỗ và lâm sản phấn đấu đạt 20 tỷ USD. Về thị trường, duy trì và mở rộng các thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các thị trường trọng điểm; giải quyết kịp thời các vấn đề về thương mại gỗ, lâm sản trên nguyên tắc cùng có lợi, phù hợp với pháp luật các bên và cam kết quốc tế; bảo đảm minh bạch, phát triển các mối quan hệ đối tác lâu dài cả xuất khẩu và nhập khẩu, hướng đến thương mại cân bằng…

Hiệu quả xã hội hóa trồng rừng ở Lạng Sơn

Với lợi thế về đất đồi rừng, năm 2019, gia đình ông Hoàng Văn Hoa ở thôn Đồng Heo, xã Đồng Tân (Hữu Lũng - Lạng Sơn) đầu tư mở rộng diện tích trồng cây lâm nghiệp.

Ông Hoa cho biết, năm 2010, được hỗ trợ vốn trồng rừng sản xuất, gia đình đã trồng hơn 1ha keo, sau 7 năm được khai thác gỗ, gia đình thu được hơn 80 triệu đồng. Thấy trồng rừng mang lại hiệu quả cao, sau khi khai thác gỗ, ông tiếp tục trồng thêm lứa mới, cây sinh trưởng phát triển tốt. Đến năm 2019, gia đình tiếp tục sử dụng quỹ đất lâm nghiệp còn lại trồng thêm 1ha bạch đàn.

Không chỉ người dân xã Đồng Tân, tại các xã như: Hòa Sơn, Quyết Thắng, Hòa Bình… của huyện Hữu Lũng, phong trào trồng rừng cũng  phát triển mạnh, người dân không còn trông chờ vào các dự án hỗ trợ mà tự đầu tư mở rộng diện tích.

Ông Lương Văn Bính, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hữu Lũng, cho biết: Xã hội hóa trồng rừng trên địa bàn huyện bắt đầu được thực hiện từ năm 2011. Hiện, công tác này đã được đẩy mạnh và phát triển. Năm 2020, toàn huyện trồng mới gần 1.700ha rừng, vượt 10% kế hoạch. Trong đó, khoảng 1.530ha rừng được trồng từ nguồn xã hội hóa (chiếm khoảng 80%). Công tác xã hội hóa trồng rừng đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện chỉ tiêu trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp của huyện.

Cùng với huyện Hữu Lũng, phong trào xã hội hóa trồng rừng đã phát triển rộng khắp Lạng Sơn, tiêu biểu như các huyện: Chi Lăng, Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc… Toàn tỉnh có diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp khá lớn (617.973,34ha), chiếm 74,3% tổng diện tích tự nhiên. Hằng năm, chỉ tiêu trồng mới rừng trung bình của Lạng Sơn là 9.000ha.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lạng Sơn, cho biết, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ trồng rừng cho tỉnh mỗi năm không nhiều, trung bình chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu phát triển rừng, Chi cục đã đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNN tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố cân đối, bố trí kinh phí thuộc ngân sách huyện hỗ trợ cho các hộ dân trồng cây phân tán; chỉ đạo các huyện, thành phố đặc biệt quan tâm, chú trọng huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư bảo vệ và phát triển rừng.

Tỷ lệ cây xanh đô thị còn ở mức thấp

Theo các chuyên gia, để duy trì sự phát triển của ngành lâm nghiệp, chúng ta cần có chiến lược dài hơi.

 

nxp.JPG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Tết trồng cây hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh "Vì một Việt Nam xanh" tại tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Thống Nhất.

 

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trình Chính phủ phê duyệt đề án trong 5 năm tới, cả nước trồng 1 tỷ cây xanh, hướng đến mục tiêu nâng cao tỷ lệ cây xanh, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai và phát triển kinh tế từ rừng bền vững.

Chia sẻ về mục tiêu xây dựng đề án, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng, tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Các hình thái thiên tai cực đoan như mưa to, bão liên tục, lũ lụt, sạt lở đất, nắng hạn kéo dài… gia tăng cả về cường độ và tần suất. Cây xanh có vai trò vô cùng quan trọng trong bảo vệ môi trường, được xem như là lá phổi xanh của trái đất, giúp điều hòa, làm sạch môi trường.

Thực tế tại Việt Nam, tỷ lệ che phủ rừng có tăng nhưng chất lượng rừng tự nhiên vẫn chưa cao, rừng phòng hộ chưa phát huy đầy đủ chức năng.

Thống kê cụ thể của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, diện tích rừng và tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc liên tục tăng, từ 40,84% (năm 2015) lên 42% (năm 2020). Nhưng trong 15 năm qua, rừng phòng hộ trên cả nước đã mất 0,6 triệu hecta; riêng giai đoạn 2006 - 2015, diện tích rừng phòng hộ giảm từ 5,2 triệu hecta xuống còn 4,4 triệu hecta và từ năm 2015 đến nay, diện tích rừng phòng hộ tương đối ổn định ở mức 4,6 triệu hecta.

Diện tích rừng tuy có tăng nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học của một số trạng thái rừng tự nhiên còn bị giảm hoặc tăng chậm. Chất lượng rừng tự nhiên thấp. Theo kết quả điều tra, kiểm kê rừng năm 2016, chỉ có 8,75% diện tích rừng tự nhiên là rừng giàu, còn lại là rừng trung bình (24,79%), rừng nghèo (53,45%) và rừng nghèo kiệt phục hồi (13,01%).

