Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 27 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 3 tháng 9 năm 2017 | 3:24

Trồng lúa, nông dân Việt khó ngẩng đầu

Là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, nhưng sản phẩm phải “ở nhờ” thương hiệu, nông dân vẫn nghèo khó. Các chuyên gia cho rằng, chúng ta đang “ôm” quá chặt về vấn đề an ninh lương thực, chưa tạo cơ hội cho nông dân sản xuất hàng hóa giá trị cao để tăng thu nhập, giúp họ đổi đời trên mảnh ruộng của mình.

Do thu nhập thấp, nông dân trồng lúa vẫn là thành phần nghèo khó nhất. Ảnh: Hòa Hội.

GS Võ Tòng Xuân, nhà nghiên cứu hàng đầu về lúa gạo ở Việt Nam suy tư rằng, Việt Nam đã xuất khẩu gạo gần 30 năm qua, nhưng nông dân vẫn loay hoay “vài ba cây lúa”, gạo Việt vẫn chưa có thương hiệu và đến nay đa phần nông dân vẫn nghèo khó.

Nông dân vẫn cơ cực

Theo vị chuyên gia này, hầu hết các quốc gia bắt đầu từ nông nghiệp. Nông nghiệp khá lên, nông dân mới cải thiện đời sống, khi đó, sức mua tăng lên kích cầu công nghiệp, dịch vụ… Thế nhưng, nhìn lại mới thấy, từ lúc chúng ta giành được độc lập và hơn 40 năm thống nhất đất nước, ngành nông nghiệp và nông dân đúng là “có tiếng mà không có miếng”.

Vì sao nông dân Việt mãi nghèo? GS Xuân cho rằng, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông sản thô, giá thấp, nông dân trồng lúa thu nhập thấp. Hầu hết nông dân đến lúc thu hoạch lúa, chỉ muốn “bán tống” cho nhanh để lấy tiền trả nợ phân bón, thuốc trừ sâu… Nông dân chưa được tạo điều kiện để sản xuất loại nông sản có giá trị cao hơn và chỉ tập trung trồng lúa số lượng lớn, chứ không phải chất lượng.

“Chúng ta vẫn ôm chính sách về an ninh lương thực chặt quá, đến nỗi, nó trở thành chỉ tiêu để thăng quan tiến chức cho cán bộ. Địa phương nào trồng nhiều lúa thì cán bộ được đề bạt xã lên huyện, huyện lên tỉnh… Nhưng cũng vì ôm chặt chính sách trên, nông dân trồng lúa so với “năm châu, bốn biển” vẫn nghèo nhất”.

Điểm qua những thời kỳ, theo GS Xuân, vấn đề an ninh lương thực vẫn ám ảnh ngay cả lúc Việt Nam đã xuất khẩu được gạo năm 1989. Đến năm 2000, Chính phủ mới có chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nhưng cũng chưa thực hiện được, và tới 13 năm sau (năm 2013) mới có chương trình tái cơ cấu nông nghiệp.

Dẫu vậy, từ năm 2013 đến năm 2016- năm ĐBSCL bị hạn mặn lịch sử, vẫn chưa chuyển đổi được gì nhiều. “Nông dân trồng lúa cơ cực mà vẫn bắt trồng lúa. Tôi nằm nghĩ hoài mà thấy buồn, nếu cứ áp cho nông dân trồng ba cây lúa, không biết chừng nào đất nước mình mới ngóc đầu lên được”, GS Xuân nói.

GS Xuân cũng cho rằng, không nhất thiết phải giữ 3,8 triệu ha đất lúa như hiện nay; chỉ nên trồng lúa ở nơi thuận lợi nguồn nước, dinh dưỡng tốt, không cần phải bón nhiều phân và phải trồng lúa chất lượng cao.

Còn với những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả, có thể chuyển sang thủy sản hoặc trái cây. Một trái xoài bán sang Nhật giá tới 250.000 đồng. Hay ở miền Bắc, như vùng Hải Dương, không nhất thiết phải làm lúa cả vì đã có miền Nam lo lương thực, có thể trồng vải thiều vì giá trị gấp 4-5 lần trồng lúa...

Cùng góc nhìn trên, TS Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư cho rằng, chúng ta vẫn cứng nhắc bảo vệ 3,8 triệu đất trồng lúa; chính sách còn nửa vời trong các chương trình chuyển đổi. Thực tế, rất ít xã có kế hoạch chuyển đổi cây trồng.