Đối với cây xanh đô thị, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận, tỷ lệ đất cây xanh, công viên đạt rất thấp so với tiêu chuẩn quy định. Cây xanh ở đô thị nước ta chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Nếu so với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp. Điển hình tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, con số này chỉ đạt khoảng 2 - 3 m2/người, không đạt quy chuẩn và chỉ bằng 1/5-1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

Rừng và cây xanh mang lại nhiều giá trị gia tăng

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh sẽ được bắt tay thực hiện trong năm 2021. Cũng theo kế hoạch, trong 5 năm tới, sẽ có 690 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây xanh trồng tập trung ở rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ông Trị, ngay trong năm nay, cả nước sẽ khởi động trồng 182 triệu cây xanh, trong đó khoảng 120 triệu cây là cây xanh phân tán. Từ năm 2022 trở đi, mỗi năm cả nước sẽ tồng mới 204,5 triệu cây xanh.

Cũng theo tính toán của Tổng cục Lâm nghiệp, với 1 tỷ cây xanh được trồng mới trong giai đoạn 2021-2025, sẽ góp phần nâng tỷ lệ cây xanh trên đầu người; nâng cao chất lượng rừng và tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai.

Đặc biệt, 1 tỷ cây xanh trồng mới mang lại nhiều lợi ích về kinh tế. Cụ thể, với 690 triệu cây xanh phân tán đô thị và nông thôn còn cho sản phẩm là hoa, quả, thực phẩm dược liệu…, góp phần tạo thu nhập tăng thêm từ lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho tiêu dùng thông qua các mô hình nông - lâm - ngư kết hợp cho người dân tham gia trồng và bảo vệ cây xanh.

Ngoài ra, 150.000ha rừng trồng sản xuất hình thành từ đề án này ước tạo ra được 15 triệu m3 gỗ, củi phục vụ tiêu dùng và chế biến. Còn tổng diện tích 180.000ha rừng được trồng mới và bảo vệ, dự kiến  hấp thụ khoảng 9 triệu tấn CO2, tương ứng với giá trị 45 triệu USD. Ngoài ra, rừng và cây xanh mang lại nhiều giá trị gia tăng cho các dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dịch vụ môi trường rừng.

Đối với từng loại cây trồng, trồng cây gì ở khu vực nào để phát huy cao nhất giá trị của cây xanh và rừng, Tổng cục Lâm nghiệp kiến nghị các địa phương lựa chọn theo hướng dẫn, danh mục cây xanh trong tiêu chuẩn TCVN 9257:2012.

Trồng 1 tỷ cây xanh ở đâu, khi nào?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Bộ đã xây dựng đề án cụ thể để triển khai ý tưởng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc triển khai Chương trình “trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới”.

Theo Bộ trưởng, để triển khai sáng kiến của Thủ tướng, Bộ giao cho Tổng cục Môi trường xây dựng đề án; trong đó xác định rõ mục tiêu cụ thể; tập trung vào bổ sung, phục hồi, tái tạo diện tích cây có chức năng sinh thái. Khôi phục các hệ sinh thái đang bị vỡ, đảm bảo cho các hệ sinh thái được bền vững với tự nhiên.

“Thông qua ý tưởng trồng 1 tỷ cây xanh, tôi cho rằng mỗi người dân, mỗi tổ chức, mỗi địa phương đều có riêng cho mình một sáng kiến đối với việc trồng cây. Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi thái độ của cá nhân đối với tự nhiên đang chịu tác động lớn của việc phát triển kinh tế, việc mất cân bằng sinh thái tự nhiên đang là một nguy cơ nguy cấp”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Theo Bộ trưởng Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét ở nhiều góc độ để triển khai ý tưởng này, để việc trồng cây không đơn thuần là một con số cụ thể mà còn giúp phục hồi thiên nhiên về mặt sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, là di sản để lại cho các thế hệ sau này.

Ngày 17/2, ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động.

 

Phấn đấu trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025

 

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ đã trở thành phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khởi đầu cho các hành động bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng hằng năm của các ngành, các cấp và nhân dân ta, góp phần quan trọng, thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển bền vững đất nước.

Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn, mặn gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản nhân dân, đang đặt ra yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng quyết liệt hơn, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài.

Ngày 31/12/2020, ngày cuối cùng của năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. 

Qua đó, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua, khắc phục tồn tại, bất cập, đồng thời chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng ngay dịp Tết Tân Sửu năm 2021, cả nước chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, xuân Tân Sửu năm 2021 với chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn 1,5 lần và từ năm 2022 đến 2025 cao gấp 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020.

Các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây thành phong trào thi đua của mọi cấp, mọi ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia của mọi người dân; tập trung ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế khác, khu dân cư tập trung, khu văn hóa - lịch sử, khu tưởng niệm, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp...

Chỉ tiêu này không bao gồm cây trồng rừng thay thế và cây trồng rừng tái canh sau khai thác gỗ. Ưu tiên lựa chọn loài cây trồng gỗ lớn, lâu năm, đa mục tiêu, gắn với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Hằng năm, tổ chức giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời giải quyết vướng mắc, nhân rộng mô hình tốt, đảm bảo thực hiện chương trình thành công.

 

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    ĐBSCL chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với hạn, mặn

    Trước tình trạng hạn, mặn ngày càng diễn ra nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất đã thích ứng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu được dự báo sớm và biết cách thích ứng tốt, nông dân vẫn có thể sống khỏe giữa hạn, mặn.

  • Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất đai bằng phẳng, những năm qua người dân xã Phúc Trạch, xã Hương Khê (Hà Tĩnh) không ngừng mở rộng diện tích trồng cây gió trầm. Với nhiều chính sách khuyến khích trong đầu tư phát triển kinh tế, nhất là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, cây gió trầm đã góp phần quan trọng giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

  • Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình là địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Nếu kết hợp hiệu quả giữa nuôi cá lồng và du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình sẽ là hướng phát triển kinh tế bền vững.

Top