Dẫn các số liệu nghiên cứu, ông Vinh cho hay, hộ trồng lúa có thu nhập từ nông nghiệp trung bình chỉ 1.567.000 đồng/người/năm, trong khi hộ không phải trồng lúa thu nhập 2.139.000 đồng/người/năm trở lên. Nếu chuyển đổi 19% diện tích đất canh tác lúa hiện nay sang cây trồng khác, Việt Nam có khả năng thu được khoảng 6 tỷ USD trong vòng 20 năm.

Loay hoay chuyển đổi, ăn nhờ thương hiệu

Theo GS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó Giám đốc Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, ở ĐBSCL, câu hỏi tái cơ cấu nông nghiệp là gì, trả lời bà con nông dân không đơn giản.

Bài toán đặt ra là, ở vựa lúa này, nếu không trồng lúa thì làm gì để nông dân giàu lên? GS Bửu cho biết kế hoạch chuyển đổi gần 80 nghìn ha lúa kém hiệu quả sang trồng màu ở ĐBSCL đã có, nhưng vẫn loay hoay trong thực tế.

“Khi đưa cây ngô vào thay lúa, dân cũng không vui lắm, vì giá thành cao, giá bán thấp. Còn với đậu nành, Đồng Tháp là tỉnh trồng lớn nhất với khoảng 8.000 ha, nay cũng giảm mất vài nghìn ha. Chưa kể, những ngành trên chi phí cao nên khó lãi nhiều”- GS Bửu nói.

Theo GS Bửu, lúa vẫn là sản phẩm quốc gia và Việt Nam nên dựa vào lợi thế của mình, chọn loại giống lúa cấp thấp hơn Thái Lan một chút, vẫn có thị trường riêng.

Từ góc độ nghiên cứu, GS Bửu cũng cho rằng, 10 năm qua, trung bình mỗi năm, Việt Nam đầu tư hơn 600 tỷ đồng cho khoa học công nghệ nông nghiệp là “rất khiêm tốn”. Tuy nhiên, một nửa trong đó để trả lương, một phần còn lại để đầu tư hạ tầng, nghiên cứu.

Nhìn từ khía cạnh một doanh nhân đầu tư vào ngành lúa gạo, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, Việt Nam có thể giảm 800-900 nghìn ha trong 3,8 triệu ha trồng  lúa.

Theo ông, lúa gạo vẫn là một ngành, nó ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập nông dân cũng như nền kinh tế cả nước. “Mấu chốt nhất vẫn là đầu tư vào nông nghiệp rất yếu. Bảo ưu đãi thế này, thế kia nhưng thực tế rất khó. Đó là nguyên nhân sâu xa khiến gạoViệt Nam giá trị không cao, không có thương hiệu”- ông Bình nói.

Theo ông Bình, nhiều loại gạo khách hàng có nhu cầu nhưng chúng ta không có mà bán, vì mình toàn trồng thứ người ta không cần. “Còn ông nào kêu gạo Việt Nam thừa, chứng tỏ ông đầu tư vào nông nghiệp không ra được sản phẩm đáp ứng thị trường. Muốn có gạo phù hợp, để thị trường tranh nhau mua, thì phải đầu tư, không thể chỉ nói miệng, rồi để nông dân và doanh nghiệp tự bơi được”, ông Bình phân tích.

Vị doanh nhân này nói: “Chúng vẫn hô hào doanh nghiệp phải gắn kết nông dân, nhưng gắn thế nào, nói nghe coi? Gắn được, nhưng anh phải có cơ chế chính sách chứ. Đầu tư cho trồng lúa là đầu tư rủi ro cao nhất, chẳng ông nào muốn làm cả ngoài nông dân. Có ông đại gia nào đi trồng lúa không? Tôi 20 năm nay theo ngành này rồi, và giờ cũng chả có cái nghề gì cả thì tôi phải theo thôi, chứ giàu đâu”.

Trong khi đó, vấn đề thương hiệu gạo, nông sản Việt trên trường quốc tế khiến nhiều người ngậm ngùi. Chủ tịch, Tổng giám đốc Vinamit Nguyễn Lâm Viên chia sẻ rằng, rất nhiều nông sản Việt phải “ăn nhờ, ở đậu” dưới tên thương hiệu của nước ngoài.

Ông Viên lấy thí dụ: “Việt Nam xuất khẩu gần 50% gạo sang thị trường Trung Quốc, nhưng vào nước này hỏi xem có ai biết gạo Việt Nam không? Xin thưa không, họ chỉ biết gạo Thái thôi. Việt Nam xuất khẩu rất nhiều cà phê, nhưng trong danh mục các công ty xuất cà phê vào Mỹ, không có cái tên nào của Việt Nam và họ cũng chẳng biết hạt cà phê của Việt Nam ra sao. Nhưng khi tôi uống, thực chất đó là cà phê Việt Nam”.

Vậy làm thế nào để thương hiệu nông sản Việt có tên trên thị trường quốc tế? Chủ tịch Vinamit nêu vấn đề: “Doanh nghiệp của anh có đủ kinh nghiệm bước vào thị trường đó không? Anh đủ năng lực để vận hành nó một cách bài bản không? Và cơ hội nào để anh lọt vào kênh đó được? Đó là điều các doanh nghiệp Việt phải nghĩ đến.”.

Tuy nhiên, ông Viên cũng tin tưởng, nông sản Việt còn những khe cửa như Vinamit vẫn đang đi. Nhưng con đường đó có thành công hay không, cần hỗ trợ rất nhiều. “Nhà nước phải tìm ra những “chim đầu đàn” và nói thật làm thật, có chương trình hỗ trợ như Thái Lan, cả về truyền thông, xúc tiến thương mại…”- ông Viên nói.

“Chúng ta vẫn ôm chính sách về an ninh lương thực chặt quá, đến nỗi, nó trở thành chỉ tiêu để thăng quan tiến chức cho cán bộ. Địa phương nào trồng nhiều lúa thì cán bộ được đề bạt xã lên huyện, huyện lên tỉnh… Nhưng cũng vì ôm chặt chính sách trên, nông dân trồng lúa so với “năm châu, bốn biển” vẫn nghèo nhất”.

GS Võ Tòng Xuân

Theo PHẠM ANH/tienphong.vn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính: '3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá' để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động

    Thủ tướng Phạm Minh Chính: '3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá' để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động

    Nhấn mạnh nâng cao năng suất lao động đã trở thành một vấn đề rất quan trọng, mang tính sống còn đối với tất cả các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tập trung thực hiện "3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá" để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động, tạo môi trường sinh thái tốt nhất cho người lao động phát huy tính sáng tạo, đổi mới, yêu nước, yêu nghề.

  • Thực hiện Nghị quyết số 43: Cần tiếp tục có những giải pháp căn cơ, cốt lõi hơn

    Thực hiện Nghị quyết số 43: Cần tiếp tục có những giải pháp căn cơ, cốt lõi hơn

    Họp phiên toàn thể tại hội trường vào ngày 25/5, Quốc hội thảo luận về báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023".

  • Huy động tổng lực, quyết không lùi tiến độ đường dây 500 kV mạch 3

    Huy động tổng lực, quyết không lùi tiến độ đường dây 500 kV mạch 3

    Sáng 23/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về việc triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối, các phương án bảo đảm cung ứng điện trong thời kỳ cao điểm năm 2024, 2025 và các năm tiếp theo.

  • Long An đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Long An đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Năm 2024 tỉnh Long An có kế hoạch chuyển đổi 8.517 ha cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Theo UBND tỉnh Long An Việc chuyển đổi này nhằm mục đích chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây hàng năm, lâu năm hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc: Chủ động kiến tạo để phát triển

    Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc: Chủ động kiến tạo để phát triển

    Quy hoạch vùng tập trung vào xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành-vùng-tỉnh đồng thời mạnh dạn tái cơ cấu kinh tế, tổ chức lại không gian phát triển vùng nhanh, bền vững.

  • Sơn La đẩy mạnh kết nối tiêu thụ trái cây

    Sơn La đẩy mạnh kết nối tiêu thụ trái cây

    Đến đầu tháng 5, tỉnh Sơn La đã tiêu thụ khoảng gần 40.000 tấn quả các loại, giá trị đạt trên 755 tỷ đồng. Để tạo điều kiện cho việc tiêu thụ, ngay từ đầu năm Sơn La đã chủ động kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.

Top